Trước các khó khăn mà công an, VKS các địa phương nêu ra trong việc giám định hàm lượng chất ma túy, nhiều chuyên gia cho rằng dù khó vẫn cần phải làm để đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền con người.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, ngày 17-9-2014, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 234 quy định trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Kể từ đó, tòa án các địa phương đã đồng loạt trả hồ sơ các vụ án ma túy chưa giám định hàm lượng để yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục.
Trong một số hội nghị chuyên đề về án ma túy, đại diện công an, VKS các địa phương đã có ý kiến không đồng thuận, cho rằng quy định trên của TAND Tối cao trái BLHS và trái Thông tư liên tịch số 17/2007 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp. Các ý kiến này còn nêu khó khăn là cả nước hiện chỉ có Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có mẫu chuẩn để thực hiện việc giám định hàm lượng. Bây giờ án ma túy của cả nước đổ dồn về đó sẽ dẫn đến tình trạng xếp hàng chờ giám định, gây ách tắc, tồn đọng, chưa kể cán bộ các nơi còn phải tốn kém chi phí, thời gian mang tang vật ra Hà Nội giám định…
Một phiên xử lưu động về tội mua bán ma túy tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Quy định tiến bộ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết ông ủng hộ quy định mới của TAND Tối cao. Ông phân tích: Về mặt lý luận, người phạm tội chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà pháp luật đã cấm. Theo nghĩa đó nếu người phạm tội mua bán ma túy thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với số lượng ma túy họ đã mua bán, tàng trữ… Các chất khác không phải là ma túy lẫn trong trọng lượng ma túy đã được mua bán, tàng trữ… cần phải được bóc tách ra và người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các chất không phải là ma túy này.
Theo TS Hưng, có thể trước đây do điều kiện khó khăn mà chúng ta chấp nhận việc xử lý tội phạm ma túy theo kiểu “cân bao nhiêu xử bấy nhiêu”. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền của bị can, bị cáo. Do vậy việc xử lý tội phạm ngày càng đòi hỏi phải chính xác và công bằng. “Tôi cho rằng quy định trong Công văn 234 là tiến bộ trong tố tụng hình sự. Mặc dù trước mắt hoạt động điều tra, truy tố của cơ quan điều tra, VKS sẽ gặp khó khăn nhưng các khó khăn này chủ yếu là do thiếu trang bị khoa học kỹ thuật, hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách đầu tư máy móc, mẫu chuẩn” - TS Hưng nói.
Đồng quan điểm, luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) bổ sung: Quyền được xét xử đúng người, đúng tội là quyền tối thượng của bị can, bị cáo và được pháp luật bảo vệ. Vi phạm của bị can, bị cáo tới đâu thì xử lý đến đó, không thể vi phạm một mà chúng ta bắt họ phải chịu sự trừng phạt mười. “Đúng ra chúng ta phải làm việc này từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới thực hiện, lại còn kêu ca khó khăn. Chưa có máy, chưa có mẫu chuẩn thì phải đầu tư mua sắm, không thể chỉ vì vậy mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đi ngược lại xu hướng tiến bộ” - luật sư Thiện khẳng định.
Nhưng cần thời gian chuẩn bị?
Ủng hộ Công văn 234 nhưng luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý: Việc ban hành Công văn 234 là cần thiết nhưng cách thực hiện của TAND Tối cao chưa hợp lý dẫn đến án ma túy bị ách tắc. Đúng ra trước khi ban hành công văn này, TAND Tối cao cần có sự trao đổi, thống nhất trước với Bộ Công an, VKSND Tối cao để các cơ quan chức năng liên quan có thời gian chuẩn bị các điều kiện đáp ứng được nhu cầu giám định hàm lượng chất ma túy trong tất cả vụ án ma túy.
