Tìm được đơn vị thăm dò mỏ vàng có vốn trên 300 tỷ đồng
UBND tỉnh Bắc Kạn vừa cho biết, sau khi thẩm định hồ sơ và kiểm tra năng lực có 2 đơn vị đạt được 3/6 tiêu chí đủ điều kiện để cấp phép thăm dò tại mỏ vàng Pác Lạng, Cty CP Khoáng sản Na Rì Hamico được lựa chọn vì đơn vị nộp hồ sơ trước và có vốn lên tới 300 tỷ đồng.
Làm việc với PV báo Tiền Phong, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ngay sau khi có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ để cấp phép cho tổ chức thăm dò đã có rất nhiều đơn vị nộp hồ sơ. Tuy nhiên sau một thời gian nghiêm túc thẩm định hồ sơ, năng lực và xác minh thực tế, ngày 6/8/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn được đơn vị đủ điều kiện để cấp phép thăm dò là Cty CP Khoáng sản Na Rì Hamico.
Theo tìm hiểu của PV, được biết, mỏ vàng Pác Lạng thuộc xã Thượng Quan, và xã Đức Vân huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò của tỉnh Bắc Kạn. Mỏ vàng trải rộng trên diện tích 370ha có đặc điểm địa hình phức tạp và đã từng xuất hiện “vàng tặc” hoạt động tại khu vực này.
Từ năm 2007 đến năm 2011, mỏ vàng Pác Lạng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò. Tuy nhiên, kết quả thăm dò chỉ tính được cấp tài nguyên dự báo, không tính được cấp trữ lượng, chính vì thế, hội đồng đánh giá trữ lượng khoảng sản quốc gia không được thông qua. Vì vậy, tháng 3/2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra thông báo, để các tổ chức đủ điều kiện sẽ cấp phép thăm dò.
Đến ngày 6/8, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có thông báo số 95 về kết quả lựa chọn để cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng. Theo đó, Cty CP Khoáng sản Na Rì Hamico là tổ chức được lựa chọn để cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng tại huyện Ngân Sơn. UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ thăm dò của Cty CP Khoáng sản Na Rì Hamico.
-------------------------
Đổ xô săn cổ phiếu dầu khí
Gom hơn 4.000 cổ phiếu PVD và PVT mấy ngày thị trường lao dốc, sáng nay chị Nguyễn Thị Kiều (Tân Bình, TP HCM) vẫn tiếp tục săn hàng.
Chị Kiều chia sẻ: "Các công ty chứng khoán đã khuyến cáo không nên ôm cổ phiếu dầu khí lúc này để tránh rủi ro nhưng tôi muốn mua lúc thiên hạ chán, để dành bán lúc thiên hạ thèm. Không thể dửng dưng khi giá đột ngột rẻ thế này".
Tham gia thị trường chứng khoán được 5 năm, nếm trải khá nhiều cung bậc thăng hoa và lao dốc của Vn-Index, chị Kiều nhận xét cổ phiếu dầu khí là nhóm hàng nặng ký, xứng đáng để đầu tư lâu dài. Vì thế, trong những đợt thị trường rung lắc mạnh, mục tiêu săn lùng của chị luôn đặt cổ phiếu dầu khí lên hàng đầu.
"Tôi đã rót hàng trăm triệu đồng vào PVD và PVT và cũng rất muốn nuôi một số mã dầu khí tại sàn Hà Nội nhưng chưa chuẩn bị kịp tài chính. Nếu còn có thêm đợt điều chỉnh, tôi vẫn chọn cách đi ngược dòng", chị Kiều cho hay.
2 phiên thị trường đỏ lửa đầu tuần anh Ngọc Hồ (quận 7) đã kịp bổ sung cổ phiếu GAS và PVS vào danh mục. "Tôi may mắn đã đẩy hàng chốt lời từ quý III và chưa bổ sung danh mục mới. Rất mê cổ phiếu dầu khí nên trong 2 phiên vừa qua thị trường điều chỉnh mạnh tôi đã kịp gom GAS và PVS với giá kỳ vọng", anh nói.
