Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn đại biểu Quảng Trị) nêu ra tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng khẳng định, nợ công của quốc gia là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm.
Vì sao nợ công tăng nhanh?
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015.
Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đề ra chủ trương giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21%. Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn.
Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%. Chi cho an sinh xã hội tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10%/năm của thu, 12%/năm của chi ngân sách. Từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ.
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) với 6,3 triệu người được hưởng từ ngày 1/1/2015. Do đó, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015.
Thủ tướng cho biết, trước thực tế này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý nợ công, quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo Nghị quyết của Quốc hội, trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu.
Theo Thủ tướng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Mặt khác, do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Cùng với thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 - 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).
Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
Cụ thể, năm 2012, phát hành trái phiếu Chính phủ 144 nghìn tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013, phát hành gần 182 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm. Năm 2014, phát hành trên 330 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn bình quân là 4,85 năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm.
Ngày 7/11/2014, tiếp tục phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Quản lý chặt, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công
Theo nhìn nhận của Thủ tướng, nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.
Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công...
Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%, trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu. Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).
-----------------------
Con gái “vua dưa hấu thỏi vàng” tung hàng “độc” chưng Tết
Từ những cây hoa màu gần gũi như su hào, bông cải, dưa hoàng kim nhưng qua cách “tạo dáng” của chị Liên đã trở thành những cây “kiểng màu” độc đáo. Ngoài ra, chính tên gọi của các cây “kiểng màu” này sẽ mang “Phúc, Lộc” đầy nhà cho gia chủ.
Chủ sở hữu của những cây “kiểng màu” nói trên là chị Trần Ngọc Liên – con gái của “vua dưa hấu thỏi vàng” Trần Thanh Liêm cùng ngụ khu vực 7, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.
Chia sẻ với PV Dân trí về những cây “kiểng màu” độc đáo của mình, chị Liên cho biết: “Từ những suy nghĩ là làm sao tạo ra những cây kiểng chưng tết nhỏ gọn và ăn được nữa nên tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 3 giống cây này là cây su hào, bông cải và dưa hoàng kim. Sau nhiều lần thử nghiệm, khi vào chậu thấy lá và củ đẹp nên tết này tôi quyết định trồng thật và tôi đang chuẩn bị mang ra chợ hoa bán vào 24 tết.”
Theo chị Liên, để có 50 chậu dưa hoàng kim chị đã trồng hơn 400 chậu, tuy nhiên vấn đề sâu, bệnh cũng như việc đưa dưa vào chậu… nên dưa ra trái không đều, lá dưa không tốt… Do vậy, chị Liên đã loại bỏ và giữ lại 50 chậu dưa. Riêng su hào và bông cải, tuy thời tiết thuận lợi hơn khi gặp trời lạnh như năm nay nhưng hai giống cây này gặp khó khi có nhiều sâu, bệnh tấn công, do vậy sau khi “sơ tuyển”, chị Liên chỉ giữ lại 50 chậu su hào và trên dưới 10 chậu bông cải.
Hỏi thăm về giá cả, chị Liên cho biết, với ý nghĩa giá cả phải chăng nên các loại su hào và bông cải có giá giao động từ 100.000 – 140.000 đồng/chậu. Riêng dưa hoàng kim do khó trồng hơn nên giá cao hơn, từ 350 – 400.000 đồng/chậu. Theo chị Liên đây là năm đầu tiên chị đưa các sản phẩm của mình ra thị trường, một mặt thu lại chút vốn đầu tư, mặt khác là để thăm do thị trường.
Tuy nhiên, điều lý thú nhất chính là cái tên mà chị Liên suy nghĩ đặt ra cho 3 cây “kiểng màu” của mình. Với su hào chị đặt cho cái tên là Kim Ngọc Mãn Đường – mang ý nghĩa vàng bạc đầy nhà cho gia chủ, do vậy trên chậu Kim Ngọc Mãn Đường chị Liên còn trang trí thêm những phụ kiện như thỏi vàng, đồng tiền... Còn với bông cải chị đặt tên là Phúc Đáo Gia có nghĩa là phúc đầy nhà, bông cải càng to, phúc càng lớn, lộc càng nhiều cho gia chủ; Và dưa hoàng kim chị đặt tên là Như Ý Cát Tường, mang ý nghĩa mọi sự mong muốn của gia chủ đều thành đạt như ý.
