Khi những vụ trọng án do người tâm thần gây ra, cả xã hội mới giật mình. Bởi ít người biết, đâu có ai lại muốn người thân của mình phải đơn độc ở lại điều trị ở bệnh viện tâm thần. Chẳng còn lựa chọn nào khác họ mới làm như vậy.
Ảo ảnh trong thế giới người điên: Chăm sóc bệnh nhân 'kỹ hơn chăm con'
- Cập nhật : 14/09/2014
Lúc ăn cơm tối cùng điều dưỡng Nguyễn Thuận Phát, chúng tôi hỏi: “Anh đã bị bệnh nhân đánh bao giờ chưa?”, anh Phát cười tươi như một mặc định: “Bị đánh hoài chứ gì. Ai mà chưa bị đánh thì chưa phải nhân viên trong bệnh viện”.
Các hoạt động ngoài trời giúp bệnh nhân tâm thần giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực
“Ăn đòn như cơm bữa”
Chúng tôi may mắn được ở lại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (cơ sở Lê Minh Xuân) vài ngày cùng các điều dưỡng và hộ lý. Tận mắt chứng kiến và nghe họ tâm sự mới hiểu, công việc của những người ăn ngủ cùng bệnh nhân nơi đây vất vả theo một cách rất riêng.
Khác xa với những đồng nghiệp giữa thị thành, bệnh nhân đông nghịt, những phong bì, phong bao, ở đây đang trong giờ nghỉ trưa, một bệnh nhân kích động đập phá đồ đạc, bàn ghế. Hộ lý Đinh Văn Cường nhanh chóng chạy tới. Tuy nhiên, trong lúc kích động, không làm chủ được chính mình, bệnh nhân dùng cả dao rượt đuổi bất kỳ ai có mặt can ngăn. Phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng bảo vệ và công an khu vực thì mọi chuyện mới được giải quyết.
Thở phào nhẹ nhõm, ông Cường chia sẻ, hơn 11 năm làm hộ lý, trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân không ít lần ông bị chính những người mình chăm sóc nổi cơn đánh đập, chửi mắng.
“Chuyện bệnh nhân lên cơn quậy phá là thường xuyên xảy ra ở đây. Bình thường họ rất hiền nhưng khi lên cơn thì liều mạng lắm, không sợ gì đâu. Những lúc như vậy mình phải biết mềm mỏng, khuyên can họ, không được thì phải nhờ bảo vệ hoặc công an địa phương can thiệp”, ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, công việc hằng ngày của ông cũng như các hộ lý khác ở đây là phát cơm, chia thuốc cho bệnh nhân và nhắc nhở, giám sát họ uống đúng giờ giấc, dọn dẹp vệ sinh nơi ở cho họ. Thậm chí, với những bệnh nhân không còn tỉnh táo, không tự mình vệ sinh cá nhân được, những hộ lý như ông phải giúp họ tắm rửa, giặt giũ.
Trong lúc ăn cơm tối, điều dưỡng Nguyễn Thuận Phát chia sẻ thêm: bệnh nhân vui thì họ ngoan, buồn buồn thì khó nói lắm. Hơn 10 năm về làm việc trong bệnh viện tâm thần, anh cũng không ít lần bị bệnh nhân lên cơn đuổi đánh.
“Có lần, bệnh nhân cầm dao cố thủ, với tuyên bố: thằng nào qua đây tao đâm chết, tao tâm thần tao không phải đi tù nha, cả bảo vệ hay công an cũng không dám lại gần. Vậy mà khi anh mặc áo blouse trắng bước vào, chỉ cần nói mấy câu là họ sợ và “ngoan” lại liền, được cái bệnh nhân ở đây họ rất sợ và nghe lời bác sĩ. Cái nghề này đặc thù lắm”, điều dưỡng Nguyễn Thuận Phát chia sẻ.
Thấy hộ lý Phan Thị Diệu đang đưa cho bệnh nhân một hộp sữa, tôi thắc mắc thì bà cười bảo: “Những bệnh nhân này ăn uống kém lắm, thường xuyên bỏ ăn nên tôi mới cho họ sữa để uống thêm. Chú coi, lúc lên cơn thì hung dữ lắm nhưng bình thường hiền như con nít”.
Bà Diệu gắn bó với công việc hộ lý ngót 28 năm. Công việc vất vả là vậy nhưng suốt gần nửa đời người, bà vẫn luôn tận tụy và thầm lặng. Nói về những người bệnh ở đây, bà Diệu xem họ như những đứa con của mình.
“Mỗi lần cho họ ăn cơm hay uống thuốc, mình phải dỗ dành, nhắc nhở thường xuyên mới chịu uống. Có những người không giám sát kỹ thì họ giấu thuốc dưới lưỡi hay trong kẽ tay rồi chờ mình đi thì nhổ ra ngoài liền. Bởi vậy, nhiều lúc thấy mình chăm họ còn kỹ hơn chăm con mình”, bà Diệu chia sẻ.