Theo phân tích của anh Hồ, GAS - một trong những mã "siêu sao" tại HOSE, anh đã theo dõi hơn một năm qua nhưng chưa một lần đặt lệnh mua vì quá đắt đỏ. Giá đỉnh của GAS cách đây khoảng 50 tuần trên 110.000 đồng. Sau ba phiên giảm, đến sáng nay GAS trượt xuống còn khoảng 70.000 đồng nên mua vào để đầu tư trung và dài hạn là hợp lý. Còn PVS đã điều chỉnh mạnh và liên tục trong thời gian qua nên mức giá hiện nay cũng hấp dẫn.
Khi được hỏi có ngại giá dầu thế giới tiếp tục biến động xấu gây ảnh hưởng đến cổ phiếu dầu khí trong nước thời gian tới hay không, nhà đầu tư này thừa nhận cũng có chút lo lắng. "Nhưng cơ hội trước mắt gom cổ phiếu với giá hời hấp dẫn đến nỗi tôi có thể dẹp mối lo qua một bên. Nắm giữ danh mục chỉ khoảng hơn 300 triệu đồng bằng vốn tự có, tôi không lo ngại giải chấp nên yên tâm giữ hàng", anh Hồ giải thích.
Theo nhân viên môi giới một công ty chứng khoán có thị phần nằm trong top 10 sàn TP HCM, trong 3 ngày qua, nhà đầu tư của sàn đã phân hóa rõ rệt thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất quyết tâm lội ngược dòng bắt đáy cổ phiếu dầu khí khi nhóm này giảm sàn hàng loạt bất chấp khuyến cáo rủi ro từ giá dầu thế giới.
Nhóm thứ hai tẩy chay cổ phiếu dầu khí để bảo toàn vốn và ổn định danh mục đầu tư. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều nay, khi một số mã dầu khí gượng dậy, bật xanh trở lại, khá nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì để vuột cơ hội chọn hàng tốt, giá hời. "Mua hay bán cổ phiếu dầu khí lúc này là câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất từ nhà đầu tư", vị này cho biết.
Trao đổi với VnExpress, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Ocean, Mai Vũ Thảo nhận xét: "Câu hỏi có nên đầu tư cổ phiếu dầu khí thời điểm này hay không là phép so sánh tương đối. Quyết định mua hay bán tùy thuộc vào vị thế của nhà đầu tư, đang cầm tiền hay đang ôm hàng rớt giá".
Theo ông Thảo, nếu nhà đầu tư nào đang cầm tiền mặt trong tay, ưa thích và am hiểu cổ phiếu dầu khí, có nhu cầu đầu tư từ vài tháng trở lên thì gom hàng thời điểm này là hợp lý. Bởi lẽ hiện nay giá cổ phiếu dầu khí đã giảm 50% so với mức đỉnh cách đây 52 tuần. Nếu đầu tư trung và dài hạn thì cơ hội lãi lớn hơn thua lỗ. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư chỉ muốn mua bán trong 1-2 tuần đổ lại, ôm cổ phiếu dầu khí lúc này khá rủi ro, rất khó có lợi nhuận dù hàng rẻ.
Chuyên gia này cho rằng, cổ phiếu dầu khí vẫn chưa thoát khỏi mạch điều chỉnh và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể xác lập đáy mới do tác động từ biến động giá dầu thế giới. Vì vậy, nhóm cổ phiếu ngành nhiên liệu này không phải lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư lướt sóng. Ngoài ra với trường hợp nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu dầu khí trong tay thời điểm này, tâm lý chung vẫn là muốn tháo hàng để tránh cảnh "đêm dài lắm mộng".
Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Ocean cho rằng, còn quá sớm để xác định vùng an toàn của cổ phiếu dầu khí. "Nhà đầu tư trước khi quyết định bơm tiền vào những mã ngành này cần lưu ý biểu đồ giá cổ phiếu thường có tính chu kỳ: giảm sâu, đi ngang rồi mới tăng trở lại để cân nhắc dòng tiền và chiến lược đầu tư hợp lý", ông Thảo nhấn mạnh.
