Thanh Hóa: Bắt tạm giam nguyên giám đốc quỹ tín dụng
Nguồn tin từ Công an tỉnh ngày 7.11 cho biết: Cùng ngày, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Nha (SN 1955, nguyên Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân (TDND) xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa).
Ông Nguyễn Hữu Nha bị bắt vì đã vi phạm các quy định về cho vay vốn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Kết quả điều tra của Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ cho thấy: Quỹ TDND Hoằng Đồng được phép huy động tiền nhàn rỗi của nhân dân để cho người dân 4 xã (Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh, Hoằng Lộc) vay vốn để phát triển kinh tế.
Quá trình hoạt động, Quỹ TDND Hoằng Đồng thu hút được hàng trăm cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp đến gửi tiền. Song tới thời hạn người gửi đến rút tiền thì Quỹ TDND xã Hoằng Đồng mất khả năng thanh toán.
Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do Quỹ TDND Hoằng Đồng dùng nguồn vốn trên cho các doanh nghiệp vay nhưng không thu hồi được. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định tài sản thiệt hại của các doanh nghiệp cá nhân gửi tiền tại Quỹ TDND Hoằng Đồng là hơn 28 tỉ đồng, người chịu trách nhiệm chính để xảy ra sự cố nêu trên là ông Nguyễn Hữu Nha. Hiện, phòng CSĐT tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa) đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
-------------------------
Sửa điểm thi tuyển viên chức, trưởng phòng Nội vụ mất chức
Ngày 7-11, ông Hàng Kim Nguyên - phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang - cho biết ông Nguyễn Phi Khanh, bí thư Đảng ủy xã Tân Khánh Hòa đã được bổ nhiệm giữ chức trưởng phòng Nội vụ huyện Giang Thành thay cho nguyên trưởng phòng Trần Hữu Nhã vừa bị kỷ luật.
Trước đó, trong đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục của huyện vừa qua, ông Trần Hữu Nhã đã sửa điểm thi cho hai ứng viên từ rớt thành đậu và một ứng viên từ đậu thành rớt.
Theo ông Nguyên, kết quả kiểm tra xác định ông Nhã làm như vậy xuất phát từ quan hệ tình cảm gia đình chứ không có việc chung chi, hối lộ.
Ngoài ông Nhã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và cảnh cáo về mặt chính quyền, một cán bộ khác của Phòng nội vụ là ông Huỳnh Thuận Chel cũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
-------------------------
Dân "tố" phải chi hoa hồng mới được nhận tiền đền bù
Người dân có đất bị giải tỏa để thành lập Khu công nghiệp Khánh An (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) phản ánh muốn nhận tiền đền bù nhanh phải chi hoa hồng.
Liên quan đến vụ người dân tố cáo phải chi hoa hồng cho lãnh đạo công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Cà Mau (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau) mới được nhận tiền đền bù, ngày 7-11, ông Nguyễn Thanh Luận - chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết UBND tỉnh này đã nhận được báo cáo của Tổ thanh tra Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau.
Cũng theo ông Luận, qua xem xét báo cáo, UBND tỉnh đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra. Trường hợp nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.
Trước đó, nhiều người dân có đất bị giải tỏa để thành lập Khu công nghiệp Khánh An (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) phán ánh nếu muốn nhận tiền đền bù nhanh phải trích % tiền được đền bù cho lãnh đạo công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Cà Mau (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau).
Bức xúc trước sự việc, người dân đã tố cáo hành vi trên đến các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau.
Một người dân có đất bị giải tỏa làm khu công nghiệp Khánh An cho biết: “Tôi bị ảnh hưởng hơn 2.000 m2 và được bồi thường 780 triệu đồng. Đợt 1 họ chỉ chi trả cho tôi 400 triệu đồng, số tiền còn lại bị “giam” lại. Lãnh đạo công ty gợi ý nếu muốn nhận phần còn lại nhanh thì phải chi %. Do kẹt tiền nên tôi phải chi 30 triệu mới nhận được 380 triệu đồng còn lại”.
-------------------------
Hơn 2.000 ô tô “hai không” ngang nhiên lưu hành
Trung tâm đăng kiểm Hà Tĩnh vừa công bố tỉnh này có 2.029 xe cơ giới “hai không” - không kiểm định (hoặc quá hạn kiểm định) và không đóng phí đường bộ ngang nhiên lưu hành.
Đủ mọi lý do
Trong số 2.029 phương tiện quá hạn kiểm định (280 xe con, 152 xe khách, 1.467 xe tải, 130 các loại xe khác), TP. Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh có số lượng xe “hai không” nhiều nhất.
