Mỹ - Nhật tập trận dằn mặt Trung - Nga
Lần đầu tiên một phi đội tiêm kích tàng hình F-22 Raptor từ căn cứ ở Alaska bay đến Nhật tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật Kiếm sắc 2015 vào giữa tháng 11 qua, được cho là hành động dằn mặt Trung Quốc và Nga, theo IBT.
Trang tin IBT ngày 1.12 cho biết cuộc tập trận Kiếm sắc 2015 (từ 8 - 19.11) huy động hơn 11.000 binh sĩ Mỹ thuộc các đơn vị không quân, hải quân, thuỷ quân lục chiến đóng tại Nhật tham gia cùng 30.000 lính Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, với hàng chục tàu chiến và máy bay, có cả tàu sân bay USS George Washington.
Cuộc tập trận này lên kịch bản đối với các cuộc chiến chống tàu ngầm, tàu mặt nước, phòng không và không chiến.
Tham gia tập trận còn có một phi đội tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, F-22 Raptor từ căn cứ không quân Elmendorf - Richardson ở bang Alaska bay đến căn cứ Kadena ở Nhật Bản hỗ trợ cho Kiếm sắc 2015, theo báo Không quân Mỹ. Các chiếc F-22 hiện đại nhất này đã cùng bay tập trận cũng như tuần tiễu an ninh khu vực.
Trang tin thân Trung Quốc, Wanchina Times ngày 30.11 cho rằng việc phô diễn F-22 tại cuộc tập trận Kiếm sắc 2015là để dằn mặt Trung Quốc và Nga, và nhất là nhằm “gây choáng” cho Trung Quốc khi F-22 đáp xuống căn cứ Kadena ở Okinawa trên vùng biển Hoa Đông, và cũng gần Biển Đông là những nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với các nước.
Kiếm sắc là cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Nhật bắt đầu từ năm 1986, huy động lực lượng hải - lục - không quân hùng hậu nhất ở Tây Thái Bình Dương.
Đô đốc John Alexander, chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ ở Thái Bình Dương, nói rằng "Kiếm sắc được thiết kế để cho phép Mỹ và Nhật Bản thực hành, phối hợp các thủ tục và khả năng tương tác trong các tình huống chiến tranh như chống tàu ngầm, tàu nổi, không chiến và phòng không".
Tiêm kích tàng hình F-22 luôn gây sự chú ý của báo giới mỗi khi xuất hiện. Hồi năm 2013, F-22 chiếm khá nhiều cột tin bài của báo chí thế giới khi tham dự cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc tại căn cứ không quân Osan, cách Seoul 60 km về phía nam. Sự hiện diện của F-22 lúc đó là một thông điệp cảnh cáo trực tiếp với Triều Tiên và phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ với Trung Quốc.
Ngoài ra, trong tháng 11, tiêm kích F-35C đã thực hiện cất và hạ cánh thành công lên tàu sân bay USS Nimitz ở gần California, cả ngày lẫn đêm. Các máy bay này đã thực hiện 39 giờ luyện tập với 124 lần cất cánh bằng máy phóng và 224 lần hạ cánh trên tàu.
-------------------------
Trung Quốc sẽ không can thiệp nếu Triều Tiên sụp đổ
Bắc Kinh sẽ không can thiệp nếu chính quyền Bình Nhưỡng bị sụp đổ hoặc phát động chiến tranh, một vị tướng về hưu thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố.
“Trung Quốc không phải là vị cứu tinh. Nếu Triều Tiên sụp đổ, thì ngay cả Trung Quốc cũng không thể cứu họ”, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời Vương Hồng Quang, cựu phó tư lệnh quân khu Nam Kinh, khẳng định.
AFP bình luận phát biểu này nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn với đồng minh của mình.
Ông Vương trước đây đã từng có những bình luận gay gắt về Triều Tiên, nhưng không rõ phát biểu lần này có dẫn đến sự thay đổi về chính sách đối với Bình Nhưỡng của Bắc Kinh hay không.
