Hầu hết lãnh đạo các công ty làm ngơ chuyện hối lộ
Bốn ngành bị tác động bởi nạn hối lộ nhiều nhất bao gồm khai mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) hôm 2-12 nói hầu hết các vụ hối lộ quốc tế mà các công ty lớn chi trả đều được giới quản lý cấp cao của công ty hay biết.
Theo AFP, báo cáo này đưa ra kết luận trên sau khi phân tích hàng trăm vụ hối lộ với số tiền 5,9 tỉ USD trong vòng 25 năm qua.
Báo cáo đã phân tích 427 vụ việc liên quan đến 41 bên ký kết Hiệp ước chống hối lộ OECD có hiệu lực từ năm 1999.
Gần một nửa số tiền hối lộ được trả cho các công chức nước ngoài ở các nước phát triển. Có 21 vụ liên quan đến các nguyên thủ quốc gia hoặc các bộ trưởng nhận hối lộ.
Hơn 1 nửa số vụ hối lộ với số tiền trung bình mỗi vụ 13,8 triệu USD được chi trả để thắng thấu các hợp đồng công ích. Trong khoảng 3/4 số vụ, số tiền hối lộ được trả thông qua trung gian.
Bốn ngành bị tác động bởi nạn hối lộ nhiều nhất bao gồm khai mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông.
“Các khoản hối lộ được hứa hẹn hoặc được trao cho nhiều nhất là công chức doanh nghiệp nhà nước (27%), sau đó là đến quan chức hải quan (11%), quan chức y tế (7%) và quan chức quốc phòng (6%)” – báo cáo viết.
Ngoài ra, theo OECD, báo chí góp phần phanh phui 5% tổng số các vụ.
Có tất cả 8 cá nhân bị phạt tù vì hối lộ ở nước ngoài, 261 cá nhân và công ty bị phạt. Khoảng 69% các vụ được giàn xếp với việc phải trả tiền phạt.
“Cứ 3 vụ thì có 1 vụ công ty tự thú với chính quyền” - báo cáo nói và cho biết thêm những người tố giác chỉ đóng góp vào 2% số vụ.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nói trong một tuyên bố: “Tham nhũng làm hủy hoại tăng trưởng và phát triển. Tham nhũng phải bị đưa ra trước công lý”.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành 2.415 tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 tập đoàn, Tổng Cty nhà nước được phê duyệt đề án tái cơ cấu; đã sắp xếp, cổ phần hóa 126 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 107 doanh nghiệp, sáp nhập 12 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này cũng đã thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.
-------------------------
Bổ sung dự án lọc hóa dầu Victory vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí
Chiều 2.12, ông Man Ngọc Lý, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho biết trong buổi họp sáng cùng ngày tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định bổ sung dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Victory vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí VN đến 2015 và định hướng đến 2025.
Ngoài ra, các thành viên trong cuộc họp còn đồng ý một số cơ chế ưu đãi cho dự án này cũng như việc đầu tư hạ tầng vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Victory trước đây có tên gọi là dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định) do Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 22 tỉ USD, công suất 400.000 thùng dầu/ngày.
Theo kế hoạch, dự án lọc hóa dầu Victory sẽ được khởi công xây dựng vào quý 1/2017 và có sản phẩm đầu tiên vào quý 1/2021. Theo UBND tỉnh, khi đi vào hoạt động, dự án lọc hóa dầu Victory sẽ giúp GDP cả nước tăng thêm 3-4% và GDP của Bình Định tăng thêm 30-40%.
-------------------------
Mạng xã hội kinh doanh ập vào Đông Nam Á
Mạng xã hội định hướng kinh doanh ngày càng được nhiều công ty ở Đông Nam Á trọng dụng như một công cụ tuyển dụng đắc lực.
Trang mạng xã hội dành cho các nhà tuyển dụng và người xin việc chuyên nghiệp trụ sở tại Mỹ - LinkedIn đang mở rộng cơ sở người dùng tại Đông Nam Á. Đến nay LinkedIn đã thu hút 3 triệu người tham gia tại Indonesia, 2 triệu người ở Philippines, 1 triệu người tại Singapore, 1 triệu người ở Malaysia, 800.000 người ở Thái Lan và 700.000 người dùng ở Việt Nam.
Giám đốc một ngân hàng Nhật Bản chi nhánh tại Indonesia cho biết các nhân viên năng lực cao thường có xu hướng tìm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài, hoặc thích đầu quân cho các công ty phương Tây với mức lương hấp dẫn hơn.
Nikkei Asia Revew cho biết loại hình mạng xã hội trên đang giúp nhiều công ty cộng thêm giá trị thương hiệu - ngoài mức lương và phúc lợi tốt - để thu hút nhân tài.
Kết quả khảo sát các nhân viên thuộc bộ phận tuyển dụng của 385 công ty tại Đông Nam Á của LinkedIn Singapore vừa công bố hôm 26-11 cho thấy 56% nói rằng mạng xã hội định hướng kinh doanh có ảnh hưởng đến thương hiệu công ty trong quá trình tuyển dụng.
Gần 60% người thừa nhận việc tuyển dụng người phù hợp ngày càng khó khăn, dù có đến 56% nói công ty của họ đã tăng ngân sách tuyển dụng trong năm 2014.
Nikkei Asia Revew nhận định các ứng viên tìm việc làm ở Đông Nam Á đang "thay đổi". Khi được hỏi về những điều ưu tiên trong quá trình xin việc, có đến 33% câu trả lời là thời gian cần thiết để được nhận việc. Con số trung bình toàn cầu chỉ 25%.
Tỉ lệ phân tách công việc trong các công ty ở Đông Nam Á cũng khá cao - 38%, so với mức trung bình 29% trên thế giới.
-------------------------