Hiệp hội mía đường cho rằng, do điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thấy từ những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để Hoàng Anh Gia Lai sản xuất được đường có giá cạnh tranh.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có báo cáo chính thức quan điểm về các vấn đề dư luận báo chí đăng tải về mía đường gần đây gửi lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Không phản đối việc nhập đường
Tại văn bản này, VSSA khẳng định, Hiệp hội không hề phản đối việc nhập đường mà chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không bị làm trái với các quy định hiện hành để lợi dụng của nhóm lợi ích.
Hiệp hội yêu cầu nhập 50.000 tấn đường từ Lào theo các nguyên tắc: Nhập 100% đường thô về nước luyện lại thành đường RS (đường trắng) hoặc RE (đường tinh luyện), tạo thêm giá trị gia tăng, công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong nước; Đường nhập từ Lào được tính và khấu trừ trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm đã cam kết với WTO.
VSSA cũng yêu cầu, phải tổ chức đấu thầu nhập khẩu hạn ngạch 1 cách rộng rãi, minh bạch không cấp phát theo cơ chế xin cho như cơ chế hiện nay, chỉ đem lại lợi ích từ chênh lệch giá về cho ngân sách. Nên nhập sau khi vụ ép mía đường trong nước kết thúc để giảm dư thừa cục bộ gây tồn kho lớn trong nước. Ngoài ra, thuế nhập khẩu không nên miễn hoàn toàn như đề nghị của Bộ Công thương mà nên áp dụng mức thuế nhập khẩu đường đã cam kết chung đối với AFTA.
"Những nguyên tắc này không phải là yêu sách của Hiệp hội, mà là yêu cầu Bộ Công thương thực hiện đúng những gì mà Việt Nam đã cam kết khi hội nhập, vừa làm minh bạch thị trường, vừa mang lại lợi ích quốc gia xóa bỏ đặc quyền đặc lợi", VSSA nêu.
Giá đường, giá mía và việc chống buôn lậu – ai hưởng lợi?
VSSA lý giải nguyên nhân vì sao giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu, cụ thể trong ví dụ so sánh với Thái Lan là nước có số lượng đường rất lớn đã nhập lậu vào Việt Nam.
Theo VSSA, giá đường bán lẻ tại Thái lan dao động khoảng 17.000 – 21.000 VNĐ/kg tương đương với giá đường bán lẻ ở Việt Nam. Giá đường trắng bán buôn tại các nhà máy đường Việt Nam hiện tại tùy loại trên dưới 12.000 đồng/kg chưa có VAT. Đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Sài Gòn khoảng 9.000 đồng/kg, đường thô trong nước bán tại nhà máy sản xuất giá 10.500 đồng/kg …
"Nhìn chung giá đường bán lẻ ở 2 nước xấp xỉ nhau, giá đường thô nhập từ Thái Lan bán buôn tại TPHCM rẻ hơn đường nội 1.500 – 2.000 đồng/kg. Chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trên thị trường rất lớn (5.000 – 8.000 đồng/kg), chênh lệch này các nhà máy đường không được hưởng và thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành công thương. Thực tế các nhà máy đường không thể tạo hệ thống bán lẻ hết sản lượng sản xuất, mà phải qua mạng lưới tiêu thụ chung đã được xã hội hóa", VSSA cho biết.
Theo Hiệp hội, các nhà máy đường căn cứ giá đường bán được mà định giá mía mua vào để chế biến. Năm 2014 là năm thứ 4 liên tiếp giá đường thấp, liên tiếp gây khó khăn cho nhà máy đường và nông dân trồng mía. Ngược lại là những năm bội thu của ngành chế biến dùng đường làm nguyên liệu nhờ giá đầu vào giảm nhưng giá đầu ra không giảm tương ứng (sữa, nước giải khát…). Sau khi “Tỷ đường” trùm buôn lậu đường tại tỉnh An Giang bị bắt đến nay giá mía đã tăng 50 đ/kg tại các nhà máy đường đồng bằng sông Cửu Long và một số nhà máy ở miền trung Tây Nguyên.
Người tiêu dùng hưởng lợi gì? Theo VSSA, trước hết, giá cả ổn định là lợi ích đầu tiên của người tiêu dùng; giá đường bán buôn giảm nhưng thị trường bán lẻ và các sản phẩm dùng đường làm nguyên liệu vì sao không giảm là vấn đề cần xem lại, không phải lỗi của các nhà máy đường.
