Hội nhập là xu thế tất yếu và đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng. Nhưng nếu hội nhập mà không có sự chuẩn bị kĩ càng thì các doanh nghiệp lại gặp khó khăn gấp bội. Đó là tình thế của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay, khi mà thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chỉ còn tính bằng tháng (cuối năm 2015).
Bài 1: Kẻ sốt sắng, người dửng dưng
Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 76% doanh nghiệp (DN) được hỏi bày tỏ không biết gì về AEC, 94% không hiểu rõ nội dung cam kết trong AEC, 63% không hiểu những cơ hội và thách thức mà AEC mang lại. Điều này cho thấy, cộng đồng DN trong nước vẫn chưa quan tâm và còn thụ động trong việc đón đầu hội nhập.
Đi trước đón đầu
Phát huy những lợi thế sẵn có để đón đầu cơ hội trước khi AEC hình thành là chiến lược hiện nay của Tổng Công ty May 10. DN này đang tính đến chuyện sẽ đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường lân cận nhằm tận dụng lợi tế từ AEC. Trong đó, các thị trường được May 10 nhắm tới sẽ là Myanmar, Lào, Campuchia…
“Với kinh nghiệm sau nhiều năm phát triển tại thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ nhắm đến thị trường có tính tương đồng cao về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu, đặc thù để phát triển hệ thống phân phối. Với lợi thế về sản phẩm có thương hiệu, đặc biệt là dòng sơ mi, veston và thời trang công sở, chúng tôi sẽ mở các cửa hàng, đại lý phân phối tại các nước này. Đây cũng là chiến lược để DN đón đầu cơ hội khi AEC được hình thành vào cuối năm”, ông Thân Đức Việt, Phó TGĐ Tổng công ty May 10 cho biết.
Là một DN hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tôn thép, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã chuẩn bị cho thời điểm mở rộng cửa vào ASEAN. Hoa Sen đang xúc tiến đầu tư các nhà máy ở Thái Lan và Indonesia, mở rộng hệ thống bán lẻ để tạo lợi thế cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, quảng bá thương hiệu thông qua việc tổ chức sự kiện ở tầm khu vực và quốc tế…
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, AEC là một cơ chế mở hơn các hiệp định thương mại song phương và đa phương hiện nay và chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho các thành viên ASEAN.
Trong mảng sản phẩm đồ gia dụng, hiện nay các DN Thái Lan đã bắt đầu đưa hàng ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy DN Thái Lan đang chuẩn bị cho thời điểm AEC hình thành. Nắm bắt được điều này, Công ty nhôm - nhựa Kim Hằng (TP Hồ Chí Minh) đã đầu tư nghiên cứu để ra mắt sản phẩm mới đáp ứng thói quen của người tiêu dùng trong khu vực. Công ty đang chuẩn bị xuất lô hàng đầu tiên sang Malaysia - thị trường có nét tương đồng với Việt Nam, vốn không đòi hỏi quá khắt khe.
“Nếu DN không có chiến lược kinh doanh phù hợp sẽ không chỉ mất thị trường khu vực, mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó giữ vững. Ngay từ năm 2014, để đón đầu, DN đã khảo sát, tính toán nhu cầu của cộng đồng ASEAN cũng như thành lập bộ phận để chuẩn bị cho AEC. Kinh nghiệm cho thấy, để có thể tận dụng tối đa các lợi ích mà AEC đem lại, tự bản thân mỗi DN cần tiến hành cải cách triệt để theo những tiêu chuẩn và yêu cầu hội nhập của AEC”, bà Nguyễn Thu Phương, TGĐ Công ty CP Đầu tư Nam Dương cho hay.
Chần chừ sẽ thiệt!
Theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực phân phối và các DN sản xuất hàng tiêu dùng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi AEC hình thành. Nếu DN không có các bước chuyển đổi phù hợp sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Cụ thể ở lĩnh vực phân phối, thị trường bán lẻ của Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Hiện nay, việc mua bán và sáp nhập trong nước đang có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt khi gần đến thời điểm Việt Nam tham gia AEC. Đến lúc đó, thị trường của DN Việt Nam sẽ không chỉ có 90 triệu dân mà là thị trường của gần 600 triệu dân trong khu vực ASEAN.
Thực tế, ngay từ 1 - 2 năm trước, khi AEC chưa hình thành, hàng loạt sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan đã nhanh chân thâm nhập sâu rộng, mạnh mẽ vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ Thái cũng có những kế hoạch bài bản, phương án kinh doanh cụ thể để từng bước thâu tóm sản xuất - tiêu dùng trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lạc quan hơn cho rằng, vấn đề hàng hóa không quá đáng lo bởi nhà kinh doanh luôn đặt lợi nhuận lên đầu chứ họ không phải là nhà ái quốc đơn thuần theo kiểu hàng tôi tôi bán, hàng anh anh bán. Nếu hàng ta rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đa dạng hơn thì họ sẽ mua của ta. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng cho rằng nếu DN bán lẻ trong nước không chuẩn bị kĩ càng thì rất khó cạnh tranh với DN ngoại.
“Chúng ta có lợi thế về sự năng động nhưng kém hơn các quốc gia khác về tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ của các DN trong nước chưa mạnh, quy mô nhỏ đã gián tiếp khiến hàng hóa Việt Nam gặp khó khi tiêu thụ trên sân nhà. Theo tôi, đây là thời điểm DN phải cân nhắc và hoạch định những chiến lược cụ thể để có thể tham gia vào sân chơi lớn”, ông Nguyễn Cẩm Tú đánh giá.
