Không tương trợ, đỡ đần nhau lúc khó khăn, anh em ruột thịt còn quay ra “tố”, cho nhau vào tù. Chuyện buồn này lặp lại nhiều, do đâu?
Bản chúc thư không giá trị!
Đứng trước vành móng ngựa ngày hôm ấy là cả một gia đình, vợ chồng Lê Ngọc Bốn, SN 1957; Đỗ Thị Thiệu, SN 1962; vợ chồng con gái của Bốn (Lê Thị Hoan, SN 1981; Nguyễn Văn Cường, SN 1980) và Lê Ngọc Tùng, SN 1990, con trai Bốn.
Đáng buồn, đại gia đình này một lần nữa hầu tòa vì kháng cáo của anh trai Bốn, ông Lê Ngọc Mỹ. Cho rằng, TAND huyện Thanh Oai tuyên bản án sơ thẩm quá nhẹ với gia đình người em, ông Mỹ đề nghị HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hà Nội tăng hình phạt, mức bồi thường với vợ chồng, các con của Bốn. VKSND huyện Thanh Oai cũng cùng quan điểm với bị hại, kháng nghị tăng án với các bị cáo.
Nhìn 5 con người xếp hàng dài sau chiếc vành móng ngựa, khuôn mặt vị chủ tọa nặng trĩu. Những người dự tòa phần nào cảm thông với gánh nặng tâm lý mà Bốn và vợ đang mang. Nhưng ở dưới hàng ghế dành cho bị hại, ông Mỹ vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh. Bị hại còn mời cả luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. “Tôi đề nghị tòa xem xét phạt án tù giam với vợ Bốn, cùng vợ chồng Hoan”, ông Mỹ cất giọng lạnh lùng khiến nét mặt Bốn đăm chiêu.
Sở dĩ, cả gia đình này bị vướng vào vụ án chỉ vì 15m2 đất ở thôn Trung, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Trước đó, hộ ông Mỹ sử dụng 184m2 đất (rau xanh 5%) tại địa chỉ trên. Năm 1992, ông Mỹ xây căn nhà cấp 4, rộng khoảng 15m2 và cho thuê làm xưởng gò hàn. Năm 2005, người thuê trả lại mặt bằng, gian nhà bị bỏ không. Năm 2009, cho rằng, đây là mảnh đất mà mẹ đã di chúc để lại, Bốn đòi 15m2 đất. Anh em không thể “đóng cửa” bảo nhau, UBND xã Cao Viên vào cuộc. Nhưng sự cố gắng của cán bộ địa phương không hóa giải được tình hình. Dù UBND xã khẳng định, bản di chúc của mẹ Bốn không có căn cứ pháp lý, bà không có quyền định đoạt vì thửa đất thuộc quyền sử dụng của ông Mỹ nhưng Bốn không nghe.
Bốn cùng vợ quyết tâm đòi một phần của thửa đất trên. Bấy giờ, ông Mỹ có gọi thợ đến gia cố thêm hàng rào. Gia đình Bốn đã ra sức ngăn cản anh trai tôn tạo nhà, đất. Như quy kết của các cơ quan tố tụng, nhận “lệnh” của Bốn, vợ con đã nhổ hàng rào, phá gian nhà cấp 4 của anh trai và dựng một căn nhà nhỏ khác để giữ đất. Sáng 26-5-2014, Bốn bảo Tùng gọi thợ rồi cùng với vợ, con trai, con gái và con rể ra phá hủy gian nhà của ông Mỹ. Trong “gang tấc”, ngôi nhà cấp 4 bị kéo đổ sập. Khi CA xã có mặt thì đã quá muộn. Cơ quan định giá xác định, tổng giá trị tài sản của gia đình ông Mỹ bị thiệt hại hơn 2,3 triệu đồng và cả nhà Bốn bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản”. TAND huyện Thanh Oai đã tuyên phạt Tùng 3 tháng tù; Bốn, Thiệu, Hoan và Cương từ 6 tháng đến 12 tháng nhưng cho hưởng án treo.
