Bộ NN&PTNT vừa được phát hiện là một trong những nơi có nhiều giấy phép “con” nhất. Có giấy phép quy định người nuôi lợn phải xử lý nước thải (từ chuồng lợn) đến mức có thể uống được...
45.000 tấn mật ong, 225.000 giấy phép kiểm dịch
Câu chuyện đàn ong “cõng” quá nhiều phí và quy định, được bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Nuôi ong Việt Nam nhắc đến tại diễn đàn doanh nghiệp (DN) nông nghiệp tổ chức mới đây, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bà cho biết, ngành ong đang tạo việc làm cho trên 35 nghìn nông dân, trong đó khoảng 4.000 người nuôi ong chuyên nghiệp.
Chỉ 9 tháng đầu năm 2014, ngành này xuất khẩu vượt kế hoạch đến năm 2020, với trên 40 nghìn tấn, kim ngạch trên 100 triệu USD. Việt Nam nằm trong Top 3 thế giới về xuất khẩu mật ong. “Dù tỷ trọng xuất khẩu nhỏ, nhưng mật ong là sản phẩm từ động vật duy nhất của Việt Nam có thể xuất sang Mỹ, EU”- bà Hằng nói.
Tuy nhiên, ngành ong đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là về kiểm dịch. Theo Quyết định 47 (Bộ NN&PTNT, năm 2005), nếu vận chuyển 200 kg mật ong từ huyện này sang huyện khác, phải làm thủ tục kiểm dịch. Với khoảng 45 nghìn tấn mật ong, bà Hằng tính ra, phải tới 225.000 giấy phép kiểm dịch vận chuyển ra khỏi huyện. “Nếu một ngày cấp phép 1 lần, phải mất 616 năm mới cấp hết số giấy phép trên. Chưa kể, bộ máy ở cấp huyện không có đủ phương tiện, con người, thiếu chuyên môn về ngành ong”- bà Hằng nói.
Theo Hội Nuôi ong, trước đây, chỉ cần kiểm dịch một lần ở một địa phương là được, nhưng nay kiểm dịch chỉ có giá trị trong tỉnh. Vậy nên, nếu chuyển ong từ miền Nam ra Bắc, sẽ qua rất nhiều trạm kiểm dịch và mỗi trạm như thế ong đều “mắc”.
“Nông dân nuôi ong chả biết gọi ai, lại gọi lên Hội. Hội phải nhờ quen biết ở các tỉnh, họ mới giải quyết cho đi”- bà Hằng nói. Đáng ngại hơn, ở nhiều địa phương, có tình trạng xua đuổi, đánh người nuôi ong, thậm chí đốt đàn ong, xịt thuốc sâu cho ong chết. Như ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), người nuôi ong bị đuổi, làm 200 đàn ong bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, theo Thông tư 23 (năm 2009, Bộ NN&PTNT), các đơn vị xuất khẩu mật ong phải thông qua Hội để kiểm định, xác nhận. Việc này nhằm tránh chuyển tải mật ong từ Trung Quốc qua (mật ong Trung Quốc xuất sang Mỹ phải chịu thuế bán phá giá 2,65 USD/kg, nên họ tìm cách đẩy qua nước thứ 3, như Việt Nam).
Tuy nhiên, Hội Nuôi ong hiện có 29 hội viên, nhưng có tới 45 đơn vị xuất khẩu. Bà Hằng nói: “Thông tư này chưa được thực hiện nghiêm túc, cần rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu không theo Thông tư, rất khó giải thích với các cơ quan nước ngoài”.
Nước thải từ chuồng lợn… phải uống được
Cũng “bí” như ong, người chăn nuôi lợn đang đối mặt nhiều quy định lạ lùng. Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Cty CP Thanh Bình (hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam), cho biết: Trong ngành thức ăn gia súc, thế giới đăng ký chất lượng chỉ yêu cầu 4 tiêu chuẩn, nhưng ở Việt Nam bắt tới 15 tiêu chuẩn.
