Trưởng đặc khu Hồng Kông: Cơ hội của người biểu tình “bằng không”
Phát biểu trên truyền hình vào ngày 12/10, trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh cho biết những người biểu tình có “cơ hội gần như bằng không” trong việc thay đổi quan điểm của Bắc Kinh đối với cuộc bầu cử năm 2017.
Những người biểu tình hiện đang kêu gọi Bắc Kinh trao cho đặc khu này tự do hoàn toàn trong việc bầu chọn người lãnh đạo vào năm 2017 tới. Các cuộc biểu tình hơn hai tuần qua của họ đã gây gián đoạn rộng khắp thành phố và đã xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình và người dân vốn phản đối việc phong tỏa các tuyến phố.
Trong cuộc phỏng vấn phát trên kênh truyền hình địa phương TVB vào hôm nay, ông Lương cho biết các cuộc biểu tình trên đường phố “đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát” và cảnh báo hành động này chắc chắn không thay đổi được quan điểm của Bắc Kinh.
Ông cho biết nếu chính quyền buộc phải dọn dẹp các địa điểm biểu tình, cảnh sát sẽ dùng “vũ lực nhỏ nhất”.
Trung Quốc hồi tháng 8 đã công bố người Hồng Kông có thể bỏ phiếu cho người kế nhiệm ông Lương vào năm 2017, nhưng chỉ hai hoặc ba ứng cử viên được phép tranh cử, theo sự phê chuẩn của một hội đồng đề cử. Người biểu tình cho rằng đây là “dân chủ giả tạo”.
Kể từ tháng trước, sinh viên và những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã chiếm các đường phố nhằm kêu gọi Bắc Kinh thay đổi quan điểm và cho phép họ có một cuộc bầu cử tự do, công bằng, trong khi kêu gọi ông Lương từ chức.
“Để được bầu cử rộng khắp vào năm 2017, nếu điều kiện tiên quyết là hủy bỏ Luật cơ bản và quyết định của Thường vụ quốc hội, tôi tin rằng tất cả chúng ta đều biết cơ hội gần như bằng không”, ông Lương cho hay.
Các cuộc đàm phán dự kiến giữa lãnh đạo sinh viên biểu tình và giới chức thành phố đã đổ bể vào tuần trước, ném Hồng Kông một lần nữa vào khủng hoảng mới, với người biểu tình tuyên bố sẽ tiến hành biểu tình dài ngày.
Ông Lương không thể cho biết rõ bế tắc hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào, mặc dù người phỏng vấn liên tục hỏi.
Tuy nhiên ông khẳng định sẽ không từ chức vì cho rằng điều đó không giải quyết được tình hình.
-----------------------
Ông Lương Chấn Anh tái khẳng định không từ chức
Trong cuộc phỏng vấn dài trên truyền hình lần đầu tiên kể từ ngày 28-9, ngày bùng nổ biểu tình, ông Lương Chấn Anh mô tả cuộc biểu tình giống như phong trào quần chúng vượt tầm kiểm soát. Việc đối phó với nó không phải dễ dàng và giải quyết cũng chẳng đơn giản.
“Chính quyền có trách nhiệm thực thi pháp luật một cách nghiêm túc thế nhưng trong trường hợp này lại khác. Bởi vì chúng tôi quan tâm và yêu thương sinh viên của chúng tôi nên chúng tôi đã áp dụng các biện pháp khoan dung nhất đối phó với tình hình” – ông Chấn Anh nói.
Theo ông Chấn Anh, lãnh đạo cũng sẽ tính đến nhu cầu của sinh viên nhưng những nhu cầu và hành động của họ phải hợp pháp. "Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thuyết phục, thảo luận với sinh viên và cố gắng giải tán người biểu tình khỏi các khu vực chiếm đóng" - lãnh đạo Hồng Kông phát biểu.
Ông này cho biết thêm nếu cần thiết phải dọn dẹp một khu vực, ông tin rằng các cảnh sát được huấn luyện chuyên nghiệp sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng hạn chế tối đa vũ lực để giải quyết. Hẳn nhiên, bạo lực không được khuyến khích bởi không ai muốn nhìn thấy người dân của mình, sinh viên của mình bị thương.
