Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Công an đã kỷ luật 3 cán bộ trong ngành do để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý; 2 vụ việc sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ sáng 15/4, ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tổng hợp, cho biết trong quý I/2015 toàn quốc có 3 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý kỷ luật 3 người này.
Ngoài ra, trong quý I vừa qua, cơ quan chức năng Bộ Công an đã đình chỉ điều tra 1 bị can liên quan đến tham nhũng vì người này đã chết.
Trả lời câu hỏi về danh tính, cơ quan công tác của những cán bộ này, ông Phí Ngọc Tuyển - Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cho biết 3 trường hợp người đứng đầu bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng đều là cán bộ trong ngành công an.
Cụ thể, Bộ Công an đã cảnh cáo Đại tá Nguyễn Thành Tâm - Trưởng phòng hậu cần, kỹ thuật (Công an tỉnh Kiên Giang) do để xảy ra tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong đơn vị do mình quản lý; giáng chức Thượng tá Mai Hoàng Sơn, từ Phó trưởng Phòng hậu cần, kỹ thuật (cấp phó của ông Tâm - PV) xuống làm đội trưởng. Ông Sơn bị giáng chức vì cấp phó được phân công phụ trách trực tiếp để xảy ra tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng tại bộ phận do mình phụ trách. Theo Thanh tra Chính phủ, sai phạm của hai cán bộ công an này liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ được giao, thông đồng với nhau, dùng thủ đoạn gian dối chỉnh sửa số liệu trong bảng lương, nâng khống tiền lương chiếm đoạt ngân sách nhà nước số tiền 13,5 tỷ đồng.
Trường hợp thứ ba là Đại uy Võ Thành Chí - Phó trưởng công an phường Trà An (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) bị kỷ luật mức khiển trách do thiếu tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo sở hở cho cán bộ chiến sĩ có điều kiện phát sinh tiêu cực (xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát đường bộ không đúng quy định).
Đối với vụ việc nghi can tham nhũng chết, ông Phí Ngọc Tuyển cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) - Bộ Công an, đã đình chỉ điều tra đối với ông Dương Lê Dũng - Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại đơn vị này. “Theo thông tin chúng tôi biết thì ông Dũng đã tự vẫn trong trại giam”- ông Tuyển nói.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Công an cho biết trong quý I/2015 đã tạm đình chỉ điều tra 2 vụ việc và 1 bị can khác. Cụ thể, trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Sách (xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) do Công an tỉnh Nghệ An thụ lý, trong quá trình điều tra, bị can Văn Thị Hồng (kế toán) bỏ trốn nên cơ quan cảnh sát điều tra đã có Quyết định truy nã số 04 ngày 25/4/2015. Trong vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Cà Mau do Công an tỉnh Cà Mau thụ lý, tài sản thiệt hại 275 triệu đồng, chưa khởi tố bị can nhưng cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền.
Chuyển 2 vụ việc của Vinafood 2 sang cơ quan điều tra
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về nội dung cuộc họp vừa diễn ra liên quan đến kết luận sai phạm tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết đây là cuộc thanh tra được tiến hành trong năm 2014. Ngày 14/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinafood 2 để trao đổi xung quanh kết quả thanh tra.
“Đây là quy trình thường xuyên của chúng tôi để đảm bảo sự khách quan và cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, trong đó có cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực. Đó là cuộc họp thứ 2 về cuộc thanh tra này. Đến nay cuộc thanh tra chưa kết thúc và kết luận cuối cùng về cuộc thanh tra chưa ban hành. Tuy nhiên trong cuộc thanh tra này, từ năm 2014 khi mới tiến hành thanh tra, chúng tôi đã phát hiện những vụ việc cần phải chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng để xem xét xử lý. Chúng tôi đã làm việc và được VKSND Tối cao và Cơ quan điều tra Bộ Công an thống nhất quan điểm. Hai vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý xảy ra tại Công ty Lương thực Vĩnh Long và vụ việc vi phạm tại Công ty lương thực Hậu Giang. Vừa rồi anh Tuyển có nói rồi, bị can là giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long”- ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, Vinafood 2 có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của một vùng rộng lớn và trọng điểm. “Chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm sao qua thanh tra sẽ phục vụ tốt hơn yêu cầu tái cơ cấu của doanh nghiệp này mà Thủ tướng Chính phủ đã duyệt. Còn nhiều nội dung khác nữa trong cuộc thanh tra chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí sau”- ông Khánh cho biết.
-------------------------
Sẽ xử lý biệt thự trái phép của đại gia vàng theo đúng pháp luật
“Thành phố đã giao cho các sở, ban, ngành liên qua kiểm tra cụ thể và xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, ông Võ Văn Thương - Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng nói về việc xử lý biệt thự của đại gia vàng Ngô Văn Quang trong rừng Hải Vân.
Trong khi biệt thự của Thiếu tướng Phan Như Thạch - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - đã được tháo dỡ theo quyết định của UBND quận Liên Chiểu thì biệt thự của đại gia vàng Ngô Văn Quang vẫn còn "yên vị".
