Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 17/3 đã đăng tải thông tin khẳng định cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, người đang bị điều tra tham nhũng, đã từng liên minh với một loạt “con hổ” đã bị đả, trong đó có Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch.
Thông tin được tờ China Daily đăng tải, dẫn bài viết của tạp chí Caijing. Theo đó Chu Vĩnh Khang từng có liên hệ mật thiết với Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch Quân ủy trung ương của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), người vừa qua đời vì ung thư bàng quang cuối tuần trước.
Ngoài ra, ông Chu còn được tin là thân thiết với Lệnh Kế Hoạch, nguyên chánh văn phòng trung ương đảng, nguyên Vụ trưởng vụ Mặt trận thống nhất đảng Cộng Sản Trung Quốc.
“Chu bị nghi đã lạm dụng quyền lực để tạo dựng những lợi ích chính trị và kinh tế mật thiết với các quan chức tham nhũng khác, gồm Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh, và Lí Đông Sinh, cựu thứ trưởng bộ công an, người đã bí mật tạo dựng phe cánh”, bài báo khẳng định.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao này, hay “những con hổ”, bị nghi đã lạm dụng quyền lực để mưu lợi cho một số doanh nghiệp và những người liên quan khác, và nhận những khoản hối lộ khổng lồ.
Zhou Ruijin, nguyên phó tổng biên tập Nhân dân nhật báo nhận định: “Thời gian qua, một số vấn đề tham nhũng có xu hướng liên quan tới các gia đình, phe cánh hoặc nhóm người”, và khẳng định vụ điều tra tham nhũng với Chu Vĩnh Khang có liên quan tới nhiều quan chức tham nhũng, những người bị nghi đã tạo thành một “mạng lưới tham nhũng khổng lồ”.
Zhao Hongzhu, phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương khẳng định, cho dù những người có liên quan là ai, các quan chức bị nghi tham nhũng đều bị điều tra kỹ lưỡng.
Kể từ năm 2012, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức, ông đã thực hiện một chiến dịch sâu rộng để bài trừ tham nhũng.
Đến nay, hơn 90 quan chức cấp cao, trong đó có 63 người hàm bộ trưởng hoặc cao hơn và 30 tướng trong quân đội đã bị điều tra vì nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ thường được dùng để ám chỉ tội danh tham nhũng.
Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất bị điều tra trong cuộc chiến chống tham nhũng từ năm 1978, khi công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc được triển khai.
Ông Chu, về hưu năm 2012, bị bắt tháng 12 vừa qua, và bị khai trừ đảng, chuyển cơ quan công tố điều tra. Trong số các tội danh cựu chính trị gia này đối mặt có nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước.
Zhou Qiang, chánh án tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc khẳng định: “Sau khi truy tố, tòa án sẽ xử lý trường hợp của ông Chu đúng pháp luật. Không ai đứng trên pháp luật”.
----------------------
Xe bọc thép của quân đội Ukraine đâm chết bé gái 8 tuổi rồi bỏ trốn
Cảnh sát Ukraine được trao quyền nổ súng bắn chết các đối tượng nổi loạn trong cuộc bạo động tại một thị trấn miền đông Ukraine nhằm phản đối việc một xe bọc thép của quân đội Ukraine đâm chết một bé gái 8 tuổi rồi bỏ trốn.
Theo tờ RT của Nga, căng thẳng đang leo thang tại thị trấn miền đông Konstantinovka sau khi một xe bọc thép của quân đội Ukraine hôm qua 16/3 đi qua nơi này với tốc độ cao sau đó mất kiểm soát và lao vào một đám đông người đi bộ. Chiếc xe đã đâm vào một người phụ nữ cùng một em bé nằm trong xe đẩy và một bé gái 8 tuổi.
Bộ Nội vụ Ukraine tối 16/3 thông báo: “Vụ tai nạn xảy ra tại đường Lomonosov, gần Bệnh viện số 5 của thành phố. Ba người đi bộ bị xe bọc thép cán qua gồm, 1 bé gái 8 tuổi chết tại chỗ, 1 phụ nữ và 1 em bé trong xe đẩy đã được đưa đến bệnh viện”.
Người dân địa phương cho rằng, người lính điều khiển chiếc xe bọc thép của quân chính phủ Ukraine đã uống say vào thời điểm gây tai nạn.
Báo địa phương đưa tin thủ phạm đã trốn khỏi hiện trường sau khi người dân giận dữ ném đá vào các xe an ninh. Một số người dân khác nhanh chóng bao vây trại lính và sau đó, có những tiếng súng bắn cảnh cáo vang lên.
Theo Sputnik, người dân thị trấn Konstantinovka sau đó đã tập trung ở phía trước địa điểm đồn trú của quân lính - một trường học địa phương, và yêu cầu họ đưa những người lính liên quan tới vụ tai nạn ra đầu thú. Đám đông cũng gây ra các đám cháy tại các lối vào khu ký túc xá tại địa điểm đồn trú của quân chính phủ.
Các binh lính gây ra vụ tai nạn được cho là đã bỏ trốn trên một chiếc taxi. Chính quyền địa phương sau đó thông báo những người này đã bị bắt. “Hai binh sỹ gây ra tai nạn đã bị bắt và bàn giao cho các công tố viên quân sự”, ông Vyacheslav Abroskin, người đứng đầu cảnh sát chính phủ tại khu vực Donetsk cho hay.
