Khám xét nơi ở các bị can “cố ý làm trái” tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN
Sáng 5.12, Cơ quan CSĐT Bộ công an thực hiện quyết định lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc của các ông Nguyễn Quốc Viễn (38 tuổi, Trưởng Ban Kiểm soát của VNCB) cùng 4 bị can liên quan đến Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh Phạm Công Danh để điều tra các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Các bị can đều bị khởi tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị can Nguyễn Quốc Viễn đã có hành vi thực hiện hồ sơ khống, không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 26 Luật các tổ chức tín dụng, giúp ông Danh rút số tiền hơn hơn 6.135 tỉ đồng, vay 6.854 tỉ đồng từ VNCB.
Khoảng 8 giờ 30 sáng nay, Cơ quan CSĐT Bộ công an bắt đầu tiến hành khám xét tại nhà riêng của ông Nguyễn Quốc Viễn (số 15/32 Cầm Bá Thước, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương...
Đến 10 giờ cùng ngày, công an thực hiện xong lệnh khám xét nhà ở và tiếp tục đến trụ sở Ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam (nơi ông Viễn làm việc) để khám xét.
Liên quan đến vụ án, trong sáng nay, Cơ quan CSĐT Bộ công an đọc quyết định khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng, thực hiện lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc của 4 bị can còn lại gồm: Hoàng Đình Quyết (31 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) - Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang; Phan Minh Tùng (46 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) - phụ trách tổ tài chính Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Trần Văn Bình (48 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung; Phạm Việt Thép (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại JSC An Phát.
Nguồn tin của Thanh Niên Online cho biết, các bị can này đều là những cánh tay đắc lực của ông Phạm Công Danh, giúp ông Danh rút tiền từ ngân hàng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đến trưa cùng ngày, Cơ quan CSĐT khám xét xong tại nhà riêng và nơi làm việc của các bị can này.
-------------------------
Nguyễn Mạnh Tường bị đề nghị mức án 17 - 19 năm tù
10 giờ 25 phút ngày 5.12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết thúc phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Ông Đỗ Minh Tuấn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, đã đề nghị mức án 17 - 19 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và 4 - 5 năm tù đối với Đào Quang Khánh.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, khẳng định: bị cáo Tường khai báo chưa thành khẩn, không nhận nguyên nhân lý do chị Huyền chết là do mình gây ra. Chỉ khai nhận việc bơm hút mỡ và bơm lên ngực, sau đó vứt xác.
Còn bị cáo Khánh khai nhận việc lấy chiếc điện thoại iPhone 5 trị giá 12 triệu đồng và giúp bị cáo Tường vứt xác.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Tường 17 - 19 năm tù cho hai tội danh: “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 3, Điều 242; “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại khoản 2, Điều 246, Bộ Luật hình sự.
Bị cáo Khánh bị đề nghị xử phạt 4 - 5 năm tù cho cả hai tội danh “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”.
-------------------------
Nguyên phó chủ tịch tỉnh lấn chiếm đất công
Ngày 4.12, ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch UBND P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết đang báo cáo UBND TP về hướng xử lý hành vi lấn chiếm đất công của hộ gia đình ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, trong quá trình cải tạo dự án mở rộng hồ Dộc Mở trên địa bàn phường, UBND phường đã phát hiện tình trạng lấn chiếm đất. Đến ngày 27.11, đã xác định có 3/32 hộ có hành vi lấn chiếm, 1 hộ không hợp tác nên chưa xác định. Trong đó có gia đình ông Hà Hòa Bình lấn 399,2 m2.
“Chúng tôi đã làm việc với ông Bình thì ông ấy giải thích là do con trai ông ấy lấn chiếm, ông không biết”, ông Hà nói. Tuy nhiên, cũng theo UBND P.Tích Sơn, thửa đất của gia đình ông Hà Hòa Bình được cấp có diện tích trên sổ sách là 1.400 m2, sau đó được tách thửa ra làm 3 hộ gồm ông Hà Hòa Bình, ông Hà Thống Nhất (em trai ông Bình) và Hà Anh Tuấn (con trai ông Bình).
Tuy nhiên, trên thửa đất này chỉ xây một căn biệt thự và hiện giờ chỉ có gia đình ông Hà Hòa Bình thường xuyên sinh sống tại đây. Gia đình con trai ông Bình sinh sống và làm việc ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về. Ông Bình nghỉ hưu từ ngày 1.11.2014.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên diện tích rộng hàng ngàn mét vuông, gia đình ông Hà Hòa Bình đã xây một căn biệt thự 3 tầng và được bao bởi tường chạy dài cả trăm mét, trên diện tích lấn chiếm có một lầu ngũ giác để ngắm cảnh.
Đáng chú ý, dù diện tích lấn chiếm đất công lớn, nhưng UBND P.Tích Sơn cho biết đang phải xin ý kiến TP về hướng xử lý vì các hộ dân đã có nguyện vọng xin được hợp thức hóa (?!).
-------------------------
Chủ tịch Hà Nội: Sẽ sớm thu hồi biệt thự phân cho ông Nghiên
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, thành phố đã quyết định biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa không được bán, sẽ tiến hành thu hồi trong thời gian sớm nhất.
Bên lề buổi họp HĐND thành phố Hà Nội ngày 4/12, ông Nguyễn Thể Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm về căn biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa đang được gia đình ông Hoàng Văn Nghiên - cựu Chủ tịch Hà Nội sử dụng.
