Tranh luận về mô hình chính quyền địa phương
Tại phiên thảo luận dự luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 24.11, nhiều ĐBQH đề nghị mô hình chính quyền địa phương chỉ nên tổ chức 2 cấp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị phải tổ chức 3 cấp.
Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Quy định ở quận, phường không tổ chức HĐND, chức năng đại diện giám sát, quyết định các vấn đề địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm. Phương án 2: HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố, trực thuộc T.Ư, quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương, thành phố trực thuộc T.Ư, xã phường, thị trấn.
"Cơ hội vàng" để khắc phục những bất cập
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng dự luật là "cơ hội vàng" để khắc phục căn bản những bất cập về cơ chế tạo ra hệ thống tổ chức nhiều tầng lớp chức năng, nhiệm vụ quyền hạn trùng lắp, khó xác định được trách nhiệm, bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả. Tuy nhiên, cả hai phương án đưa ra tại dự thảo đều không phù hợp. ĐB Tâm đề nghị ở nông thôn theo lộ trình vẫn giữ ba cấp chính quyền, còn ở đô thị đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đặt ra là một địa bàn hẹp, dân cư sống tập trung với những phát sinh hằng ngày của vấn đề dân cư rất lớn. Theo bà, với đặc điểm chính quyền đô thị, tổ chức một chính quyền hai cấp là phù hợp.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng cả hai mô hình trong dự thảo đều chưa thật sự thuyết phục. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo dự thảo luật chỉ mới là phép cộng thuần túy nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND, chưa phù hợp với tinh thần đổi mới của Hiến pháp. Điều này sẽ khiến khó xác định trách nhiệm của chính quyền mỗi cấp, đồng thời khó đảm bảo sự minh bạch trong xác định mối quan hệ giữa T.Ư với địa phương, giữa các cấp chính quyền với nhau. Bên cạnh đó, quy định về thực hiện phân cấp giữa chính quyền địa phương các cấp như trong dự thảo luật dễ dẫn tới tình trạng tùy tiện, dồn việc, đùn đẩy trách nhiệm của cấp trên cho cấp dưới.
Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) ủng hộ phương án 2 và cho rằng các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự toán ngân sách của địa phương nếu không do ĐBQH, người dân địa phương quyết định mà do đại biểu của thành phố quyết định sẽ không tránh khỏi thiếu sâu sát, thiếu tính khả thi. Việc không còn giám sát của HĐND địa phương cũng sẽ không tránh khỏi xa rời dân. Chính quyền địa phương chỉ còn là cơ quan hành chính, do vậy tính chất chính quyền của dân địa phương bị suy giảm dẫn đến hiệu quả của nhà nước sẽ bị giảm, dễ phát sinh tiêu cực hơn, không vì lợi ích của nhân dân địa phương.
Đề nghị hợp nhất cơ quan Đảng với Nhà nước
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng trong thực tế hiện tại không có luật, không có chế định nào quy định hoạt động của tổ chức Đảng, của đảng viên; cũng chưa có cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Do đó, Đảng đứng ngoài Nhà nước và Đảng đứng trên Nhà nước. “Cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng độc lập hoàn toàn với cơ quan chuyên môn của chính quyền cùng cấp. Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng phải qua nhiều khâu trung gian. Mặc dù chức năng tương đồng, mục tiêu và đối tượng tương đối đồng thuận vẫn có 2 bộ máy thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với các quy trình, thủ tục, đường lối xử lý khác nhau, dẫn đến sự cồng kềnh, chồng chéo về tổ chức, đông về biên chế và rườm rà về thủ tục dẫn đến hiệu quả chưa cao”, ĐB Hoàng nhận xét.
Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước, ĐB Hoàng cho rằng Đảng, Nhà nước, QH không nên né tránh khi bàn về luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, ĐB này đề nghị nghiên cứu kỹ, định hướng rõ ràng về cơ chế, hoạt động, nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan của Đảng gắn với cơ quan của nhà nước theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vừa đảm bảo sự tinh gọn, vừa thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và hoạt động của đảng viên, vừa tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân. “Ví dụ như hợp nhất các cơ quan tổ chức với nội vụ, thanh tra với kiểm tra, văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND, cơ quan tuyên giáo với thông tin truyền thông và sử dụng cơ quan giúp việc dùng chung đối với MTTQ và các đoàn thể”, ĐB Hoàng nói.
Phải có bước quá độ
Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), dự luật được xây dựng nhằm giải quyết 4 vấn đề tồn tại trong mô hình tổ chức theo Hiến pháp năm 1992. Các tồn tại này gồm: địa vị pháp lý của chính quyền địa phương (tức HĐND và UBND) không rõ; chưa phân định rõ công vụ gì thuộc cấp chính quyền nào; xu hướng chính quyền địa phương có tính tự quản và hiệu quả thấp của tổ chức HĐND các cấp.
