Đề nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu về 0%
Bộ Tài chính vừa hoàn tất góp ý về “Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết quốc tế của Bộ Công thương”.
Theo đó, để thúc đẩy sản xuất trong nước, bộ này đề nghị giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước.
Mặt khác, mức thuế nhập khẩu thấp hoặc bằng 0% cho các nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được, các mặt hàng không có định hướng sản xuất.
Bộ Tài chính lý giải việc quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là phù hợp với khung thuế nhập khẩu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và cam kết hằng năm trong WTO.
Còn đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu hoặc các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu cần được quy định thuế suất cao.
Về thuế xuất khẩu đối với khoáng sản dạng thô, chưa qua chế biến, các sản phẩm không khuyến khích xuất khẩu, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế suất cao từ 5-40%. Với các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu, cần được quy định mức thuế xuất khẩu từ 0-5%.
-------------------------
Cổ phiếu dầu khí lao theo giá dầu
Trong trung và ngắn hạn, nhóm cổ phiếu dầu khí không còn hấp dẫn nữa, bởi rất khó kéo giá dầu thế giới lên mức cao kỷ lục như ở những năm trước
Sau một thời gian tăng giá mạnh, cổ phiếu ngành dầu khí giao dịch trên sàn chứng khoán đã bị rớt dài do giá dầu thế giới liên tục giảm.
Sao đã đổi ngôi
Kết thúc phiên giao dịch đầu tháng 12, dù chỉ số chứng khoán trên cả 2 sàn tăng điểm nhẹ nhưng các cổ phiếu ngành dầu khí và gas… tiếp tục đi xuống, theo đó, các cổ phiếu trong ngành, như: GAS, PVD, PVI, PXI... tiếp tục giảm giá. Trong vòng 1 tháng qua, giá mã GAS giảm một mạch từ 107.000 đồng xuống còn 85.000 đồng/cổ phiếu, PVD cũng giảm từ 95.000 đồng xuống 74.000 đồng/cổ phiếu.
Theo thống kê của một số công ty chứng khoán, trong tháng 11 vừa qua, chỉ số cổ phiếu ngành dầu khí đã giảm gần 20%, trong khi VN-Index chỉ giảm chưa đầy 6% và HNX-Index giảm khoảng 0,7%. Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, dòng cổ phiếu dầu khí bị bán tháo là do Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố tiếp tục duy trì sản lượng dầu mỏ dù giá đã giảm mạnh.
Mặc dù PVD vừa công bố ước tính kết quả năm 2014 khả quan, doanh thu đạt 19.500 tỉ đồng (+32% so cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.400 tỉ đồng (+27% so cùng kỳ) nhưng vẫn không giữ được mức giá cổ phiếu, hiện giá cổ phiếu này đã giảm về gần mức đáy kể từ tháng 7, xóa sạch thành quả tăng giá trong quý III vừa qua.
Tính cả tháng 11, các cổ phiếu dầu khí có vốn hóa lớn trên cả 2 sàn như: GAS, PVD, PVS đã giảm bình quân xấp xỉ 20%. “Từng được coi là xu thế đầu tư trong năm 2014, chúng tôi nghĩ rằng ít nhà đầu tư có thể hình dung kịch bản này. Hay nói cách khác, sao của thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị đổi ngôi” - một chuyên gia phòng phân tích của VDSC nhận định.
Khối ngoại cũng “chê”
Cổ phiếu dầu khí cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Chỉ tính thời gian gần đây, khối ngoại đã bán ròng PVD trong 7 phiên liên tiếp, với giá trị lên đến 281 tỉ đồng. Cổ phiếu GAS cũng bị bán ròng trong 10 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 200 tỉ đồng. Trên sàn Hà Nội, khối ngoại cũng đã bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 50,6 tỉ đồng. PVS là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, với hơn 47 tỉ đồng, chiếm 93% giá trị bán ròng của khối ngoại trên toàn sàn Hà Nội.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng 2 hôm nay, giá dầu thế giới đã tăng lên. Xét về dài hạn thì cổ phiếu ngành dầu khí vẫn có tiềm năng. Tuy nhiên, trong trung và ngắn hạn, nhóm cổ phiếu dầu khí không còn hấp dẫn nữa, bởi rất khó kéo giá dầu thế giới lên mức cao kỷ lục như ở những năm trước, vì nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ hiện nay đã tốt hơn rất nhiều.
Các nhà đầu tư cổ phiếu dầu khí tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã thua đau trong mấy ngày qua do giá dầu giảm sâu. Giá dầu đã mất mốc tâm lý 70 USD/thùng sau khi OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Chưa kể hiện nay, nhóm cổ phiếu dầu khí được các công ty chứng khoán cho vay margin với tỉ lệ cao, khi giá giảm thì các công ty chứng khoán sẵn sàng bán ra để chốt margin.
Điều này cho thấy cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn còn rủi ro lớn. Trong khi đó, do dòng tiền chuyển hướng tập trung vào những cổ phiếu có lợi thế khi giá dầu giảm, như: vận tải, tàu biển, thép, nhựa... càng tạo thêm rủi ro cho cổ phiếu ngành dầu khí.