Nói về lợi thế của 3 cây “kiểng màu” của mình, chị Liên cho biết: “3 sản phẩm của tôi ngoài việc giá cả mềm, nhỏ gọn và ý nghĩa của tên cây là mang “Phúc, Lộc” đến cho gia chủ thì khi khách hàng mua về chưng trong nhà, cây tiếp tục phát triển, cánh lá xanh và trái, cũ càng lớn, không “nằm yên” một chỗ như một số mặt hàng truyền thống thì theo tôi đây là điều làm cho gia chủ thích sản phẩm của mình.
Được biết, chị Liên không những thừa hưởng cái “gen” thích tạo ra những cây trồng có kiểu dáng “độc”, lạ chưng tết từ người cha là “vua dưa hấu thỏi vàng” Trần Thanh Liêm, chị Liên còn là một kỹ sư nông nghiệp và chị Liên vừa lấy xong bằng thạc sĩ ngành trồng trọt.
----------------------
Còn khoảng 300 lao động Trung Quốc tại hai dự án bauxite
Tại dự án Tân Rai, thời điểm ngày 4/2/2015 chỉ còn 28 lao động Trung Quốc của nhà thầu EPC Chalieco, dự kiến cuối tháng 10/2015 sẽ rút hết về nước. Còn tại dự án Nhân Cơ, còn 280 lao động Trung Quốc trong tổng số 1.993 lao động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có chuyến thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất, tiến độ triển khai thực hiện dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Tân Rai – Lâm Đồng và Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ tại tỉnh Đắk Nông trong hai ngày 9-10/2.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), từ tháng 10/2013, dự án Tân Rai đã hoàn thành đầu tư xây dựng, chạy thử và đi vào vận hành thương mại. Vinacomin đã giao Công ty Nhôm Lâm Đồng-Vinacomin quản lý vận hành toàn bộ dự án. Năm 2014, dự án sản xuất được 485.000 tấn alumin và kế hoạch cho năm 2015 là 540.000 tấn.
Phần lớn sản phẩm alumin của dự án được xuất khẩu. Hiện tại Vinacomin đã ký hợp đồng bán alumin với 11 khách hàng từ Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… Trong năm 2014, sản lượng alumin xuất khẩu đạt 490.000 tấn, thu về xấp xỉ 160 triệu USD. Sản phẩm alumin do Nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, Vinacomin cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm alumin và hydroxit nhôm (sản phẩm trung gian của nhà máy alumin) với gần 20 khách hàng trong nước để sử dụng cho các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và hoá chất.
Về dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng công việc và đang gấp rút hoàn thành công tác đầu tư xây dựng với tổng giá trị thực hiện lũy kế từ khi khởi công đến hết tháng 1/2015 ước khoảng 13.426,5 tỷ đồng, tương ứng với 79,8% tổng mức đầu tư của dự án (16.821,8 tỷ đồng).
Về lao động, tại dự án Tân Rai, thời điểm ngày 4/2/2015 chỉ còn 28 lao động Trung Quốc của nhà thầu EPC Chalieco làm việc để thực hiện các công tác bảo hành nhà máy alumin, khắc phục một số tồn tại, nghiệm thu, thanh toán hợp đồng; lao động của nhà thầu Chalieco còn hướng dẫn chuyển giao công nghệ cho lao động của dự án Nhân Cơ (theo hợp đồng EPC với dự án Nhân Cơ).
Dự kiến đến cuối tháng 10/2015, nhà thầu sẽ hoàn thành công tác bảo hành công trình và rút hết lao động về nước. Tất cả các lao động nước ngoài tại dự án đều được cấp phép theo đúng quy định.
Tại dự án Nhân Cơ, tổng số lao động hiện nay là 1.993 người, trong đó gói thầu EPC nhà máy alumin có 815 lao động (với lao động Trung Quốc 280 người và lao động Việt Nam 535 người); gói thầu EPC nhà máy tuyển và các gói thầu khác có 790 lao động và Ban quản lý dự án có 388 lao động.
Ban quản lý dự án đã bố trí cho lao động Trung Quốc (của nhà thầu EPC Chalieco và các nhà thầu Trung Quốc khác là thầu phụ cho nhà thầu Chalieo) ở 2 khu vực tập trung gần khu vực nhà máy alumin để thuận tiện cho công tác quản lý. Tất cả các lao động người nước ngoài làm việc tại dự án đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng và quản lý lao động người nước ngoài.
-----------------------