Ông Tập Cận Bình tuyên bố xây nền ngoại giao “nước lớn”
Ông Tập Cận Bình mới đây tuyên bố đã đến thời điểm Trung Quốc không còn phải giấu mình và cần xây dựng “chính sách ngoại giao nước lớn với những đặc thù của Trung Hoa”.
Báo SydneyMorning Herald cho biết ông Tập nêu vấn đề trên trong bài diễn văn tại Hội nghị Trung ương các vấn đề ngoại giao, điều này cho thấy sức nặng của tuyên bố vì đây là cuộc họp cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chính sách ngoại giao.
Cuộc họp có sự tham gia của 6 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc và là lần đầu tiên được tổ chức trong 8 năm trở lại đây. Lần cuối cùng một hội nghị tương tự được tổ chức là dưới thời ông Hồ Cẩm Đào năm 2006.
Tân Hoa Xã nói mục đích của hội nghị là “xây dựng hướng dẫn, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ chính của nền ngoại giao Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.
Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình là tuyên ngôn rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược “ẩn mình, chờ thời” được đưa ra cách đây hơn 20 năm bởi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã thực hiện nhiều chuyến công du đến các nước châu Á, châu Âu, châu Phi, và gần đây không ngần ngại bày tỏ tham vọng khôi phục lại “Con đường tơ lụa” cổ xưa nối với châu Âu.
Các nhà quan sát nhận xét đây là “lời chào sân” cho vai trò của Trung Quốc sau nhiều năm khu vực nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ.
“Điều rõ ràng là nhà lãnh đạo hiện tại không còn muốn “ẩn mình” nữa. Đây là chỉ dấu quan trọng cho một nền ngoại giao đang lột xác”, giáo sư Niu Jun của ĐH Bắc Kinh nhận xét.
“Bài diễn văn của ông Tập xác nhận Trung Quốc đang chuyển sang một tư thế mới, chủ động trong việc định hình thế giới xung quanh”, Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương thuộc ĐH Lingnan Hong Kong nói.
-------------------------
17 tiểu bang Mỹ kiện chính quyền Obama
Hôm 3-12, 17 tiểu bang Mỹ do bang Texas dẫn đầu đã kiện chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Theo AFP, Tổng chưởng lý bang Texas Greg Abbott cho biết kế hoạch cải tổ các quy định nhập cư của chính quyền Obama được công bố hồi tháng trước đã phớt lờ sự phản đối của đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ.
Theo ông Abbott, việc này “chà đạp” lên hiến pháp Mỹ.
Phe Cộng hòa cho rằng động thái không cần quốc hội Mỹ thông qua này là nằm ngoài thẩm quyền của tổng thống và vi hiến.
“Tổng thống đang rũ bỏ trách nhiệm thi hành luật một cách trung thực. Những quy định trên lẽ ra phải được quốc hội thông qua” - ông Abbott cho biết.
Theo ông Abbott, chính quyền Obama đang cố gắng viết lại luật nhập cư, trong khi họ không có quyền làm điều đó.
Việc sửa đổi luật nhập cư của chính quyền Obama đã giúp 44% trên tổng số 11,3 triệu người, tức gần 5 triệu người có thể xin cấp giấy phép làm việc 3 năm tại Mỹ. Phần lớn là Mexico, Trung Mỹ, … đang sống lén lút tại Mỹ.
Để được ở lại Mỹ, người nhập cư không giấy tờ phải sống 5 năm tại Mỹ, có con cái là công dân Mỹ hoặc cư dân hợp pháp ở Mỹ.
-------------------------
Thái Lan săn lùng “đại gia” thuê giang hồ bắt doanh nhân
Ngày 3-12, chính quyền Thái Lan cho biết đang săn lùng doanh nhân Nopporn Suppipat, một trong những người giàu nhất đất nước, vì có liên quan đến vụ cảnh sát tham nhũng đang gây chấn động.
Theo AFP, nhà chức trách cho biết tòa án quân sự Thái Lan đã ra trát bắt giữ tỉ phú ngành năng lượng Nopporn. Ông Nopporn được tạp chí Mỹ Forbes xếp hạng 31 trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan năm 2013.
Ước tính tổng tài sản của ông Nopporn lên đến 800 triệu USD. Cảnh sát cáo buộc ông Nopporn đã thuê giang hồ để bắt cóc một doanh nhân tại Bangkok nhằm xóa một khoản nợ. Ông Nopporn cũng có quan hệ với các quan chức cảnh sát bị bắt giữ vì tội tham nhũng.
Ông Nopporn mới ngoài 40 tuổi, từng học tại Mỹ và là nhà sáng lập tập đoàn năng lượng Wind Energy Holdings. Cảnh sát tình nghi hiện ông đã trốn khỏi Thái Lan.
Đến nay, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ 22 người trong đường dây tham nhũng của lực lượng cảnh sát.
Do gia đình của vương phi Srirasmi dính líu đến xìcăngđan tham nhũng này, thái tử Maha Vajiralongkorn đã yêu cầu chính quyền tước tên hoàng tộc của họ. Vụ bê bối nổ ra từ cuối tháng 11 khi ba sĩ quan cảnh sát cao cấp, bao gồm người đứng đầu Cục Điều tra trung ương Pongpat Chayapan, bị bắt giữ vì tội nhận hối lộ.
-------------------------
Nhật có cơ hội lớn bán tàu ngầm cho Úc
Hôm qua, Chính phủ Úc tuyên bố sẽ không tổ chức đấu thầu mở về việc cung ứng tàu ngầm.
Động thái này càng củng cố cơ hội cho người Nhật vượt mặt các đối thủ châu Âu tiến đến bản hợp đồng nhiều tỉ đôla.
Hồi tháng 9, Reuters đưa tin Úc đã nghiêng về khả năng mua 12 tàu ngầm tàng hình của Nhật dù sức ép trong nước kêu gọi chính phủ nên ưu tiên cho hàng nội địa.
Kể từ thời điểm đó, nhiều công ty quốc phòng châu Âu đã đánh tiếng đề nghị mức giá cạnh tranh hơn so với Nhật. Sức hấp dẫn có lẽ đến từ giá trị 33,96 tỉ USD của chương trình tàu ngầm Úc.
Nhưng trả lời trên đài ABC, Bộ trưởng ngân khố Úc Joe Hockey cho biết chính phủ Canberra không có nhiều thời gian cho một quy trình đấu thầu mở.
“Chúng ta cần phải quyết định ngay” - ông Hockey tuyên bố. Bộ Quốc phòng Úc thông báo hiện chưa chỉ định cụ thể công ty nào, nhưng các nguồn tin tiết lộ nước này đang cân nhắc loại tàu ngầm 4.000 tấn lớp Soryu do Tập đoàn Mitsubishi và Kawasaki của Nhật chế tạo.
Canberra được cho là rất quan tâm đến công nghệ hệ thống đẩy dùng pin lithium-ion. Các chuyên gia nhận xét nó sẽ giúp tàu ngầm hoạt động tầm xa hơn dưới nước và cải thiện về tốc độ so với loại tàu diesel-điện.
Tàu ngầm lớp Soryu thế hệ mới của Nhật sẽ là những con tàu đầu tiên trên thế giới dùng công nghệ này. Ngoài Nhật, Tập đoàn Saab của Thụy Điển, DCNS của Pháp và ThyssenKrupp Marine Systems của Đức đều bày tỏ mong muốn tham gia dự án nâng cấp hạm đội tàu ngầm của Úc.
-------------------------