“Ở Việt Nam, người nuôi ong ngoài bị đuổi đánh, họ còn phải trả tiền cho chủ vườn, chính quyền, 10-20 triệu đồng, tùy quy mô. Ngoài ra, họ còn trả cho công an, môi trường… Một đàn ong phải trả quá nhiều loại phí” - Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam
Theo ông, thế giới chỉ yêu cầu chất nào không khuyến khích cho tối đa là bao nhiêu; còn chất khuyến khích có quy định tối thiểu. “Chẳng hạn đạm là chất khuyến khích, tôi đăng ký 15%, nhưng khi làm có thể lên 16% (tốt hơn 15%) thì thanh tra cứ máy móc, thấy khác là phạt. Còn những chất như canxi, muối… không khuyến khích, tỷ lệ dưới mức đăng ký chút có thể được, nhưng cũng bị phạt. Tôi kiến nghị nhiều lần, Bộ NN&PTNT nói cân nhắc, mà mãi vẫn chưa sửa”- ông Bình nói.
Ông Bình nói thêm: “Chẳng hạn, tôi chỉ đăng ký một chất là 10%. Nói thật, tính toán công thức vậy, chứ chả đơn vị nào làm đúng 10% được. Bởi vì một sản phẩm được tổ hợp rất nhiều thành phần cộng vào, phải có sai số chứ. Đằng này, cơ quan thanh tra, thấy không giống là đè ra phạt. Rất mệt mỏi, cái này đưa ra để quản lý, sao lại thích phạt”- ông Bình nói.
Từng đầu tư nuôi hàng chục nghìn con heo ở Đông Nam Bộ, ông Bình cho hay, quy định về xử lý môi trường của Bộ TN&MT đang “tiêu diệt ngành chăn nuôi”. Theo ông, nếu quy định nước thải từ trại heo ra phải đạt tiêu chuẩn loại A - tức là uống được, loại B - là tắm được… chắc không ai làm nổi; kể cả DN lớn chứ đừng nói cơ sở chăn nuôi nhỏ.
Nhiều DN chăn nuôi ở Đồng Nai bị phạt “lên bờ xuống ruộng” vì quy định trên. Ông Bình cho rằng, không ai làm được, mà vẫn áp dụng, doanh nghiệp tìm mọi cách để “lách”. “Trước đây, tôi cũng nuôi tới 20 nghìn con heo, nhưng đã đóng cửa trại cho khỏe, vì những quy định đưa ra nhìn đã bất hợp lý”- ông Bình cho biết.
Trong khi đó, tại HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội)- HTX chăn nuôi lớn nhất miền Bắc cũng “khóc dở mếu dở” vì những quy định về môi trường. Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nông dân bươn chải làm ăn, trình độ a, b, c…, bảo phải đầu tư xử lý công nghệ nước thải theo quy định A, B,C gì đó khó lắm! Điều lạ là, cảnh sát môi trường, cán bộ môi trường cứ xuống kiểm tra phạt lên, phạt xuống, mà cũng không hướng dẫn cho cách nào để xử lý.
Ông Chiến cho biết, bản thân ông là chủ nhiệm HTX, được Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ TN&MT) hỗ trợ xây dựng mô hình nước thải. Thế nhưng, khi công trình vận hành, cán bộ môi trường của thành phố xuống kiểm tra, bảo không đạt chuẩn. Từ đó, cán bộ chức năng “đè” ra phạt không thương tiếc, công trình phải “đắp chiếu”.
---------------------
Ở cạnh công trình nước sạch 11 tỷ đồng, dân vẫn “khát nước”
Nhường đất cho dự án đường Dung Quất - Sa Huỳnh, hơn 200 hộ dân đã chuyển đến khu tái định cư mới (thuộc xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi), hàng ngày phải lặn lội chở từng can nước từ nơi ở cũ về sử dụng.
