Ngày 19/3, theo anh Hồ Quốc Thống, Phó trưởng Công an xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), 2 thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm tên là Tuấn và Tạo đã bỏ đi khỏi địa phương, đồng thời mang theo tất cả các bao lá mãng cầu xiêm khô mua được của nông dân ở khu vực này.
Tuy nhiên, 2 thương lái này còn thiếu trên 1 triệu đồng tiền mua lá của bà Tư Lài (ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông).
Trước đó, ngày 18/3, 2 thương lái này đã mua được trên 600kg lá mãng cầu tươi, với giá 40.000 - 50.000đ/kg. Đồng thời sẽ đẩy mạnh thu mua trong vài ngày tới. Nhưng thấy không thể mua thêm được do sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng tỉnh, huyện, xã nên các thương lái đã bỏ đi.
Việc thương lái đến mua lá tươi mãng cầu Xiêm, với giá 50.000đ/kg khiến người dân lo lắng. Theo bà con, nếu thương lái mua kéo dài sẽ nảy sinh lòng tham của một bộ phận người đi hái trộm lá mãng cầu về bán cho họ. Bởi hầu hết các vườn trồng mãng cầu đều dọc 2 bên đường và không có người trông coi…
Bên cạnh đó, việc thương lái mua lá bánh tẻ (không già, không non) của cây mãng cầu khiến người trồng cảm thấy bất an, vì lá đang ở trạng thái hấp thụ dinh dưỡng để nuôi cây và trái tốt nhất…
Dự án khu đô thị Pegasus Residence có tổng diện tích lên đến trên 84.000m²; trong đó phần diện tích lấn mặt nước ven sông Đồng Nai lên tới hơn 77.200m² được UBND cho phép thi công khiến dư luận người dân địa phương bức xúc những ngày qua. Trước phản ứng của dư luận, ngày 19/3, chủ đầu tư dự án đã hầu như tạm ngưng việc san lấp.
Theo lãnh đạo một cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chiếm vị trí hết sức quan trọng, hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho gần 18 triệu người sinh sống ở 11 tỉnh, thành trong khu vực.
Trong đó 2/3 lượng nước máy cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt của người dân TP Hồ Chí Minh được lấy trực tiếp từ sông Đồng Nai. Đồng thời, sông Đồng Nai còn góp phần quan trọng trong việc điều tiết mực nước để giảm ngập cho vùng hạ du là TP Hồ Chí Mainh.
Nhưng ngoài việc cho phép thực hiện san lấp để làm dự án trên phần đất hành lang bảo vệ sông là 20m, dự án còn được tỉnh Đồng Nai cho phép san lấp, thu hẹp dòng chảy trên đoạn sông dài đến 1,3km. Đoạn lấn nhiều nhất, bề rộng san lấp từ hành lang sông chạy ra hướng giữa sông lên đến 100m.
Mục đích xây dựng dự án khủng này được dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 9 năm với tổng vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng gồm các khu phức hợp như cao ốc văn phòng kết hợp thương mại - dịch vụ, nhà ở riêng lẻ thấp tầng, chung cư cao cấp, khách sạn 4 - 5 sao, trung tâm thương mại... để phục vụ một bộ phận người có tiền, chứ không phải phục vụ số đông người dân.
Và chỉ sau vài ngày tiến hành san lấp, đến khi bị người dân phát hiện đã có hàng chục ngàn m² đất đá từ các nơi chở về đã được chủ đầu tư đổ xuống sông. Những năm qua, để bảo vệ môi trường nước cho hệ thống sông Đồng Nai, các tỉnh, thành trong lưu vực đã đặt mục tiêu từ năm 2011 – 2015 sẽ có 60% các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra sông.
Nhưng theo thông tin được đưa ra trong một phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12/2014 vừa qua, kết quả thực hiện đạt khá thấp: TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 13,2%, Bình Dương đạt 20%, Lâm Đồng 6,6%...
Ngoài ra còn nhiều khu đô thị ở các địa phương vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng này khiến nguồn nước sinh hoạt lấy từ hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng; mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 560 ngàn mét khối nước thải công nghiệp thải ra từ khoảng 60 khu công nghiệp và gần 2 triệu mét khối nước thải sinh hoạt thải ra từ các khu đô thị.
Trong tổng lượng nước thải này mới chỉ có khoảng 15% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý; còn nước thải công nghiệp mới thu gom xử lý được 40%; tổng lượng nước thải được xử lý chỉ khoảng 400.000 mét khối/ngày…
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ chủ quản đã đề xuất danh sách vài chục nhà máy xử lý nước thải các địa phương cần phải làm, trong đó riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai là 9 nhà máy nhưng hiện hầu như chưa thu xếp được nguồn vốn để triển khai.
Việc thu hẹp dòng chảy của sông Đồng Nai sẽ tạo cho dòng nước chảy xiết, không chỉ khiến hiện tượng xói lở thêm nghiêm trọng ở những khu vực khác mà còn gây nên tình trạng ngập nặng kéo dài cho TP Hồ Chí Minh trong mùa mưa lũ kết hợp với việc xả lũ từ các hệ thống thủy điện trên thượng nguồn sông.
