Việt Nam-Nga nhất trí chia sẻ thông tin an ninh quốc tế
Chiều 9-10, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp ông Lukianov Epgeni Vladimirovich - Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chức năng của hai bên trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Phó Thủ tướng cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga là cơ hội tốt để hai bên trao đổi sâu rộng các vấn đề mà hai bên đã, đang và sẽ triển khai hợp tác trong thời gian tới.
Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Lukyanov khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy của Nga và hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng một cách hiệu quả. Hai bên nhất trí cần thường xuyên chia sẻ thông tin về các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm, tiếp tục cơ chế phối hợp hành động chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế…
-----------------------
Đáp ứng yêu cầu bảo vệ thủ đô trong mọi tình huống
Ngày 9-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương và chúc mừng thành tích của Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và kế hoạch thực hiện của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức nghị quyết này; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng TP Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
Chủ tịch căn dặn các bộ, ngành, thủ đô Hà Nội đảm bảo trang bị cơ sở vật chất cho hệ thống sở chỉ huy và doanh trại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thủ đô Hà Nội trong mọi tình huống.
-----------------------
Bất minh hàng chục tỉ đồng tại dự án kè sông Tiền
Dự án đường và kè sông Tiền do UBND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) làm chủ đầu tư được chia làm 4 gói thầu, bao gồm các công trình kè bảo vệ bờ có chiều dài 2.625 m; phần đường có chiều dài 2.580 m, mặt đường rộng 12 m, tổng mức đầu tư 389,9 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009 đến 2012 (sau đó gia hạn đến cuối năm 2014).
Theo kết luận thanh tra (KLTT) do Chủ tịch UBND tỉnh ký, thì tổng số tiền sai phạm trong dự án này lên tới 42,198 tỉ đồng. Trong đó, giá trị chênh lệch giữa giá thầu thực hiện và giá tính toán lại gần 9 tỉ đồng; thanh toán bù giá nhân công và máy thi công không đúng quy định hơn 1,2 tỉ đồng. Riêng gói thầu số 4, đối chiếu hồ sơ, biên bản nghiệm thu khối lượng với thực tế thi công ở hiện trường, thì tại thời điểm ghi trong hồ sơ nhà thầu thi công chưa có khối lượng như trong bản xác định khối lượng công việc hoàn thành theo đề nghị thanh toán. Thế nhưng Ban Quản lý dự án và tư vấn giám sát vẫn ký xác nhận khống cho nhà thầu, đồng thời giải ngân số tiền hơn 21,4 tỉ đồng. “Chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, thanh toán khối lượng… và không cương quyết xử lý đối với nhà thầu thi công thiếu năng lực, thi công cầm chừng hoặc cố tình ngừng thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án”, KLTT nêu rõ.
Về trách nhiệm cá nhân, KLTT buộc ông Trần Văn Kết, nguyên Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho - Trưởng ban Quản lý dự án (nay là Trưởng ban Quản lý các dự án của tỉnh) phải chịu trách nhiệm vì thiếu chỉ đạo, kiểm tra, có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý. Hai Phó chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho là ông Mai Thanh Minh (phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản) và ông Nguyễn Hoàng Đảm (Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu) đã không phân tích, đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ dự thầu, các nhà thầu không đạt năng lực so với hồ sơ mời thầu nhưng vẫn xét trúng thầu…
Với mức độ sai phạm nghiêm trọng nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển toàn bộ nội dung kết luận thanh tra sang cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi có dấu hiệu cố ý làm trái quy định pháp luật của các cá nhân, đơn vị có liên quan.
-----------------------
Thống đốc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản thăm TPHCM
Chiều tối 8.10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã có buổi tiếp xã giao ông Masaru Hashimoto, Thống đốc tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) trong chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Chủ tịch UBND TPHCM đã giới thiệu khái quát tình hình kinh tế, xã hội của TPHCM cũng như những hoạt động hợp tác của TPHCM với các địa phương của Nhật Bản trong thời gian qua. Nằm trong chiều dài 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, mối quan hệ của TPHCM với các thành phố của Nhật Bản đã được bắt đầu từ năm 2007 với nhiều công trình quan trọng có sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản như sân bay Tân Sơn Nhất và mới đây nhất là tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.
Thống đốc Masaru Hashimoto đã chân thành cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của lãnh đạo TPHCM, đồng thời mong muốn trong thời gian tới Ibaraki sẽ có những đóng góp tích cực trong sự phát triển của thành phố, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và văn hóa.
-----------------------
Trưởng Ban Kinh tế TƯ làm việc với 4 tỉnh miền Trung
Ban Kinh tế Trung ương làm việc trong 7 ngày với 4 tỉnh miền Trung về tình hình phát triển kinh tế tại các tỉnh này.
Từ ngày 5 đến 11/10, đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu có chuyến làm việc tại các tỉnh miền Trung Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung làm việc là đánh giá những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhiệm kỳ 2010 – 2015 và tình hình kinh tế xã hội 9 tháng 2014.
Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tình hình thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 9 tháng năm 2014 tại các địa phương trên.
Tại các buổi làm việc, Thường trực tỉnh ủy 4 tỉnh miền Trung cũng đã kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tăng cường đầu tư, hỗ trợ vốn cho các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm, có chương trình tổng thể phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh để có sự bứt phá trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt giúp Quảng Trị, Quảng Bình, nơi đã chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt vượt qua khó khăn và tránh thụt hậu, trọng tâm đầu tư phát triển khu kinh tế biển; sớm triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường cao tốc, đồng thời tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đối với việc khai thác tiềm năng, lợi thế hành lang kinh tế Đông Tây; hỗ trợ, đầu tư kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu có chính sách đặc thù với các tỉnh nghèo để có điều kiện phát triển thuận lợi hơn, quan tâm đưa các dự án động lực hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn…
Ông Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện của Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thuộc 5 nội dung trên, đồng thời gợi mở, xác định một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong nhiệm kỳ tới (2015-2020).
Kết quả của buổi làm việc với các tỉnh miền Trung sẽ giúp cho Ban Kinh tế Trung ương có thêm những số liệu, luận cứ thực tiễn trong quá trình nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội; đóng góp vào việc xây dựng báo cáo và văn kiện Đại hội XII của Đảng.
-----------------------------