Những quy định mang xu hướng mở, tôn trọng sự tự do tối đa trong khuôn khổ của doanh nghiệp… Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa XIII đang được kỳ vọng sẽ đem lại những bước đột phá cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Qua những phân tích của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp ( Giám đốc Công ty luật HPVN), doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về một hành lang pháp lý thống nhất, bình đẳng cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt.
- Thưa luật sư, ông đánh giá thế nào về việc Luật DN mới vừa được thông qua trong kỳ họp QH vừa rồi?
Luật DN là một đạo luật có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Năm 1999 Luật DN ra đời và Luật DN sửa đổi 2005 đã là một bước đột phá trong việc tạo ra hành lang pháp lý thống nhất và bình đẳng, thúc đẩy đầu tư trong nước cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên một diện mạo, tầm vóc khác hẳn so với thời kỳ trước đó. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, xuyên suốt hơn 10 năm qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì Luật DN cũ cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế trong nước cũng như xu hướng chung của toàn cầu.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp ( Giám đốc Công ty luật HPVN)
Trước thực trạng đó, ngày 26/11/2014 QH đã thông qua Luật DN mới với 10 Chương, 213 điều, đem đến nhiều điểm mới tích cực, có thể coi là một sự đột phá mới, gần như một sự “lột xác”, khắc phục được nhiều điểm yếu, khiếm khuyết trong trong hơn chục năm triển khai Luật DN và luật đầu tư cũ.
- Có một vấn đề DN rất quan tâm đó là Luật DN mới đã bãi bỏ việc ghi ngành nghề trong đăng ký kinh doanh của DN. Quy định mới này có ý nghĩa như thế nào và thể hiện quyền tự do của DN ra sao?
Về ngành nghề kinh doanh, trước đây chúng ta áp dụng phương pháp quy định trong luật những lĩnh vực, ngành nghề nào được phép kinh doanh và phải áp mã ngành cho phù hợp, còn luật mới cho phép chúng ta được phép kinh doanh thoải mái những gì pháp luật không cấm, điều gì pháp luật cấm thì phải ghi vào trong luật, tạo điều kiện cho DN dễ dàng hơn rất nhiều trong hoạt động kinh doanh. DN được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. DN sẽ không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh. Các công ty thương mại và phân phối sẽ không cần cung cấp hàng nghìn mã ngành cho sản phẩm thương mại của mình như trước, kể cả những sản phẩm mà họ dự định kinh doanh trong tương lai.
- Quy định mới về việc bỏ con dấu, chuyển quyền tự quyết cho DN được coi là một cuộc “cách mạng”, ông đánh giá thế nào về việc này, và liệu quy định mới này có ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh của DN không?
Một trong những điểm mới mang tính đột phá nữa đó là cải cách quan trọng về con dấu. DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN. Thay vì việc phải đăng ký và được cấp con dấu từ cơ quan công an như hiện nay.
Thủ tục cấp con dấu hiện nay mất nhiều thời gian, chi phí và cả sự phiền toái nhất định mà lại không đi theo xu hướng chung của quốc tế, hiện nay hầu hết các quốc gia đều đã bỏ con dấu, hơn nữa công nghệ thông tin ngày càng phát triển và các văn bản điện tử ngày càng được sử dụng phổ biến, thì việc dùng con dấu truyền thống sẽ không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa thể ngay lập tức hủy bỏ con dấu được, do vậy Luật mới cho phép DN tự quyết định nội dung cũng như hình thức của con dấu và tự chịu trách nhiệm trước con dấu của mình, sau đó thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định mới này có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sử dụng chữ ký là giá trị pháp lý, đặc biệt là chữ ký điện tử trên lộ trình từng bước tiến tới loại bỏ hẳn con dấu.
Khi DN ký kết, làm ăn với nhau thì DN phải tự tìm hiểu tư cách pháp nhân của đối tác và xem con dấu của họ đã được đăng ký chưa.
-Những quy định mới của Luật DN 2014 được đánh giá là “thoáng”,trao quyền tự chủ cho DN, vậy điều đó có gây khó khăn gì cho công tác quản lý hay không?
Thực ra tất cả các quy định của pháp luật chỉ nhằm tạo hành lang chung, cách thức nào cũng có hạn chế nhất định,dù chặt chẽ đến đâu cũng có thể xuất hiện các hành vi lợi dụng kẽ hở và vi phạm pháp luật để trục lợi và kinh doanh trái phép. Do đó thay vì chúng ta tìm mọi cách be bịt gây cản trở nói chung thì Luật mới ưu tiên biện pháp thông thoáng để thúc đẩy tốt nhất các hoạt động và sự phát triển của DN và người dân và tôi nghĩ đó là một cách tiếp cận tốt.
- Theo luật sư còn những điểm mới đáng kể nào mà luật DN vừa được thông qua sẽ mang lại những thuận lợi cho hoạt động của DN?
Luật mới với tư duy mở, quy định những vấn đề chung nhất, mang tính định hướng, về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, về chi tiết thì nhường lại cho doanh nghiệp tự do, tự nguyện, cam kết, thoả thuận theo các quy định của Pháp luật. Thay đổi này vô cùng quan trọng, từ đó doanh nghiệp chủ động, sáng tạo hơn khi được tự lựa chọn các mô hình, phương thức..v.v cho phù hợp với hoạt động của mình.
Ví dụ như: Cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; cho phép công ty cổ phần có thể chọn một trong hai mô hình tổ chức, quản lý; Cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần v.v.
Luật mới cũng có thêm nhiều điểm mới rất đáng chú ý như việc cho phép Công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ; Với công ty cổ phần thì cho phép giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật cũ) xuống còn 51%. Khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Đồng thời Luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Một điểm đáng chú ý nữa đó là Luật mới cho phép các công ty không cùng loại hình được phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đồng thời quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục, hồ sơ .v.v. Điểm mới quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp (M&A) đang có xu hướng diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Luật mới cũng quy định DN nhà nước là DN phải giữ 100% vốn Điều lệ, trong khi luật cũ chỉ quy định NDNN là DN sở hữu trên 50% vốn Điều lệ. Quy định mới này làm cho số DNNN trên thực tế còn rất ít, tạo sự bình đẳng về địa vị và cơ hội cho các DN trong quá trình hoạt động.
- Một trong những vấn đề nhiều người quan tâm, đó là thủ tục thành lập DN. Luật DN mới quy định về vân đề này thế nào, thưa luật sư?
Thủ tục thành lập DN mới theo quy định của Luật mới không khác nhiều so với Luật cũ. Với Doanh nghiệp trong nước thủ tục khá đơn giản. Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp có các đầu mục hồ sơ khác nhau, tuy nhiên có một điểm mới làm cho việc đăng ký kinh doanh trở nên dễ dàng hơn đó là việc bỏ ghi ngành nghề trong đăng ký kinh doanh, do đó khi đăng ký kinh doanh người dân sẽ không phải “đau đầu” lựa chọn các ngành nghề và áp mã ngành theo hệ thống mã ngành có sẵn rồi mới được nộp hồ sơ. Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng rút ngắn xuống còn 3 ngày kể từ khi nộp đủ hồ sơ.
Với DN có vốn đầu tư nước ngoài thì cùng với Luật Đầu tư 2014, Luật mới chính thức bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký KD, theo quy định mới Nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập DN tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư rồi sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật DN.
- Trân trọng cám ơn Luật sư!
Theo: Nhật Thanh - PLO