Hàng trăm học viên đã nộp tiền cho Viện Đào tạo ngôn ngữ và nhân lực Việt - Nhật (viết tắt VJI, thuộc Cty CP đầu tư và phát triển Trí Việt), để được tư vấn và lo thủ tục sang Nhật Bản học tập, làm việc. Thế nhưng, hết thời hạn cam kết, những học viên này vẫn ở “nguyên tại chỗ”, thậm chí mất trắng tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Phụ huynh Bùi Văn Hùm và một số học viên lên TP.Hồ Chí Minh đòi VJI trả lại tiền.
Chờ đợi mòn mỏi
Anh Nguyễn Tiến Thọ (ngụ xã Eakpam, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) kể: “Tôi đăng ký và học tại VJI từ tháng 5.2013. Đến tháng 7.2013, tôi ký hợp đồng với ông Huỳnh Văn Trọng - Viện trưởng VJI - để được VJI tư vấn và làm thủ tục sang Nhật vừa học, vừa làm. Tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ và số tiền 234 triệu đồng cho VJI. Nhưng đến nay, VJI vẫn chưa thực hiện đưa tôi sang Nhật học. Tôi đã liên lạc nhiều lần, nhưng VJI chỉ hứa và khất lần”.
Tương tự, anh Võ Thành Đạt (trú huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng nộp cho VJI hơn 71 triệu đồng từ hơn một năm nay, vẫn chưa nhận được thông báo nào sang Nhật: “Phía ông Trọng, rồi bà Trịnh Thị Thu Liễu - vợ ông Trọng - hẹn hết lần này đến lần khác (lần gần đây nhất vào 20.11.2014)… Một số người yêu cầu VJI hoàn trả lại tiền, song VJI lại đổ cho học viên vi phạm hợp đồng” - anh Đạt nói.
Sáng 21.11, tại chi nhánh VJI ở 90 - 92 Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh, TPHCM), PV Lao Động đã chứng kiến hơn chục học viên tập trung chờ vợ chồng ông Huỳnh Văn Trọng đến giải quyết và hoàn trả lại tiền. Song, hơn 2 giờ trôi qua, vợ chồng ông Trọng vẫn không xuất hiện… Trong số các học viên, có những phụ huynh từ các địa phương lân cận, vì tiếc tiền đã nộp cho con, cũng về chầu chực trước cửa VJI.
Ông Bùi Văn Hùm - cha học viên Bùi Vi Hân (quê ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) - nói trong nghẹn ngào: “Vì muốn con có một nghề nghiệp, tương lai tốt hơn, nên cả nhà tôi, dù làm ruộng, rất nghèo khổ, vẫn chạy vay mượn nộp đủ 71,9 triệu đồng cho VJI. Thế mà giờ đây, không ra đâu vào đâu”. Nhiều học viên tố cáo, VJI đã thu tiền của hơn 300 học viên từ rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với tổng số tiền khoảng 6 tỉ đồng. Trong đó, không ít học viên vẫn chưa được VJI đưa sang Nhật du học…
Khuất tất đằng sau các “hợp đồng”
Tham khảo các hợp đồng từ tháng 7.2013 trở về trước, chúng tôi nhận thấy ông Huỳnh Văn Trọng, với tư cách Tổng GĐ Cty CP đầu tư và phát triển Trí Việt, ký hợp đồng “nhận tư vấn và làm thủ tục trọn gói chương trình “vừa làm - vừa học” tại Nhật Bản” cho học viên. Theo đó, mỗi học viên phải nộp lệ phí tư vấn và làm thủ tục trọn gói 15 triệu đồng, phí chứng thực bằng cấp nộp cho Bộ GDĐT là 85 USD, phí tuyển sinh - phí nhập học khoảng 100.000 yên Nhật, học phí 195 triệu đồng/năm học, cùng các khoản thu khác…
Tuy nhiên, các hợp đồng sau này ông Trọng ký dưới tư cách là Viện trưởng VJI, thì thêm điều 2.10: “Trong thời gian làm hồ sơ, bên B (tức học viên - PV) cam kết sẽ nghiêm chỉnh chấp hành sự hướng dẫn của Viện. Tuyệt đối không nghe theo các thông tin không chính thức và không điện thoại hay liên hệ bất cứ điều gì với các trường tại Nhật Bản. Nếu sai, bên B chấp nhận hủy hồ sơ và đơn phương hủy bỏ hợp đồng đã ký, không được nhận lại các khoản tiền đã đóng” (?!).
Theo anh Nguyễn Tiến Thọ, sở dĩ VJI thêm điều tréo ngoe này vào hợp đồng vì quá lâu không thấy VJI thông báo về việc đưa học viên sang Nhật Bản, nên anh Thọ tự liên lạc trường học bên Nhật mà anh Thọ chọn, để tìm hiểu thông tin… Bất ngờ, ngày 11.1.2014, ông Hisako Kawaguchi - Hiệu trưởng Trường Quốc tế Nhật ngữ ở tỉnh Kobe, Nhật Bản - gửi thư hồi đáp khẳng định: “Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận bất cứ số tiền nào từ học sinh cũng như thầy Trọng”.
Ngày 26.11, bà Trịnh Thị Thu Liễu - Phó GĐ Cty Trí Việt, chủ quản VJI - đã phủ nhận mọi tố cáo của các học viên về VJI với phóng viên. Theo bà Liễu, một đại lý của VJI tên Hoàng Như Bằng (ngụ ở TP Huế) bị VJI thanh lý hợp đồng hợp tác và nhân viên VJI là Tôn Nữ Bảo Trân - đã nghỉ việc - đã “xúi giục” các học viên gây rối VJI suốt thời gian qua.
Trường hợp anh Thọ, bà Liễu cho rằng: “VJI đã đóng 950.500 yên Nhật (198,1 triệu đồng VN) cho Trường quốc tế Nhật ngữ ở Kobe (Nhật Bản) ngày 31.2.2014. Tuy nhiên, phía nhà trường vẫn chưa cấp giấy cho phép cư trú, nên VJI chưa thể thu xếp cho Thọ du học được”. Thọ yêu cầu hoàn trả tiền, nhưng VJI chưa thu hồi được tiền từ phía Nhật, nên chưa hoàn trả…
Một số học viên khác tố cáo, VJI chiếm dụng tiền của họ, gian dối trong việc thu phí kỳ thi chứng chỉ tiếng Nhật Topj nên 2 đối tác là Học viện quốc tế Đông Kobe và Quỹ Học bổng giao lưu quốc tế Châu Á (AF) cắt hợp đồng. Tuy nhiên, Bà Liễu cũng phủ nhận điều này.