“Cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước những tấm giấy giới thiệu do mình cấp. Cá nhân ký giấy giới thiệu và sử dụng giấy giới thiệu vượt quá quyền hạn cho phép sẽ bị xử lý hành chính. Nếu giả mạo giấy tờ thì sẽ bị xử lý hình sự”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao đổi với Tiền Phong ngày 11/11.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: “Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng tôi khuyến khích xã hội nâng cao nhận thức về pháp luật báo chí”. Ảnh: Như Ý
Thưa thứ trưởng, thời gian qua có tình trạng nhiều người không có thẻ nhà báo nhưng tự xưng là nhà báo hoạt động khá công khai, gây nhũng nhiễu, phiền hà ở nhiều địa phương, như câu chuyện nhiều nhà báo rởm ngang nhiên hoạt động ở Quảng Bình mà Tiền Phong vừa nêu trong loạt bài viết “Loạn nhà báo rởm”. Ông đánh giá như thế nào về vấn nạn nhà báo rởm hiện nay?
Nói “loạn” thì hơi quá, nhưng thực tế hiện nay, đã có không ít hiện tượng giả danh nhà báo và khi có hiện tượng đó thì phải xử lý ngay. Tình trạng giả danh nhà báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, lừa đảo là vi phạm pháp luật.
Mặt khác, nó còn làm cho hình ảnh nhà báo và nghề nghiệp xấu đi, tính cao quý của nghề báo bị xói mòn. Họ không phải là nhà báo, nhưng trong con mắt của công chúng thì vẫn là “Con sâu làm rầu nồi canh”.
Mới đây, Tiền Phong nêu một số trường hợp xưng danh nhà báo hoạt động ở Quảng Bình có những hành vi như câu kết, lừa tiền người dân… Với các trường hợp này, Bộ TT&TT có tiến hành rà soát và nếu xác minh hoạt động không đúng quy định của Luật Báo chí, sẽ xử lý như thế nào?
Ngay sau khi có thông tin, chúng tôi đã lập tức giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm khắc. Khi có kết quả, cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước những tấm giấy giới thiệu do mình cấp.
Cá nhân ký giấy giới thiệu và sử dụng giấy giới thiệu vượt quá quyền hạn cho phép sẽ bị xử lý hành chính. Nếu giả mạo giấy tờ thì sẽ bị xử lý hình sự.
Chúng tôi đã giao cho Sở TT&TT Quảng Bình rà soát lại tất cả các văn phòng đại diện, văn phòng thường trú, phóng viên thường trú, nếu vi phạm quy định tại Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 của Bộ TT&TT về hướng dẫn thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí, thì sẽ có cơ sở xử lý điểm, sau đó sẽ chấn chỉnh lần lượt từng địa bàn.
Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng nhà báo rởm tác oai tác quái thời gian qua, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do nhận thức sai lệch về báo chí của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, tiếp đến là lỗi từ các tòa soạn và cuối cùng là sự buông lỏng, thậm chí không hiểu luật của các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
Quyền hạn của nhà báo được pháp luật quy định cụ thể tại Luật Báo chí. Nhưng nghề báo cũng là nghề đặc thù nên dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Các cơ quan quản lý báo chí không hề buông lỏng, nhưng ở các địa phương có hiện tượng tâm lý nể nang và e ngại đối với nhà báo, đối với phóng viên các cơ quan báo chí.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, chúng tôi khuyến khích xã hội nâng cao nhận thức về pháp luật báo chí nhằm tạo điều kiện tối đa cho người làm báo hoạt động nghiệp vụ, đồng thời xóa bỏ tình trạng lạm quyền này.
Nhân đây, chúng tôi nhắc nhở các cơ quan báo chí phải quản lý chặt chẽ phóng viên, biên tập viên; quản lý chặt chẽ các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện và nhất là phóng viên thường trú; hướng hoạt động nghiệp vụ theo đúng quy định.
Bộ TT&TT thời gian qua mạnh tay xử lý một số báo mạng, trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật. Trước thực trạng loạn nhà báo rởm hiện nay, Bộ TT&TT sẽ có những động thái cụ thể nào để chấn chỉnh?
Như đã nói ở trên, chúng tôi đã và đang chấn chỉnh mạnh nhằm lấy lại hình ảnh tốt đẹp cho các cơ quan báo chí, cũng như hình ảnh, danh dự và uy tín của người làm báo chân chính, tăng cường vai trò và đóng góp của báo chí cho xã hội.
Bất cứ sai phạm nào, ở đâu cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Ngay như một số trường hợp cơ quan báo chí thuộc Bộ TT&TT vừa rồi cũng bị xử lý nghiêm khắc để làm gương.
Cảm ơn ông.