Luật Dân sự phải bắt đầu từ thực tế, giải quyết những vấn đề của thực tế, để tránh tình trạng án dân sự xử thế nào cũng được. Đây là điều được chú ý nhất tại cuộc thảo luận theo tổ của QH ngày 13.11 về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Không thể cứ “muốn xử thế nào cũng được”
TS Nguyễn Đình Quyền là người viết tờ trình Bộ luật Dân sự 2005 cho rằng, mọi sửa đổi đều không mới so với Bộ luật Dân sự 2005”. Lấy ví dụ về khái niệm vật quyền, trái quyền, hay nguyên tắc “dựa trên lẽ công bằng”, ông nói: Cái gì mà người dân đã quen mà lại đem sửa thì chỉ rối thêm vấn đề.
Sửa luật, theo ông, không thể “chỉ là đưa vào nội dung cho nó phong phú, để chơi chữ. Sửa luật không thể học nước ngoài, không thể cứ đi đọc sách nước ngoài và áp vào đây”. Không vô tình khi nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường rằng “pháp luật rối như mớ bòng bong”, ông Quyền bày tỏ: Sửa đổi phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn, giải quyết vấn đề của thực tiễn.
ĐBQH Chu Sơn Hà hỏi ngay: Anh Quyền nói đi, giờ đang có câu chuyện của thực tiễn là các giao dịch nhà ở, đã trao tiền, nhà cũng đã trao, có công chứng hợp pháp, chỉ còn thiếu thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giờ tranh chấp thì phải xử ra sao? Phó Chánh án Nguyễn Sơn xác nhận cái khó nhất của ngành tòa án là xem xét các giao dịch kiểu này tòa án không biết giải quyết thế nào. Bởi tòa án chỉ có thể xem xét khi quan hệ này có xác nhận công chứng, đăng ký.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn đề nghị việc chính của sửa đổi lần này là Luật Dân sự phải giải quyết được những cái vướng như vậy. Rồi cái vướng nữa là việc “tạm giao” nhà đất của chính quyền cho dân. Người dân được quản lý sử dụng nhưng không được sở hữu. Hay cái vướng xung đột thời hiệu khởi kiện di sản thừa kế khiến hàng chục ngàn vụ án phải trả lại đơn vì hết thời hạn, loại việc gây bức xúc lớn trong dân. Nhắc lại câu nói bất hủ “án dân sự xử thế nào cũng được”, ông Sơn nói, nhiều giao dịch tòa án không biết chấp nhận hay không. Bởi chấp nhận hay không thì đều khó khăn cả. Vì dù có dấu hiệu bội ước, tòa án cũng không thể xử. Và nếu luật không sửa đổi tòa án dễ rơi vào trường hợp “muốn xử thế nào thì xử”.
Làm ngơ, chấp nhận việc lách luật
Bí thư Thành uỷ Hà Nội- Phạm Quang Nghị đặt ra 3 trường hợp, 3 hoàn cảnh mà ông nói là những bức xúc, những vướng mắc trong thực tế ngay tại thủ đô. Đó là câu chuyện “nhà nhảy dù” mặc nhiên được công nhận như là chính chủ. Ông nói: Vấn đề đặt ra là, dù họ không có tranh chấp cá nhân với ai, nhưng cái nhà đấy, đất đấy lại là từ việc chiếm của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân. Nếu bây giờ cho tất cả những người nhảy dù được sổ đỏ như mặc nhiên cái quyền họ được hưởng như đất thổ cư thì tôi cho rằng là không hợp lý.
Bởi việc đó vô hình trung lại thừa nhận quyền cho những người chiếm đất bất hợp pháp. Trường hợp thứ 2 là những trường hợp mua bán tình ngay, nhưng tài sản không được pháp luật thừa nhận hợp pháp. Nêu ví dụ quy hoạch Công viên Đống Đa, ngày xưa là bãi rác Thành Công giờ “đã thành nhà ở hết”. Ông cho hay, những người đến đầu tiên chỉ là người nhặt rác, dựng lều tạm trên đất mà Nhà nước cứ quy hoạch, cứ bỏ hoang mãi.
Rồi từ lều tạm thành nhà kiên cố. Lúc xây bất hợp pháp do Nhà nước quản lý chưa tốt, sau này thì người này bán cho người kia. Bán cái nhà, nhưng trên đất đã quy hoạch công viên mà không biết bao giờ nhà nước mới làm. Việc bán là ngay tình, chính chủ, hợp lệ, ký tá hẳn hoi. Nhưng bây giờ nếu làm công viên sẽ đền không biết bao nhiêu mà kể. Mà không đền thì dân không chịu đi, mà còn bị nói là ứng xử với dân thế này thế khác”.
Trường hợp thứ ba, phía ngoài đê sông Hồng. Quy hoạch đê là không cho phép xây nhà, nhưng theo ông thì con đê có sau dân chứ không phải có trước. Đê xây đã ngăn đôi dân thành trong và ngoài đê. Trong đê thì xây theo Luật Xây dựng. Ngoài đê thì mình nói theo Luật Đê điều không cho xây dựng. Không cho xây mới thì còn hiểu được. Nhưng rồi người dân ngoài đê có nhu cầu sinh con đẻ cái, nhu cầu sửa chữa cơi nới chỗ ở. Theo ông, giờ “Hà Nội đang thực hiện theo kiểu là làm ngơ. Hoặc làm giấy cam kết xây nhưng sau này phá thì không đền bù. Tức là chấp nhận việc lách luật. Đó là còn chưa kể tới những trường hợp tranh chấp nhà cho ở nhờ, cho thuê, nhà “do lịch sử để lại”.
Từ thực tế của Hà Nội, ông đề nghị việc sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này phải xuất phát từ thực tiễn, phải tính tới những trường hợp thực tiễn, phải giải quyết những mắc mớ phát sinh từ thực tiễn.
Theo: LĐ