Đánh chết nghi can, ba công an xã lãnh 14 năm tù
Ngày 3-12, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người tại trụ sở công an xã.
Ba bị cáo gồm: Trần Văn Công (38 tuổi, nguyên trưởng công an xã) bị tuyên phạt 5 năm tù giam, Lê Văn Tâm (46 tuổi) và Nguyễn Hữu Tuyến (27 tuổi) cùng là công an viên xã Đạo Nghĩa (Đắk R’Lấp, Đắk Nông) bị tuyên phạt mỗi người 4 năm 6 tháng tù giam.
Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại 134 triệu đồng. Mỗi tháng còn phải có trách nhiệm cấp dưỡng nửa tháng lương cơ bản cho con của nạn nhân đến đủ 18 tuổi.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, khoảng 15g ngày 13-2, ông Huỳnh Tấn Du (35 tuổi, trú thôn Quảng Lộc, xã Đạo Nghĩa) phát hiện ông Huỳnh N. (39 tuổi, thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa) đang hái trộm tiêu trong rẫy của mình nên đã bắt trói ông N. và báo công an xã.
Khoảng 17g30 cùng ngày, ông N. bị dẫn giải về trụ sở Công an xã Đạo Nghĩa để làm việc. Đến khoảng 19g30 tối 13-2, ông N. được cho về nhà và hẹn sáng hôm sau (14-2) sẽ làm việc tiếp. Tuy nhiên khoảng 9g sáng 14-2 thì ông N. tử vong tại nhà nên gia đình báo cơ quan chức năng.
Khám nghiệm tử thi phát hiện nạn nhân N. có tổng cộng 33 vết thương, vết bầm tím trên cơ thể, trong đó có chín vết bầm tím trên đầu, mặt. Nguyên nhân tử vong của ông N. được xác định là do đa chấn thương, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Tại phiên tòa, ba ông Tuyến, Tâm và Công đã thừa nhận trong lúc lấy lời khai, vì cho rằng ông N. gian dối trong việc khai nhận hành vi trộm cắp nên họ đã dùng dùi cui, tay đánh ông N. nhiều lần. Các bị cáo cho rằng mình chỉ đánh ông N. để dọa nhưng không ngờ nạn nhân tử vong.
Theo pháp lệnh công an xã (do Chủ tịch nước ban hành ngày 2-12-2008), công an xã chỉ có trách nhiệm lấy lời khai ban đầu các vụ việc nhưng không được tạm giữ hình sự, hỏi cung nghi can. Nếu có dấu hiệu tội phạm, công an xã phải chuyển nghi can lên cơ quan công an cấp trên.
-------------------------
Bình Thuận bác tin đồn CSGT ép xe, người dân té chết
Ngày 3-12, ông Đỗ Ngọc Liêm, Đội CSGT Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận), xác nhận trên địa bàn TP Phan Thiết xuất hiện tin đồn thất thiệt về lực lượng CSGT.
Cụ thể lúc 16g ngày 1-12, anh Đ.V.Đ. (31 tuổi, ở huyện Hàm Thuận Nam) điều khiển xe máy chạy trên đường Trần Hưng Đạo theo hướng cổng chữ Y về cầu Dục Thanh.
Khi anh Đ.V.Đ. chạy đến ngã ba đường Trần Hưng Đạo - Trần Phú thì tông vào cột gắn bảng tên đường bằng sắt khiến cây cột này nghiêng. Lúc này có đội tuần tra của lực lượng CSGT Công an TP Phan Thiết đi làm nhiệm vụ phát hiện sự việc.
Qua đo nồng độ cồn, anh Đ.V.Đ. có nồng độ cồn 220,4 mg/100ml máu (quy định không vượt 50mg/100ml máu). Cán bộ công an sau đó đưa anh Đ.V.Đ. đi chữa trị vết thương nhưng anh Đ. từ chối vì chỉ bị sây sát nhẹ ở tay.
Thấy công an đưa anh Đ.V.Đ. đi chữa trị, một số người dân đã đồn thổi CSGT ép dân té xe. Thậm chí còn xuất hiện lời đồn CSGT ép xe máy té chết người dân.
Một cán bộ công an tham gia làm nhiệm vụ tuần tra khi xảy ra vụ việc cho biết vị này phải nắn thẳng lại cột sắt gắn bảng tên đường bị cong vẹo vì xe máy tông vào.
Lực lượng công an khi thấy tai nạn đã bảo vệ hiện trường, đưa người bị nạn đi chữa trị là trách nhiệm trong công việc của mình. Tuy nhiên không hiểu sao lại xuất hiện tin đồn thất thiệt như trên.
Ông Đỗ Ngọc Liêm - đội phó (phụ trách tuyên truyền) Đội CSGT Công an TP Phan Thiết, xác nhận có người dân còn gọi điện tới hỏi là "người dân mà CSGT đưa đi đã chết hay chưa?".
Hiện nay Công an TP Phan Thiết đang lập hồ sơ để xử phạt hành chính anh Đ.V.Đ. vì lái xe trong tình trạng say rượu gây tai nạn.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận rộ lên nhiều tin đồn thất thiệt như giết người mổ nội tạng, bắt cóc trẻ em... Lực lượng chức năng sau đó đã vào cuộc điều tra và khẳng định đây là những tin đồn vô căn cứ.
