Sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT QG) đề xuất lên Chính phủ về việc nghiên cứu, bổ sung quy định tịch thu phương tiện do người lái có nồng độ cồn cao hơn quy định điều khiển, đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Cũng có ý kiến đồng ý, song cũng có ý kiến cho rằng không khả thi, hay như vượt quá khung pháp lý… Trước các ý kiến trái chiều, ngày 11/3, tại Hà Nội, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) đã tổ chức hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn” với sự tham dự của đại diện Ủy ban ATGT QG, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, các luật sư…
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG lý giải về việc vì sao có đề xuất này: hơn 5 năm nay, Ủy ban ATGT QG phối hợp thực hiện nhiều dự án thí điểm, trong đó có mở cao điểm tuần tra kiểm soát nồng độ cồn, kết quả là trong 1 tháng có tới 17.500 người bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Cũng trong khoảng thời gian 5 năm, phân tích ra cho thấy, trong số 18.500 nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) có tới 36% nạn nhân tai nạn xe máy liên quan đến nồng độ cồn trên ngưỡng cho phép, còn lại 67% lái xe ôtô vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Gần đây nhất, trong 2 vụ TNGT giữa ôtô - xe máy nghiêm trọng nhất dịp Tết ở Hưng Yên (5 người chết) và Cao Bằng (3 người chết), đều liên quan đến nồng độ cồn. Mùng 4 Tết vừa rồi, trong 60 nạn nhân cấp cứu TNGT, thì tới 42 người liên quan vi phạm nồng độ cồn. Chưa dừng lại, báo cáo sơ bộ từ CSGT có 3 hành vi vi phạm chính: người đi xe máy chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh và đi sai phần đường.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Có mặt tại hội thảo với tư cách cá nhân, ông Nguyễn Sĩ Cương - ĐBQH chia sẻ: Chúng ta phải có những biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, phải có chế tài mạnh. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Chế tài phải mạnh mẽ và nghiêm khắc để giúp lập lại trật tự ATGT. Tuy nhiên, tôi cũng đề xuất nên có một hệ thống theo dõi thống nhất trên toàn quốc, để không bỏ lọt vi phạm. Nếu người dân tái phạm thì mới tịch thu.
Về phía luật sư Trần Vũ Hải cũng cho rằng rất nhiều người sốc và bất bình trước đề xuất của Ủy ban, họ lo ngại ảnh hưởng đến môi trường pháp lý Việt Nam vì hiến pháp có qui định về bảo hộ tài sản, chưa nói về vấn đề tịch thu. Cá nhân luật sư này cho rằng, về cơ bản đề xuất của Ủy ban ATGT QG không trái Hiến pháp, Luật Dân sự, phù hợp Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên có vi phạm Hiến pháp 2013 hay không thì phải xem xét: luật qui định chung chung hay qui định cụ thể? Cần các chuyên gia xem xét, có ý kiến.
Luật sư Hải cũng lo ngại sẽ gia tăng tình trạng đưa và nhận hối lộ, lạm quyền tịch thu phương tiện. Luật sư Hải đề nghị: Chỉ giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh ra quyết định tịch thu. Chính quyền phải tham gia ở một mức nào đó, để tránh sự tùy tiện, và phải quay video làm bằng chứng. Cần qui định riêng về hình thức xử phạt tịch thu phương tiện chỉ được thực hiện sau 6 tháng kể từ khi ban hành quyết định.
Cũng là quan điểm cần làm rõ chế tài khi thực thi, TS Đồng Xuân Thành - ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Nếu muốn đưa đề xuất vào thực tiễn, thì phải làm rõ vấn đề khi bắt xe thì ai bắt? Bởi khi quyết định bắt giữ một chiếc xe nhiều tỷ đồng, không thể trao quyền cho những người không đủ trình độ. Vì thế chưa thể thực hiện việc bắt giữ xe, vì phải tính đến khả năng khả thi, diễn ra trong thực tế như thế nào? Nó sẽ rất phức tạp, người ta có thể lợi dụng để bắt xe, tùy tiện giam giữ xe, vì người say rượu không tự chủ được hành vi thì làm sao áp dụng Bộ luật Hình sự được.
Theo: Đặng Nhật - CAND