Quyền im lặng sẽ chống được sự lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.
Khẳng định quyền im lặng trong pháp luật Hoa Kỳ nói riêng và pháp luật nói chung là quyền cơ bản của con người mà cụ thể là nằm trong quyền được suy đoán vô tội, GS Anna C. Conley, chuyên gia pháp luật Hoa Kỳ, đã có một số chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trong cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 9-10.
. Phóng viên: Bà có cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần cụ thể hóa quyền im lặng hay không?
+ Giáo sư Anna C. Conley: Tôi không hiểu nhiều về pháp luật Việt Nam nên không thể nói đã cần hay chưa. Song tôi rất ấn tượng vì các bạn quan tâm nhiều đến những đối tượng là người yếu thế trong xã hội, người nghèo khó không có tiền thuê luật sư. Vậy tại sao Việt Nam không thực hiện quyền im lặng khi chỉ cần hai điều kiện áp dụng là cảnh sát phải thông báo cho nghi can quyền được im lặng ngay sau khi bị bắt và có đủ luật sư tham gia? Đương nhiên là khi thực hiện quyền này thì bị can, bị cáo là người được bảo vệ nhưng chính cơ quan điều tra cũng rất có lợi. Bởi khi ấy đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải giỏi nghiệp vụ hơn, kỹ thuật điều tra phải cao và chính xác hơn, công tác hiện trường, nhân chứng phải chuẩn hơn.
. Về lý luận chung thì quyền im lặng có cản trở gì tới nghiệp vụ điều tra của cơ quan buộc tội?
+ Tôi không nhìn quyền này dưới góc độ cản trở hay không mà nó là quyền phải được nhà nước đảm bảo cho công dân. Nó là một điều tất yếu phải làm để đảm bảo nguyên tắc nhà nước chỉ bỏ tù những người có tội, khi không có chứng cứ chắc chắn thì không được phép làm điều đó.
. Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng không thực hiện quyền im lặng thì vẫn có thể áp dụng các biện pháp khác để giám sát quá trình điều tra, chống oan sai?
+ Tôi cho rằng quyền này không nhằm mục đích chính là để kiềm chế oan sai nhưng cơ bản nó thể hiện tối đa quyền con người, bảo vệ công dân trong mối quan hệ với nhà nước và chống sự lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.
. Mỹ là một nước thực hiện quyền im lặng từ lâu, vậy thực tế có nhiều vụ án oan, sai hay không và nếu có thì vì nguyên nhân nào?
+ Theo tôi, trong khoảng 15 năm trở lại đây ở Mỹ có 250 vụ án mà công dân bị kết tội oan hoặc bị xét xử sai. Như tôi đã nói quyền im lặng là quyền tất yếu để bảo vệ công dân trước chính phủ chứ không phải là giải pháp kiềm chế oan, sai. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ oan sai là do công tố viên không cung cấp đầy đủ hồ sơ và tình tiết của vụ án cho bị cáo và luật sư của bị cáo theo đúng quy định. Đáng nói là trong các vụ trên thì rất ít người được bồi thường.
. Vì sao vậy và những người làm oan có bị xử lý hình sự không?
+ Vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì người bị oan không kiện đúng đối tượng hoặc việc làm oan không do lỗi cố ý hoặc ít nghiêm trọng nên không được bồi thường. Về trách nhiệm hình sự nếu người làm oan cố ý thì họ phải chịu án tù và cấm hành nghề.
. Xin cảm ơn bà.