Đề nghị truy tố ‘tập đoàn’ buôn lậu ô tô cũ
Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND TP truy tố đường dây buôn lậu phụ tùng ô tô đã qua sử dụng với số lượng cực lớn.
Đường dây tội phạm này do Nguyễn Văn Sinh (39 tuổi, Việt kiều Mỹ) cầm đầu. Các đồng phạm của Sinh bị đề nghị truy tố gồm Đoàn Đức Thắng (50 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, từ năm 1998 đến nay bị Bộ Công an truy nã về tội buôn lậu và đưa hối lộ), Vũ Mạnh Dũng (57 tuổi, ngụ Q.7, Giám đốc Công ty TNHH DV-XNK KAL), Lê Công Hớn (47 tuổi, ngụ Q.10, lái xe cho Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2), Nguyễn Văn Bình (35 tuổi, ngụ Q.3, hành nghề dịch vụ XNK tại các cảng ở TP.HCM), Đỗ Thị Diệu Lợi (28 tuổi, ngụ Q.4, nhân viên của Dũng).
Hàng chục container bị đánh tháo
Theo kết luận điều tra, năm 2010, Sinh thành lập Công TNHH MTV An Khang Lạc (tọa lạc trên QL1A, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh) kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng thực chất cấu kết với Thắng nhập lậu phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng về tiêu thụ.
Đến năm 2012, Sinh thuê Dũng (không nghề nghiệp) làm Giám đốc Công ty An Khang Lạc. Thực tế, Sinh ở Mỹ điều hành từ xa, mua hàng thuê vận chuyển bằng đường biển về VN; Thắng ở VN điều hành trực tiếp. Do Thắng đang bị Bộ Công an truy nã nên thường dùng tên giả là Trần Minh Thắng, Trần Văn Thắng hoặc Nguyễn Văn Thắng để giao dịch. Tháng 10.2012, Sinh chỉ đạo giải thể Công ty An Khang Lạc, thành lập Công ty TNHH nông ngư cơ Thắng Lợi. Đến đầu tháng 7.2013, Công ty nông ngư cơ Thắng Lợi cũng ngưng hoạt động, Sinh thành lập Công ty TNHH DV-XNK KAL thay thế. Cả 2 công ty thành lập sau này, Sinh đều thuê Dũng làm giám đốc.
Từ năm 2010 - 2013, Sinh đã nhập và đánh tháo trót lọt ít nhất 27 container ra khỏi cảng Cát Lái (Q.2), cảng Vict (Q.7), cảng ICD Phước Long 1 (Q.9) đưa về khu vực H.Bình Chánh tiêu thụ. Trong đó, Cơ quan CSĐT chỉ xác định được số lượng hàng và giá trị hàng của 16 container phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu) có tổng trị giá hơn 7,3 tỉ đồng.
“Lọt lưới” hải quan
Năm 2012, đường dây này đã móc nối với Hớn để làm dịch vụ giao nhận hàng cho công ty về cảng Cát Lái (Q.2) và cảng Vict (Q.7) với giá thỏa thuận 80 triệu đồng/container, bao gồm chi phí nộp thuế, chi phí vận chuyển và các chi phí khác để đưa hàng ra khỏi cảng. Hớn biết rõ phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng là hàng cấm nhập nhưng vẫn đồng ý làm dịch vụ cho Sinh. Hớn khai đã chi hàng trăm triệu đồng cho một số cán bộ hải quan kiểm hóa để cho thông quan, nhưng các cán bộ này không thừa nhận.
Cơ quan CSĐT nhận định công tác kiểm hóa của 6 cán bộ cảng Cát Lái, cảng Vict thuộc Cục Hải quan TP.HCM có dấu hiệu sai phạm. Tuy nhiên, các cán bộ này cho rằng đã kiểm hóa đúng quy trình, không thừa nhận có sai phạm. Hiện chưa bắt được Sinh và Thắng để làm rõ về việc nhập lậu, không xác định được chính xác hành trình các chuyến hàng sau khi ra khỏi cảng nên cơ quan CSĐT chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ hải quan này.