Vì sao giá thành đường Việt Nam cao hơn các nước?
Có nhiều nguyên nhân nhưng VSSA cho rằng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu. Cụ thể, ở Thái Lan giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 – 35 USD/tấn. Tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 300 – 350 USD/tấn hay 6.000 – 7.000 đ/kg đường, trong khi ở Việt Nam tiền mía chiếm 8.000 – 10.000 đ/kg đường, chênh lệch 2.000 – 4.000 đ/kg đường, chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp mà nông dân và nhà máy đường không thể một sớm một chiều tự khắc phục .
Ở Lào, Hoàng Anh Gia Lai tự sản xuất mía đưa vào chế biến không phải mua nên giá thành nguyên liệu mía đưa vào nhà máy không bao gồm chi phí lợi nhuận cho nông dân trồng mía nên có giá thấp. Ngoài ra chi phí đầu tư cơ bản xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy có thể đã được bù đắp một phần bởi chính sách hỗ trợ đầu tư và các nguồn thu khác có được trong quá trình khai mở đất.
Chi phí chế biến đường từ mía của 2 nước Thái Lan và Việt Nam không chênh lệch nhiều. Một số nhà máy đường Việt Nam có vùng nguyên liệu tốt, chất lượng cao nên đường sản xuất có giá thành thấp như Sơn La, Tuyên Quang,… dù công suất nhỏ và công nghệ không có gì vượt trội so với các nhà máy đường khác trong nước.
Công nghệ lạc hậu, sản phẩm chất lượng kém, chi phí cao?
Theo Hiệp hội mía đường, từ ngày mới đầu tư nhà máy đường cho chương trình 1 triệu tấn đường/năm, cả nước có 41 nhà máy đường với tổng công suất 52.000 tấn mía/ngày. Sau cổ phần hóa các nhà máy đường tự đầu tư bằng tiền vay và nguồn tích lũy được, đến nay tổng công suất đã lên đến 130.000-140.000 tấn mía/ngày kết hợp với đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa – tổng vốn đầu tư thêm ở 41 nhà máy đường lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có khả năng sản xuất đến 50% sản lượng là đường luyện (gồm đường luyện tiêu chuẩn và đường luyện hảo hạng).
Có một số nhà máy đường Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến không thua kém các nhà máy đường ở các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… (nhà máy đường Khánh Hòa, Lam Sơn, Nghệ An, KCP, Bourbon Tây Ninh…).
Một số ít nhà máy do liên tục thua lỗ nên không có sức đầu tư thêm nên đã ngày càng bị bỏ xa trong cuộc đua để cạnh tranh và hội nhập (như nhà máy đường Cà Mau, Kiên Giang…).
Nhìn chung về trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như trong khu vực, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường RE đạt yêu cầu chất lượng cao đối với khách hàng khó tính như Cocacola…
Vì sao chỉ có Hiệp hội mía đường kêu ca?
Trả lời câu hỏi này, VSSA lý giải, ngành mía đường xảy ra những bất cập riêng không giống các ngành khác. Nhà máy đường có vốn đầu tư rất cao, tính mùa vụ rất khắc nghiệt, vốn để hoạt động sản xuất cũng rất lớn. Mối quan hệ nhà máy và người trồng mía yêu cầu chặt chẽ cao, công nghệ chế biến cũng phức tạp hơn nhiều so với chế biến gạo, trà, hạt điều, cà phê… do vậy đòi hỏi sự nghiêm ngặt của chuỗi giá trị cũng khác hơn. Sự bất trắc bất kỳ ở khâu nào cũng đều có thể gây thiệt hại lớn cho toàn chuỗi.
"Nếu muốn tồn tại và phát triển, việc học tập lẫn nhau là đương nhiên, học cả cái hay lẫn các dở để làm hoặc tránh. Hoàng Anh Gia Lai cũng lấy kinh nghiệm Việt Nam sang mở nhà máy đường tại Lào. Về kỹ thuật công nghệ Việt Nam không hề thua kém, nhưng về chính sách quốc gia khác nhau thì doanh nghiệp không thể làm khác được", VSSA cho biết.