Theo ĐB Lịch, cần làm rõ đặc điểm, quyền hạn, nhiệm vụ của một cấp chính quyền. Sau đó mới thống nhất đi tới chính quyền địa phương về cơ bản lâu dài nên hai cấp đầy đủ, cấp tỉnh và cấp cơ sở. “Nhưng chúng ta phải có bước quá độ, chúng ta tỉnh lớn, tỉnh nhỏ có, đô thị có, nông thôn có nên cần bước quá độ”, ông Lịch nói.
-------------------------
Hội đồng nhân dân 3 cấp: Đừng “nhất thiết phải có” một cách hình thức
Được nhìn nhận là “vấn đề hệ trọng của quốc gia”, song có hai luồng ý kiến rõ rệt khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương có hay không có hội đồng nhân dân (HĐND) ở cấp phường, xã được thảo luận tại Quốc hội ngày 24.11.
Xáo trộn bộ máy, đảo lộn chính quyền
Rất đông các ĐBQH đã đề nghị giữ nguyên việc tổ chức HĐND ở cả 3 cấp chính quyền, theo nguyên tắc “ở đâu có quyền lực, ở đó có giám sát quyền lực”. ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nói dù Bộ Chính trị đã có chủ trương cho Đà Nẵng và TPHCM xây dựng thí điểm chính quyền đô thị. Nhưng chỉ là những ý tưởng khác nhau, chưa được kiểm chứng, việc phương án 1, (bỏ HĐND cấp phường, xã) vừa thiếu cơ sở hiến định, vừa thiếu cơ sở thực tiễn.
Ông Diệu nhắc lại nguyên tắc “ở đâu có quyền lực, ở đó có giám sát quyền lực của nhân dân” và đề nghị tổ chức HĐND ở cả 3 cấp chính quyền dù lưu ý “cũng cần làm rõ sự khác biệt chính quyền ở đô thị và ở nông thôn”.
ĐBQH Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng cho rằng việc bỏ HĐND là không phù hợp, làm đảo lộn chính quyền. “Việc cắt bỏ một cấp HĐND không mang lại lợi ích gì cho đất nước, làm xáo trộn bộ máy”- ông nói.
ĐBQH tỉnh Nam Định - Nguyễn Anh Sơn bắt đầu bằng việc phê phán mạnh mẽ việc thí điểm bỏ HĐND rằng đây là “một cuộc thí điểm khá kỳ lạ, diễn ra quá dài”. Báo cáo cả 10 tỉnh, thành, khẳng định không tổ chức là đúng, là tốt, là hay, nhưng không phải như vậy. Đừng quên HĐND là thành quả của nền dân chủ. Các nước chưa tổ chức HĐND thì đang tổ chức lại. Ta thì bỏ đi. Ông Sơn hùng hồn rằng “cần tuyên bố bỏ thí điểm đi, không cần tổng kết nữa, vì có cũng có kết quả như hôm nay”.
Đừng chỉ “nhất thiết phải có” một cách hình thức
ĐBQH Trần Du Lịch, bắt đầu bằng từ Nhật Bản, nơi chính quyền địa phương từ 3 cấp được điều chỉnh chỉ còn 2 cấp từ năm 1921. “Họ để 5 năm quá độ - ông nói - còn Việt Nam cần 10-15 năm quá độ”. Theo ông Lịch, về lâu dài, chính quyền địa phương chỉ cần tổ chức ở hai cấp tỉnh và cơ sở. Trong thời gian quá độ này, những địa phương lớn có thể để 3 cấp nhưng phải theo hướng tăng cường mở rộng cấp cơ sở, trong khi các thị trấn đô thị phải là cấp chính quyền đầy đủ.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho đây là cơ hội vàng để đổi mới mạnh mẽ như là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hành chính. Bà đề nghị chính quyền nông thôn theo lộ trình vẫn giữ 3 cấp chính quyền. Tuy nhiên, đối với chính quyền đô thị, bà Tâm nói đã đến lúc cần thay đổi theo hướng 2 cấp do đặc thù địa bàn hẹp, dân cư tập trung với những phát sinh hằng ngày rất lớn.
Có hay không có HĐND ở cấp quận, phường phải căn cứ vào hiệu quả thực tế, tránh nhất thiết phải có, nhưng lại rơi vào tình trạng có một cách hình thức như thời gian qua. Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cũng cho rằng nên bỏ HĐND cấp phường, xã. “Nếu phân chia cấp chính quyền quá nhỏ đến cấp phường sẽ dẫn đến vừa cát cứ, vừa chồng chéo, vừa không đảm bảo quyền của người dân”- bà nói.