6g ngày 30-10, chúng tôi đã có mặt tại ngã ba đường Vũ Quang (TP. Hà Tĩnh) để ghi nhận CSGT TP. Hà Tĩnh kiểm tra, xử phạt những xe hết hạn kiểm định.
Sau nhiều lần ra lệnh dừng một số xe khả nghi, tổ cảnh sát giao thông phát hiện xe biển số 38C-0460.4 đã hết hạn kiểm định hơn 6 tháng nhưng vẫn lưu hành. Lái xe cho biết xe này mượn của doanh nghiệp 1-5 để đi chơi nên không biết hết hạn kiểm định.
Sau khi lái xe không xuất trình được giấy tờ, trung úy Trần Mạnh Cường, tổ trưởng tổ cảnh sát giao thông (công an TP. Hà Tĩnh) chỉ đạo áp tải xe về trụ sở để tạm giữ, đồng thời lập biên bản xử phạt hành chính.
Khi bị thổi phạt vì lỗi hết hạn đăng kiểm, lái xe ben biển số 38N-4850 cho biết đây là xe của doanh nghiệp Lam Hồng đóng ở thị trấn Cày (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Vì xe liên tục chạy vật liệu ở công trường nên quên đưa xe đi đăng kiểm.
Theo trung tá Hoàng, sau khi có chỉ đạo của Ủy ban tỉnh về xử lý tình trạng xe quá hạn kiểm định, công an huyện đã cho người xuống tận các xã, thị trấn trực tiếp làm việc với chủ xe để xác minh rõ loại xe và yêu cầu chủ xe ký vào bản cam kết thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng kiểm.
Theo chân các CSGT huyện Kỳ Anh, chúng tôi gặp một số chủ xe quá hạn kiểm định, mới hiểu nguyên nhân vì sao nhiều xe không đăng kiểm, không đóng phí đường bộ.
Anh Nguyễn Hữu Ước - ở xóm Bắc Sơn Hải, xã Kỳ Hải (Kỳ Anh) cho biết chiếc xe tải của anh hết hạn kiểm định hơn 9 tháng nay. Xe này anh mới mua được hơn một năm và đang còn 5 năm nữa mới hết hạn sử dụng.
“Để sửa xe đạt tiêu chuẩn đăng kiểm thì phải mất ngót vài chục triệu, trong khi giá trị xe chỉ 60 triệu. Do làm ăn khó khăn, không lấy đâu ra số tiền đó để sửa, ngoài ra còn tiền phí đăng kiểm, phí đường bộ nên không đưa xe đi đăng kiểm”, nói xong, anh Ước ký vào bản cam kết.
Còn tại doanh nghiệp vận tải Mận Vũ (thị trấn Kỳ Anh), khi cảnh sát giao thông thông báo doanh nghiệp này có 7 xe tải hết hạn, chưa đi đăng kiểm lại theo định kỳ, bà chủ doanh nghiệp cho biết 7 xe nói trên đã bán cho các chủ khác và không biết họ đang lưu hành hay đã bán sắt vụn. CSGT buộc doanh nghiệp ký vào bản xác minh đã bán để truy tìm chủ xe mới.
Khó khăn khi xử lý
Cảnh sát giao thông TP. Hà Tĩnh kiểm tra, xử phạt những xe hết hạn kiểm định - Ảnh: Văn Định
Ông Võ Ngọc Sơn, giám đốc Công ty TNHH MTV Đăng Hà Tĩnh, cho biết trong 2.029 xe không kiểm định vẫn lưu hành thì có rất nhiều xe quá hạn từ 3-4 năm. Tình trạng này đã báo cáo và được Ủy ban tỉnh chỉ đạo cho các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Hiện nay xe quá hạn kiểm định hoạt đồng chủ yếu ở các huyện miền núi, ngoài ra còn phải kể đến các mỏ đá, khu kinh tế Vũng Áng…
“Thường khi lưu thông vào thành phố, những xe hết hạn đăng kiểm lợi dụng thời gian không có lực lượng chức năng đứng chốt mới chạy nên rất khó phát hiện”, trung úy Cường cho hay.
Còn tại huyện Kỳ Anh, trung tá Hà Phi Hoàng, đội trưởng đội giao thông công an huyện Kỳ Anh, cho biết huyện này có 324 xe cơ giới quá hạn hoặc không kiểm định.
“Đó là chưa kể bên trong công trường Formosa có hàng trăm xe quá hạn kiểm định, công khai hoạt động nhưng rất khó kiểm soát. Muốn vào kiểm tra thì phải báo lên cấp trên, lập đội liên ngành mới có thể kiểm tra, xử lý”, trung tá Hoàng nói.
-------------------------