Do đó, bất cứ tác động nào liên quan đến dòng chảy của sông Đồng Nai đều phải được cân nhắc cẩn trọng và đặt lợi ích của số đông lên trước lợi ích cục bộ.
--------------------------
Giao dịch bất động sản tăng mạnh những tháng đầu năm
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), giao dịch thành công của thị trường BĐS những tháng đầu năm 2015 đang tăng mạnh.
Chỉ tính trong tháng 2, tại thị trường Hà Nội đã có khoảng 1.200 giao dịch thành công, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2014. Tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 2 vừa qua có khoảng 1.100 giao dịch nhà đất thành công, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch thành công chủ yếu ở các dự án có tiến độ tốt, giao thông thuận tiện, nằm ở các khu vực gần trung tâm.
Cũng theo VNREA, hiện tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 73.153 tỷ đồng, giảm gần 234 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 1/2015. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư còn khoảng 15.000 căn, tồn kho nhà thấp tầng khoảng 10.400 căn, tồn kho đất nền nhà ở trên 8,6 triệu m², tồn kho đất nền thương mại trên 1,6 triệu m².
-----------------------
Hàng hóa dịch vụ đối mặt nguy cơ tăng giá trở lại
Thời điểm giá xăng dầu giảm kỷ lục, dù Bộ Tài chính và các tỉnh, thành đã liên tục áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải chỉ thực hiện giảm giá nhỏ giọt hoặc kê khai lại chi phí để đối phó.
Nhưng khi giá điện, xăng đồng loạt tăng cùng lúc, hàng hóa dịch vụ đã lập tức đối mặt ngay với nguy cơ tăng giá trở lại. Cú sốc tăng giá điện, xăng cùng lúc vừa qua cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN càng thêm khó khăn.
Ông Hữu Trình, đại diện một nhóm DN dệt may ở KCN Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh cho biết, giá điện tăng bình quân 7,5%, nhưng do DN chủ yếu sử dụng điện giờ cao điểm vào sản xuất, nên mức tăng sẽ còn cao hơn. Theo ông Trình, những DN đã sản xuất 3 ca, dù có muốn chuyển sang sản xuất vào ban đêm để được hưởng mức giá điện giờ thấp điểm cũng không còn đủ năng lực nhà xưởng, máy móc để đáp ứng.
Thực tế cho thấy, ngay cả với DN có mức tiêu thụ điện năng lớn, ở mức 1,5 – 2 tỷ đồng/tháng như nhóm DN của ông Trình, nếu chuyển sang sản xuất về ban đêm để được hưởng giá điện rẻ cũng không đủ bù đắp chi phí phải bỏ ra trả thêm tiền tăng ca; tiền phụ cấp đêm và tiền ăn ca đêm cho người lao động…
Nên giá điện tăng bao nhiêu, chắc chắn DN phải “chịu trận” bấy nhiêu và với mức tăng như vừa qua, chi phí tiền điện những DN có mức tiêu thụ nhiều như của ông Trình phải trả thêm hàng tháng là con số đáng kể. Đó là còn chưa tính chi phí tăng thêm do giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển… tăng theo giá điện, xăng.
Theo đại diện một DN taxi tại TP Hồ Chí Minh, giá xăng tăng đột biến khiến DN phải lập tức điều chỉnh giá cước. Nhưng với hàng ngàn đầu xe, DN phải bố trí thợ kỹ thuật phối hợp với đơn vị đo lường chất lượng tranh thủ làm cả ban đêm cho kịp, bởi cứ để kéo dài ngày nào, hoạt động kinh doanh sẽ lỗ ngày đó.Một DN đã vậy, với hơn 12 ngàn đầu xe taxi của các DN khác trên địa bàn thành phố, việc đồng loạt điều chỉnh đồng hồ tính cước không thể diễn ra trong một vài ngày.
Để đối phó với tình trạng giá xăng tăng, giảm liên tục như vừa qua, nhiều DN taxi đã phải tính đến việc đầu tư mua sắm thêm đồng hồ tính cước dự phòng để hễ xăng dầu tăng giảm là có thể điều chỉnh được ngay, tránh thiệt thòi cho cả DN và người tiêu dùng.Nhưng như vậy, các DN kinh doanh taxi sẽ phải bỏ ra thêm số tiền không nhỏ. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều DN taxi trì hoãn, chậm giảm giá trong những lần giá xăng giảm.
Với hoạt động vận tải hàng hóa XNK, ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh khẳng định, mỗi lần giá dầu tăng, giảm 5% là các DN vận tải và chủ hàng sẽ điều chỉnh giá cước. Song những chủ xe không bị ràng buộc bởi điều kiện này, giá cước vận chuyển cũng đã bắt đầu nhích lên những ngày gần đây.
Còn theo phản ánh của tiểu thương ở các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, cước vận chuyển hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương về thành phố và hàng tiêu dùng sản xuất ở thành phố đi các tỉnh đang đua nhau tăng lên.
Chi phí này sẽ lập tức được tính trực tiếp vào giá bán lẻ hàng hóa và không ai khác, chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
-----------------------