Tiềm năng lớn của biển Việt Nam
Với chiều dài bờ biển 3.260km, 1 triệu kilômét vuông vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, cùng hơn 3.000 hòn đảo và 28 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có biển (chiếm 41% diện tích cả nước với dân số 41,2 triệu người).
Hiện Việt Nam có 38 luồng đường biển, 49 cảng biển và 166 bến cảng, hơn 702 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền… là một trong những điều kiện để VN tiến lên từ biển và làm giàu từ biển. Hằng năm VN khai thác được khoảng 17-18 triệu tấn dầu thô.
Nhờ có chủ trương đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, những năm qua sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt xa bờ đã tăng đáng kể.
Hiện Việt Nam có 5/7 khu vực du lịch biển trọng điểm, 3/13 di sản thế giới và 6/8 khu dự trữ sinh quyển, 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề. Khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển được thiết lập, với 15 khu kinh tế được thành lập, tổng diện tích 662.000ha; có 104 KCN, với diện tích tự nhiên 29.000ha...Công Thắng
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế: “Kinh tế biển thuần sẽ chiếm 50% GDP đến năm 2020”
Tôi là người đề xuất việc thành lập bộ kinh tế biển tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa tổ chức tại Ninh Bình mới đây. Về việc cần thiết phải thành lập bộ kinh tế biển thì đã rõ, nước ta là một nước có thế mạnh về biển, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng chỉ rõ kinh tế biển sẽ chiếm tỉ trọng tới 50% trong GDP, trong khi hiện nay mức này mới đạt 25%. Biển không chỉ đóng vai trò là ngành kinh tế chủ đạo, với khoảng 28 địa phương ven biển và giáp biển, biển còn đóng vai trò then chốt về chính trị, an ninh quốc phòng, nhưng hiện nay về mặt quản lý nhà nước đang bị phân tán, manh mún, Bộ Công Thương chủ quản dầu khí, Bộ NNPTNT quản lý việc đánh bắt thủy hải sản đã không phát huy được lợi thế của kinh tế biển. Theo tôi, phải cơ cấu lại bộ chủ quản để có một bộ quản lý xuyên suốt về biển, tập hợp các thế mạnh về biển cũng như nguồn lợi này. Theo đó, phải có đề án nghiên cứu tổng thể về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của bộ kinh tế biển, đi cùng với nó là việc các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, NNPTNT cũng phải cơ cấu lại, không nhất thiết phải có Bộ Kế hoạch và Đầu tư như hiện nay.
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Bộ kinh tế biển sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế”
Tôi cho rằng, việc thành lập bộ kinh tế biển là vô cùng cần thiết, giúp tạo ra được sự đột phá trong phát triển kinh tế đất nước. Hiện cấu trúc các ngành nghề kinh tế trên biển chưa định hình rõ, phải lập đề án hết sức chi tiết để thành lập bộ này và đưa các thế mạnh kinh tế của VN vào đây. Chẳng hạn, dầu khí là một ngành kinh tế lớn, hoạt động chủ yếu trên biển - hiện trực thuộc Bộ Công Thương, tới đây sẽ phải đưa về bộ kinh tế biển để đảm nhiệm chức năng quản lý ngành. Bộ NNPTNT quản lý thủy hải sản, trước đây đã có ý kiến cho rằng Bộ Thủy sản sáp nhập vào Bộ NNPTNT sẽ làm yếu lĩnh vực này đi vì Bộ NNPTNT thì chỉ làm chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế mạnh đánh bắt thủy hải sản với những đội tàu lớn, đánh bắt xa bờ, chuyển về bộ kinh tế biển để thúc đẩy đầu tư, phát triển. Có thể thấy là khi thành lập bộ này rồi thì những thế mạnh của Việt Nam từ biển sẽ có được chiến lược đầu tư bài bản và đúng hướng, tăng được giá trị gia tăng từ biển, đồng thời đạt mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn lãnh thổ.
Quỳnh Trang (ghi)
Về các cơ quan quản lý biển ở nước ngoài
Cơ quan quản lý biển và cảng Singapore (MPA) được thành lập từ năm 1996, với nhiệm vụ phát triển Singapore trở thành một cảng trung tâm toàn cầu hàng đầu và trung tâm biển quốc tế và thúc đẩy, bảo vệ các lợi ích biển chiến lược của Singapore. MPA là động lực phía sau sự phát triển của biển và cảng ở Singapore, giữ vai trò quản lý cảng, lập kế hoạch về cảng biển, đại diện về biển của quốc gia… MPA kết nối ngành công nghiệp cảng biển với các cơ quan khác để thúc đẩy an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường ở các vùng biển xung quanh cảng, tạo điều kiện cho hoạt động và sự phát triển của các cảng , mở rộng các dịch vụ phụ thuộc về biển, thúc đẩy phát triển và nghiên cứu biển, phát triển nguồn nhân lực biển.
Australia có Cơ quan An toàn biển Australia (AMSA). Cơ quan này có nhiệm vụ thúc đẩy an toàn biển và bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn và chống ô nhiễm do tàu thải ra trong môi trường biển, cung cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ an toàn hàng hải ở các vùng biển Australia, cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu hộ quốc gia với lĩnh vực biển và hàng không.
Cơ quan Quản lý biển Đan Mạch có trách nhiệm với ngành công nghiệp tàu biển, các điều kiện khung của ngành này, với tàu biển và đội ngũ thủy thủ trên tàu. Cơ quan này cũng có trách nhiệm trợ giúp việc định hướng trong các vùng biển quanh Đan Mạch.
Nhìn chung ở khá nhiều nước, các cơ quan quản lý về biển thường thuộc một bộ liên quan đến giao thông hoặc kinh tế. Ở Nhật Bản có Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông, trong đó có Văn phòng biển thuộc Vụ Chính sách biển; Italia có Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông, trong đó có Vụ Vận tải đường thủy và biển...