Đặc khu trưởng Hồng Kông cũng lên tiếng cảnh báo "không có cơ hội" để các nhà lãnh đạo Trung Quốc thay đổi quyết định về bầu cử tại Hồng Kông dẫu người dân vẫn cứ biểu tình.
Đầu tuần này, Đặc khu trưởng Hồng Kông bị nghi ngờ đã bỏ túi riêng 50 triệu HKD (khoảng 6,45 triệu USD) từ một công ty của Úc từ năm 2011. Đây là hành vi vi phạm luật chống tham nhũng.
Trong khi đó, người biểu tình theo phong trào “Chiếm Trung tâm” vẫn bám trụ đường phố một ngày sau khi cuộc đối thoại giữa sinh viên và lãnh đạo Hồng Kông bị hoãn. Để chuẩn bị cho việc biểu tình lâu dài, nhiều người mang giường, bàn bóng bàn, mạt chược để vui chơi và nghỉ ngơi ngay giữa đường. Thậm chí, nhiều người còn mang lẩu ra ăn uống cùng nhau. Cuộc biểu tình khiến nhiều khu vực tê liệt.
Tối 11-10, hàng ngàn người đủ các thành phần sinh hoạt trên đường phố tạo không khí nồng ấm giống một lễ hội hơn là biểu tình. Các lều bạt màu sắc đan xen giữa các nhà cao chót vót. “Hồng Kông là nhà của chúng tôi. Chúng tôi đấu tranh cho tương lai của Hồng Kông cũng là tương lai của chúng tôi” - Lawrence Chan, sinh viên 23 tuổi nói.
Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đến thăm Berlin đã bày tỏ tin tưởng nhà chức trách Hồng Kông và người dân có khả năng bảo vệ sự thịnh vượng về kinh tế, ổn định trật tự xã hội ở đây. “Duy trì sự thịnh vượng lâu dài, ổn định không chỉ vì lợi ích của Trung Quốc mà chủ yếu là vì lợi ích của người dân Hồng Kông” – ông Khắc Cường nói trước đó.
Những người thuộc lực lượng chống người biểu tình, ủng hộ chính phủ lên tiếng đe dọa sẽ bao vây các khu vực biểu tình trên đường phố.
-----------------------
Người biểu tình Hồng Kong dựng lều phong tỏa trung tâm
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 11.10 dẫn nguồn từ các nhà tổ chức biểu tình ở Hồng Kông ước tính có hàng chục ngàn người xuống đường trong đêm trước để phản đối việc chính quyền đặc khu hủy cuộc đối thoại với sinh viên vào phút chót. Trước đó, hai bên nhất trí sẽ tiến hành đối thoại về cải cách bầu cử vào ngày 10.10 nhưng đến tối 9.10, chính quyền Hồng Kông bất ngờ tuyên bố hủy cuộc đối thoại. Do đó, các nhà tổ chức biểu tình như nhóm hoạt động sinh viên Scholarism, nhóm Occupy Central và Hội Liên hiệp sinh viên Hồng Kông kêu gọi tiến hành chiến dịch phong tỏa lâu dài các con đường gần trụ sở chính quyền, theo phương thức “một người, một lều”. Hôm qua đã có 300 lều được dựng lên tại khu vực này. Ngoài ra, Scholarism còn kêu gọi những người ủng hộ chiếm “mọi tấc đường” ở khu trung tâm Hồng Kông.
Một nguồn tin từ chính quyền Hồng Kông dự đoán phong trào chiếm trung tâm của phe biểu tình sẽ kéo dài thêm ít nhất 2 tuần nữa. Tuy nhiên, từ đây tới chiều 13.10, chính quyền Hồng Kông có thể sẽ không có biện pháp mạnh tay nào đối với người biểu tình vì trong thời gian này, Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cùng một số quan chức cấp cao của Hồng Kông đang tham dự một diễn đàn ở TP.Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
Trong khi đó, tại cuộc gặp người đồng cấp Đức Angela Merkel ở Berlin ngày 10.10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố ông tin rằng “ổn định xã hội” có thể được duy trì ở Hồng Kông, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không thay đổi cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” đối với đặc khu hành chính này, theo SCMP. Đây được xem là phát biểu công khai trực tiếp đầu tiên về tình hình Hồng Kông của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kể từ khi chiến dịch phong tỏa trung tâm bắt đầu ngày 28.9.
