Trong vòng ba quý, doanh nghiệp tốn đến 60-70 triệu đồng tiền giấy và mực chỉ để in báo cáo và phải chở bằng ô tô đến hải quan.
Hàng loạt nỗi thống khổ của DN xuất nhập khẩu vì gánh nặng thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa… được nêu ra tại hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hội thảo do dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG) và CIEM tổ chức vào ngày 10-10.
Một cổ ba, bốn tròng
Bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn dự án GIG, cho biết ba cuộc khảo sát thủ tục xuất nhập khẩu cho thấy các DN xuất nhập khẩu ngoài gánh nặng về thủ tục hải quan còn phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh cảng và hãng tàu. Bên cạnh, DN còn phải chịu vô vàn thủ tục kiểm tra của các cơ quan quản lý chuyên ngành khác.
Bà An dẫn chứng: “Chỉ trong vòng ba quý, Samsung tốn 60-70 triệu đồng tiền giấy và mực chỉ để in báo cáo, mất rất nhiều người để làm các báo cáo này. Đến khi muốn báo cáo lên hải quan thì họ phải chở bằng ô tô. Còn tại Cục Công tác phía Nam của Bộ Công Thương, trong vòng hai tuần họ phải lưu trữ đến 51 bao tải báo cáo của DN”. Bà An còn cho biết DN xuất nhập khẩu phải chịu bao nhiêu loại phí cảng và hãng tàu. Trong chi phí 10-12 triệu đồng làm thủ tục nhập khẩu một container thì DN phải mất 50% cho phí hãng tàu và có nhiều loại phí không minh bạch. DN lại còn phải xuất trình giấy tờ xe tải trọng phù hợp thì mới được lấy hàng…
Song bà An cho rằng các thủ tục kiểm tra chuyên ngành mới là gánh nặng chính cho DN trong quá trình thông quan. Hiện 50%-60% hàng nhập khẩu phải chịu sự rà soát, kiểm tra của quản lý chuyên ngành. Có 10 vấn đề đang gây vướng mắc cho DN từ việc quản lý chuyên ngành. Danh mục hàng hóa cần quản lý chuyên ngành quá nhiều nhưng không rõ ràng, thiếu quy chuẩn, thủ tục phức tạp, tình trạng quản lý chồng chéo, có quá nhiều tổ chức kiểm tra, kiểm định…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngán ngẩm: “Tôi cảm nhận nỗi thống khổ của DN xuất nhập khẩu. DN bị ép tứ bề, từ cơ quan nhà nước đến chủ tàu, cảng… Mọi thứ thực sự đều rất khó khăn”.
Khóc ròng với cách quản lý “bắn nhầm còn hơn bỏ sót”
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng năm nay là năm khủng hoảng hải quan, DN xuất nhập khẩu nào cũng than với việc thông quan. “Có những vấn đề đang thực hiện hải quan điện tử, việc kê khai cập nhật thông tin thực hiện qua mạng nhưng do hệ thống trục trặc lại chuyển qua làm tay. Sau đó cán bộ không cập nhật vào hệ thống. Điển hình như vấn đề thanh khoản, nhiều DN “khóc” từ địa phương “khóc” lên tổng cục nhưng không được giải quyết. Vấn đề này không phải do DN, không do quy định mà do người thực hiện, hệ thống mạng nhưng người chịu tổn thất lại là DN” - bà Dung bức xúc nói.
Ông Nguyễn Minh Chính, Phó Tổng trưởng phòng Khai thuê hải quan Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long, cũng đưa ra dẫn chứng về mặt hàng hóa chất NaOH. Theo quy định các mặt hàng có 32% NaOH trở lên phải xin phép. Nếu loại hóa chất này nằm riêng thì phải xin phép là hợp lý. Nhưng nhiều mặt hàng hóa chất này nằm trong sản phẩm đã qua kiểm tra trước đó rồi vẫn phải xin phép là không hợp lý. Mặt hàng thép cũng vậy. Thực tế hiện nay không một đơn vị nào kiểm định được hàm lượng hóa chất trong thép. Đưa ra các trung tâm kiểm định chỉ là để đi mua giấy phép thôi chứ không kiểm tra được.
-------------------------------------
Khởi tố 6 đối tượng vụ sàn vàng "khủng" hàng trăm tỉ đồng
Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam của cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đối với 6 đối tượng của Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các đối tượng của Cty Khải Thái bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Hsu Ming Jung (tên gọi khác là Saga), người Đài Loan (Trung Quốc); Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc công ty, Đoàn Thị Luyến, Giám đốc điều hành chi nhánh Cầu Giấy; Đinh Thị Hồng Vinh, Giám đốc điều hành chi nhánh Long Biên; Tăng Hải Nam, Giám đốc điều hành chi nhánh Ba Đình và Trịnh Hòa Bình, kế toán trưởng Công ty.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đối tượng Saga đã điều khiển 5 đối tượng còn lại thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các khách hàng.
Cơ quan điều tra đã làm rõ, bằng thủ đoạn tuyển hàng trăm nhân viên tư vấn, dạy các nhân viên này cách tìm khách hàng, tư vấn cho họ kí kết hợp đồng ủy thác với khách hàng và nói với khách hàng tiền ủy thác này Công ty đầu tư kinh doanh vàng tài khoản mang lại lợi nhuận cao cho khách hàng.
