Trung Quốc ngưng lấy nội tạng của tử tù từ 2015
Lệnh cấm có tác dụng từ ngày 1.1.2015, động thái này nhằm đáp lại cáo buộc của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc tử tù bị ép hiến nội tạng. Vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì để bù vào thiếu hụt nội tạng trong tương lai.
Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng nội tạng những tù nhân sắp bị hành quyết một cách có hệ thống cho phẫu thuật cấy ghép. Đây là vấn đề luôn gây tranh cãi và bị tổ chức nhân quyền quốc tế lên án.
"Đất nước này sẽ chấm dứt một cách toàn diện việc sử dụng tử tù như một nguồn cung cấp nội tạng phục vụ cho cấy ghép y học từ 1.1.2015", Southern Metropolis Daily ngày 4.12 dẫn lời Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), Giám đốc Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Hoàng Khiết Phu tuyên bố tất cả nội tạng để cấy ghép trong tương lai sẽ đến từ người hiến tặng. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc quan ngại việc hiến tạng sẽ gặp khó khăn bởi người Trung Quốc quan niệm rằng cơ thể họ nguyên vẹn thì sẽ được tái sinh khi chết.
Trước đó, Bắc Kinh cam kết kết thúc việc sử dụng nội tạng tử tù trong vòng 2 năm kể từ tháng 11.2012. Sau đó, lời hứa của Bắc Kinh được khơi lại vào giữa năm 2013 khi nước này cam kết chấm dứt việc này vào giữa năm 2014. Tuy nhiên, lời hứa lần này lại được đẩy kỳ hạn đến đầu năm 2015.
Lần này, chính phủ Trung Quốc đã kiên quyết chấm dứt hành động “phi đạo đức” mà các nhà phân tích gọi là việc làm “hoen ố bộ mặt Trung Quốc” sau nhiều lần cam kết nhưng vẫn không thực hiện được, theo Reuters.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc Trung Quốc mổ lấy nội tạng của tử tù là đánh cắp khi không được sự đồng ý của họ và gia đình tử tù nhưng Bắc Kinh luôn bác bỏ những cáo buộc đó.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm buôn bán nội tạng người năm 2007 nhưng mức cầu trên thị trường quá lớn. Mỗi năm ước tính có 300.000 người chờ được cấy ghép nhưng chỉ có 10.000 trường hợp phẫu thuật.
Thiếu hụt nội tạng và lợi nhuận là lý do khiến tình trạng mua bán nội tạng bất hợp pháp tràn lan, khó kiểm soát, mà 90% nội tạng trong số đó có nguồn từ tù nhân, theo Reuters. Chỉ có 1.448 người hiến nội tạng từ năm 2010 đến 2013. Ước tính 64% nguồn nội tạng để cấy ghép tính từ cuối năm 2012 ở Trung Quốc lấy từ tù nhân bị tử hình.
Thực tế, Trung Quốc có tỉ lệ hiến nội tạng rất thấp, mỗi 1 triệu công dân mới có 0,6 người hiến tặng, ở Tây Ban Nha tỷ lệ hiến tặng là 37 người trên 1 triệu công dân, cao hơn Trung Quốc rất nhiều, South China Morning Post dẫn lời ông Hoàng.
-------------------------
Chống tham nhũng trong quân đội, ông Tập Cận Bình hứng rủi ro
Những thông tin gần đây về việc nhà điều tra thu giữ cả tấn tiền mặt, trang sức, đồ cổ và hàng xa xỉ tại biệt thự của tướng về hưu Từ Tài Hậu phần nào làm sáng tỏ thực tế tham nhũng trong quân đội TQ.
Từ Tài Hậu từng là phó chủ tịch quân ủy TQ (CMC), là quan chức cấp cao quân đội thứ hai bị cáo buộc tham nhũng trong vài năm gần đây.
Năm 2012, tướng Cốc Tuấn Sơn - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần TQ đã bị bắt giữ sau nhiều năm đồn đoán dính líu tới hàng loạt thỏa thuận ngầm liên quan đất đai do quân đội (PLA) kiểm soát. Hàng loạt tướng tá, sĩ quan cao cấp của PLA cũng bị bắt giữ.
Mặc dù không công khai, nhưng các bằng chứng cho thấy, PLA không lạ lẫm gì với tham nhũng. Dưới thời Mao Trạch Đông, sĩ quan và binh lính PLA được ưu tiên hơn trong tiếp cận thực phẩm và các nhu yếu phẩm, cùng với một số đặc quyền khác, khiến cho việc gia nhập quân đội trở thành mơ ước sự nghiệp.
Khi kinh tế TQ cất cánh những năm 1980, sức hút của binh nghiệp giảm dần, nhất là sau khi ông Đặng Tiểu Bình cắt giảm quy mô quân đội, chuyển hướng nguồn lực tài chính sang hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông vẫn cho phép quân đội sử dụng các khu liên hợp công nghiệp - quân sự để thu lợi nhuận có thể bổ sung vào kinh phí ngân sách và nâng cao phúc lợi xã hội cho quân đội. Các nhà máy mà PLA kiểm soát nhanh chóng chuyển sang sản xuất dân sự. Khoảng đầu những năm 1990, những khu liên hợp công nghiệp, các công ty do quân đội kiểm soát (PLA Inc) đã trỗi dậy.