Cũng trong ngày 10.10, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cáo buộc Mỹ câu kết với các tổ chức biểu tình ở Hồng Kông để tạo ra “cuộc cách mạng màu”.
Theo tờ báo này, trong cuộc cách mạng màu, Washington cố tạo ra rắc rối cho những chính quyền mà họ không thích bằng cách ủng hộ các phong trào biểu tình. Nhân Dân nhật báo còn khẳng định một số thủ lĩnh của phong trào chiếm trung tâm ở Hồng Kông từng gặp Phó chủ tịch Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ Mỹ (NED) Louisa Greve. Chưa có thông tin về phản ứng của NED cũng như Washington đối với bài xã luận của Nhân Dân nhật báo.
-----------------------
Sinh viên Hồng Kông gửi thư cho Tập Cận Bình
Ngày 11.10, hai tổ chức sinh viên lãnh đạo phong trào biểu tình đòi tự do bầu cử ở Hồng Kông là Liên hội Sinh viên Hồng Kông và Học dân Tư triều đã cùng công bố một lá thư được gửi đích danh đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong lá thư, các lãnh đạo sinh viên của hai nhóm trên cáo buộc thái độ chống đối của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đối với phản ứng của công chúng Hồng Kông chính là nguyên nhân dẫn đến phong trào bãi khóa và phong tỏa trung tâm hiện nay.
Theo sinh viên, quyết định của Quốc hội Trung Quốc đối với cuộc bầu cử chức Đặc khu trưởng Hồng Kông năm 2017 đến từ việc chính quyền ông Lương Chấn Anh đã không "phản ánh đúng nguyện vọng của công chúng" lên Bắc Kinh.
Sinh viên yêu cầu chính quyền đặc khu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và sửa sai trước người dân Hồng Kông, cảnh báo Bắc Kinh rằng việc sử dụng một quan chức tham nhũng (ám chỉ Lương Chấn Anh) sẽ nguy hại đến hệ thống "một đất nước, hai chế độ" và làm lung lay "giấc mơ Trung Quốc".
Tiếp đến, hai nhóm sinh viên muốn một hệ thống bầu cử dân chủ, bình đẳng phải được ban hành cho Hồng Kông.
Đối với chính quyền trung ương Trung Quốc, các sinh viên yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc "một đất nước, hai chế độ", rằng "chuyện của Hồng Kông phải được giải quyết tại Hồng Kông, các vấn đề chính trị phải được giải quyết bằng chính trị".
Ngoài ra, lá thư cũng làm rõ rằng cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện nay là cuộc vận động dân chủ đòi quyền được tự do bầu cử, không phải "cách mạng màu" (như một số cáo buộc), và chính phủ Trung Quốc không nên e ngại "việc ứng cử tự do".
Tối 11.10, người biểu tình Hồng Kông tiếp tục tập trung tại hai khu vực là Admiralty và Mong Kok. Phát biểu trước đám đông, thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) nói rằng: "Cả thế giới đang theo dõi phản ứng (của Bắc Kinh)", Wong nhấn mạnh rằng người biểu tình sẽ tiếp tục bám trụ nếu các yêu cầu của họ bị lờ đi, theo South China Morning Post.
Sau khi giới chức Hồng Kông hủy cuộc đối thoại với sinh viên, phe biểu tình kêu gọi phong tỏa lâu dài các con đường gần trụ sở chính quyền. Đã có 300 lều của người biểu tình được dựng lên tại các con đường gần trụ sở chính quyền Hồng Kông sau lời kêu gọi phong tỏa khu vực này theo phương thức “một người, một lều”.
Hiện Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cùng một số quan chức cấp cao của Hồng Kông đang tham dự một diễn đàn ở thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Phong trào Chiếm Trung Hoàn của người Hồng Kông nổ ra từ ngày 28.9, theo sau một tuần bãi khóa của sinh viên, để phản đối quy định của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc bầu cử chức Đặc khu trưởng Hồng Kông. Theo đó, một hội đồng sẽ quyết định trước 2 – 3 ứng viên cho chức vụ này, trước khi người dân Hồng Kông bỏ phiếu.
Hàng ngàn người, có lúc hàng vạn, đã chiếm đóng các đường phố trung tâm của Hồng Kông để phản đối quyết định này. Đồng thời, họ yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức. Tuy nhiên, ông Lương Chấn Anh đã bác đề nghị này.
-----------------------