Trình bày trước HĐXX phúc thẩm, Bốn nói, bao năm qua, vợ chồng bị cáo phụng dưỡng mẹ già bệnh tật. Trong khi đó, ông Mỹ chẳng chút ngó ngàng đến bà. Bốn quả quyết, mảnh đất trên đã được mẹ di chúc lại cho mình nên Bốn không phạm tội. Thái độ của bị cáo khiến vị chủ tọa nhắc nhở, phần diện tích đó vẫn có tranh chấp giữa hai anh em, cần phải có tòa đứng ra phán quyết. Khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền thì việc Bốn phá dỡ tài sản của ông Mỹ là vi phạm pháp luật. Bàn về cách cư xử, về đạo đức, HĐXX cũng phân tích: “Nếu sau này các con bị cáo cũng giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp như cách làm hiện tại thì sẽ thế nào. Là trụ cột trong gia đình, bị cáo cần có những cách làm khôn khéo hơn, để cả nhà không vướng lao lý” – lời thẩm phán.
Còn ấm ức, ông Mỹ chưa tha thứ cho vợ chồng em. Bị hại phát biểu rằng, cần có mức án nghiêm khắc để gia đình Bốn chừa tính “côn đồ”. Ông này còn kể tội gia đình người em, từng đánh ông phải nhập viện gần nửa tháng điều trị.
Nhận định, tại phiên phúc thẩm không có tình tiết mới nên tòa đã bác kháng cáo của bị hại và cả kháng nghị tăng nặng hình phạt của VKSND. TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.
Với phiên tòa này, tình cảm giữa hai anh em Bốn càng bị đào sâu. Ân oán không thể hóa giải mà thêm chất chồng. Rời phòng xử, anh em Bốn không thèm nhìn mặt nhau.
Cả gia đình Bốn phải hầu tòa. Ảnh: Hoa Đỗ
20m2 đất chia lìa tình ruột thịt
Trước đó, hình ảnh một bà cụ, bị cáo trong vụ án hủy hoại tài sản khác cũng đầy ám ảnh. 83 tuổi, ở chặng cuối của cuộc đời, lẽ ra được sum vầy bên con cháu thì cụ Nguyễn Thị Cải, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, lại phải hầu tòa. Tai tiếng đã đành, cụ còn cay đắng hơn khi chính đứa con trai của mình “nằng nặc” đòi tòa cho mẹ phải ở tù. Chung vành móng ngựa với mẹ già là 3 người con gái, 2 nàng dâu. Cũng chỉ bởi 20m2 đất mà vợ chồng anh Hoàng Văn Đích (con trai cụ), chị Nguyễn Thị Thưởng, quyết đẩy mẹ đáo tụng đình.
Như lời cụ Cải, năm 2007, bị cáo chia đất cho các con. Cuối năm 2011, anh Đích xây công trình phụ lấn chiếm nên cụ đòi lại 20m2. Vợ chồng anh Đích không đồng ý nên hai mẹ con mới nảy sinh mâu thuẫn. Là mẹ, đất lại của mình nên cụ Cải nghĩ rằng, mình có quyền lấy lại đất.
Ngày 23-12-2011, cụ Cải xách búa đến nhà anh Đích đập công trình phụ. Thấy vậy, chị Thưởng tới giằng lại. Cụ Cải sức cùng lực kiệt, bị xô ngã. Chứng kiến cảnh đó, xót mẹ, Hoàng Thị Bạch, SN 1958; Hoàng Thị Tập, SN 1967; Hoàng Thị Thực, SN 1969; Hoàng Thị Hành, SN 1971; Hoàng Thị Vân, SN 1973 – các con gái, con dâu chạy lại. Những người con nhảy vào đánh em dâu, giải cứu mẹ. Chị Thưởng phải nhập viện điều trị và bị tổn hại 4% sức khỏe.
