Người điên cầm dao đứng giữa chợ, cầm lựu đạn mở chốt... là những ví von về hành vi say rượu lái xe. Song, nhiều luật gia cho rằng, tịch thu xe chỉ là biện pháp cuối cùng.
Tranh cãi về đề xuất tịch thu phương tiện đối với tài xế "say xỉn" một lần nữa nóng lên tại hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội ngày 11/3.
Theo luật sư Phan Hữu Thư (Học viện Tư pháp), nếu áp dụng biện pháp tịch thu phải cân nhắc lợi - hại và đảm bảo tính công bằng của luật pháp. Ông cho rằng, không nên lầm tưởng cứ phạt nặng thì hết tai nạn. Hình phạt luôn phải tương xứng với hành vi, phải có khung chứ "không thể vơ hết vào một rọ".
Phản bác lại ý kiến này, tiến sĩ Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia) lập luận, việc đưa chế tài mạnh là tịch thu phương tiện là đảm bảo công bằng giữa những người tham gia giao thông. Chế tài này có mục đích trên hết là bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: Mạnh Thắng.
Ông Hùng khẳng định, đề xuất tịch thu phương tiện của "ma men" do chính ông tham mưu, đề xuất lên các cấp lãnh đạo.
Nêu lại thực trạng mất an toàn giao thông dịp Tết Ất Mùi, ông cho biết, một trong những nguyên nhân làm cho người tham gia giao thông có thể đi nhanh hơn, "lụa" hơn là do bị kích thích thần kinh. Chất gây kích thích chủ yếu là rượu, bia.
"Người lái xe say rượu mất kiểm soát như người điên cầm dao đứng giữa chợ. Vì thế, người say lái xe hoàn toàn có thể gây ra những tai nạn thảm khốc. Trong vụ tai nạn mà Bí thư huyện ủy Hà Quảng (Cao Bằng) làm chết 3 người cũng có yếu tố rượu bia", ông Khuất Việt Hùng ví von.
Cùng trên bàn chủ tọa hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, luật sư Trần Vũ Hải đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện đối với các "ma men".
Theo ông Nguyễn Sĩ Cương, hành vi uống rượu, bia rồi lái xe phải xem là “hành vi nghiêm trọng”. Vì người say có thể giết một thậm chí là nhiều người vì không kiểm soát được hành vi. Luật sư Trần Vũ Hải cũng đánh giá, hành vi say rượu điều khiển xe là nghiêm trọng giống như "người cầm lựu đạn đã mở chốt".
Tiến sĩ Trần Hữu Minh cho rằng, xử phạt tịch thu phương tiện chỉ là một lựa chọn cho các trường hợp tái phạm hay chống người thi hành công vụ. Ảnh: Công Khanh.
Tuy nhiên, đại biểu Cương cho rằng, để đề xuất này đi vào hiện thực cần có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật như đồng bộ với luật Dân sự, luật Hình sự. Ông hứa sẽ đưa vấn đề này lên diễn đàn Quốc hội.
Nhắc tới Hiến pháp, tiến sĩ Đồng Xuân Thành (Đại học Công nghiệp TP HCM) khẳng định, muốn tịch thu phương tiện phải tuân thủ các quy định trong bộ luật gốc này.
Tại hội thảo, luật sư Thành Trung (Văn phòng luật sư Thành Trung) đề nghị làm ngay một cuộc khảo sát nhỏ khi bằng việc mọi người giơ tay đồng ý hay không đồng ý với đề xuất tịch thu phương tiện.
Mặc dù phần lớn những người tham dự hội thảo vỗ tay tán thành đề nghị này nhưng luật sư Trần Vũ Hải dùng quyền chủ tọa ngăn cuộc khảo sát.
“Lực lượng cảnh sát giao thông phần lớn được đào tạo ở trình độ trung cấp giao thông. Nhiều người luật chưa rõ nhưng được quyền tịch thu xe thì chưa đúng. Hơn nữa với giá trị tài sản khác nhau, không thể đánh đồng”, tiến Đồng Xuân Thành nêu quan điểm
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, việc tịch thu xe không tính giá trị xe là đảm bảo công bằng về việc thực thi pháp luật chứ không phải đảm bảo công bằng về giá trị tài sản. Vì giá trị chiếc xe có thể khác nhau nhưng mức độ nguy hiểm và hậu quả mang lại lại giống nhau.
Luật sư Trần Vũ Hải dùng quyền chủ tọa ngăn luật sư Thành Trung tiến hành khảo sát việc tán đồng hay bác bỏ kiến nghị tịch thu phương tiện ngay tại hộ thảo. Ảnh: Công Khanh.
Theo quan điểm của tiến sĩ Ngô Viễn Bạch Dương (Viện Nhà nước và pháp luật), việc tịch thu phượng tiện của người tham gia giao thông nên là hình thức xử phạt cuối cùng hoặc dành cho những người tái phạm chứ không thể là hình phạt chính.
Ông Dương đề nghị tăng nặng việc xử phạt bằng tiền hoặc lao động công ích.
Chia sẻ với ông Dương, tiến sĩ Trần Hữu Minh (chuyên gia quy hoạch giao thông tại Anh) khẳng định, một nguyên tắc quan trọng là hệ thống xử phạt phải theo mức độ vi phạm. Vì thế nên có giải pháp, chế tài ở nhiều mức độ khác nhau, tương ứng với hành vi vi phạm.
Nêu ví dụ tại các nước phát triển tại Bắc Âu, Bắc Mỹ, tiến sĩ Minh cho biết, cấp độ xử phạt được tiệm tiến tương ứng với mức độ vi phạm. Các mức được chia ra xử bấm lỗ bằng lái, phạt tiền, lao động công ích, tịch thu phương tiện đến cao nhất là phạt tù.
"Tịch thu phương tiện là một lựa chọn nhưng chỉ với các trường hợp như tái phạm, vi phạm nặng. Ví dụ, lái xe có nồng độ cồn gấp 4 lần quy định hoặc chống người thi hành công vụ", tiến sĩ Trần Hữu Minh nói.
Theo: Công Khanh - Zing