Ông Hoàng Như Bằng - đại lý phụ trách tuyển sinh Viện Đào tạo ngôn ngữ và nhân lực Việt - Nhật (VJI), thuộc Cty CP đầu tư và phát triển Trí Việt - sau khi phát hiện nhiều điểm khuất tất trong hợp đồng và việc nhiều du học sinh “ở tại chỗ” khi đã hết thời hạn cam kết, đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn, đòi quyền lợi giúp du học sinh thì bị phía Cty tố ngược là “xúi giục học sinh gây rối”.
Ông Hoàng Như Bằng và các du học sinh đã ký hợp đồng với VJI sau khi đòi được tiền tư vấn, hồ sơ với sự trợ giúp của ông. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đại lý bị đẩy ra rìa vì thắc mắc
Trước đó, vào ngày 19.7, ông Hoàng Như Bằng (ở P.Thuận Thành, TP.Huế) đã ký với ông Huỳnh Văn Trọng - Viện trưởng VJI - bản hợp đồng làm đại lý phụ trách việc liên hệ với các trung tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế hoặc trực tiếp ký hợp đồng để VJI đưa du học sinh (DHS) sang Nhật Bản học tập, làm việc.
Theo hợp đồng được ký thì ông Bằng không được VJI trả lương mà hưởng hoa hồng theo mức 8 triệu đồng/hồ sơ đạt visa, 5 triệu đồng/hồ sơ không đạt visa. Riêng các hồ sơ tiếp nhận từ các nơi khác chuyển về, ông Bằng được hưởng mức 4 triệu/hồ sơ đạt visa và 2 triệu/hồ sơ không đạt. Số tiền này sau khi DHS rời VN sang Nhật Bản, ông Bằng mới được phía Cty CP đầu tư và phát triển Trí Việt chi trả.
Tại TT-Huế, ông Bằng đã ký 16 bộ hồ sơ với các DHS có nhu cầu du học Nhật Bản. Sau đó, ông Bằng tìm hiểu thông tin thì phát hiện VJI trong quá trình hoạt động có nhiều dấu hiệu bất minh nên đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn, nhưng không được ông Huỳnh Văn Trọng trả lời cụ thể, mà chỉ là những lời khoe mẽ về việc đã đưa được hàng nghìn DHS sang Nhật Bản trong những năm trước đó. “Ông Trọng nói với tôi rằng năm 2013 đã đưa được hơn 1.000 DHS sang Nhật. Tôi hỏi xin một vài số điện thoại hoặc địa chỉ facebook để xác minh, đối chiếu, nhưng ông Trọng không cung cấp được” - ông Bằng nói.
Đáp lại, ông Trọng đã đẩy ông Hoàng Như Bằng ra rìa. “Từ đó, họ trực tiếp liên hệ làm việc với Trường Cao đẳng sư phạm Huế, nơi các em đang theo học tiếng để chuẩn bị du học Nhật Bản vào tháng 4.2015 theo như hợp đồng đã ký giữa VJI và DHS”, theo ông Bằng.
“Tôi làm bằng cái tâm, tôi không sợ”
Trở lại chuyện những DHS ở Huế, khi biết việc thầy mình (ông Bằng) bị VJI bạc đãi, họ đã chất vấn gay gắt ông Huỳnh Văn Trọng. Em Tôn Thất Văn Phúc nói: “Khi biết thông tin từ thầy Bằng cung cấp, em đã hết sức hoang mang, đã gọi điện nhiều lần vào số điện thoại cố định của VJI, nhưng không liên lạc được. Sau đó, ông Trọng có đến gặp tụi em tại lớp học tiếng Nhật. Em hỏi tại sao một cơ sở mỗi năm đưa cả nghìn học sinh đi du học mà số điện thoại luôn trong tình trạng ò í e thì được trả lời đại khái rằng máy hết pin. Nhiều câu hỏi khác của tụi em, ông Trọng đều im lặng”, Phúc nói.
Em Trần Thị Cẩm Nhung - SV Trường Cao đẳng Sư phạm Huế - cho biết, đã phải bảo lưu kết quả học tập một năm để được đi du học Nhật Bản. Nhung đã đóng khoản phí tư vấn, hồ sơ 21,9 triệu đồng cho VJI. “Em đã rất sợ. Nếu em tiếp tục thực hiện hợp đồng buộc phải đóng tiền trăm triệu. Đến hạn không được đi như nhiều trường hợp các anh chị ở miền Nam, thì chắc ba mẹ em đổ nợ, vì hầu hết tiền đóng phải đi mượn” - Nhung cho biết.
Cụ thể, trong một cuộc họp được diễn ra tại Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, ông Hoàng Như Bằng đã “đột nhập” vạch mặt việc làm bất minh của ông Huỳnh Văn Trọng. Sau đó, 16 em tại TT- Huế đươc VJI trả lại số tiền 21,9 triệu đồng/ hồ sơ cách đây đúng 2 tuần. “Về nguyên tắc, các em vi phạm hợp đồng và phải mất số tiền đó. Đây là một ngoại lệ vì họ sợ rằng nếu không trả cho các em sẽ bị tôi làm to chuyện”, ông Bằng nói.
Ông Bằng cung cấp cho PV Báo Lao Động một loạt các hồ sơ, đơn đề nghị thanh lý hợp đồng của rất nhiều DHS ở các tỉnh miền Nam nhờ ông Bằng đòi giúp khoản tiền từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng đã đóng chi VJI. “Họ tố tôi xúi giục các em gây rối, nhưng chính họ là những người vừa ăn cướp vừa la làng. Bốn tháng qua, tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đi làm cho họ, đổi lại tôi chỉ nhận của họ hơn 14,5 triệu đồng tiền hoa hồng học tiếng Nhật. Bằng cái tâm của người đã từng là thầy giáo, tôi giúp các em đòi quyền lợi nên tôi chẳng sợ những gì họ vu khống đâu”, ông Bằng bức xúc nói.