VSSA cũng cho rằng, điều kiện nông nghiệp và chính sách của Lào vượt trội và hấp dẫn hơn Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã tìm thấy từ những chính sách ưu đãi của Lào là nền tảng để Hoàng Anh Gia Lai sản xuất được đường có giá cạnh tranh.
---------------------------
“Cơn sốt” bất động sản 2007 có trở lại?
Thị trường bất động sản năm 2015 đã bắt đầu với những dấu hiệu khởi sắc và có những điều kiện tương đồng với năm 2007. Chỉ riêng tại thị trường Hà Nội, đến giữa tháng 2 đã có tới 1.550 giao dịch thành công. Liệu “quả bóng” bất động sản có bị thổi phồng một lần nữa?
Tại báo cáo phân tích phát hành cho nhà đầu tư ngày 16/3, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã chia sẻ thêm một góc nhìn về thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2015 so với “cơn sốt” năm 2007.
Theo đó, thị trường BĐS năm nay được đánh giá có nhiều điểm sáng đến từ các yếu tố như việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ. Trong những tháng đầu năm 2015, thị trường đã có những tín hiệu khởi sắc với việc hàng loạt các doanh nghiệp BĐS TP.HCM đua nhau xây dựng và bung ra hàng loạt dự án căn hộ từ trung cấp đến cao cấp.
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Hà Nội, thị trường BĐS Thủ đô đã có tới 1.550 giao dịch thành công từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 2/2015, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, điều này đã đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp lên từ 10% đến 15% và dấy lên một số ý kiến lo ngại về khả năng cơn sốt bất động sản năm 2007 sẽ lặp lại trong 2015.
Theo VDSC, so với thời điểm năm 2007, thị trường BĐS năm 2015 có nhiều nét tương đồng. Trước hết đó là việc cho vay BĐS được nới lỏng.
Năm 2007, BĐS chưa bị tăng tỷ lệ rủi ro cho vay cũng không nằm trong danh mục hạn chế cho vay; năm 2015 thì các rào cản cho vay BĐS nói trên cũng vừa được dỡ bỏ. Mới đây, điều kiện cho vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đã được nới lỏng, lãi suất vay cũng giảm còn 5%/năm trong khi thời gian cho vay tối đa được kéo dài lên tới 15 năm. Gần đây, một số chuyên gia kinh tế còn cho biết NHNN đang xem xét khả năng tung ra gói 50.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất 7%/năm kéo dài trong 10 năm.
Cùng với đó là kỳ vọng lớn vào dòng vốn ngoại (FDI) cho BĐS . Với việc gia nhập WTO vào tháng 11/2006, Việt Nam đã kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ đổ vào nhiều ngành nghề, đặc biệt là mảng BĐS trong năm 2007 (vốn FDI thực hiện năm 2007 tăng 13,9% so với năm 2006). Tương tự, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm, lĩnh vực BĐS vẫn tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI với tổng số vốn thu hút được lên tới 111,43 triệu USD.
Cũng giống như năm 2007, trong năm nay, sự điều tiết tự nhiên của dòng tiền nhàn rỗi theo nguyên tắc “bình thông nhau”. Nếu cú lao dốc của TTCK giai đoạn 2006-2007 sau giai đoạn tăng trưởng “bong bóng” đã khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã chuyển qua mảng BĐS thì việc đột ngột quay đầu vào nửa cuối năm 2014 do tác động của các yếu tố khách quan đến từ thế giới (giá dầu) và các yếu tố nội tại (Thông tư 36) cũng đã góp phần khiến dòng tiền bắt đầu chảy sang thị trường BĐS.
Với sự hội tụ các yếu tố nói trên, câu hỏi là đặt ra là liệu “quả bóng” có thể bị thổi phồng một lần nữa. Theo góc nhìn của VDSC, một cơn sốt như năm 2007 sẽ khó lòng lặp lại vì bản thân thị trường BĐS đang đi sát hơn với những yếu tố cơ bản.
Theo đó, quy mô thị trường đã lớn hơn với nguồn cung đa dạng, dồi dào nhiều nhiêu phân khúc thay vì chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp như giai đoạn trước.