“Do Sinh đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 7.2012 và Thắng đã bỏ trốn nên ngày 4.11.2014, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Sinh và Thắng. Đồng thời, ngày 19.11.2014, cơ quan điều tra cũng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với 2 bị can này, khi nào bắt được sẽ tiếp tục điều tra làm rõ và đề nghị truy tố sau”, một cán bộ điều tra của PC46 cho biết.
Ngày 23.7.2013, Đội kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM phối hợp PC46 phát hiện Lê Công Hớn nhập lậu phụ tùng xe đầu kéo đã qua sử dụng về cảng Cát Lái (Q.2) nhưng khai báo là máy phát điện cũ. Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT đã phanh phui toàn bộ thủ đoạn của đường dây này. Trên thực tế, khi nhập hàng về VN, bọn chúng khai với hải quan là động cơ máy thủy, máy phát điện đã qua sử dụng (thuộc hàng hóa bắt buộc phải kiểm hóa) nhưng 21 container vẫn “lọt lưới” hải quan và 6 container còn lại được Bình đánh tháo ra khỏi cảng bằng phiếu E (phiếu giao nhận container) có dấu công chức hải quan giám sát giả. Bằng thủ đoạn tương tự, Bình còn khai từng đánh tháo 29 container cho 2 công ty khác ra khỏi cảng ICD Phước Long 1 và cảng Vict Q.7.
-------------------------
Nghi phạm cầm đầu đường dây thuốc lá ngoại tại Sóc Trăng bỏ trốn
Ngày 24.11, Công an TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) khám xét nhà của Trương Hậu Thống (P.6, TP.Sóc Trăng). Cùng ở căn nhà trên còn có vợ chồng Nguyễn Tú Vinh (anh rể Thống).
Vinh được xác định là kẻ chủ mưu, điều hành đường dây vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá ngoại lậu cực lớn trên địa bàn tỉnh. Vào thời điểm khám xét, Vinh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau nhiều giờ khám xét, công an thu giữ nhiều giấy tờ quan trọng có liên quan đến đường dây buôn lậu thuốc lá ngoại trên, đồng thời phát hiện Vinh có nhiều giấy giới thiệu đi đường, công lệnh của cơ quan nhà nước.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 23.11, Công an TP.Sóc Trăng bất ngờ kiểm tra nhà kho thuộc bãi xe của nhà hàng Minh Châu (P.4, TP.Sóc Trăng) phát hiện có 2.094 cây thuốc lá ngoại nhập lậu. Công an đã tạm giữ hình sự Thống (27 tuổi) và Trần Bình Tiến (29 tuổi, ngụ xã Phú Tâm, H.Châu Thành, Sóc Trăng); một xe tải BS 83C-018.64 là phương tiện để các nghi phạm vận chuyển số thuốc lá nhập lậu.
-------------------------
Nữ giám đốc lừa đảo Agribank 22,39 tỉ đồng
Ngày 24.11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bị cáo là Nguyễn Thị Nam Phương (48 tuổi, ngụ tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vạn Cát.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tháng 8.2008, Công ty TNHH Thương mại Vạn Cát có văn bản đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho vay 18,5 tỉ đồng, tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay (hợp đồng mua xe gắn máy).
Để hoàn thiện hồ sơ vay vốn của Agribank, Phương đại diện Công ty TNHH Thương mại Vạn Cát ký hợp đồng với Công ty cổ phần Ô tô TMT mua 500 xe gắn máy 3 bánh trị, tổng trị giá hơn 13,5 tỉ đồng, thanh toán trước 70% giá trị hợp đồng, giao nhận xe chia làm 5 đợt.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, Phương tự sửa chữa nội dung bản hợp đồng, nâng số xe mua từ 500 chiếc lên thành 1.000 chiếc. Ngoài ra, Phương còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại sản xuất Khánh Hồng với nội dung bán 1.000 xe gắn máy này có tổng giá trị 28,5 tỉ đồng.