Hộ lý Đinh Văn Cường chăm chút từng bữa cơm cho bệnh nhân
Tạo sân chơi, giảm ưu phiền
Không chỉ chăm sóc, lo lắng miếng ăn, viên thuốc cho từng người, tại đây các nhân viên còn tạo thêm “sân chơi” để bệnh nhân giảm bớt ưu phiền.
Hộ lý Phan Thị Diệu
Đến Tổ phục hồi chức năng, cô Trần Thị Mỹ Lệ, phó phòng điều dưỡng, cho biết, những bệnh nhân ở đây rất thích lao động vì khi làm việc họ sẽ quên đi những buồn phiền và bớt đi những suy nghĩ tiêu cực. Chính vì vậy, Tổ phục hồi chức năng thường xuyên tổ chức cho bệnh nhân tham gia nhiều hoạt động như: dệt chiếu, may đồ, đọc báo, đánh cờ, ca hát.
Trong căn phòng rộng chỉ vài chục mét vuông, anh Nguyễn Hiền Khang (52 tuổi) và anh Nguyễn Long Bình (54 tuổi) đang tỉ mẫn ngồi dệt từng mảnh chiếu. Anh Bình ngồi xâu từng sợi cói cho vào khung còn anh Khang nhanh nhảu kéo khung cố định ngay ngắn sợi cói. Thao tác nhuần nhuyễn và chính xác, cứ thế họ đều đặn làm việc mỗi ngày. “Ở đây buồn lắm, có việc làm là vui lắm rồi”, anh Bình hồ hởi nói.
Cô Trần Kim Khang, nhân viên ở Tổ phục hồi chức năng, cho biết: “Với mỗi chiếc chiếu dệt được, bệnh viện sẽ trả cho bệnh nhân 11.000 đồng. Tuy số tiền khá ít ỏi nhưng với những bệnh nhân nơi đây đó là niềm khích lệ để họ làm việc và quên đi muộn phiền”.
Đến căn phòng may gần đó, tôi thấy anh Nguyễn Đức Tân đang cặm cụi kéo từng đường chỉ. Anh Tân chia sẻ, trước kia anh từng là một thợ may nên những khi tỉnh táo anh hay vào đây may đồ cho đỡ buồn. Mỗi ngày, sáng từ 9 giờ đến hơn 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 15 giờ, anh Tân đều đặn ghé phòng may cần mẫn may từng chiếc áo.
Một số nhân viên phụ trách tại phòng may cho biết: “Máy may, vải và kim chỉ sẽ được bệnh viện trang bị sẵn, bệnh nhân đến đây may sẽ được trả tiền 6.000 đồng/bộ. Những bộ đồ này chúng tôi sẽ cất vào kho và phát từ từ cho bệnh nhân sử dụng”.
Mỗi ngày, anh Khang và anh Bình đều đặn dệt từng chiếc chiếu
Chơi cờ tướng cùng các bệnh nhân
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu nhớ lại những lần dẫn bệnh nhân đi tham quan, du lịch
Ngồi đệm đàn cho một bệnh nhân hát hết bài Nhớ mùa thu Hà Nội, điều dưỡng Nguyễn Bùi Lương Hải tâm sự: “Bệnh nhân ở đây nhiều người hát hay lắm, có người ngày nào cũng ghé qua đây hát mấy bài liền”.
Bà Trần Thị Mỹ Lệ cho biết thêm, mỗi năm bệnh viện đều tổ chức cho các bệnh nhân tham gia viết báo tường theo chủ đề nhằm tạo cơ hội cho bệnh nhân được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình. “Có thể, những bài viết của những bệnh nhân chưa hay lắm và còn sai nhiều lỗi về chính tả. Tuy nhiên, đó là những suy nghĩ chân thực nhất, là tất cả những gì họ muốn chia sẻ. Với những người bệnh, họ rất muốn được nói chuyện, được tâm sự với mọi người”, bà Mỹ Lệ chia sẻ.
Bệnh viện chia làm 5 khoa, mỗi ca trực, một khoa có 2 điều dưỡng và 2 hộ lý chăm sóc gần 100 bệnh nhân. Đa phần những người thầy thuốc trong bệnh viện đều có thâm niên, họ gắn bó với công việc từ khi còn rất trẻ. Nhiều năm chăm sóc và ăn ngủ với bệnh nhân nên họ rất hiểu và cảm thông. Công việc vất vả, nguy hiểm như vậy nên chỉ có tình yêu thương và sự cảm thông mới níu chân họ ở lại thầm lặng chăm sóc, giúp đỡ những bệnh nhân trong những ngày tìm lại chính lại.
Đình Tuyên - Theo : TNO