“Việc giải quyết nhà ở cho một cán bộ đòi hỏi phải có cả quả trình. Chủ trương của thành phố là quyết định nhà biệt thự đó không bán mà sẽ thu hồi trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói.
Chia sẻ với báo chí về vấn để quản lý biệt thự trên địa bàn Hà Nội, đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Xuân Diên nhận định, đây là việc liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Cụ thể như việc kiểm đếm biệt thự, trước đây là do Sở Quy hoạch và Kiến trúc đảm nhiệm, sau đó là Sở Xây dựng rồi tới Công ty Quản lý nhà. Từ những vấn đề đó, đại biểu Diên nhận định, chưa rõ đơn vị chính được giao trách nhiệm quản lý nhà biệt thự. Do vậy, các đại biểu HĐND mong muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế cho biết, tinh thần HĐND thành phố là đeo bám đến cùng những nội dung chưa được giải quyết. “Liên quan đến danh mục 312 biệt thự đã chất vấn, câu trả lời thực ra chưa được thỏa mãn. Vì vậy, tôi sẽ trao đổi riêng với Phó Chủ tịch UBND thành phố về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Theo đại biểu Nam nếu trong quá trình rà soát, xử lý mà UBND thành phố thấy rằng những biệt thự đó không còn đủ điều kiện quản lý theo tiêu chí mà UBND thành phố đã trình HĐND thành phố trước đây. Và lẽ ra UBND thành phố phải báo cáo với HĐND, trên cơ sở đó HĐND thành phố mới có quyền đồng ý để UBND thành phố đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục.
Vấn đề nữa mà đại biểu Nam thấy bất hợp lý nằm ở chỗ, chính UBND thành phố là đơn vị trình ra HĐND thành phố biểu quyết thông qua danh mục biệt thự, tức là đã có đầy đủ hồ sơ.
“UBND thành phố đã đưa ra rồi mà lại nói giờ mới đi tìm kiếm hồ sơ? Thế nghĩa là khi các ngành trình lên không có hồ sơ, và UBND thành phố đã ký các quyết định trên cơ sở nghe các ngành mà không kiểm tra hồ sơ? Đó là vấn đề tôi sẽ đeo bám, chất vấn tiếp. Còn việc này khi đã tiến hành thanh tra thì cũng phải có thời hạn, có kết luận và phải xác định trách nhiệm. Đến nay đã quá hạn giải quyết”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam nêu quan điểm.
----------------------------
Bắt đầu thí điểm đổi giấy phép lái xe trực tuyến cho người dân
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức thí điểm đổi giấy phép lái xe trực tuyến đi vào hoạt động ngày hôm qua 3/12/2014, chậm hơn một tháng so với dự định ban đầu.
Giải thích cho điều này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết là từ 1/11/2014 chỉ thực hiện thí điểm cho nội bộ nhân viên trong Tổng cục và ngày mùng 3/12 vừa rồi mới chính thức thực hiện cho người dân.
Hiện tại, việc thí điểm này mới chỉ thực hiện cho các GPLX do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp, do đó GPLX của người dân do các sở GTVT các tỉnh/thành phố vẫn phải đến các cơ quan này để thực hiện việc cấp đổi GPLX mới.
Các bước đổi GPLX qua mạng internet
Đăng kí trực tuyến: Chức năng này cho phép công dân có thể đăng ký đổi GPLX trực tuyến bằng cách nhập theo đúng biểu mẫu và gửi đi. Nếu đăng ký thành công, công dân sẽ nhận được một mã xác thực. Mã xác thực này được dùng để xác thực khi sửa hoặc gửi hồ sơ.
Gửi hồ sơ: Chức năng này cho phép người dùng gửi hồ sơ đã đăng ký lên cơ quan xử lý
Sửa lại hồ sơ không hợp lệ: Chức năng này cho phép công dân có thể sửa lại thông tin hồ sơ (Chỉ sửa được đối với những hồ sơ đã đăng ký nhưng chưa gửi hoặc hồ sơ đã bị từ chối do không hợp lệ).
Đến nơi tiếp nhận (tổng cục Đường bộ): Sau khi cán bộ kiểm tra thấy hồ sơ không hợp lệ, công dân sẽ nhận được tin nhắn/email thông báo Hồ sơ được xác nhận và chi tiết lịch hẹn xử lý. Lúc này, công dân đến địa điểm tiếp nhận đã đăng ký và mang theo đầy đủ hồ sơ gốc đến đúng thời gian lịch hẹn đã được nhận. Bộ hồ sơ gốc hợp lệ bao gồm:
- Giấy phép lái xe
- Chứng minh nhân dân
- Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định
Tra cứu tính trạng tiếp nhận hồ sơ: Chức năng này cho phép công dân tra cứu hồ sơ của mình để theo dõi trạng thái hồ sơ đã được xử lý hay chưa, bằng cách tìm tìm kiếm theo Mã hồ sơ và Số điện thoại đã đăng ký
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ cho biết, trong ngày mùng 3/12 khi hệ thống chính thức mở cổng tiếp nhận thông tin có 8 người đăng kí đổi GPLX, đã có 3 người đến và được hoàn thành thủ tục đổi GPLX. Trong khi đó, trong ngày 4/12, với 26 hồ sơ được duyệt thì có 16 người đến thực hiện và đã hoàn thành cấp GPLX cho 15 người, một trường hợp bị từ chối vì lí do sức khỏe. Và dự kiến trong hôm nay, mùng 5/12 sẽ có khoảng 40 người đăng kí đổi GPLX thông qua việc đăng kí qua internet.
----------------------