Tin Pháp luật sớm 30-10-2014: "Người hùng" trong chuyên án Năm Cam hầu tòa - Kiểm tra công ty bị tố cung cấp thực phẩm bẩn cho hàng ngàn học sinh
- Cập nhật : 30/10/2014
"Người hùng" trong chuyên án Năm Cam hầu tòa
Nguyên là trung tá, được vinh danh là “người hùng” trong chuyên án triệt phá băng nhóm xã hội đen Năm Cam, thế nhưng Dũng đã không giữ được mình trước cám dỗ của đồng tiền và phải ra tòa vì tội lạm quyền.
Theo nội dung vụ án, vào năm 2002, Nguyễn Văn Nên (Phó trưởng Phòng CSĐT – Công an tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Tuyến Dũng (SN 1973, nguyên trung tá – điều tra viên Công an Tiền Giang) cùng một số điều tra viên khác được Bộ Công an điều động lên TPHCM tham gia chuyên án mang bí số Z.501 để điều tra băng nhóm xã hội đen do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu.
Sau khi chuyên án này kết thúc, băng nhóm Năm Cam bị triệt phá tận gốc và phải trả giá đắt trước pháp luật. Nên và Dũng tiếp tục được Bộ Công an chuyển sang điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại công ty Gas Bình Dương (trụ sở tại Khu Công nghiệp Đồng An, do Công ty Cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư).
Ngày 29/4/2003, Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Hưng Thịnh). Sau khi ông Lân bị bắt, Công ty Hưng Thịnh đã bãi nhiệm toàn bộ chức vụ của ông này và cử người khác lên thay, điều này có nghĩa ông Lân không còn đại diện cho Công ty Hưng Thịnh.
Thế nhưng lợi dụng việc điều tra vụ án và việc đang tạm giữ ông Lân, Nên và Dũng vẫn đứng ra giải quyết vụ tranh chấp dân sự về quyền sở hữu khu đất có tổng diện tích 23.383 m2 tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) giữa Công ty Hưng Thịnh với vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu (ngụ Q.10, TPHCM).
Nên và Dũng đã làm lệnh trích xuất đưa ông Lân ra ngoài và đưa mình vào với tư cách đại diện cho Công ty Hưng Thịnh để gặp, nói chuyện với vợ chồng bà Thu. Sau đó hai “người hùng” trong chuyên án Năm Cam còn lập biên bản thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp giữa hai bên. Theo đó vợ chồng bà Thu trả cho Công ty Hưng Thịnh (thực chất là ông Lân) 5,25 tỷ đồng để được sở hữu khu đất có nói trên
Sau khi nhận tiền từ vợ chồng bà Thu, Dũng không trả lại cho Công ty Hưng Thịnh hay nộp vào kho bạc chờ điều tra, giải quyết theo pháp luật mà lại tự ý đem 5,25 tỷ đồng gửi ngân hàng hưởng lãi suất. Trong thời gian từ tháng 11/2003 – tháng 10/2007, số tiền lãi phát sinh là hơn 1,2 tỷ đồng và Dũng đã chiếm hưởng, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Với hành vi này, Dũng và Nên bị bắt giữ về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Nhưng trong quá trình điều tra, Nên có dấu hiệu bị tâm thần nên TAND tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra và áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc với bị cáo này.
Còn Dũng sau đó bị TAND tỉnh Tiền Giang xử phạt 10 năm tù. Cho rằng bản án có nhiều tình tiết chưa rõ ràng nhưng tòa vẫn kết án 10 năm tù là không đúng, vi phạm tố tụng nên Dũng đã làm kháng cáo kêu oan.
Ngày 28/10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Nhận thấy tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, cụ thể: Cơ quan điều tra và TAND tỉnh Tiền Giang đều xác định Dũng gây thiệt hại cho công ty Hưng Thịnh nhưng không nói rõ là thiệt hại bao nhiêu. Đồng thời Công ty Hưng Thịnh là một bị hại của vụ án nhưng tòa sơ thẩm không đưa vào xét xử chung mà tách ra thành một vụ kiện dân sự riêng là không đúng.
Tòa Tối cao cũng đưa ra nhận định cần xem xét đến vai trò của ban chuyên án khi sai phạm của điều tra viên kéo dài trong nhiều năm nhưng không phát hiện ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Từ đó, HĐXX Tòa Phúc thẩm đã tuyên hủy bản án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu.
------------------------
Cách chức Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Vĩnh Long