Để tăng độ uy tín tin cậy, nhiều cửa hàng ăn tại Hà Nội đua nhau gắn mác chính hiệu, gia truyền. Từ những cửa hàng uy tín lâu năm tới các cửa hàng mới mở biển treo còn mới cũng quảng bá “chính hiệu lâu năm”. Đáng lưu ý, để cạnh tranh hút khách, nhiều cửa hàng còn lưu ý “nhà bên cửa hàng mới mở”…
Các cửa hàng bún chả Sinh Từ chính hiệu trên phố Nguyễn Khuyến.
Ai là chính hiệu?
Hiện nay, nhiều người tự nhận cửa hàng mình mới là “chính hiệu”, là “gia truyền”, còn những quán khác là hàng nhái, khiến thực khách như lạc vào ma trận. Tại phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) có tới 3 cửa hiệu bán bún chả mang thương hiệu Sinh Từ nằm sát cạnh nhau. Cửa hàng thứ nhất là “chính hiệu lâu năm”, hàng thứ hai là “chính hiệu hàng cũ lâu năm”, hàng thứ ba là “chất lượng lâu năm”. Điều khiến mọi người không ngạc nhiên là cả chủ và nhân viên của ba cửa hàng đều nhận mình là chính hiệu, còn các cửa hàng khác “là nhái đấy, cứ ăn thử rồi biết thôi”. Ngoài ra, một trong ba cửa hàng này còn cẩn thận ghi dòng lưu ý trên bảng hiệu: “Cửa hàng kế bên mới mở”.
Tương tự, tại phố “Bún bò Huế lâu năm” đầu đường Láng, một chủ cửa hiệu cho rằng quán mình mới là đặc sản ra đời sớm nhất của phố này. Tuy nhiên, ngay bên cạnh cũng có một hàng bán bún bò Huế. Bà chủ cửa hàng thứ nhất bảo ngày trước thuê chính nhà bên cạnh nhưng chủ nhà thấy bà làm ăn uy tín, khách đông nên không cho thuê nữa, mà mở luôn quán, trưng luôn biển hiệu “đặc truyền từ nghệ nhân Huế”…
Ngoài ra còn hàng loạt các cửa hàng bán đồ ăn, đồ uống khác cũng tự nhận là gia truyền. Có lẽ, điệp khúc gia truyền được gắn nhiều nhất với những quán phở. Nào là phở bò gia truyền cho tới phở bò Nam Định gia truyền, rồi phở Cồ gia truyền…
Và câu chuyện bản quyền
Bà chủ bún chả tại địa chỉ 57A kể, quán của bà có từ năm 1954, do mẹ ruột làm chủ, sau đó bà tiếp quản tới tận bây giờ. “Lúc đầu bún chả Sinh Từ chỉ có một cơ sở, do khách hàng đông quá nên gia đình phải mở thêm một cơ sở nữa ở căn nhà thuê bên cạnh. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, chúng tôi trả lại nhà và từ đó quán bún chả Sinh Từ “nhái” bắt đầu hoạt động cạnh tranh với cửa hàng nhà tôi trên cơ sở chúng tôi đã thuê mặt bằng”.
Khi đặt câu hỏi có sự tranh giành thương hiệu, tại sao không đăng ký bảo hộ, chủ quán cho hay, khi đăng ký không được chấp nhận do Sinh Từ là tên phố. “Chính vì thế nên dù biết nhiều cửa hàng bún chả lấy tên Sinh Từ để cạnh tranh nhưng bà cũng không thể kiện được, vì họ không vi phạm bản quyền thương hiệu của mình” - chủ quán 57A nói. Cũng tương tự, tại đường Láng, một chủ cửa hàng cũng cho hay, nguyên nhân dẫn tới nhập nhèm là bởi quán đông, đắt khách nên chủ nhà đòi lại để mở quán tương tự. Tuy nhiên, khi được hỏi về đăng ký thương hiệu thì bà chủ này chỉ trả lời qua quýt: “Có cả trăm quán bún Huế gia truyền ở Hà Nội. Giờ đăng ký, có khi có người khác đăng ký hồi nào rồi”.
Trước thực trạng “loạn” gia truyền, chính hiệu, LS Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói, xác minh gia truyền “là không thể”. “Cá nhân tôi cho rằng, bà chủ quán bún Huế trả lời như vậy tuy chưa xác đáng nhưng có cơ sở. Bởi xác định nguồn gốc bún Huế cũng chưa ai dám nhận thì làm sao pháp luật bảo hộ được”.
Ngoài ra, LS Tùng cũng nói thêm: “Những thương hiệu lâu năm có đặc thù và có thể truy nguyên như “Bún chả Sinh Từ” thì chủ quán nên đăng ký bảo hộ. Nếu cơ quan đăng ký bảo hộ bắt không cho lấy thương hiệu Sinh Từ vì là tên phố thì có thể đổi tên khác. Tôi nghĩ việc của Hà Nội là hệ thống hóa các thương hiệu này, nếu có thể xác định được chủ sở hữu thì xác định luôn, không xác định được thì đưa ra công khai, để người tới ăn không bị mập mờ như lạc vào ma trận như vậy”.