Lúc ăn cơm tối cùng điều dưỡng Nguyễn Thuận Phát, chúng tôi hỏi: “Anh đã bị bệnh nhân đánh bao giờ chưa?”, anh Phát cười tươi như một mặc định: “Bị đánh hoài chứ gì. Ai mà chưa bị đánh thì chưa phải nhân viên trong bệnh viện”.
Ảo ảnh trong thế giới người điên: Vì sao tôi điên?
- Cập nhật : 13/09/2014
Tất cả mọi người ở đây, cơ thể đều khỏe mạnh, trừ cái đầu. Lúc cười, lúc khóc, lúc nóng giận. Khoảnh khắc cuộc sống của những bệnh nhân tại Bệnh viện tâm thần TPHCM (cở sở Lê Minh Xuân) bất chợt như mưa, nắng Sài Gòn những ngày tháng 9.2014. Trong thế giới của những kiếp người này, ảo ảnh và mơ ước như bánh xà phòng cứ hiện ra rồi bỗng… tan biến.
Chị Nga sắp hết bệnh và được bác sĩ cho ra ngoài thể dục mỗi sáng
Kì 1: Vì sao tôi điên?
Bệnh viện tâm thần TPHCM (cơ sở Lê Minh Xuân) hiện nuôi gần 500 bệnh nhân tâm thần. Trong những ngày có mặt ở đây, một xã hội đầy những đau thương, bất trắc hiện ra sinh động để lý giải vì sao họ có mặt ở đây, từ vài tháng đến hàng chục năm nay.
Chừng ấy “kẻ điên” là chừng ấy câu chuyện đời bất tận.
Tình đẹp khi dang dở?
Khi trời còn chưa kịp sáng, trong khuôn viên rộng hơn 3 ha của bệnh viện, lác đác một vài người phụ nữ chậm chạp quét từng đám lá khô. Họ là những nữ bệnh nhân tỉnh táo được các hộ lí cho ra ngoài sớm vừa quét dọn vừa thể dục cho thoải mái.
Tay cầm cây chổi gai, mái tóc bù xù, người phụ nữ 50 tuổi Đỗ Thị Thu Vân (đã nhập viện cách đây gần 20 năm) bẽn lẽn kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời của bà. Trước đây, bà Vân từng là thư kí tại một phường ở Q.11, TP.HCM, từng có một gia đình hạnh phúc quây quần cùng ba mẹ và 4 anh chị em rồi như những cô gái đến tuổi cập kê, bà cũng từng có một mối tình thơ mộng.
Anh Kiệt chia sẻ thêm: Mong mọi người hiểu rằng chúng tôi cũng như như người bình thường, cũng biết suy nghĩ, cũng có tâm tư, tình cảm.
Kể đến đây, bà Vân nghẹn lại, những kí ức ùa về trên đôi mắt đã khô cạn nước. Nắm chặt cây chổi gai, bà nghẹn ngào.
Biến cố đến với bà vào năm 1991. Khi mối tình kéo dài 3 năm đang vào độ mặn nồng thì người yêu bà đột ngột chia tay mà chẳng cho bà lấy một lí do. Mấy ngày liền, bà Vân khóc hết nước mắt nhưng mọi chuyện vẫn không thể thay đổi. Quá đau lòng, người con gái ấy trở nên điên dại, bất cần. Bà bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, vừa đi vừa khóc, khóc chán lại cười.
Mãi đến năm 1994, gia đình mới phát hiện bệnh tình của bà rồi đưa vào Bệnh viện tâm thần TPHCM, cơ sở Lê Minh Xuân. Kể từ đó, nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai của bà. Gạt vội giọt nước mắt lăn tròn trên má, bà Vân cười một tiếng buồn rượi: “Chắc ngày đó người ta chê mình xấu, mình dốt, không xứng với người ta”.
Giống bà Vân, người phụ nữ ngồi cạnh Nguyễn Thị Nga (42 tuổi) cũng trở nên điên loạn sau một cú sốc trong chuyện tình cảm. Gia đình phải đưa bà vào viện hơn hai tháng nay để điều trị.
Bà Nga kể, trước kia bà cũng từng có một gia đình hạnh phúc. Vợ chồng mỗi sáng lên rẫy đến chiều. Tối tối quây quần bên đứa con thơ. Cách đây 3 tháng, bà Nga sinh thêm một cậu con trai kháu khỉnh. Tưởng chừng chẳng còn gì hạnh phúc hơn thì tai hoạ lại ập xuống với gia đình bà.
Không lâu sau ngày bà sinh con, cha bà đột ngột qua đời. Quá đau buồn, bà Nga giam mình trong nhà suốt mấy tháng liền không nói chuyện với ai. Trong lúc yếu đuối nhất, hơn ai cả, bà cần lắm một bờ vai nương tựa thì cũng là lúc người chồng mấy chục năm chia ngọt sẻ bùi cũng bỏ bà đi theo người phụ nữ khác.