Trung Quốc trở thành nguồn viện trợ cho Triều Tiên trong thời gian xảy ra Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), theo AFP. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã tăng cường quan hệ ngoại giao và thương mại với Hàn Quốc, kình địch của Triều Tiên, AFP bình luận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận song phương, trong khi ông Tập vẫn giữ khoảng cách với Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tướng Vương nói Trung Quốc sẽ không dính líu đến bất kỳ cuộc chiến mới nào tại bán đảo Triều Tiên. “Trung Quốc không thể can thiệp vào tình hình tại bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc không cần nhóm lên một ngọn lửa, để rồi bị bỏng. Ai tạo ra xung đột thì phải chịu trách nhiệm … Thế hệ trẻ Trung Quốc không cần phải tham gia vào một cuộc chiến vì một nước khác”, vị tướng về hưu này cho hay.
Ông Vương còn chỉ trích chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng nước này “đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng về nguy cơ phát sinh ô nhiễm hạt nhân ở vùng biên giới Trung Quốc”. Ông cũng chỉ trích phương Tây lấy cớ nhân quyền để can thiệp vào nội bộ Triều Tiên.
Bắc Kinh sẽ “ủng hộ cái cần ủng hộ và sẽ phản đối cái cần phản đối” đối với tình hình Triều Tiên, ông này cho biết, hàm ý nói Trung Quốc không hoàn toàn từ bỏ láng giềng.
-------------------------
Philippines 'chẳng lợi gì' từ thỏa thuận quân sự với Mỹ
“Vào thời điểm Mỹ quyết định giúp chúng ta thì các tàu chiến của ta đã chìm sâu dưới đáy biển. Điều này chỉ để nói rằng chúng ta hoàn toàn chả được lợi gì từ EDCA”, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Philippines nhìn nhận hiệp định quân sự ký với Mỹ.
Báo Straits Times (Singapore) hôm nay 2.12 cho hay, phát biểu trên của Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Philippines, được đưa ra sau buổi điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện hôm 1.12, Bộ trưởng Gazmin nói rằng Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) mà Manila ký với Washington vào tháng 4 chỉ có tác dụng “ngăn ngừa” sự hung hăng của Trung Quốc.
“Hiện tại, chúng ta chỉ sử dụng EDCA như một biện pháp để ngăn ngừa... trong khi chúng ta phải tiếp tục vá víu các khoảng trống bằng chương trình hiện đại hóa quốc phòng của mình”, ông Gazmin nói.
Ông Gazmin cho rằng từ khi có EDCA, Bắc Kinh đã thôi quấy phá các con tàu của Hải quân Philippines cung cấp lương thực và nước uống cho binh sĩ đồn trú trên một chiến hạm cũ kĩ bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây từ năm 1999, nhằm khẳng định chủ quyền của Manila ở nơi này.
EDCA được soạn thảo và ký kết một cách vội vàng hôm 28.4, vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Manila trong một chuyến thăm ngắn ngủi và có phần hời hợt.
Thỏa thuận có hiệu lực 10 năm này cho phép Mỹ được đưa thêm quân và có thiết bị quân sự đến nhiều căn cứ quân sự của Philippines. Đổi lại, EDCA cũng cho phép Philippines mua sắm khí tài quân sự và xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện này dọc theo biên giới một cách dễ dàng hơn.
Đây được coi là một trong các thỏa thuận quốc phòng đáng kể của Washington trong vài thập niên qua. Tuy vậy, EDCA không có điều khoản buộc Mỹ đưa hải quân đến trợ giúp trong trường hợp Philippines bị Trung Quốc tấn công trên khu vực nước này tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Khi bị Thượng nghị sĩ Santiago chất vấn rằng liệu Washington có giúp Manila khi xảy ra chiến sự với Bắc Kinh, Bộ trưởng Gazmin thừa nhận: “Việc đó phải trải qua một quy trình dài”, bởi mọi sự can thiệp của Mỹ vào Trung Quốc có dính líu đến Philippines sẽ phải thông qua sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ.