Theo RT, để chấm dứt tình trạng hiện nay tại Konstantinovka và ngăn cản những kẻ có ý đồ kích động quần chúng nổi loạn, cảnh sát Ukraine được chính quyền cho phép nổ súng.
“Nếu một ai đó ở Kostyantynivka dùng súng để chống lại chính quyền Ukraine, hay lợi dụng vụ tai nạn này để kích động quần chúng nổi loạn, kẻ đó sẽ bị bắn một phát đạn cảnh báo, sau đó sẽ bị bắn chết. Nếu không có thời gian để báo động, chúng tôi sẽ bắn chết người đó ngay lập tức”, một quan chức chính quyền cho biết.
Theo một báo cáo chưa được kiểm chứng, quân tiếp viện đã được tăng cường đến Konstantinovka để dập tắt tình trạng bất ổn.
Bộ Nội vụ Ukraine hôm qua cũng thông báo, một lực lượng đặc nhiệm từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang đã được gửi tới để chỉ đạo cuộc điều tra, đồng thời cam kết sẽ có hình phạt đúng mức cho những người phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn đâm chết bé gái 8 tuổi.
Ngoài ra, chính phủ Kiev cho biết đã phát hiện ra một cá nhân bị cáo buộc đã kích động gây ra làn sóng phản ứng dữ dội đối với sự bất cẩn của người lính lái xe bọc thép của Kiev.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ilya Kiva cũng cam kết “kẻ xúi giục” sẽ sớm bị bắt và đưa ra công lý. Bà Kiva cũng kêu gọi người dân thị trấn Konstantinovka giữ bình tĩnh, kiềm chế và không làm bạo lực leo thang thêm nữa.
-----------------------
Từ dữ liệu harker, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng
Theo tin ngày 17/3, các công tố viên Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên tiến hành vụ tấn công mạng nhằm vào công ty vận hành lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc hồi tháng 12 năm ngoái.
Lời buộc tội này được đưa ra dựa trên kết quả điều tra những địa chỉ Internet do các tin tặc sử dụng.
Tuyên bố của Văn phòng công tố trung ương Seoul nêu rõ: "Các mã độc được sử dụng trong vụ tấn công mạng nhằm vào cơ quan vận hành lò phản ứng hạt nhân trùng khớp với cấu trúc và phương thức hoạt động của cái gọi là ‘kimsuky’ mà các tin tặc Triều Tiên sử dụng."
Trước đó, Hàn Quốc từng tuyên bố tình nghi Triều Tiên dính líu tới vụ tấn công mạng này và đã nhờ giới chức Trung Quốc giúp đỡ sau khi phát hiện nhiều địa chỉ Internet liên quan bắt nguồn từ một thành phố ở Đông Bắc Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên./.
-----------------------
Truyền thông quốc tế phát sốt vì tuyên bố của Putin
Tiêu đề trên hàng loạt tờ báo lớn của phương Tây đều tập trung vào bình luận của Tổng thống Putin, về việc lực lượng hạt nhân nước này được đặt trong tình trạng sẵn sàng nếu một "viễn cảnh bất lợi" xảy ra ở Crưm, dù cả Mỹ và Anh trước đó từng đưa ra tuyên bố tương tự, Sputnik News đưa tin.
"Chúng tôi đã sẵn sàng làm điều đó (đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động). Tôi đã thảo luận với các đồng sự và nói với họ rằng, Crưm là lãnh thổ lịch sử của Nga, người Nga sống ở đó, họ đang bị đe dọa và chúng ta không thể bỏ rơi họ", người đứng đầu Kremlin nói trong bộ phim tài liệu có tiêu đề "Crưm: Đường về nhà", phát sóng hôm 15/3 trên kênh Rossiya-1.
Trong khi Tổng thống Nga Putin nói, lực lượng hạt nhân nước này được đặt trong tình trạng báo động chỉ để bảo vệ công dân Nga đang sinh sống tại Crưm, thì truyền thông phương Tây lại coi tuyên bố này ngụ ý tuyên chiến. Nga cho rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân và hàm ý về sự đe dọa của loại vũ khí này, song không đưa ra sử dụng - chỉ mang mục đích phòng vệ.
Các báo hàng đầu của Anh gồm The Guardian, The Independent, The Mirror,và The Daily Mail, đều tập trung chú ý vào bình luận của Tổng thống Putin, về việc Nga sẵn sàng dùng lực lượng hạt nhân nếu nước này thấy cư dân nói tiếng Nga ở Crưm bị đe dọa
Trong khi đó, báo Mỹ là The New York Times và The Washington Post lại tập trung vào tuyên bố của Tổng thống Putin. "Sau cuộc cách mạng ở Ukraina vào năm ngoái, Tổng thống Putin đã gửi quân tới bảo vệ Crưm và thậm chí đặt lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng báo động vì nhà lãnh đạo này lo ngại về tình trạng hỗn loạn lẫn sự can thiệp của phương Tây ở đây", báo The New York Times viết.
Tuy nhiên, hồi tháng 10/2014, Mỹ cũng đưa ra tuyên bố tương tự rằng nước này sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân nếu quân đội Triều Tiên vượt biên giới vào Hàn Quốc - một đồng minh của Washington. Vài năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng thời điểm đó của Anh là Geoff Hoon nói, Anh sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chống Iraq, nếu nước này dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống quân Anh.
Crưm trở thành một vùng của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014. Crưm sáp nhập vào Nga sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2014 ở Ukraina.
-----------------