Khi “PLA Inc.” phát triển, thì rõ ràng lợi nhuận không chỉ được sử dụng để bổ sung ngân sách, mà còn chảy vào túi các sĩ quan kiểm soát công ty do PLA làm chủ. Thậm chí, một số công ty kiểu này còn bị tình nghi liên quan đến hoạt động buôn lậu bởi các đặc quyền dành riêng.
Năm 1998, Chủ tịch TQ khi đó là ông Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch truy quét buôn lậu và chỉ thị cho PLA chuyển đổi, tập trung vào các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng. PLA chấp nhận và giảm đi các đế chế kinh doanh của họ. Không lâu sau đó, TQ ra nhập WTO và những khuyến khích tài chính tiếp tay cho buôn lậu giảm mạnh.
Tuy nhiên, tham nhũng vẫn tiếp tục dưới các hình thức khác nhau. Chính các PLA Inc. đã cung cấp cơ hội tham nhũng cho sĩ quan. Ví như sau năm 1998, các cơ hội kiểu này tập trung vào ba lĩnh vực: lại quả từ các hợp đồng mua sắm hậu cần, mua sắm khí tài mới và thuê đất do PLA kiểm soát. Kết quả là, các quan chức quân đội cấp cao đã có rất nhiều cơ hội để làm giàu.
Khi TQ tăng cường mua sắm vũ khí hiện đại và đắt đỏ, mức độ lại quả cũng gia tăng đáng kể. Đất đai cũng là nguồn sinh lời của "tiền bẩn". PLA từ lâu kiểm soát nhiều vùng "đất vàng" ở cả nông thôn và thành phố. Phần lớn đất đai dùng để xây nhà, cấp cho các sĩ quan nghỉ hưu hay đương chức. Quá trình đô thị hóa khiến PLA di dời nhiều căn cứ ở đô thị cũng như các khu nhà ở ra ngoại ô hay vùng nông thôn, và cho các nhà kinh doanh bất động sản sẵn sàng trả mức giá cao thuê lại.
Những quan chức có vị trí lớn được hưởng lợi khổng lồ từ chuyện này. Thu nhập trái phép từ các khoản lại quả, thuê đất, hợp đồng mua bán lớn tới mức họ sẵn sàng trả khoản tiền không nhỏ để sở hữu và đảm bảo vững vàng vị trí. Mua quan bán chức và thăng cấp phổ biến, tạo điều kiện để các quan tham kiểu như Từ Tài Hậu sở hữu cả khối tài sản khổng lồ mà nhà điều tra phát hiện ra trong tư dinh.
Về trường hợp của Cốc Tuấn Sơn. Sau thời gian sao nhãng nhiệm vụ, Cốc bị giáng cấp giữa những năm 1980 và đảm nhận một vị trí thấp ở công ty địa phương do PLA sở hữu tại Hà Nam. Nhưng Cốc nhanh chóng thăng tiến trở lại. Sử dụng lợi nhuận kiếm được từ chênh lệch mua bán, Cốc "đầu tư" trở lại với cấp trên để có được thứ hạng cao hơn.
Trong vòng một thập niên, Cốc tiến rất nhanh. Năm 2001, ông ta được thăng hàm thiếu tướng và phụ trách chương trình xây dựng cơ bản trị giá 375 triệu USD. Để đổi lại, Cốc đã hối lộ số tiền lớn cho những chỉ huy cao hơn. Thực tế này đặt ra lo ngại rằng, liệu các sĩ quan cao cấp của PLA hiện nay đặt ưu tiên vào lợi nhuận thu được hay nhiệm vụ quân sự?
Tuy nhiên, tấn công vào vấn nạn tham nhũng trong quân đội sẽ là rủi ro lớn: Nếu ông Tập Cận Bình mạnh tay, thì tinh thần và lòng trung thành trong quân đội có thể bị ảnh hưởn, ít nhất trong ngắn hạn. Cho đến nay, các tướng lĩnh PLA vẫn công khai cam kết trung thành và ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng. Nếu can thiệp quá sâu, ông Tập có thể bị ngáng trở. Dường như, ông có quá ít chọn lựa để giải quyết nạn tham nhũng trong PLA.
--------------------------
Al-Qaeda dọa giết con tin Mỹ, Washington thừa nhận giải cứu bất thành
Mỹ đã lần đầu tiên công khai tiết lộ một nỗ lực bất thành nhằm giải cứu một công dân nước này hiện đang bị khủng bố bắt giữ tại Yemen, sau khi nhóm này đe dọa giết con tin trong video mới được tải lên mạng hôm qua.
Giới chức Mỹ cho hay, Tổng thống Barack Obama hồi tháng trước đã "bật đèn xanh" cho một chiến dịch bí mật nhằm giải cứu Luke Somers, nhà báo Mỹ 33 tuổi bị nhánh al-Qaeda tại Yemen - al-Qaeda tại bán đảo Ả-rập (AQAP) - bắt cóc ở thủ đô Sanaa của Yemen hồi tháng 9/2013.