Với những bài học rút ra, quản lý nhà nước đối với thị trường đã sát sao hơn nhằm hạn chế việc đẩy giá từ nhóm đầu cơ. Một vấn đế đang được thảo luận sôi nổi là việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu của một doanh nghiệp BĐS có thể được nâng lên 50 tỷ đồng (so với mức 20 tỷ đồng quy định trong Luật Kinh doanh BĐS 2014). Dù còn nhiều tranh cãi, việc đề xuất quy định này cho thấy quan điểm của các nhà lập pháp trong viêc hạn chế sự phát triển nóng về số lượng doanh nghiệp BĐS trên thị trường.
Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng doanh nghiệp BĐS mới thành lập tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính mỗi ngày có khoảng 22-23 công ty BĐS đăng ký thành lập mới.
Hình thức tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi từ hình thức liên doanh, liên kết sang hình thức thâu tóm, sáp nhập. Điều này tạo được sự tự do cho thị trường trong hình thức cạnh tranh chứ không chịu sự điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính của Nhà Nước như trước đây. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam được áp dụng từ ngày 1/7/2015. Qua đó, chính sách sẽ giúp cải thiện về nguồn cầu trong năm 2015, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ, tín dụng hiện nay cũng không quá dễ dãi như năm 2007. Ngay cả gói tín dụng 30.000 tỷ cũng nhắm đến những đối tượng “gặp khó khăn về nhà ở” và những dự án phù hợp với thu nhập của đại đa số người mua nhà. Chính sự thận trọng trong việc lựa chọn đối tượng cho vay khiến gói 30.000 chỉ mới giải ngân được 1/3 sau hơn một năm rưỡi triển khai.
Một điểm khác biệt nữa so với 2007 đó là Nhà nước đã để ý nhiều hơn đến nhu cầu thực trong xã hội nhằm tăng tính “căn cơ” trong sự phát triển của thị trường. Trong năm 2014, Bộ Xây Dựng đã khuyến khích đầu tư vào nhà ở giá rẻ với 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong năm 2015, Bộ Xây Dựng sẽ tiếp tục triển khai 150 dự án nhà ở xã hội với 91 dự án cho người thu nhập thấp.
Qua những yếu tố được nêu trên, VDSC cho rằng thị trường BĐS trong năm 2015 sẽ tăng trưởng tốt để giúp các doanh nghiệp “làm đẹp” về tài chính, đồng thời vẫn sẽ giữ ở mức giá chấp nhận được nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế từ xã hội.
-----------------------
Dính vào Sacombank: Eximbank tuột dốc
Nổi như cồn với vai trò chủ lực trong vụ thâu tóm Sacombank, rồi những đồn đoán về việc sáp nhập với NamAbank... gắn liền với lộ trình đi xuống của Eximbank. Điều gì đang xảy ra ở Eximbank?
Lên nhanh xuống chóng
Cuộc tấn công của Eximbank vào Sacombank hồi năm 2010 diễn ra khá âm thầm khi giá cổ phiếu STB xuống thấp. Một nhóm nhà đầu tư đã gom vào cổ phiếu STB. Tất cả màn kịch đầy bí mật này chỉ lộ diện gần hai năm sau đó.
Đầu năm 2012, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, công bố nhóm nhà đầu tư mà Eximbank đại diện đã nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát.
Từ một ngân hàng tầm trung, Eximbank bỗng chốc nổi bật với vai trò người dẫn dắt trong một cuộc thâu tóm đình đám nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Ông Phạm Hữu Phú, người của Eximbank, trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Cuộc thâu tóm tưởng chừng đã hạ màn sau hàng loạt các thông tin về sự hợp tác toàn diện giữa Sacombank với Eximbank và những lời đồn đoán về vụ hợp nhất giữa 2 ngân hàng này, tạo ra một ngân hàng hàng đầu trên thị trường với quy mô tài sản vào khoảng 330 nghìn tỷ đồng, lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân và bám sát Vietcombank..
Tuy nhiên, vở kịch lại có một bước ngoặt mới khi nhóm NĐT lớn ở Sacombank lên tiếng sáp nhập với Phương Nam - một ngân hàng được xem ở "chiếu dưới" hoàn toàn và Eximbank cũng bắt đầu rút vốn khỏi STB.
Đây cũng là bước ngoặt đối với chính Eximbank. Sau những xáo trộn, những cú bắt tay thâu tóm và tin đồn sáp nhập với Sacombank, Eximbank đang một mình với hành trình đi xuống khá thê thảm.
Từ vị trị hàng đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank liên tiếp thất bại trong nhiều kế hoạch đề ra cho năm 2013 và phá sản hàng loạt chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2014.
