Chiều 6-10, Giáo sư Anna C. Conley, chuyên gia pháp luật đến từ Hoa Kỳ đã gặp gỡ báo chí để trao đổi các vấn đề liên quan tới pháp luật Hoa Kỳ, quyền của bị can, bị cáo theo luật pháp Quốc tế và Hoa Kỳ.
Giáo sư Anna C. Conley (ảnh T.L)
Chia sẻ thêm về quyền giữ im lặng của bị can, bị cáo, Giáo sư Anna C. Conley cho biết: "Quyền giữ im lặng được coi là quyền cơ bản trong luật pháp Hoa Kì và đó là quyền cá nhân được Hiến Pháp bảo vệ."
"Nói cách khác, các cơ quan Chính phủ muốn bỏ tù ai đó thì Chính phủ phải chứng minh người đó có tội trên cơ sở không còn gì để nghi ngờ nữa. Trách nhiệm chứng cứ thuộc về Chính phủ chứ không thuộc về bị cáo."
" Chúng ta có Công ước Chống tra tấn nghiêm cấm bất cứ hình thức tra tấn nào. Chứng cứ có được thông qua sự tra tấn sẽ không được sử dụng trong phiên tòa xét xử bị cáo. Pháp luật Hoa Kỳ quy định bị can, bị cáo không chỉ có quyền im lặng trong quá trình điều tra mà trong quá trình xét xử, tại phiên tòa đều có quyền giữ im lặng. Chính phủ không được phép ép buộc công dân tự buộc tội mình mà trách nhiệm buộc tội thuộc về Chính phủ.", bà Anna C. Conley nói.
* Ở VN hiện nay đang có tranh cãi về quyền im lặng. Một luồng ý kiến muốn đưa quyền im lặng vào luật và luồng ý kiến khác không đồng tình. Họ cho rằng quy định quyền im lặng sẽ cản trở hoạt động điều tra của cơ quan điều tra? Bà thấy ý kiến này thế nào?
- GS Anna C. Conley: Ở hệ thống pháp luật Hoa Kì thì quyền im lặng là giá trị niềm tin cơ bản để bảo vệ quyền của công dân. Chúng tôi có niềm tin cơ bản mỗi công dân đều được bảo vệ công bằng trước pháp luật.
Tôi không thể trả lời được câu hỏi nếu pháp luật Hoa Kỳ không có quyền im lặng thì nó sẽ vận hành thế nào? Tôi không cho rằng quyền im lặng cản trở cá nhân hay hoạt động của cơ quan nào cả. Hoa Kỳ là nước quy định quyền im lặng nhưng tỉ lệ người bị buộc tội vẫn rất cao.
Mặc dù bị cáo có quyền giữ im lặng nhưng cơ quan công tố vẫn thực hiện quyền của mình một cách xuất sắc và chứng minh được người ta có tội bằng các phương pháp khác
Cơ quan điều tra có nhiều công cụ khác nhau như quyền đối chất, thu thập chứng cứ từ hiện trường… để thực hiện quyền của mình.
Trong công ước quốc tế và pháp luật quốc tế có điều khoản áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Quyền được giữ im lặng là nguyên tắc quan trọng trong việc thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội.
* Hiện nay ở VN vẫn còn tình trạng bị can, bị cáo bị dùng bức cung nhục hình. Tại cuộc họp của Ủy Ban Tư pháp mới đây, rất nhiều biện pháp kỹ thuật được đưa ra như lắp đặt camera, tăng hình phạt cho điều tra viên dùng bức cung nhục hình, quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra… Bà có thể chia sẻ thêm những kinh nghiệm áp dụng với pháp luật Hoa Kỳ và thế giới về vấn đề này?
- GS Anna C. Conley: Hoa Kỳ và Quốc tế có Công ước Chống tra tấn nghiêm cấm tất cả hành vi tra tấn để lấy lời khai. Dùng bức cung nhục hình trong quá trình lấy lời khai là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Tôi thấy giải pháp ghi hình tại các phiên thẩm vấn là công cụ quan trọng nhất. Tại Hoa Kỳ, theo quy định thì các phiên thẩm vấn phải có mặt luật sư. Điều này rất quan trọng. Công ước Chống tra tấn cũng có cơ chế người bị dùng bức cung nhục hình có quyền khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại.
Về cơ chế ghi hình, cơ quan công tố có quyền chia sẻ toàn bộ dữ liệu ghi được cho luật sư của bị cáo. Chúng tôi có hai cơ chế để bảo vệ quyền cho bị cáo là quyền có luật sư bào chữa và phía cơ quan công tố có quyền thông tin toàn bộ chứng cứ mà họ có được cho bị cáo hoặc luật sư của bị cáo.
Tôi xin nhắc lại, nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật hình sự Hoa Kỳ là trách nhiệm chứng cứ thuộc về công tố viên. Công tố viên có trách nhiệm chứng minh một người có tội trên cơ sở không còn gì nghi ngờ nữa. Bị cáo không có nghĩa vụ gì trong việc chứng minh mình có tội. Việc các cơ quan Chính phủ tước quyền tự do của một người là rất quan trọng, phải được thực thi theo các tiêu chí nghiêm ngặt nhất.