Nỗi đau chồng nỗi đau, những cú sốc liên tiếp đã biến bà Nga trở thành người điên. Bà không còn biết bản thân mình là ai, không kiểm soát được mình đã làm gì. Chứng kiến bà Nga như vậy, người nhà buộc phải đưa bà từ Gia Lai vào đây để điều trị.
Bây giờ nhớ lại mọi chuyện, bà Nga chia sẻ: “Bác sĩ nói bệnh của tôi cũng sắp hết rồi, chắc không bao lâu nữa tôi được về nhà. Giờ tôi chỉ thấy nhớ con và muốn về với chúng nó thôi”.
Rất nhiều bệnh nhân nữ phát bệnh sau những cú sốc trong tình cảm
Anh Nguyễn Văn Trọng tích cực tham gia lao động với mong muốn sớm được về nhà làm lại cuộc đời
Khu “công viên” rộng lớn giữa lòng bệnh viện để các bệnh nhân thải mái đi dạo, hóng mát
Sau một tai nạn…
Vừa chơi với anh Trọng một ván cờ tướng, tôi vừa hỏi về chuyện đời của anh. Sau một lúc trầm ngâm, anh kể cho tôi nghe về những ngày mình còn ở nhà.
Anh là Nguyễn Văn Trọng, từng là giáo viên đứng trên bục giảng một trường THCS ở Long Xuyên (An Giang). Cách đây hơn 10 năm, anh cũng có một cuộc sống ổn định, ban ngày lên lớp “gõ đầu trẻ”, đêm về quây quần với gia đình.
Thế nhưng, mọi chuyện xảy đến với anh như một sự sắp đặt. Trong một cuộc vui, khi tất cả đã quá chén, những người bạn của anh xảy ra mâu thuẫn với nhau, trong lúc hỗn loạn, anh Trọng bị xô ngã, đập đầu vào tường phải chuyển đi bệnh viện.
Sau khi xuất viện, Trọng trở thành người khác hẳn, anh thường xuyên bị ảo tưởng và kích động. Nhiều lúc không kiểm soát được bản thân, anh thường xuyên chửi bới và gây hấn với hàng xóm. Thậm chí, nhiều lần quá kích động, anh cầm cây đánh cả cha mẹ mình. Khuyên ngăn mãi không được, gia đình buộc phải đưa Trọng đi Bệnh viện tâm thần An Giang điều trị nhưng không dứt nên phải chuyển anh lên tận TP.HCM.
“Không hiểu sao mình lại bị như vậy nữa. Những lúc tỉnh táo mình thấy mình có lỗi với gia đình lắm. Cũng mong lên đây chữa dứt được cái bệnh oan nghiệt này để được về nhà làm lại cuộc đời”, anh Trọng cho biết.
Giống như anh Trọng, trường hợp của cậu sinh viên Phạm Hưng Lịch cũng khiến nhiều người phải thầm tiếc. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn, từ nhỏ Lịch đã là đứa con ngoan, hiếu thảo với cha mẹ. Nhiều năm liền là học sinh giỏi nên việc Lịch xuất sắc thi đậu vào Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cũng là kết quả xứng đáng cho những năm liền nỗ lực.
Thế nhưng, biến cố đến với Lịch là khi anh còn là sinh viên năm thứ 2. Được nghỉ hè, Lịch theo phụ cha đẩy xe ba gác chở đồ thuê. Trong lần chở tôn xuống Long An, cha anh lái xe quẹt phải xe du lịch gây tai nạn. Lúc đó, đang ngủ trên thùng xe, Lịch bị hất văng xuống đường chấn thương sọ não. May mắn giữ được mạng sống nhưng oan nghiệt thay, những dư chấn của vụ tai nạn đã biến Lịch thành kẻ tâm thần, lúc tỉnh lúc mê.
“Không biết nói sao nữa, tự nhiên nhiều lúc mình nghe ai đó nói gì bên tai rồi hay nóng tính, kích động. Những lúc như vậy mình cứ thấy đồ đạc gì là đập phá, gặp ai cũng chửi. Có lần còn cầm búa leo lên nóc nhà đạp nát mái tôn”, Lịch tâm sự.
Năm 2006, trong một lần đi chơi, bị người ta chọc ghẹo, Lịch đã không kiềm chế được bản thân nên xảy ra đánh nhau. Sau lần đó, cha mẹ phải đưa Lịch vào đây để điều trị.
Đã 8 năm trôi qua, bệnh tình mặc dù đã đỡ nhưng Lịch cũng chẳng dám về nhà. “Dạo này bệnh khỏi rồi, không còn lên cơn kích động nữa nhưng cũng chưa dám về nhà sợ về rồi bệnh tái phát lại gây hậu quả”, vuốt nhẹ cái đầu cạo trắng hớn, Lịch chia sẻ.
Không chỉ là những tai nạn thương tâm, những câu chuyện tình đẫm nước mắt, mỗi bệnh nhân nơi đây đều mang trong mình một câu chuyện đời khúc khuỷu. Càng nói chuyện với họ, tôi càng thấy cảm thông và thương họ nhiều hơn. (Còn tiếp)
Đình Tuyên - Theo TNO