Việt Nam - Trung Quốc: Mở rộng, nâng cấp nhiều cặp cửa khẩu
Năm 2015, Việt Nam – Trung Quốc xác định mở rộng, nâng cấp nhiều cặp cửa khẩu như Bắc Luân 2, Sóc Giang – Bình Mãng, Hoành Mô – Động Trung, Chi Ma – Ái Điểm, Xín Mần – Đô Long…
Sáng 10.12, tại Hà Nội, Uỷ ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tổ chức Hội nghị lần thứ 2.
Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam cho biết, sau một năm hoạt động, Ủy ban hợp tác (UBHT) quản lý cửa khẩu Việt Nam - Trung đã xây dựng kế hoạch công tác trên cơ sở chức năng, quyền hạn được quy định tại Điều lệ công tác của Ủy ban. Hai bên đã kịp thời trao đổi thông tin liên quan đến hợp tác, quản lý cửa khẩu biên giới; phối hợp xử lý các vấn đề nảy sinh về cơ chế hoạt động của Ủy ban. Chỉ đạo cơ quan hữu quan và các địa phương hai bên tuyên truyền thực hiện Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; trao đổi tình hình liên quan đến mở, nâng cấp cửa khẩu trên biên giới hai nước.
Tại các cửa khẩu, lực lượng kiểm tra, kiểm soát hai bên đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thúc đẩy thương mại hai bên biên giới phát triển, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Ông Hoàng Thắng Cường, Chủ nhiệm Văn phòng cửa khẩu quốc gia, Chủ tịch UBHT quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Trung Quốc đề nghị, thông qua Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hai nước trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới. Đặc biệt là việc thực hiện 3 văn kiện: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời cùng nhau bàn bạc, thống nhất những nội dung quan trọng như mở, nâng cấp một số cửa khẩu, thỏa thuận tăng cường đảm bảo trật tự xuất nhập cảnh, hợp tác phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh khu vực cửa khẩu biên giới… Việc hợp tác này tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như xác định kế hoạch công tác năm 2015 của UBHT quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
-------------------------
Sẽ ban hành thông tư về nhập khẩu máy móc
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ sáng qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, trong quý I năm 2015, Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có hiệu lực từ 1/9/2014. Tuy nhiên, thông tư gặp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội do ít tính khả thi. Thủ tướng Chính phủ sau đó quyết định tạm lùi thời điểm thông tư 20 có hiệu lực để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến.
Bộ trưởng Quân cho biết, sau thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bên, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết tâm sẽ ban hành thông tư về nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ dây chuyền đã qua sử dụng vào quý I năm 2015. Qua đó, tạo căn cứ để kiểm soát chất lượng công nghệ cũ, tránh đưa Việt Nam thành bãi rác công nghệ của thế giới.
-------------------------
Giá sữa cho trẻ em đã giảm từ 0,1 đến 34%
Theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 9/12 tại Hà Nội, tính đến tháng 12/2014, cơ quan quản lý đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đó, mức giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 0,1 - 34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Liên quan đến giá cả hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các địa phương trong cả nước cần chủ động có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng đủ yêu cầu cho người dân.
-------------------------
Vốn ngoại ồ ạt đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Trong 11 tháng năm 2014, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,15 tỷ USD (chiếm 76% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước).
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2014, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được 9.407 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lên tới 138,5 tỷ USD (chiếm 56% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước).
Trong đó quy mô vốn bình quân một dự án của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 14,7 triệu USD; cao hơn quy mô bình quân một dự án FDI của cả nước.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam như là một địa điểm sản xuất hấp dẫn ngày càng được khẳng định khi có tới 80/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là sự chuyển dịch của “công xưởng thế giới” từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí nhân công rẻ đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.
Nhật Bản dẫn đầu trong số các quốc gia có vốn FDI rót vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam với 1.282 dự án đạt 30,58 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký (chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo). Tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, British Virgin Islands và các quốc gia khác.
Các dự án FDI trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại hầu hết 61/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó vốn FDI tập trung tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, điển hình là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là vùng tập trung số lượng các khu công nghiệp lớn nhất cả nước.
Tỉnh Đồng Nai dẫn đầu toàn quốc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.108 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 17,2 tỷ USD (chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).
Về hình thức đầu tư, có tới 80% số vốn FDI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Hình thức liên doanh đứng thứ hai với 19% tổng vốn đầu tư, còn lại 1% vốn FDI ở hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính riêng 11 tháng năm 2014, cả nước có 1.427 dự án mới được cấp phép đạt 13,4 tỷ USD và 515 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn 3,9 tỷ USD.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 13,15 tỷ USD (chiếm 76% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước).
Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 7,4% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước), ngành xây dựng đạt 1,02 tỷ USD (chiếm khoảng 6% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước); còn lại là các lĩnh vực khác.
Một điểm dễ nhận thấy là đa số các dự án lớn nhất được cấp phép trong 11 tháng năm 2014 đều là những dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Điển hình là dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung Thái Nguyên – giai đoạn 2 nhà đầu tư Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên – Hàn Quốc, dự án đầu tư tại KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD, cấp phép ngày 17/11/2014.
Đứng thứ hai là dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, cấp phép ngày 26/9/2014, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD.
Thứ ba là dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh, cấp phép ngày 1/7/2014, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD. Điều này càng khẳng định ưu thế của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
-------------------------