-------------------------
Lên phương án “giải cứu” 70.000 tấn mía mắc kẹt giữa đồng
Liên quan đến vụ 70.000 tấn mía mắc kẹt giữa đồng vì mực nước các kênh rạch xung quanh xuống thấp, phòng kinh tế huyện Nhơn Trạch vừa cho biết đã lên phương án giải cứu.
Sau khi Dân trí phản ánh về tình trạng kênh rạch cạn nước khiến người trồng mía không thể vận chuyển gần 70.000 tấn mía đến các bãi tập kết để chuyển đi, ngày 19/3, Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết : vừa qua, công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã đồng ý với đề nghị của huyện Nhơn Trạch và tiến hành lấy nước từ sông Đồng Nai vào các tuyến kênh giúp người dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ mía.
Theo đó, các cống lấy nước từ sông Đồng Nai sẽ được mở lấy nước nhằm tăng độ cao mức nước, giúp các phương tiện chuyên chở có thể tiếp cận các ruộng mía. Sau khi mực nước trong các kênh rạch cao hơn sau khi được mở cống lấy nước, những ngày qua việc vận chuyển mía đã được thực hiện thuận tiện hơn, người dân địa phương cũng đang tranh thủ để thu hoạch số mía còn lại.
Tuy người trồng mía có được giải pháp để vận chuyển mía nhưng, giải pháp này vẫn chỉ mang tính tình thế. Bởi, hiện nay độ mặn của nguồn nước từ sông Đồng Nai khu vực chảy qua trên địa bàn huyện Nhơn Trạch là khá cao, vì vậy nếu tiếp tục đưa nước từ sông Đồng Nai vào các tuyến kênh thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng đến diện tích đất nông nghiệp trong các vụ sau.
Chính vì vậy, về lâu dài huyện Nhơn Trạch vẫn đang mong chờ kế hoạch nạo vét các tuyến kênh sẽ được ngành chức năng nhanh chóng triển khai càng sớm càng tốt.
---------------------
Tín dụng lên khỏi mặt đất
Khác với mọi năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại có dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm nay.
Do lãi suất ổn định, các ngân hàng đẩy mạnh vốn ưu đãi, nên nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, đã quay trở lại, tác động tích cực lên dư nợ tín dụng những tháng đầu năm 2015. Vì vậy, trái với quy luật thông thường, dư nợ tín dụng đã bất ngờ tăng mạnh ngay từ đầu năm nay, với mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế là 0,96% tính đến ngày 24/2.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dư nợ tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2015 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố tăng trưởng dương. Tuy mức tăng trưởng không cao, nhưng đã cho thấy dấu hiệu đáng mừng về tình hình tín dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cho hay, hoạt động cho vay đầu năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Kienlongbank hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay (bằng mục tiêu tăng trưởng chung của ngành 13-15%). Tuy nhiên, cái khó đối với hoạt động cho vay hiện nay vẫn là vấn đề hạn chế rủi ro nợ xấu.
Không chỉ với Kienlongbank, nợ xấu tiếp tục là rào cản lớn đối với các ngân hàng trong tăng trưởng tín dụng. Đó cũng là lý do để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, phân tán rủi ro. Đây cũng chính là phân khúc khách hàng tiềm năng khi mặt bằng lãi suất giảm, giá bán sản phẩm ở phân khúc nhà vừa túi tiền cũng phù hợp hơn…
Giám đốc Dịch vụ bán lẻ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), ông Rahn Wood cho biết, đến thời điểm này, chương trình tín dụng mua nhà 3.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng (tương đương 8,16%/năm) trong 30 tháng đầu đã được VIB giải ngân hơn một nửa. VIB có kế hoạch đưa thêm 1.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân vay mua nhà. “Có thể trong những tháng đầu của năm, tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng, nhưng sẽ cải thiện dần vào các tháng tới”, ông Rahn nói.
Yếu tố kích thích đối với tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm, theo nhận định của các chuyên gia tài chính, tiền tệ, là mặt bằng lãi suất giảm dần, thanh khoản của các ngân hàng dồi dào và nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân gia tăng. Đáng chú ý là, lãi suất cho vay trung, dài hạn được Ngân hàng Nhà nước cam kết giảm thêm 1-1,5%. Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu tháng 2/2015 cũng cho phép các ngân hàng được sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, mở ra điều kiện tốt để ngân hàng phát triển tín dụng trung, dài hạn.
Với doanh nghiệp đã cầm cự và vượt qua khó khăn, thì đây chính là thời điểm để xem xét mở rộng sản xuất, đầu tư, khi tình hình kinh tế có dấu hiệu ấm trở lại. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, điều quan trọng đối với doanh nghiệp vẫn là cải thiện sức mua. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cần giảm thêm để kích cầu sức mua cũng như nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân và dư nợ sẽ tăng dần.
Theo các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, không khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho năm nay là 13-15%. Bởi vì chỉ với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, năm 2014 dư nợ giải ngân đã tăng gấp đôi so với kế hoạch, đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay không dễ thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, nhưng chưa khả quan, do thiếu các động lực phát triển kinh tế từ các nước đang phát triển; thị trường tài chính xuất hiện các rủi ro, vì lãi suất dài hạn của Mỹ có thể được điều chỉnh tăng khiến đồng USD tăng giá mạnh.
----------------------