Cũng từ góc nhìn này, một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao nói: “Lâu nay việc xử lý liên quan đến tội phạm ma túy đều được thực hiện theo một quy trình đã được thống nhất. Vì vậy nếu cho rằng cần phải giám định để xác định hàm lượng ma túy thì ít ra các cơ quan tố tụng trung ương cũng cần ngồi lại với nhau bàn cách tháo gỡ. Việc TAND Tối cao đột ngột ban hành quy định mới như thế này là không nên, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cả hệ thống tố tụng”.
Một điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 3 (TP.HCM) thì bày tỏ e ngại: Những năm qua, tội phạm về ma túy tổng hợp đang phát triển nhanh và phức tạp. Ma túy tổng hợp (ma túy đá, ecstasy…) không như các dạng ma túy truyền thống, việc giám định hàm lượng đòi hỏi yêu cầu rất cao mà điều kiện của chúng ta hiện chưa đáp ứng được. Chẳng lẽ giám định không được thì bó tay, không thể xử lý người vi phạm? Do vậy, nếu thực hiện theo đúng yêu cầu của Công văn 234 thì hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là ma túy tổng hợp sẽ rất khó khăn.
Không giám định dễ dẫn đến oan sai
“Ách tắc án ma túy là thực. Nhưng ma túy nó có từng loại nên phải giám định hàm lượng chứ không sẽ dẫn đến án oan, án tử không đúng. Lúc đầu có khó khăn, vướng mắc nhưng rồi dần dần sẽ được tháo gỡ” - Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã nói như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về Công văn 234.
Theo ông Sơn, nếu không giám định hàm lượng mà cứ xử theo trọng lượng tang vật thì tòa án không dám xử vì dễ làm oan: “Có khi người ta chưa đến mức tử hình nhưng lại tử hình người ta là không ổn. Bởi ma túy nó có hàm lượng của nó, nó có từng loại của nó chứ không phải cái nào cũng đánh đồng là ma túy. Pháp luật là công bằng, nghiêm minh nên đường lối xử lý đối với tội phạm ma túy cũng phải đúng với hàm lượng và định lượng”.
Theo ông Sơn, có khó khăn trước mắt thì tinh thần chung là phải khắc phục dần dần từng bước chứ không thể nào biết không ổn rồi mà vẫn cứ để mặc. Ông Sơn cũng cho hay TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc. “Lúc đầu có khó khăn nhưng bây giờ với sự phối hợp đồng bộ giải quyết thì dần dần sẽ được tháo gỡ. Bên Bộ Công an và VKSND Tối cao cũng nhận thức được vấn đề rồi” - ông Sơn nói.
THÀNH VĂN
Tiêu điểm
Đà Nẵng sẵn sàng mua máy, mẫu chuẩn
Mới đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Đức Thơ (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho biết lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý với Công an TP là làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an đề nghị cho phép TP Đà Nẵng mua máy và mẫu chuẩn để giám định hàm lượng ma túy. “Dù bỏ ra mấy tỉ đồng, TP Đà Nẵng cũng sẽ sẵn sàng mua một cái máy như vậy để phục vụ công tác giám định chất ma túy cho TP và có thể cả khu vực miền Trung. Nếu Công an TP Đà Nẵng không thể mua được mẫu chuẩn của Liên Hiệp Quốc thì TP sẵn sàng hỗ trợ thêm tiền để nhờ các đơn vị có thẩm quyền đi mua giùm” - ông Thơ khẳng định.
Theo ông Thơ, nếu cứ để một mình Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện việc giám định hàm lượng ma túy thì các địa phương sẽ phải chạy ra chạy vào rất tốn kém, làm thời gian giải quyết án bị kéo dài. Ở TP Đà Nẵng cần phải có máy, mẫu chuẩn để khi bắt được đối tượng buôn bán ma túy thì cơ quan chức năng giám định và xử lý ngay cho kịp thời. Khi có máy, có mẫu chuẩn thì cứ thực hiện theo Công văn 234 để xử lý hình sự cho chính xác.