-------------------------
Có thêm đường bay giá rẻ đến Thái Lan
Ngày 10/12, Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam - Jetstar Pacific ngày hôm nay chính thức “ra mắt” đường bay quốc tế mới giữa Tp.Hồ Chí Minh – Bangkok.
Chuyến bay đầu tiên mang số hiệu BL661 đạt hệ số sử dụng ghế lên đến 99% với 180 hành khách đăng ký. Trong khi đó, một đường bay mới giữa Hà Nội và Bangkok cũng đang được Jetstar Pacific chuẩn bị khai trương vào đầu năm 2015 (29/3/2015).
Theo kế hoạch, đường bay Tp.Hồ Chí Minh – Bangkok được khai thác với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Chuyến bay từ Tp.Hồ Chí Minh có số hiệu BL661 khởi hành lúc 13 giờ 05 phút, chuyến bay từ Bangkok số hiệu BL662 khởi hành lúc 15 giờ 20 phút. Riêng ngày thứ Năm hàng tuần, chuyến bay từ Tp.Hồ Chí Minh khởi hành lúc 13 giờ 00.
Hiện Jetstar Pacific cũng đang triển khai bán vé máy bay giữa Hà Nội – Bangkok cho các chuyến bay khởi hành từ 29/3/2015, tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Cả hai đường bay giữa Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bangkok đều được khai thác bằng máy bay Airbus A320 – 180 ghế đồng hạng phổ thông.
-----------------------
Chới với vì vay tiêu dùng
Nhiều người vay tiền mua hàng trả góp chỉ quan tâm đến số tiền phải trả cố định hằng tháng, đến khi không trả được và bị xếp vào nợ quá hạn mới “té ngửa” vì lãi suất quá cao
Ông Nguyễn Quốc Hùng, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết con gái ông là Nguyễn Quốc Hồng Trân có vay tiêu dùng trả góp của Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit) số tiền 5.843.000 đồng vào ngày 18-2-2014, do không trả nợ đúng hạn nên đến ngày 17-6, số tiền tăng lên đến 9.024.000 đồng.
Lãi suất... hơn 85%/năm
Tháng 2, con gái ông Hùng có nhu cầu mua một điện thoại hiệu iPhone 4S giá ghi trên hóa đơn là 8,5 triệu đồng. Khoản tiền mặt trả trước 3 triệu đồng, số tiền đề nghị vay của Home Credit là 5.843.000 đồng (trong đó có 343.000 đồng phí bảo hiểm). Thời hạn vay 12 tháng với lãi suất 7,09%/tháng. Do vay trả góp, số tiền mỗi tháng khách hàng phải trả là 752.000 đồng.
Đến ngày 17-6, do không trả được nợ, gia đình ông Hùng nhận thông báo quyết định đơn phương chấm dứt sớm hợp đồng tín dụng từ Home Credit về khoản vay trên. Con gái ông Hùng phải thanh toán cho Home Credit đầy đủ khoản tồn đọng và bồi thường các thiệt hại vì chấm dứt sớm hợp đồng với tổng số tiền 10.374.000 đồng. “Nếu công ty không nhận được đầy đủ khoản thanh toán kể trên trong 10 ngày, công ty sẽ khởi kiện ra tòa, đồng thời sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương” - thư thông báo của Home Credit nêu.
Sau đó, gia đình ông Hùng tiếp tục nhận được thư cảnh báo từ Công ty Luật TNHH Đức Tín và cộng sự, căn cứ đơn yêu cầu ủy thác của Home Credit.
“Trường hợp cho vay này có phải một dạng tín dụng đen vì lãi suất tương đương 85,08%/năm? Có vi phạm pháp luật về cho vay nặng lãi theo điều 163 Bộ Luật Hình sự năm 2009 hay không?” - ông Nguyễn Quốc Hùng thắc mắc.