Sau khi hoàn tất hồ sơ giấy tờ, Agribank chi nhánh Long Biên (Hà Nội) đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại Vạn Cát vay 18,5 tỉ đồng với thời hạn 3 tháng, lãi suất 20%/năm, tài sản bảo đảm chính là lô hàng 1.000 xe gắn máy và giải ngân vào tài khoản của Công ty Ô tô TMT 13,55 tỉ đồng, giải ngân tiền mặt cho Công ty TNHH Thương mại Vạn Cát 5 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng nêu rõ, khi được phía Agribank Long Biên giải ngân, Phương lấy lý do kế toán chuyển nhầm để yêu cầu Công ty Ô tô TMT chuyển trả lại hơn 5 tỉ đồng. Không những thế, Phương chỉ nhận mua 28 xe của Công ty Ô tô TMT và thanh toán số tiền tương ứng. Còn với số tiền dư hơn 3,8 tỉ đồng, Phương đã đòi lại từ Công ty Ô tô TMT. Số tiền sau đó được Phương sử dụng chi tiêu cá nhân.
Cơ quan điều tra xác định Phương đã lừa đảo chiếm đoạt 19,99 tỉ đồng (tính cả gốc và lãi) của Agribank.
Cũng tại phiên xét xử, Phương còn bị truy tố vì hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, cùng thời điểm tháng 8.2008, Phương ký hợp đồng vay chi nhánh Agribank Long Biên 3,55 tỉ đồng để nộp thuế nhập khẩu 494 xe gắn máy, nhưng sau khi bán toàn bộ lô xe này, Phương mới chỉ thanh toán cho chi nhánh Agribank Long Biên 1,56 tỉ đồng.
Với số tiền chiếm đoạt của Agribank là 22,39 tỉ đồng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phương mức án tù chung thân.
-------------------------
Phá đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe đạp điện
Ngày 24.11, Cơ quan điều tra Công an TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết vừa bắt nhiều nghi phạm trộm cắp và tiêu thụ xe đạp điện tại địa bàn TP.Huế.
Trước đó, tại địa bàn TP.Huế đã rộ lên nạn mất cắp xe đạp điện của các học sinh, sinh viên. Các vụ mất trộm liên tục được trình báo đến cơ quan công an.
Sau quá trình điều tra, tối 22.11, lực lượng chức năng bắt quả tang Lê Văn Mới khi Mới đang trên đường mang xe trộm cắp đi tiêu thụ. Ngay trong đêm 22.11, công an đã bắt giữ thêm 6 người liên quan.
Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra Công an TP.Huế đã khám xét cơ sở cầm đồ của Nguyễn Thị Bạch (trú tại 8/358 đường Phan Chu Trinh, TP.Huế) là nơi chuyên tiêu thụ xe đạp điện do những nghi phạm trên trộm cắp. Tại đây, lực lượng công an phát hiện và thu giữ 6 xe đạp và 11 xe đạp điện cùng nhiều tang vật có liên quan đến các vụ trộm.
Theo lời khai của các nghi phạm, với 1 xe đạp điện trộm cắp, chúng bán lại cho cơ sở cầm đồ của Nguyễn Thị Bạch từ 1 - 2,5 triệu đồng.
Hiện cơ quan điều tra Công an TP.Huế đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Hiền, Lê Văn Mới và Nguyễn Thị Bạch. Các nghi phạm khác, cơ quan điều tra tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố theo quy định của pháp luật.
-------------------------
Hỗn loạn sau khi hoãn phiên tòa xét xử 8 bị cáo cưa 12 cây keo lai
Khoảng 9 giờ ngày 24.11, sau khi chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đọc quyết định tạm hoãn xét xử vụ án đối với Đinh Trọng Thúc, cùng 7 bị cáo khác về tội "hủy hoại tài sản", những người dự khán đã la ó, đập bàn… để phản đối, gây hỗn loạn tại TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai).