-------------------------
Ba khâu hoàn thiện thể chế kinh tế
Hiệp hội Thương mại Mỹ nêu nghịch lý trong môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay là các công ty, nhà đầu tư tuân thủ pháp luật thì rất khó để... thành công
Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) với chủ đề “DN hướng tới các hiệp định thương mại mới” nằm trong khuôn khổ Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế tổ chức ngày 2-12 tại Hà Nội.
Nhiều giải pháp phát triển kinh tế
Đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam rất trân trọng những ý kiến của các nhà đầu tư và sẽ tiếp tục bổ sung, sửa đổi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách cho sát với thực tế.
Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được của năm 2014 chưa tương xứng tiềm năng và mong muốn của DN. “Việt Nam nghiêm túc nhìn nhận còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Chúng tôi phải làm nhiều hơn, quyết liệt, hiệu quả hơn để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế” - Thủ tướng nói. Trong năm 2015, Chính phủ sẽ quyết liệt tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Cụ thể, tỉ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định. Chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5%; bội chi ngân sách ở mức 5%, giảm 0,3% so với năm 2014. Xử lý hiệu quả hơn nợ công, không vượt trần quy định an toàn và trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch.
“Tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5,9%. Năm 2015, Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 6,2% và Chính phủ cho rằng đó là mục tiêu khả thi, đồng thời đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng 6,5%-7%/năm cho giai đoạn 2016-2020” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Các giải pháp đồng bộ tiếp theo là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá gồm tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng có kết quả cao hơn; tiếp tục cải cách hệ thống ngân hàng, khắc phục và giảm nhanh nợ xấu còn 3% vào năm 2015; cải cách DN nhà nước không chỉ ở việc cổ phần hóa số lượng lớn DN mà còn giảm mạnh tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng thông qua việc hoàn thiện kinh tế thị trường, công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách, cải cách thủ tục hành chính...
Năng suất lao động thấp đe dọa tăng trưởng
Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), nhận định Việt Nam đang có cơ hội đón sự dịch chuyển của các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc do tăng chi phí lao động nhưng năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động bình quân của Trung Quốc. “Thách thức về năng suất lao động cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam” - ông Gaurav Gupta nói.
AmCham nêu nghịch lý trong môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay là các công ty, nhà đầu tư có tính tuân thủ pháp luật cao rất khó để thành công. Mặc dù nhiều thành viên AmCham ngày càng lạc quan về triển vọng kinh doanh ở Việt Nam nên đã tăng vốn đầu tư nhưng không hiện thực hóa được ý định đầu tư vì phải đối phó với thách thức về tham nhũng, hạn chế nguồn nhân lực, quy trình cấp phép, môi trường pháp lý chưa rõ ràng.
Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, bà Virginia Foote, đồng chủ tịch VBF 2014, khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường giao dịch không dùng tiền mặt. Nhiều nước trên thế giới đã đạt mức 80% giao dịch không dùng tiền mặt trong khi Việt Nam chỉ đạt 3%.
-------------------------
Nga thừa nhận kinh tế đang rơi xuống bờ vực suy thoái
Chính phủ Nga hôm 2-12 cảnh báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới vì sự thấm đòn của các biện pháp trừng phạt phương Tây cũng như hậu quả từ giá dầu đang giảm mạnh.
Đây là lần đầu tiên Moscow thừa nhận khả năng sẽ rơi vào suy thoái kinh tế.
Bộ phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Chính phủ đã xem xét lại ngân sách dựa trên sự sụt giảm của giá trị đồng Rúp và giá dầu thế giới giao dịch ở mức giả định 80 USD/thùng so với dự tính trước đó vào khoảng 100 USD/thùng.
Sự đi xuống của nền kinh tế Nga có thể còn tệ hơn nữa khi mức giá giả định để tính toán trên thậm chí còn có vẻ lạc quan hơn so với thực trạng hiện tại. Hôm 2-12, dầu thô Brent chỉ còn 71 USD/thùng trong khi sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ của Nga vẫn chưa tới hồi kết.
Một kịch bản bi quan hơn nhiều có thể xảy ra nếu giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng. Khi đó, nền kinh tế Nga có thể suy giảm tới 3,5-4%. Trước đó, hồi tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng nhận định nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015 nếu giá dầu giảm xuống còn 60 USD/thùng và phương Tây thắt chặt thêm lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề Ukraine.
Nền kinh tế Nga đang đối mặt với sự đi xuống chủ yếu do giá dầu thấp vì một nửa doanh thu của chính phủ đến từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Thực trạng này đang đẩy thu nhập của Nga xuống thấp hơn, dẫn tới gia tăng thâm hụt ngân sách và khiến đồng nội tệ yếu hơn. Từ đó, giá cả hàng hóa tăng cao hơn và đối tượng bị tổn thương nhất là người tiêu dùng.
Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt kinh tế gần đây của phương Tây đã khiến nguồn vốn chảy mạnh khỏi nước này, ước tính lên tới 60-80 tỉ USD trong năm 2015.
-------------------------