Điều đó có nghĩa là: “Vào thời điểm Mỹ quyết định giúp chúng ta thì các tàu chiến của ta đã chìm sâu dưới đáy biển. Điều này chỉ để nói rằng chúng ta hoàn toàn chả được lợi gì từ EDCA. Tác dụng phòng vệ thật ra chỉ là giả thuyết”, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Santiago phát biểu tại cuộc họp báo sau buổi điều trần.
“Chúng ta chỉ hy vọng, bằng giả thuyết của mình, rằng Trung Quốc sẽ không nổ súng”, bà Santiago nói thêm.
Thật ra, nhận định của bà Santiago cũng không phải quá mới mẻ. Công chúng và các nghị sĩ Philippines đã bày tỏ thất vọng nặng nề về EDCA ngay trong chuyến thăm của ông Obama.
Khi ấy, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà, khi được báo chí Philippines hỏi về cam kết hỗ trợ quân sự trong tình huống Manila bị Bắc Kinh tấn công, Tổng thống Obama chỉ lặp lại lập trường “không đứng về bên nào” trong tranh chấp biển Đông.
“Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ xây dựng với nước này. Mục tiêu của chúng tôi không phải là đối kháng, không phải là khống chế Trung Quốc”.
-------------------------
Nga đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế
Kinh tế Nga có thể chìm vào suy thoái trong năm tới do những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như sự sụt giảm giá dầu xuất khẩu, The Guardian dẫn lời đại diện Bộ kinh tế Nga.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Moscow dự kiến sẽ giảm 0,8 % trong năm tới khác xa so với dự đoán ban đầu sẽ tăng 1,2 % so với năm nay, Bộ kinh tế Nga cho biết hôm 2.12.
"Bây giờ chúng ta giả định rằng biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ vẫn được giữ nguyên trong suốt cả năm 2015. Điều này có nghĩa là phần lớn các công ty và các ngân hàng của Nga bị siết chặt khả năng tiếp cận thị trường vốn, cũng như không đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư", The Guardian dẫn lời Thứ trưởng Bộ kinh tế Nga Alexei Vedev.
Thêm vào đó, dự báo cho biết hiện tượng "thoái vốn" khỏi Nga sẽ diễn ra nhiều hơn, giảm 125 tỉ đôla đầu tư thay vì 100 tỉ đôla như dự báo trước đó.
Sự tăng trưởng kinh tế Nga giảm mạnh những năm gần đây, từ 3,4 % năm 2012 giảm tới 1,3 % trong năm 2013. Giới phân tích kinh tế cho rằng kinh tế Nga có thể rơi vào bế tắc và suy giảm torng quý IV năm nay, có khả năng đây sẽ là đợt suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009. .
Thu nhập thực tế của Nga được dự báo sẽ tăng 0,4 % năm 2015, tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại rằng mức thu nhập thực tế sẽ giảm 2,8 % khi lạm phát ở Nga đang tăng cao trong lúc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Các biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại cho các ngân hàng của Nga và mức đầu tư vào Nga đang suy giảm. Trong khi đó, với việc đồng rúp trượt giá mạnh (giảm hơn 40% so với USD), lạm phát ở Nga đang tăng tốc và có thể lên 9% vào cuối năm nay.
Nga đang rơi vào bối cảnh chịu lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine dẫn tới giá dầu, tiềm lực chủ yếu của Nga, bị tụt giảm nghiêm trọng.
Tổng thống Nga Putin nhận thấy rõ những nguy cơ suy thoái đang tiến dần. Đó cũng là lý do gần đây Nga liên tục kêu gọi đồng minh kinh tế từ các nước, mới đây nhất là hợp tác thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ.
-------------------------