Sống cạnh công trình nước sạch, hàng trăm hộ dân chỉ biết chép miệng bày tỏ nỗi bất bình. Vừa chỉ tay về đài nước, ông Bùi Xuân Lan (54 tuổi, ngụ thôn Tân Long) vừa bày tỏ: “Chuyển về khu tái định cư mới này, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Thế nhưng, về ở đây từ giữa tháng 7/2013, chưa một lần tôi được uống giọt nước đảm bảo chất lượng mà chỉ toàn nước phèn có màu đục và hôi tanh. Để có nước ăn uống, mỗi ngày tôi đi chở 40 lít nước ngọt về sử dụng cho cả gia đình với 9 nhân khẩu”.
Theo ông Lan, do đài nước hoạt động thất thường, nguồn nước bị nhiễm phèn có mùi chua và hôi nồng nặc, gia đình ông Lan đành khoan thêm giếng nước cạnh nhà để sử dụng. Tuy nhiên, nước giếng cũng chỉ dùng để tắm, giặt và rửa chứ không dám dùng trong ăn uống.
Cùng chung hoàn cảnh trên, hàng ngày, gia đình ông Đoàn Thành Minh (57 tuổi) tranh thủ thời gian chở khoảng 10 can (20 lít/can) nước sạch về sử dụng ăn uống và tắm giặt cho cháu nội còn nhỏ. Ông Minh phàn nàn: “Họ làm đường ống dọc tuyến đường rồi, yêu cầu người dân tự bắt ống nước vào nhà. Tôi bỏ ra gần 1 triệu đồng để đấu nối đường ống vào nhà. Nhưng trớ trêu là có nước mà không dùng được. Đến nay đã tròn 1 năm mà nhân dân ở đây vẫn phải chở nước về nhà sử dụng”.
Theo thiết kế, công trình cấp nước cho 4 khu dân cư thuộc xã Tịnh Long đoạn Mỹ Khê - Trà Khúc theo dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng dự án, do Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đến tháng 11/2013, Sở GTVT nghiệm thu, đưa vào sử dụng và bàn giao cho UBND xã Tịnh Long quản lý vận hành.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Long - cho biết: “Ngay tại khu dân cư Cây Sến và Đồng Bến Sứ, trước đây là vùng nghĩa địa với hơn 10.000 ngôi mộ, do đó nguồn nước và môi trường nơi đó không bảo đảm an toàn để sử dụng trong ăn uống, đặc biệt là những hộ đóng giếng tự phát. Đối với công trình nước của Sở GTVT, từ 1 năm qua, xã tốn chi phí mỗi tháng 5 triệu đồng (thuê 2 nhân viên, tiền điện và nước) để vận hành nhưng nguồn nước lại không đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân”.
Cũng theo ông Đỗ Văn Ba, cả 4 khu dân cư trên có gần 400 lô đất tái định cư (tương đương gần 400 hộ), đến nay chỉ có hơn 200 hộ đã chuyển đến khu tái định cư nhưng chỉ có 22 hộ đấu nối đường ống sử dụng nước từ công trình nước sạch 11 tỷ đồng.
Hộ ông Đoàn Minh Đình (53 tuổi, ngụ Khu TĐC Cây Sến) cho biết: “Tôi nối đường ống vào nhà với chi phí 590.000 đồng, khi mở van nước thì có màu đục và hôi tanh. Thấy vậy, tôi đành tự bỏ tiền ra làm khoan giếng khác để dùng nhưng cũng chỉ sử dụng tắm và giặt đồ thôi. Vài hộ đầu tiên đấu nối đường ống đều không sử dụng được nước sạch, cho nên những người khác cũng không mặn mà dùng nước công trình”.