Cơ quan quản lý thả nổi
Trường hợp con gái ông Hùng không phải cá biệt mà nhiều khách hàng khác cũng vay tiêu dùng với lãi suất cao ngất ngưởng, dao động từ 25%-70%/năm. Bà Nguyễn Thị Tuyết V. (ngụ quận 10, TP HCM) vừa tất toán khoản vay từ Home Credit để mua điện thoại với mức lãi suất 7,41%/tháng (tương đương 88,92%/năm). Hiện bà V. còn kẹt khoản vay 15 triệu đồng trả góp hằng tháng với mức lãi suất 6,58%/tháng (tương đương 78,56%/năm). “Khoản vay của tôi chỉ còn 3 kỳ đóng lãi là kết thúc nhưng tôi bức xúc không chỉ lãi cao mà còn về cách hành xử của nhân viên công ty khi liên tục điện thoại, nhắn tin như “đòi nợ” dù chưa tới ngày đóng” - bà V. phản ánh.
Theo giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ do bà V. ký với Home Credit ngày 27-1, hợp đồng tín dụng hơn 3 tháng sau mới được gửi về nhà. Căn cứ theo ngày ký, bà V. nghĩ chỉ cần trả lãi 3-4 ngày trước mốc ngày 27 hằng tháng là được. Nhưng hợp đồng lại ghi kỳ thu nợ ngày 18 hằng tháng. “Cứ khoảng ngày 13-14 là nhân viên công ty điện thoại, nhắn tin giục trả nợ, bất kể giờ giấc. Gia đình tôi cũng lục đục vì cho rằng tôi làm ăn bên ngoài ra sao mà để người ta liên tục gọi đến nhà đòi nợ, rồi gọi cả cho số di động của chồng, con tôi” - bà V. ấm ức.
Vài năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phát triển khá mạnh khi đánh vào yếu tố thủ tục nhanh, gọn, đơn giản tối đa cho khách hàng. Hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán xe máy, bán điện thoại di động, hàng điện tử điện lạnh… đều có nhân viên tư vấn tại chỗ và sẵn sàng ký hợp đồng cho khách hàng vay trong vòng 30 phút.
Ghé vào một siêu thị điện thoại di động trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, phóng viên ghi nhận chỉ riêng ở đây có đến 3 công ty cho vay mua hàng trả góp gồm Home Credit, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam và Công ty Tài chính của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank). Nhân viên tư vấn của Home Credit cho biết đang có chương trình cho vay lãi suất ưu đãi chỉ 1,68%/tháng (20,16%/năm) với điều kiện khách hàng có CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê lương 6 tháng, hóa đơn điện/nước/điện thoại. Tuy nhiên, để được vay lãi suất này, thu nhập của khách hàng phải khoảng… 10 triệu đồng/tháng. “Nếu tôi chỉ có CMND và bằng lái xe, hộ khẩu thì lãi suất là bao nhiêu?” - phóng viên hỏi. “Khoảng 70%/năm!” - nhân viên tư vấn nói.
Tại quầy kế bên, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam không dùng lãi suất vay trả góp mà sử dụng “phí trả chậm” với các mức từ 1,69% đến 2,45%/tháng. Thủ tục gồm CMND, hộ khẩu, các loại hóa đơn thanh toán tiền điện/nước/truyền hình cáp. Về khoản “phí trả chậm”, nhân viên tư vấn cho biết đây chính là lãi suất cho vay nhưng do ACS là công ty thương mại nên không được dùng từ “lãi suất” để quảng bá.
Nhận xét về hoạt động cho vay trả góp, vay tiêu dùng của một số công ty tài chính thời gian qua, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đang có sự thả nổi, thiếu kiểm soát của cơ quan quản lý. Bằng chứng là quy định không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, khi NH Nhà nước áp trần lãi suất cho vay. Còn hiện nay trên thực tế, rất nhiều khoản vay trên mức này và lãi suất cho vay là thả nổi.
-------------------------