Theo giới chức, Somers đã không có mặt tại địa điểm bị đột kích, mặc dù các con khác đã được giải cứu.
"Ngay khi chính phủ Mỹ có thông tin tình báo đáng tin cậy và một kế hoạch hành động, Tổng thống đã cho phép Bộ quốc phòng tiến hành một chiến dịch nhằm giải cứu Somers", Bernadette Meehan, nữ phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc Nhà Trắng cho hay. "Đáng tiếc là Somers không có ở đó".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng John Kirby, nói rằng chiến dịch giải cứu đã được thực hiện với sự hợp tác cùng quân đội Yemen và liên quan tới các lực lượng trên bộ và trên không.
"Các chi tiết về sứ mệnh vẫn được bí mật", ông Kirby nói.
Cuộc kích đã nhằm vào một hang tại quận hẻo lánh Hajr al-Sayar thuộc tỉnh Hadramawt ở miền đông Yemen.
Các lực lượng an ninh Mỹ và Yemen đã giải cứu 6 người Yemen, 1 người Ả-rập Xê-út, một người Ethiopia. 7 thành viên của AQAP đã bị tiêu diệt.
Trang web của Bộ quốc phòng Yemen dẫn lời một binh sĩ, người tham gia vào chiến dịch, cho hay 3 con tin nước ngoài một người Mỹ, một người Anh và một người Nam Phi bị giam giữ tại đó đã bị chuyển đi nơi khác 2 ngày trước chiến dịch.
AQAP tung video dọa giết con tin
Tiết lộ của giới chức Mỹ trên diễn ra sau khi AQAP tải lên mạng một video quay cảnh Somers và đe dọa giết con tin này nếu các yêu sách của chúng không được đáp ứng.
Một người đàn ông trong video, tự nhận là Somers, cho biết mang sống của anh bị đe dọa và tìm kiếm "mọi sự trợ giúp để có thể đưa tôi thoát khỏi tình thế này".
Con tin nói anh sinh tại Anh và có quốc tịch Mỹ.
Hiện chưa thể xác định được tính xác thực của video trên, vốn được tải lên Youtube và mạng xã hội tối ngày 3/12.
"Chúng tôi cho chính phủ Mỹ thời gian là 3 ngày tính từ khi đưa ra tuyên bố này để đáp ứng các yêu cầu mà họ biết, nếu không con tin Mỹ mà chúng tôi đang giam giữ sẽ đối mặt với số phận không thể tránh khỏi", một thành viên của AQAP là Nasser bin Ali al-Ansi nói trong video.
AQAP không nói rõ các yêu sách là gì.
Somers, 33 tuổi, từng làm nhà báo và phóng viên ảnh cho các tổ chức tin tức địa phương và các bài viết của anh này đã được đăng tải trên các hãng tin tức quốc tế, trong đó có hãng tin Anh BBC.
Lời đe dọa của AQAP nhằm sát hại Somers diễn ra sau các vụ hành quyết 5 con tin phương Tây do tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành kể từ tháng 8.
AQAP bị Mỹ xem là một trong những nhánh nguy hiểm nhất của al-Qaeda.
Nhóm này hoạt động tại phía đông Yemen và đã gây dựng sự ủng hộ giữa tình trạng bất ổn vốn bao trùm Yemen kể từ khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh bị lật đổ hồi năm 2011.
------------------------------
Bắc Triều Tiên: Kim Jong-un chỉ đạo tập trận, kêu gọi chuẩn bị chiến đấu
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm một đơn vị quân đội để chỉ đạo cuộc tập trận mùa đông, kêu gọi chuẩn bị toàn diện sẵn sàng chiến đấu, hãng tin Yonhap dẫn tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5.12.
Trong chuyến thăm đơn vị 1313 của quân đội nhân dân Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được thông báo vắn tắt về “tình hình chiến đầu và rèn luyện chính trị trong năm mới”. Sau đó, lãnh đạo Triều Tiên đã trực tiếp chỉ đạo một cuộc tập bắn, theo KCNA.
"Năm tới sẽ là thời điểm nâng cao chất lượng đào tạo và đạt kết quả trong việc hoàn tất công tác sẵn sàng chiến đấu”, KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un.
Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc "đào tạo chuyên sâu trên cơ sở thông tin cụ thể về tình hình của đối phương cũng như cải thiện dần các phương pháp và chương trình đào tạo", đồng thời thúc đẩy các nỗ lực để hoàn tất việc chuẩn bị chiến đấu, theo Yonhap.
Đây là chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến các đơn vị quân sự kể từ khi Triều Tiên khởi động cuộc tập trận mùa đông. Trước đó, ngày 1.12, ông Kim đã đến thăm đơn vị 963 và hướng dẫn đào tạo tại đây, theo KCNA.
Với mục tiêu thống nhất đất nước vào năm 2015, Triều Tiên đã hướng tới các cuộc chiến tranh bằng cách huấn luyện chiến thuật và tăng cường khả năng tấn công, Yonhap dẫn tin từ chính phủ Hàn Quốc.
-------------------------