Đề cập đến bộ máy tổ chức Đảng theo các cấp chính quyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng các cơ quan Đảng đang “đứng ngoài nhà nước, đứng trên nhà nước, vừa chồng chéo về tổ chức, đông về biên chế”.
Nhân thảo luận về Luật Tổ chức, bà Hoàng nói - đề nghị QH không né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền. Theo đó, chủ tịch cần nhất thể với bí thư. sáp nhập cơ quan như tổ chức (của Đảng) và nội vụ (của chính quyền). Sáp nhập thanh tra với kiểm tra. Sáp nhập tuyên giáo với thông tin truyền thông.
Sử dụng cơ quan giúp việc dùng chung giữa MTTQ và các đoàn thể. Và bỏ chức danh thường trực HĐND. Theo ĐBQH Đỗ Thị Hoàng, việc nhất thể, sáp nhập này vừa đảm bảo tinh giản, vừa đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.
(Theo Lao động)
-----------------------
Kỳ họp sau, ĐB Quốc hội sẽ có thẻ thông minh
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như trên trong cuộc trao đổi với báo chí sáng nay (24-11) bên hành lang Quốc hội, trước việc có nhiều đại biểu Quốc hội vắng mặt trong kỳ họp lần này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp lần này, do Quốc hội vừa chuyển sang tòa nhà mới nên chúng tôi chưa kịp trang bị thẻ thông minh cho các đại biểu.
Từ kỳ họp sau, chúng tôi sẽ đưa vào ứng dụng hệ thống thẻ thông minh. Mỗi đại biểu được phát một thẻ, khi vào họp, đại biểu cắm chiếc thẻ đó vào vị trí trên mặt bàn nơi chỗ ngồi của mình, cắm thẻ vào mới khởi động được tất cả các hệ thống như điện, máy tính, nút bấm điện tử…
Qua đó cũng có thể điểm danh đại biểu.
* Hiện nay hàng ngày Quốc hội có thống kê bao nhiêu đại biểu vắng mặt không, thưa ông?
- Việc này có giao cho Ban Công tác đại biểu điểm danh, theo dõi.
* Vậy có quy định là một đại biểu được vắng mặt bao nhiêu phiên họp tại kỳ họp không, thưa ông?
- Không có quy định đó. Chỉ có điều là đại biểu Quốc hội không nên vắng mặt tại kỳ họp. Đại biểu phải cố gắng thu xếp công việc ở cơ quan, đơn vị để tham dự kỳ họp Quốc hội đông đủ. Tuy nhiên, ta có nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm cho nên có những công việc bất khả kháng thì phải chịu. Ví dụ như có những đồng chí lãnh đạo cấp cao thăm và làm việc ở nước ngoài. Vào cuối năm thì công việc ở các ngành, các địa phương đều bận.
* Thực tế cho thấy với các phiên họp quan trọng thì đông đủ đại biểu, còn một số phiên không quan trọng lại vắng nhiều đại biểu?
- Đã làm luật thì luật nào cũng quan trọng.
* Ngoài họp ở hội trường, khi thảo luận tại tổ cũng có tình trạng vắng nhiều đại biểu hoặc đại biểu nghỉ sớm?
- Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh này.
* Vừa qua khi biểu quyết thông qua một dự án luật thì có việc số lượng nút được bấm cao hơn tổng số đại biểu có mặt. Liệu có hay không việc bấm bút hộ?
- Tôi không biết có việc bấm hộ không. Câu hỏi của nhà báo là theo suy luận thôi. Trong hội trường thì việc có bấm hộ được hay không nhìn biết ngay, vì với khoảng cách chỗ ngồi giữa các đại biểu, muốn bấm hộ phải vươn người qua. Khi có thẻ thông minh thì không bấm hộ được, vì có thẻ thì hệ thống của từng đại biểu mới hoạt động.
* Thưa ông, đã có biện pháp nào để đại biểu tham dự các phiên họp đông đủ hơn chưa?
- Vừa rồi Đoàn thư ký kỳ họp đã có công văn gửi các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành, đề nghị trưởng đoàn nhắc nhở đại biểu tham dự đầy đủ các phiên họp.
Nhất là ở những phiên họp cuối của kỳ họp thứ 8 này, phải thông qua nhiều dự thảo luật, nhiều nghị quyết quan trọng.
Do vậy các vị đại biểu cần cố gắng bố trí công việc hợp lý để tham dự đầy đủ. Bởi chúng ta biết rằng tỷ lệ kết quả bấm nút thông qua là trên cơ sở chia cho tổng số đại biểu, cho nên vắng nhiều thì tỷ lệ này sẽ thấp.
-------------------------