Ấm ức vì cách hành xử của con dâu, hai ngày sau, cụ Cải bảo các con tiếp tục phá dỡ công trình phụ nhà anh Đích. Vì lẽ đó, VKSND huyện Sóc Sơn đã truy tố cụ Cải và các con về tội “Hủy hoại tài sản” - khoản 1 Điều 143 BLHS và HĐXX – TAND huyện Sóc Sơn đã tuyên phạt cụ Cải 9 tháng tù treo; Bạch, Tập, Thực, Hành, Vân – mỗi bị cáo 6 tháng tù treo và bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Đích hơn 8 triệu đồng.
Sau đó, vợ chồng anh Đích kháng cáo tòa bộ bản án vì cho rằng, mẹ và các chị em phải ngồi tù. Tại phiên phúc thẩm, dù vị luật sư bảo vệ quyền lợi hết lời khuyên giải, động viên vợ chồng anh Đích rút kháng cáo. Nhưng các bị hại không “xuống nước”. Vị chủ tọa cũng phải ngao ngán mà nói rằng: “Về pháp luật, sai phạm thế nào, tòa sẽ xử thế đó. Nhưng về đạo đức trong vụ án này rất đáng bàn. Con người ta ăn ở có trên có dưới, có trước có sau. Không ai làm con lại muốn mẹ và các chị em mình vào tù”. Vợ chồng anh Đích vẫn bỏ ngoài tai những lời phân tích, đề nghị tòa phải tăng án tù, xử thêm tội “Cố ý gây thương tích” và tăng tiền bồi thường.
HĐXX phiên phúc thẩm của TAND TP Hà Nội xét thấy vụ án không có tình tiết mới. Phía bị hại đưa ra nhiều yêu cầu nhưng không đủ chứng cứ nên tòa bác đơn kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm.
Vì nhận thức?
Hai vụ án đáng tiếc trên cho thấy, chỉ vì lòng tham mà tình cảm ruột thịt bị rạn nứt. Khi mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời đã trở thành “ung nhọt”. Mất kiểm soát dẫn đến lời nói, hành động không đúng mực đã đẩy vụ việc đi xa; từ chuyện trong nhà thành vụ án hình sự.
Ở cả hai ví dụ, người chủ mưu đều là người lớn tuổi nhất trong gia đình. Lẽ ra, “gừng già, gừng cay”, cụ Cải hay Bốn phải khuyên giải, bảo ban con cái thì đằng này, những bị cáo đầu vụ lại kích động, khuyến khích con, cháu khiến họ sa vào lao lý. Các bị cáo đáng trách, đáng lên án đã đành. Chính bị hại ở các vụ án cũng cần phải xem lại lối sống của mình. Vì lỗi của bị hại nên các bị cáo mới như “lửa đổ thêm dầu”, khiến xích mích không thể hóa giải.
Xét góc độ khác, xảy ra những vụ án này cho thấy, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể chưa phát huy được vai trò. Rõ ràng, trong hai vụ án, UBND xã đều đã can thiệp nhưng sự “nhập cuộc” chưa triệt để, chưa có biện pháp phù hợp nên không hóa giải được mâu thuẫn trong các gia đình.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn LS TP Hà Nội, phân tích, nguồn cơn cũng ở nhận thức pháp luật của các bị cáo. Họ suy nghĩ đơn giản rằng, đất của mình thì mình có quyền định đoạt tài sản (kể cả tài sản của người khác) trên đất. “Cái gốc của mỗi gia đình là ở tình máu mủ, yêu thương, chia sẻ với nhau, nếu mỗi thành viên trong gia đình luôn ý thức được điều này thì không bao giờ xảy ra những tình huống đáng tiếc như trên” – ông Tiền nói.
Theo: Hoa Đỗ - PLXH