Liên quan đến vấn đề này, ngày 14/4, ông Võ Văn Thương - Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng - cho biết, sau khi thực hiện xong các xử phạt hành chính của UBND quận Liên Chiểu, ông Quang có đơn gửi UBND quận Liên Chiểu đề nghị xin được giữ lại khu nhà rường để làm du lịch. Sau đó, UBND quận Liên Chiểu có gửi đơn của ông Quang lên UBND thành phố. UBND thành phố đã giao cho các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra và sẽ xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Hiện các sở, ban, ngành chưa có báo cáo. Khi nào có báo cáo thành phố sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước đó, ông Ông Văn Dũng – Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu - cho biết, phần sai phạm về xây dựng trái phép, ông Quang đã khắc phục xong, đã phá dỡ xong công trình nhà 2 tầng. Đối với khu nhà rường xây dựng trong phần đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, ông Quang có đơn xin để lại một số hạng mục xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái. Thấy kiến nghị của ông Quang hợp lý nên UBND quận đã báo cáo lên UBND thành phố để xin ý kiến. Nếu thành phố đồng ý thì sẽ hướng dẫn cho ông Quang làm thủ tục, nếu không đồng ý, quận sẽ xử lý tiếp theo.
Cũng theo ông Dũng, quyết định yêu cầu ông Quang phải hoàn thành việc tháo dỡ sau 35 ngày kể từ ngày nhận quyết định, tức là đến ngày 10/3. Đó là chính quyền yêu cầu họ phải khắc phục còn theo quy định xử phạt hành chính có hiệu lực là 1 năm. Nếu sau 1 năm mà TP Đà Nẵng không chấp thuận đơn xin của ông Quang về việc giữ một số công trình lại làm dự án du lịch thì chính quyền sẽ tiến hành tháo dỡ.
-----------------------
Cách chức giám đốc vì chi sai nguyên tắc hơn 1 tỷ đồng
Chịu trách nhiệm mua cây giống cho người dân, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Long đã chi vượt gần 1,2 tỷ đồng cho doanh nghiệp cung cấp cây giống và bị “tuýt còi”.
Xác nhận với PV Dân trí sáng ngày 15/4, ông Nguyễn Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Minh Long - cho biết: “Sau kết quả kiểm tra của huyện, chúng tôi phát hiện gần 1,2 tỷ đồng đã thanh toán cho doanh nghiệp cung cấp cây giống nhưng không có cây giống. Địa phương đã tiến hành cách chức Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và điều chuyển làm nhân viên ở đơn vị khác”.
Theo hồ sơ điều tra của huyện Minh Long, vào ngày 21/11/2013, BQL rừng phòng hộ huyện ký hợp đồng cung cấp giống gồm cây sa nhân, mây nước, bời lời… Tổng trị giá hợp đồng là hơn 765,5 triệu đồng, do ông Lê Chí Khanh - Giám đốc BQL rừng - đứng tên ký với doanh nghiệp Tài Nguyên theo nguồn chương trình 30a của Chính phủ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ cung cấp cây giống có trị giá hơn 326,5 triệu đồng nhưng BQL vẫn chuyển đủ số tiền theo hợp đồng.
Tiếp diễn sau đó, BQL rừng phòng hộ thực hiện mua cây giống và thanh toán đủ theo giá trị hợp đồng là gần 1,3 tỷ đồng, còn doanh nghiệp cung cấp cây giống có trị giá hơn 717 triệu đồng.
Qua 2 lần thực hiện mua cây giống trên, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ cung cấp cây giống, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Giám đốc BQL rừng phòng hộ vẫn làm thủ tục thanh toán số tiền này.
Bên cạnh đó, UBND huyện Minh Long đồng ý cho BQL rừng phòng hộ và UBND xã Long Mai mua cây keo lai giống, do doanh nghiệp Tài Nguyên cung cấp. Tuy nhiên, báo cáo của UBND xã Long Mai mua với giá 800 đồng/cây, còn BQL rừng phòng hộ lại báo cáo mua 1.150 đồng/cây. Tính tổng mức chênh lệch, BQL rừng phòng hộ gây thất thoát 183 triệu đồng tiền ngân sách nhà nước.
Qua thanh kiểm tra, số tiền mà BQL rừng phòng hộ chi khống và gây thoát thoát gần 1,2 tỷ đồng. Về số lượng cây mà doanh nghiệp cung cấp, địa phương các xã thụ hưởng mới tiếp nhận khoảng 21.000 cây so với khoảng 175.000 cây, kết quả thực hiện chỉ đạt 12,3% và số cây còn lại đang dần khô héo.
Đối với kết quả điều tra bước đầu của huyện Minh Long, UBND huyện tiến hành không bổ nhiệm chức danh Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện đối với ông Lê Chí Khanh.
Được biết, hiện nay Thanh tra tỉnh đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc liên quan đến BQL rừng phòng hộ huyện Minh Long. Sau khi có kết quả chính thức, UBND tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Minh Long tiếp tục xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân vi phạm.
-------------------------