Cuối thập niên 60, Dubai chỉ là dải cát với một tòa nhà và hơn chục chiếc xe. 50 năm sau, thành phố này đã phát triển đáng kinh ngạc với những khách sạn xa xỉ, cao ốc rực rỡ.
Dưới đây là những sự thật khó tin về thành phố giàu có này do trang The Richest nêu ra:
Dubai muốn mọi thứ đều phải to nhất và đẹp nhất
Mục tiêu chính của Dubai là sở hữu mọi thứ to nhất và đẹp nhất. Tại đây có những khách sạn xa xỉ nhất hành tinh và cũng là nơi có khách sạn đẹp nhất thế giới Burj Al-Arab. Đây là khách sạn 7 sao và không cho phép ai chưa đặt phòng đi qua cửa. Nội thất khách sạn được dát 1.790 m2 lá vàng. Ngoài ra, Dubai cũng sở hữu tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, có thể nhìn xa 95 km và cao 163 tầng. Thành phố này cũng có trung tâm mua sắm lớn nhất hành tinh, bể cá lớn nhất, khách sạn cao nhất và công viên trượt tuyết trong nhà xa hoa nhất.
Dubai có thành phố bên trong thành phố
Liên tục gây ấn tượng với thế giới bởi sự xa hoa của mình, Dubai đang tiến hành xây dựng một thành phố với thời tiết chủ động ngay bên trong thành phố. Thành phố này sẽ có kích thước lớn gấp 2,25 lần Monaco.
Tổ chức đua lạc đà với robot
Đua lạc đà là môn thể thao phổ biến tại Dubai, giống như bóng đá với người Mỹ và khúc côn cầu với người Canada. Vì kích thước lạc đà khá nhỏ, nên chỉ trẻ em mới có thể tham gia đua. Thay vì để con em của cư dân Dubai hoặc Emirati tham gia đua lạc đà, nhiều trẻ em bị bắt cóc tới Dubai để tham gia cuộc đua này. Cuối cùng vụ việc vỡ lở và Dubai phải tìm giải pháp đó là sử dụng robot có kích thước bằng trẻ em để đua lạc đà. Giá của những con robot này là từ 300 tới 10.000 USD.
Dubai là thành phố tăng trưởng nhanh nhất hành tinh
Cần cẩu tại Dubai chiếm 20% của toàn thế giới. Thành phố này tăng trưởng nhanh tới mức các nhà kinh tế học lo ngại rằng thị trường tài chính và bất động sản sẽ sụp đổ. Hệ thống tàu điện ngầm của Dubai hoàn thành vào năm 2009 với 42 nhà ga và được xây chỉ trong 18 tháng. Hiện công viên giải trí Dubailand rộng gấp đôi Disney World đang được xây dựng tại đây và dự kiến trở thành điểm hút khách lớn nhất hành tinh với khoảng 200.000 lượt du khách mỗi ngày. Dubai cũng có một số đảo nhân tạo, trong đó lớn nhất là Palm Jumeirah. Đảo này với hàng loạt khu nghỉ dưỡng và biệt thự này cần tới 94 triệu khối cát nhập khẩu để xây dựng.
Vì tốc độ tăng trưởng chóng mặt, Dubai không có hệ thống địa chỉ chuẩn. Thay vì có chỗ trống ghi địa chỉ, trên bì thư có khoảng trống để người gửi vẽ bản đồ và viết chỉ dẫn như: “Sau nhà thờ hồi giáo màu trắng, phố đầu tiên tới nhà có cửa vàng bên trái”. Nếu không tới các khách sạn xa xỉ của thành phố, người nước ngoài từ sân bay tới đây được khuyên nên có bản đồ trong tay để chỉ cho lái xe nơi mình muốn đến.
Mọi thứ tại Dubai đều cần được làm mát
Dubai là thành phố giữa sa mạc với những trận bão cát thường xuyên xảy ra và nhiệt độ có thể lên tới 120 độ F (gần 49 độ C). Nếu không nhờ hệ thống điều hòa không khí, các tòa nhà sẽ bị tan chảy dưới ánh mặt trời còn người dân sẽ bị thiêu sống. Vì vậy, các tòa nhà được lắp đặt hệ thống làm mát theo chiều dọc với những ống bơm cực mạnh, đẩy nước theo chiều thẳng đứng để làm mát. Những bơm này thường phải được lắp đặt ở nhiều tầng của tòa nhà bởi nhiều tòa có hơn 100 tầng. Vì Dubai nằm giữa sa mạc nên các máy bơm phải khoan sâu để tìm nguồn nước với lượng dùng mỗi năm hàng triệu lít.
Vỡ nợ là bất hợp pháp tại Dubai
Chính quyền Dubai kiên quyết xử lý các trường hợp vay nợ và không có khả năng trả lại. Nếu không thể trả nợ thẻ tín dụng hoặc không trả đúng hạn, bạn có thể bị bỏ tù hoặc trục xuất. Chế độ lương bổng cao, miễn thuế thu nhập, điều kiện sống tốt của Dubai là những yếu tố hấp dẫn người nước ngoài, nhưng nhiều người tiêu nhiều hơn kiếm và sớm bị trục xuất về nước. Trả nợ và truy tố tại Dubai là vấn đề khá nghiêm trọng. Vì vậy, bạn có thể thấy nhiều xe sang bị bỏ lại tại bãi đỗ xe sân bay bởi chủ nhân của chúng mắc nợ và bỏ trốn về nước.
83% dân số Dubai là người nhập cư
Người lao động tới Dubai và xây dựng hàng trăm tòa cao ốc tại đây nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Trong số 83% dân nhập cư tại Dubai, những người này chiếm hơn 50%, tiếp đến người Emiratis chiếm 17% và số còn lại là dân nhập cư từ các nước khác. Sự bất bình đẳng giai cấp tại Dubai khá lớn. Theo đó, nhiều người lao động nhập cư sống và làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ trong khi người Emiratis được thuê nhà, giáo dục và y tế, còn người nước ngoài thuộc tầng lớp cao hơn được hưởng chế độ lương cực kỳ hấp dẫn.
Tỷ lệ tội phạm của Dubai là 0%
Hoạt động dưới Luật hồi giáo hà khắc được lập ra bởi Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Dubai là thành phố “sạch” với tỷ lệ tội phạm 0%. Tại thành phố với dân cư đa số là người nước ngoài, mọi người biết rằng họ có thể dễ dàng bị bỏ tù hoặc trục xuất bởi những tội nhẹ nhất. Chính điều này biến Dubai trở thành một trong những thành phố an toàn nhất hành tinh.
Chính quyền Dubai tự hào với lực lượng cảnh sát của thành phố và ra sức khoe độ đẳng cấp của lực lượng này với du khách. Mỗi chiếc xe cách sát tại Dubai có giá bằng với phí du học tại Mỹ của một người. Các mẫu siêu xe của cảnh sát Dubai gồm Ferraris (giá 500.000 USD), Lamborghinis (giá 400.000 USD) và một chiếc Aston Martin giá 1,79 triệu USD.