Để phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân vụ sập giàn giáo thảm khốc khiến 13 người tử vong, 28 người khác bị thương, cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã cấm xuất cảnh đối với 24 cán bộ, nhân viên Công ty Sam Sung C&T Việt Nam tại công trường Formosa.
Đại tá Phan Kế Hiên, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh cho hay, ngay sau vụ sập giàn giáo đúc giếng chìm trong công trường Formosa làm 13 người chết, 28 người bị thương, cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã triển khai đồng loạt một số biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ nguyên nhân.
Theo Đại tá Hiên, do khối lượng công việc nhiều, thiết bị nơi xảy ra sự cố hiện đại phức tạp về mặt kỹ thuật, vượt quá khả năng khám nghiệm trường của Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh, nên cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã quyết định mời Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Công an hỗ trợ.
“Sau khi nhận được đề nghị của chúng tôi, Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Công an đã cử 1 tổ gồm 4 đồng chí vào giúp Hà Tĩnh khám nghiệm hiện trường, giám định sự cố kỹ thuật. Từ 27/3, với sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật hình sự (VKTHS) Bộ Công an, đại diện VKSND, chuyên viên Sở Xây dựng, Sở LĐTB-XH tỉnh, việc khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra sự cố sập giàn giáo đã được tiến hành. Do khối lượng công việc nhiều nên biện pháp nghiệp vụ hết sức quan trọng này mới được hoàn tất vào chiều ngày 29/3. Kết quả giám định hiện trường sẽ được Viện KTHT Bộ Công an đưa ra trong thời gian sớm nhất” – Đại tá Hiên thông tin.
Theo Đại tá Hiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng hệ thống nâng thủy lực có vấn đề là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên cơ quan CSĐT không loại trừ một manh mối, chứng cứ nào để có thể đưa ra một kết luận chính xác nhất về nguyên nhân vụ sập.
Theo đó, song song với việc khám nghiệm hiện trường, CQ CSĐT Công an Hà Tĩnh cũng đã cắt cử 2 tổ công tác tiến hành thẩm vấn lấy lời khai đối với cả phía công nhân bị nạn, nhân chứng thuộc Công ty Nibelc (nhà thầu phụ) và cán bộ, nhân viên Văn phòng Công ty Sam Sung C&T Việt Nam tại công trường Formosa.
Đáng chú ý, theo Đại tá Hiên, CQĐT đang tập trung làm rõ lời khai của 2 trong số 3 công nhân trực tiếp điều khiển hệ thống nâng thủy lực trong giàn giáo được cho là hiện đại này. “Trong số 3 công nhân, một đã tử nạn, một bị thương đang điều trị chưa thể lấy lời khai, công nhân còn lại đã cung cấp cho chúng tôi một số thông tin quan trọng trước khi sự cố xảy ra”- Đại tá Hiên nói thêm.
Liên quan đến thông tin trước khi sự cố sập giàn giáo xảy ra, nhiều công nhân đã định bỏ chạy lánh nạn khi giàn giáo có dấu hiệu rung lắc, nhưng chỉ huy công trường người Hàn Quốc ra hiệu an toàn và cho công nhân tiếp tục thi công, Đại tá Hiên cho hay, cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã có thông báo cấm xuất cảnh đối với 24 cán bộ, nhân viên Văn phòng Công ty Sam Sung C&T Việt Nam tại công trường Formosa để điều tra kỹ hơn về thông tin trên.
“Toàn bộ văn phòng Công ty Sam Sung C&T Việt Nam tại công trường Formosa có 24 người. Trong 3 ngày qua chúng tôi đã tiến hành thẩm vấn, lấy lời khai từng cán bộ, nhân viên. Việc thẩm vấn sẽ được tiếp tục nên chúng tôi đã cấm xuất cảnh đối với 24 người này” – Đại tá Hiên cho biết.
Đại tá Hiên tự tin, không cần đến chuyên gia nước ngoài thì trong thời gian sớm nhất với kết quả giám định của VKTHS Bộ Công an và nhiều chứng cứ quan trọng các phòng chuyên môn thu thập được, CQĐT trong nước có thể đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân vụ sập giàn giáo thảm khốc này.
-----------------------
Cân tự động chặn xe quá tải từ cửa ngõ TPHCM
Để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải trên địa bàn thành phố kể từ năm 2015, TPHCM sẽ đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động tại trạm thu phí An Sương – An Lạc, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và khu vực ra/vào cảng Cát Lái.
Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện nay thành phố có 10 cân di động xách tay giúp kiểm soát 1/10 xe lưu thông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chưa có trạm cân tự động nào được lắp đặt tại vị trí cố định. Theo khảo sát của đơn vị này thì đã xác định được 10 vị trí dọc đường Vành đai II hoặc là các cửa ngõ ra vào thành phố để lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng tự động cố định và đề nghị UBND TP cho phép ưu tiên 4 vị trí là các trạm thu phí An Sương – An Lạc, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và đường ra vào cảng Cát Lái.
Theo đó, hệ thống này sẽ tự động cân xe và báo ngay về trung tâm dữ liệu, giúp lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông dễ dàng phát hiện ngay xe quá tải để tiến hành hạ tải và xử phạt.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã có văn bản đồng ý với chủ trương trên của Sở GTVT TP. Đồng thời, giao Công an thành phố chủ trì, phố hợp với Sở GTVT TP, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng hình thức xử lý vi phạm với ô tô chở hàng vượt quá tải trọng cho phép theo hướng niêm phong xe và chỉ cho phép lưu thông trở lại sau khi thực hiện hạ tải đúng quy định.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở GTVT TP soạn dự thảo thông báo của UBND TP, trong đó nêu rõ cảng nào do TP quản lý để xe quá tải ra vào cảng thì TPHCM sẽ đình chỉ ngay chức vụ giám đốc cảng đó. Đối với các cảng thuộc Trung ương quản lý, UBND TP sẽ làm việc với Bộ GTVT để bàn giải pháp phối hợp.
Đồng thời, nghiên cứu giải pháp hạ tải đối với xe quá tải, toàn bộ chi phí hạ tải phát sinh sẽ do chủ hàng hoặc chủ xe chị vì Nhà nước không chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm. Phấn đấu đến hết năm 2015, trên địa bàn thành phố sẽ không còn tình trạng xe quá tải.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố, trong năm 2014 đã phát hiện và xử lý 22.812 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, với tổng số tiền sử phạt gần 100 tỷ đồng, đồng thời tước Giấy phép lái xe có thời hạn 12.064 trường hợp. Các trạm chốt, cân trên địa bàn thành phố đã kiểm tra 22.493 lượt xe, phát hiện và xử lý 5.922 trường hợp vi phạm (chiếm hơn 26%), với tổng số tiền phạt hơn 26 tỷ đồng.
----------------------
Vượt tải hơn gấp 2 lần, xe tải Tập đoàn Phúc Lộc bị tuýt còi
Cơi nới thùng xe chở vượt tải trọng hơn gấp 2 lần thiết kế xe, xe tải cho Tập đoàn Phúc Lộc đã bị Tổng cục đường bộ Việt Nam xử phạt hơn 56 triệu đồng và buộc hạ tải.
Chiều 28/3, trên QL19, đoạn qua thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định), Đoàn thanh tra đột xuất của Tổng Cục đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu dừng xe, cân tải trọng xe tải BKS: 81C - 05827 do lái xe Nguyễn Phúc Sỹ (30 tuổi, ngụ huyện Phù Mỹ) điều khiển, đang chở cát cho Tập đoàn Phúc Lộc phục vụ thi công QL19.
Kết quả cho thấy, xe vượt tải trọng cho phép gấp 2,13 lần. Tổng tải trọng cho phép của xe là 24 tấn nhưng lại chở đến 53 tấn. Trong đó, xe bị phạt 2 lỗi là cơi nới thùng và chở quá tải trọng.
Đoàn thanh tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, xử phạt tổng cộng 56,4 triệu đồng và buộc hạ tải.
Theo phản ánh, thời gian qua người dân sống dọc QL 19 thuộc địa bàn huyện Tây Sơn, rất bức xúc trước tình trạng nhiều phương tiện xe tải chở đất, cát xây dựng chạy ồ ạt. Trong đó, nhiều xe chở cát quá tải không chỉ gây hư hỏng đường mà còn làm nước chảy lênh láng trên đường ảnh hưởng tới người tham gia giao thông.
Điều đáng nói, ngày trên QL 19 đoạn qua địa phận xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) giáp với huyện Tây Sơn có trạm cân lưu động hoạt động 24/24h. Thế nhưng, tình trạng nhiều xe tải, trong đó có xe tải Tập đoàn Phúc Lộc chở vượt tải vẫn lưu thông bình thường. Và để né trạm cân, nhiều xe tải chở gỗ, mì từ tỉnh Gia Lai đi Quy Nhơn cho xe dựng dọc bên đường QL 19, "án binh bất động" chờ thời cơ mới vượt trạm.
-----------------------