Để lôi kéo các nhà đầu tư, công ty Khải Thái quảng cáo có một đội ngũ chuyên gia ngồi tại Đài Loan để chơi vàng trên các sàn giao dịch Forex tại Quảng Đông, Hồng Kông (Trung Quốc). Công ty đã đưa ra mức lãi suất cho tiền đầu tư của khách hàng rất cao, từ 3-3,5% /tháng, tức 36 đến 42%/ năm để dụ dỗ người tham gia.
Bằng thủ đoạn trên, Cty Khải Thái đã thu hút được hàng nghìn khách hàng đầu tư tiền vào. Kết quả điều tra bước đầu, cơ quan chức năng xác đinh, Công ty Khải Thái đã huy động được khoảng 2.000 tài khoản ủy thác đầu tư với số tiền khoảng 200 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 1/10, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) phối hợp cùng C45 đã tiến hành bắt tạm giam giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư Khải Thái đồng thời tiến hành khám xét cùng lúc 3 địa điểm của Công ty này tại Tầng 18, Phòng 3, Toà nhà Charmvit (117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội); tại Tầng 11 tòa nhà PLASCHEM (số 562 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, HN) và tại Tầng 18 tòa nhà Lotte (Số 54 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình, HN).
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng chục tỉ đồng tiền mặt, nhiều tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc kinh doanh trái phép và huy động vốn với lãi suất “khủng”.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã làm rõ, sau khi gom được số lượng tiền rất lớn của các nhà đầu tư ủy thác gửi tiền, trên thực tế Công ty Khải Thái không hề đầu tư lĩnh vực gì. Các đối tượng sử dụng tiền thu được để trả chi phí hoạt động của Công ty, trả lãi suất cho mọi người để làm tin và… tuồn lượng tiền lớn ra nước ngoài.
Đến khi bị bắt giữ, cơ quan Công an vẫn thu được một số lượng tiền mặt rất lớn bao gồm hơn 56 tỷ đồng, một số lượng tiền USD, nhân dân tệ tại két của Công ty và nhà riêng của đối tượng Saga.
---------------------------------
Hàng loạt đơn vị thi công QL1 trốn nộp phạt
Hôm qua 10.10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận xung quanh tình hình tai nạn tăng cao do thi công tuyến QL1 đi qua tỉnh này.
Tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 Nguyễn Công Thanh cho hay thanh tra đường bộ đã lập 60 biên bản vi phạm, trong đó có 43 biên bản vi phạm là đơn vị thi công. Ông Thanh cho rằng, nhiều đơn vị thi công không làm theo phương án đã được duyệt và “điểm mặt” các đơn vị vi phạm như Công ty Nam Việt, Công ty Pacific, Công ty Tuấn Lộc, Công ty Huy Hoàng, Tổng công ty đường thủy, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6)...
Chánh thanh tra Sở GTVT Bình Thuận Huỳnh Ninh Thạch cũng nhắc lại tại buổi làm việc là đến ngày 7.10, thanh tra đã xử phạt 17 đơn vị với số tiền gần 300 triệu đồng nhưng mới chỉ có Tổng công ty đường thủy nộp phạt.
-------------------------
Mạo danh cán bộ Bộ Công thương, Tài chính để lừa đảo
Tự nhận mình là cán bộ của Bộ Công thương, Tài chính đến các địa phương để khảo sát xây dựng chợ theo mô hình “Nông thôn mới” rồi hướng dẫn các địa phương làm thủ tục xin hỗ trợ vốn, đối tượng đã lừa đảo hàng trăm triệu đồng.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng vừa bắt tạm giam đối tượng Tống Thị Hòa (SN 1980, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2014, Hòa đã cũng với một số đối tượng khác giả danh là cán bộ của Bộ Công thương và Bộ Tài chính về các địa phương của miền Trung để khảo sát, xây dựng dự án chợ theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khoảng tháng 7/2014, thông qua mối quan hệ quen biết với một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, Hòa cùng nhóm người tự xưng là đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Công Thương đến làm việc với UBND huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) “nổ” là đi khảo sát tình hình trên địa bàn huyện để lên phương án cấp vốn xây dựng chợ.
Theo đó, mỗi chợ sẽ được cấp vốn từ 50 đến 70 tỉ đồng. Hòa còn “nổ” mình là người trực tiếp duyệt cấp vốn cho các địa phương để xây chợ và hướng dẫn chính quyền địa phương làm tờ trình xin cấp vốn.
Sau đó, UBND huyện Quảng Điền có tờ trình xin Bộ Công thương và Tài chính xây dựng chợ với số vốn 50 tỉ đồng. Sau khi có tờ trình, Hòa cùng nhóm đối tượng đi tìm các công ty xây dựng để mời nhận thầu.
Để được nhận thầu công trình, các công ty xây dựng phải trả tiền “hoa hồng” cho Hòa và nhóm đối tượng hàng trăm triệu đồng. Tổng cộng có 6 công ty xây dựng đã đưa tổng cộng 800 triệu đồng cho Hòa. Sau khi nhận tiền, Hòa cùng nhóm đối tượng “lặn” một hơi.
Tại Đà Nẵng, Hòa móc nối với một đối tượng tên P.C.C. làm cầu nối để gặp gỡ lãnh đạo một quận trên địa bàn. Sau khi có tờ trình của UBND quận này gửi Bộ Công thương và Tài chính xin cấp vốn xây chợ và các loại giấy tờ cần thiết, Hòa dùng để lừa Công ty TNHH Xây dựng P.T. (đóng trụ sở ngay tại quận này) lấy hàng trăm triệu đồng rồi bỏ trốn.
Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.