Một số người kích động bạo lực trong vụ tin đồn bắt cóc trẻ em ở huyện Bắc Bình vừa qua đã bị khởi tố.
-------------------------
Bắt giam chú rể cưới "cô dâu nhí" 14 tuổi
Chiều 3-12, thượng tá Huỳnh Thanh Cần, phó trưởng Công an Q.Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Văn Cơ để điều tra hành vi giao cấu với trẻ em.
Ông Đ.P.Đ., cha cô dâu 14 tuổi Đ.T.C.N. cho biết, N. nghỉ học từ năm lớp 6, hàng ngày thường ra chợ bán cá với mẹ. Được cho chút tiền, N. thường ra các tiệm internet chơi game, lên facebook.
Sau đó, N. đến một quán cà phê ở Q.Ô Môn làm thuê và quen biết với Cơ, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và cũng làm nhân viên tại quán.
Mới 10 ngày quen và “yêu” nhau, N. đã theo Cơ về nhà sống chung như vợ chồng. Thấy hai đứa yêu nhau, thương con nên cha của Cơ đến gia đình ông Đ. xin phép cưới vợ cho con vì Cơ đòi tự tử nếu cha mẹ N. không cho cưới.
Sáng 23-11, gia đình N. đã tổ chức tiệc vu quy đãi khoảng 120 khách là gia đình hai họ và bà con lối xóm. Tiệc cưới diễn ra suôn sẻ, không ai có ngăn cản. Ngày hôm sau chính quyền địa phương mới nắm được tin và tổ chức các ban ngành, đoàn thể tìm hiểu sự việc, báo cấp trên xử lý.
-------------------------
Mua bán hoá đơn trái phép trị giá đến 1.000 tỉ đồng
Theo thoả thuận với các doanh nghiệp mua hoá đơn, Nguyễn Thị Mùi bán cho các doanh nghiệp và được chia 24 - 40% trong 5% tiền thuế giá trị gia tăng.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, vừa kết thúc điều tra vụ án “Mua bán trái phép hoá đơn thu nộp ngân sách Nhà nước” tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, đề nghị viện KSND tối cao truy tố bị can Nguyễn Thị Mùi (59 tuổi, trú tại đường Trần Phú, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) về tội danh trên.
Cơ quan điều tra xác định bị can đã mua, bán số hoá đơn trị giá lên đến 1.000 tỉ đồng để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2012 đến tháng 8-2013, Nguyễn Thị Mùi đã sử dụng pháp nhân của 3 doanh nghiệp do Mùi lập ra gồm Công ty TNHH Thiên Lộc Phúc, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phú Hưng Long và công ty TNHH thương mại dịch vụ Nam Long Hưng Thịnh để mua, bán hoá đơn giá trị gia tăng.
Theo thoả thuận với các doanh nghiệp mua hoá đơn, khi Nguyễn Thị Mùi bán cho Công ty TNHH Trường An Phát Đạt và Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Tấn Phúc Lộc sẽ được chia 24% số tiền trong tổng số 5% tiền thuế giá trị gia tăng; khi bán cho Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi và Công ty cổ phần Phú Lợi Phát thì sẽ được chia 40% trong tổng số 5% tiền thuế.
Trước món lợi này, bị can đã bán tổng cộng 94 tờ hoá đơn với doanh số ghi trên hoá đơn hơn 510 tỉ đồng; tiền thuế GTGT là hơn 25 tỉ đồng. Theo thoả thuận thì bị can Mùi được chia gần 7,9 tỉ đồng. Tuy nhiên do hai cá nhân là Lê Viết Chín và Hồ Quang Minh chưa thanh toán hơn 4,4 tỉ đồng nên bị can chỉ hưởng lợi gần 3,5 tỉ đồng.
Để hợp thức hoá đầu vào cho công ty mình, bị can Mùi đã dùng pháp nhân 3 công ty để mua 181 hoá đơn của 8 doanh nghiệp do một người tên Kiếu (chưa rõ lai lịch) cung cấp. Tổng doanh số mua hàng là hơn 468 tỉ đồng và thuế GTGT gần 23,5 tỉ đồng.
Theo đó, bị can được 24% trong tổng số tiền trên, tương đương hơn 5,6 tỉ đồng. Số còn lại hơn 17,9 tỉ đồng bà Kiếu hưởng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an chưa xác định được lai lịch bà Kiếu nên không có căn cứ về việc bị can Mùi đã trả bà Kiếu số tiền trên. Do đó cơ quan điều tra xác định bị can Mùi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về số tiền gần 23,5 tỉ đồng này. Đây cũng là tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại thông qua hoạt động mua bán hoá đơn của bị can Mùi.
Kết luận điều tra nêu rõ trong vụ án này có một số đối tượng mua bán hoá đơn của Nguyễn Thị Mùi như Lê Viết Chín, Hồ Quang Minh, Trương Văn Phúc, Trần Phương Thảo có dấu hiệu “mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng” và “trốn thuế”. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra.
-------------------------