Bị cáo Bằng tại phiên tòa xét xử.
Va quẹt xe ngoài đường, dẫn đến cự cãi và đánh nhau, thậm chí làm chết người đều xuất phát từ nguyên nhân nhỏ nhặt, do đôi bên đều thiếu kiềm chế và thiếu văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, vụ chết người bất thường của một người dân sau khi cự cãi với CSGT (từng được Báo LĐ&ĐS phản ánh năm 2013) và một vụ việc tương tự vừa diễn ra tại thành phố này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hành vi ứng xử của con người với con người trong xã hội hiện đại.
Hoài nghi về mối quan hệ giữa CSGT và hai bị cáo đánh chết người?
Ngày 13.11, TAND quận Tân Phú, TPHCM đã đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thanh Bằng (SN 1977, ngụ số 512 đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) và Võ Văn Tòng (SN 1995, ngụ số 55/15/13 đường Lý Tuệ, phường Tân Quý, quận Tân Phú) cùng về hành vi “cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng, vào đêm 9.4.2013, anh Trần Văn Hiền (ngụ quận Tân Phú) cùng một số bạn bè đi ăn nhậu. Sau đó, anh Hiền điều khiển xe gắn máy ra về thì gặp Đội CSGT Công an quận Tân Phú chốt chặn kiểm tra nồng độ cồn. Qua kiểm tra, CSGT phát hiện anh Hiền có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép theo quy định nên lập biên bản xử phạt. Lúc này, anh Hiền lớn tiếng cự cãi và có lời lăng mạ CSGT.
Cũng vào khoảng thời gian đó, Lê Thanh Bằng về đến nhà thấy con khóc mà vợ chưa về, liền bực bội lái xe ra đường đi tìm vợ. Lúc ngang qua chỗ CSGT đang cãi nhau với anh Hiền, Bằng dừng xe và hỏi Võ Văn Tòng (đang đứng gần đó) là có chuyện gì? Tòng cho biết là anh Hiền vi phạm điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, nhưng cự cãi với CSGT. Đang bực tức trong người, Bằng liền rủ Tòng đánh anh Hiền cho bõ tức. Tòng đồng ý, lên xe Bằng, phóng theo chiếc xe ôm đang chở anh Hiền. Đuổi kịp, Bằng đánh anh Hiền ngã xuống đường bất tỉnh. Lúc Tòng đến xem thì thấy nạn nhân đã bất tỉnh nên cả hai bỏ đi. Anh Hiền được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã chết vì chấn thương sọ não.
Ngày 13.11, phiên tòa được mở lại lần thứ hai, vì trước đây tòa án đã trả hồ sơ điều tra lại, tuy nhiên cáo trạng lần này cũng không có gì thay đổi so với bản cáo trạng trước, cả Bằng và Tòng đều không thừa nhận có quen biết và quan hệ gì với CSGT. Về động cơ đánh anh Hiền, bị cáo Bằng cho rằng mình đang có vấn đề buồn gia đình, có uống bia, nên bức xúc đánh anh Hiền, bản thân có biết nhưng không quen mấy anh CSGT. Bị cáo chỉ đánh một cái, anh Hiền té xuống đập đầu xuống đường.
16h chiều 13.11, tòa tuyên án bị cáo Lê Thanh Bằng 12 năm tù về hành vi “cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo Bằng bồi thường các khoản chi phí mai táng cho nạn nhân và những khoản khác là hơn 300 triệu đồng. Đối với bị cáo Võ Văn Tòng - là người đi theo Bằng, không trực tiếp đánh anh Hiền, tòa tuyên án 4 năm tù giam.
Bị cáo Tòng.
CSGT bị bắt vì liên quan đến vụ đánh người đi đường thiệt mạng
Mới đây, tại TPHCM xảy ra một vụ án khác mà nạn nhân cũng là người vi phạm giao thông, sau khi cự cãi với CSGT đã bị người dân đánh chết. Đến nay, nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, trong đó có một cán bộ CSGT Công an quận Tân Bình, TPHCM. Ngày 15.11, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy thuộc Đội CSGT Công an quận Tân Bình) vì liên quan đến vụ côn đồ đánh chết người dân.
Theo điều tra ban đầu, đêm 25.6, thượng úy Như (bị tước danh hiệu CAND tháng 9.2014) chỉ huy tổ CSGT làm nhiệm vụ tại ngã ba đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Qúy, quận Tân Bình. CSGT phát hiện ông Nguyễn Văn Chín (SN 1970, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) điều khiển xe gắn máy trong tình trạng say xỉn nên yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và phát hiện nồng độ cồn vượt quá mức theo quy định.
CSGT lập biên bản xử lý vi phạm thì ông Chín cự cãi. Khi đang cãi nhau với CSGT, bỗng xuất hiện một đối tượng bảo ông Chín là đi ra chỗ khác để đưa biên bản cho ông, nhưng khi vừa đi một đoạn thì ông Chín bị một nhóm đối tượng tấn công và bị thương tích nặng, còn nhóm đối tượng bỏ đi. Ông Chín bò lết đến chỗ CSGT thì được CSGT gọi xe taxi đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.
Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT vào cuộc và ngày 13.7 đã khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bắt 3 đối tượng trực tiếp đánh ông Chín là Nguyễn Minh Trung (SN 1991, quê tỉnh Quảng Ngãi, có tiền án, tiền sự), Ngô Thành Vương (SN 1996, quê tỉnh Hải Dương) và Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997, quê tỉnh Ninh Bình) về hành vi “cố ý gây thương tích”. Sau khi tiến hành điều tra, lấy lời khai của 3 đối tượng nêu trên, Cơ quan CSĐT xác định thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như có mối quan hệ với một số đối tượng có tiền án, tiền sự và cụ thể là 3 đối tượng đã trực tiếp đánh chết ông Chín.
Thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như không những có mối quan hệ với những đối tượng có tiền án, tiền sự mà đã có mối quan hệ trực tiếp khi đang làm nhiệm vụ ngoài đường, quan hệ với nhóm đối tượng trực tiếp đánh chết ông Chín. Khi xảy ra cãi nhau với ông Chín, thượng úy Như đã gọi điện thoại cho Trung đến “giải quyết”, Trúng kéo theo Vương và Hạnh đến đánh ông Chín vỡ ruột non, tràn dịch ổ bùng… dẫn đến tử vong.