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 28/10, ông Hà Hoàng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi - nói: “Tiếp nhận phản ánh của nhân dân, Sở đã tiến hành kiểm tra, kết quả cho thấy chất lượng nước bơm lên bồn tại trạm đảm bảo chất lượng sử dụng. Nguyên nhân còn lại có thể đường ống bị rò rỉ hoặc bị bể nên nguồn nước bên ngoài xâm nhập, dẫn đến nước bị đục và mùi hôi. Trước tình hình này, Sở đạo các đơn vị liên quan khẩn trương súc xả toàn bộ đường ống thật sạch, khắc phục và thay thế đoạn ống bị hư hỏng. Dự kiến trước ngày 5/11, chúng tôi sẽ khắc phục sự cố”.
Hiện nay, hàng trăm hộ dân đến sinh sống ở khu tái định cư đều ngao ngán, bức xúc khi chuyển đến nơi ở mới nhưng điều kiện sinh hoạt lại kém hơn nơi ở cũ. Nếu tình trạng trên kéo dài, hệ lụy lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thế hệ con cháu mai sau.
----------------------------
Một huyện phát hiện gần 160 hồ sơ cán bộ "có vấn đề”
Mới đây, trong quá trình kiểm tra, rà soát về hồ sơ cán bộ, Phòng Nội vụ huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã phát hiện 158 bộ hồ sơ cán bộ có sai lệch, cần phải xem xét lại.
Đó là kết quả trong đợt rà soát hồ sơ của 694 cán bộ, công chức cấp xã vừa qua trên địa bàn huyện Hậu Lộc. Đây là nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng văn bằng, đồng thời phòng ngừa các vi phạm phát sinh trong việc cấp và sử dụng văn bằng.
Theo đó, những lỗi được phát hiện qua đợt kiểm tra, rà soát như: Ngày tháng năm sinh trong bằng cấp không khớp với hồ sơ bảo hiểm, ngày tháng bị tẩy xóa…
Đặc biệt, dư luận đã từng phản ánh về trường hợp của ông Hoàng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc - mượn bằng cấp 3 của anh vợ để thăng quan. Hành vi của ông Đồng đã bị “lật tẩy”, UBND huyện Hậu Lộc cũng đã ra quyết định cách chức ông này sau khi tiến hành thanh, kiểm tra sự việc.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh San - Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc - cũng bị dư luận phản ánh chưa có bằng THPT. Bản thân ông San cũng thừa nhận không có bằng THPT. Năm 1986 ông đi học Trường Trung cấp pháp lý Thanh Hóa, sau đó về đảm nhiệm các chức vụ tại xã này.
Theo lý giải của ông San thì bằng Trung cấp pháp lý của ông được xác định tương đương như bằng THPT nên không phải đi học nữa. Hiện Huyện ủy Hậu Lộc đang tiến hành xác minh, làm rõ về bằng cấp đối với ông Trần Thanh San theo phản ánh.
Đặc biệt, dư luận đang rất hoài nghi về vấn đề hồ sơ của ông Nguyễn Văn Luật, Huyện ủy viên, Chánh thanh tra huyện Hậu Lộc. Qua tìm hiểu được biết, năm 2001, ông Luật tốt nghiệp Trung cấp Hành chính tại chức, trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2002, ông Luật mới làm đơn đi xin học cấp 3 bổ túc văn hóa và mới có bằng cấp 3.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 23/4/2014, Huyện ủy Hậu Lộc đã có kết quả kiểm tra, ông Luật có bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) do Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cấp ngày 25/9/2002 tại Hội đồng thi Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Triệu Sơn. Tuy nhiên, năm 2001 ông này đã có bằng Trung cấp Hành chính tại chức.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Dưỡng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hậu Lộc - khẳng định, 158 hồ sơ nêu trên có sai lệch cần phải xem xét lại. Huyện sẽ tổ chức họp để những cán bộ có hồ sơ bị sai lệch hoặc không có bằng cấp 3 phải giải trình cụ thể. Nếu có sai phạm, huyện sẽ xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cho biết, Ủy ban Kiểm tra huyện đang kiểm tra lại những thông tin trên, chưa có kết luận.
--------------------