Trong quý IV/2014, Eximbank lỗ khủng 678 tỷ đồng do dự phòng rủi ro tăng vọt gấp gần 5 lần. Lỗ nặng trong quý IV đã xóa đi gần như toàn bộ thành quả kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm và kết quả lợi nhuận cả năm 2014 Eximbank chỉ đạt 56 tỷ đồng, chỉ bằng chưa tới 4% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Hồi giữa năm 2014, Eximbank cũng chứng kiến một cú sốc: tài sản sụt giảm tới 22,4%. Tới cuối 2014, tài sản của Eximbank đã phục hồi đáng kể nhưng vị trí tốp 5 truyền thống dường như vẫn còn khá xa với đối với ngân hàng này khi mà cơ cấu nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác vẫn có tỷ lệ cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác (11,5 nghìn tỷ).
Kịch bản nào đang chờ?
Mặc dù vẫn được liệt vào nhóm ngân hàng cửa trên nhưng về dài hạn Eximbank vẫn có nguy cơ tụt lại trong cuộc đua cạnh tranh. Thậm chí, quá trình đi xuống nhanh chóng gắn với kịch bản Sacombank và những thôn tin đồn đoán về sáp nhập NamABank đang khiến nhiều người nghĩ đến một kịch bản được dựng sẵn đang chờ Eximbank mà ở phía trước.
Từ một nhà băng nổi danh đình đám với quy mô tài sản lớn và nằm trong "câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận", sau 2 năm, Eximbank đã nhanh chóng rớt ra xa khỏi tốp 5 NHTMCP lớn nhất. Đó là chưa kể tới tốp 4 NHTMCP có nguồn gốc quốc doanh BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.
So về hầu hết các chỉ tiêu, Eximbank đang ngày càng thua xa so với ACB, Sacombank... vả cả những cái tên mới như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) hay Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB).
Về lợi nhuận, gương mặt đình đám một thời Eximbank đã lao dốc không phanh từ vị trí thứ 4 năm 2012 xuống thứ 10 năm 2013 và nằm trong số những ngân hàng tốp cuối cùng trong năm 2014. Đây thực sự là một bất ngờ đối với một định chế có truyền thống kinh doanh ổn định.
Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, nguyên nhân thực sự kiến ngân hàng này có kết quả kinh doanh thê thảm trong năm 2014 là do dự phòng rủi ro tăng mạnh. Riêng trong quý IV, khoản dự phòng đã lên tới gần 600 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Và tính cả năm, dự phòng cũng tăng gấp 3 lần so với năm liền trước.
Có thể thấy, việc tận dụng cơ hội đẩy trích lập dự phòng cao để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong giai đoạn này. Kéo nợ xấu xuống dưới 3% là yêu cầu của NHNN và cũng là điều kiện để ngân hàng được phép cho vay kinh doanh chứng khoán theo Thông tư 36. Dự phòng bản chất là "của để dành cho tương lai", cất cục lợi nhuận vào trong tủ làm của để dành.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phi tín dụng khác của Eximbank chứng kiến thua lỗ khá nhiều. Hoạt động khác thua lỗ hơn 260 tỷ đồng, trong khi năm 2013 còn báo lãi 204 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tiếp tục yếu kém nhưng Eximbank vẫn dành một nguồn vốn đáng kể cho lĩnh vực này: 20 nghìn tỷ đồng tính tới cuối 2014.
Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đều phải chịu áp lực rất lớn trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống. Các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2014. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà hoạt động tín dụng mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng. Không ít tổ chức tín dụng báo lợi nhuận chung cuộc tăng mạnh so với năm liền trước. Eximbank nằm trong số ít các ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trong cuộc tái cấu trúc này.
Trong thời gian tới, rất có thể Eximbank sẽ nhận sáp nhập NamABank. Nó giúp Eximbank có sự tăng vọt về tổng tài sản và quy mô vốn. Mặc dù vậy, điều này không có gì đảm bảo cho Eximbank có thể lấy lại được vị thế của mình.
Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới bước sang giai đoạn 2 và đang diễn ra quyết liệt, có thể sẽ có còn nhiều cặp ngân hàng sáp nhập với nhau. Do vậy, cuộc đua cho sự tồn tại vẫn còn khốc liệt.
--------------------------