8 bị cáo đưa ra xét xử gồm, Đinh Trọng Thúc (48 tuổi), Nguyễn Thị Anh (42 tuổi, vợ Thúc), Vũ Thị Mộng Thu (49 tuổi), Nguyễn Tồn Chí (52 tuổi, chồng Thu), Ngô Quang Tuyên (35 tuổi), Vũ Thị Mộng Huyền (42 tuổi, em ruột Thu), Đỗ Thị Le (64 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hường (24 tuổi, cùng ngụ tại TP.Biên Hòa).
Theo cáo trạng, vào ngày 26.10.1992, Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa ký hợp đồng với ông Ngô Văn Y. trồng và chăm sóc bảo vệ rừng với diện tích 1 ha tại KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Năm 2001, Trung tâm lâm nghiệp khai thác và trồng lại keo lai trên diện tích khai thác.
Ngày 4.12.2001, ông Y. nhượng lại hợp đồng cho Nguyễn Đức H. để tiếp tục chăm sóc và hưởng lợi sản phẩm.
Năm 2005, ông H. sang nhượng cho vợ chồng Vũ Mộng Thu và Nguyễn Tồn Chí 4.800 m2 với giá 260 triệu đồng; sang nhượng cho vợ chồng ông Đinh Trọng Thúc và Nguyễn Thị Anh 243 m2 với giá 100 triệu đồng (tất cả đều bằng giấy tờ viết tay).
Đến năm 2006, vợ chồng Thu và Chí sang nhượng (cũng bằng giấy tờ viết tay) cho Đỗ Thị Le 499,5 m2 với giá 150 triệu đồng; sang nhượng cho Nguyễn Quang Tuyên 270 m2 với giá 100 triệu đồng; sang nhượng cho Vũ Mộng Huyền 150 m2 với giá 20 triệu đồng.
Vào ngày 13.10.2013, Thúc, Thu, Chí, Tuyên, Huyền, Le, Anh và Hường đến cưa 12 cây keo lai có độ tuổi trên 12 năm để dọn đất thì bị Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa phát hiện, lập biên bản và chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa xử lý.
Qua trưng cầu, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP.Biên Hòa kết luận, 12 cây keo lai trị giá trên 10,6 triệu đồng. Ngày 4.3.2014, Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản”; đến ngày 7.5.2014 thì khởi tố 8 bị can nêu trên, 5 người bị bắt tạm giam từ đó cho đến nay.
Tại phiên tòa, do 1 trong 3 luật sư bào chữa cho 8 bị cáo và luật sư bảo vệ cho nguyên đơn dân sự cũng như nguyên đơn dân sự (Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa) vắng mặt không có lý do nên chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa.
Ngay lập tức, bên dưới nhiều tiếng la lối vì Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa, đơn vị tố cáo 8 bị cáo hủy hoại tài sản, nhưng không dám đến tòa.
Chưa hết, nhiều người còn đập bàn, la ó cơ quan tiến hành tố tụng bắt bỏ tù các bị cáo oan sai; nơi 8 bị cáo cưa tràm đã biến thành đại công nhà xưởng từ lâu nhưng không ai bị xử lý…
Đặc biệt, nhiều người dự khán lớn tiếng yêu cầu Hội đồng xét xử cho bị cáo Thu và Huyền được tại ngoại về chịu tang mẹ (mất ngày 23.11) nhưng không được chấp thuận.
Nhân viên bảo vệ tòa án và cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an TP.Biên Hòa phải vất vả ngăn cản, để lập lại trật tự. Nhưng trật tự chỉ được vãn hồi khi Cảnh sát 113 được điều động đến tòa án để giải tán đám đông.
Theo thông báo, phiên tòa sơ thẩm dự kiến mở lại vào ngày 15.12.
-------------------------