Sau khi giúp chồng che giấu tội ác, bà Lê Thị Tám đã phải chịu một bản án 4 năm tù giam. 4 năm trong trại giam, bà Tám luôn bị hình ảnh của người mẹ chồng ám ảnh. Cũng vì thế sau này được trả tự do trở về ngôi nhà từng là nơi xảy ra vụ việc, bà Tám luôn phải sống trong cảm giác sợ hãi...
Tội ác được che đậy
Sau ngày được trả tự do, bà Lê Thị Tám lầm lũi trở về căn nhà từng chứng kiến tội ác kinh hoàng của chồng tại ấp Tân Hòa, xã Tân Thanh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngày trở về, bà Tám vẫn phải chịu những cái nhìn soi mói của những người dân nơi đây, bởi với họ việc che giấu việc chồng giết mẹ là không thể tha thứ.
Vẫn còn nhớ như in ngày CA về bắt vợ chồng bà Tám vì vụ án con trai sát hại mẹ, được người vợ giúp sức phi tang che giấu tội ác vào năm 2007 trên địa bàn, ông Sáu Lụi – trưởng ấp Tân Hòa vẫn còn rùng mình khi nhớ lại. Theo lời ông Lụi, ngày ấy khi vụ án xảy ra, không chỉ có người dân nơi đây mà cả những người hiếu kỳ tận TP HCM, Long An cũng tìm về để tìm hiểu. Xe họ đậu chật kín từ ngoài lộ lớn vào tận tới nhà của bà Tám (chừng 2km). Có khi, họ còn tìm ra tận mộ của nạn nhân tìm hiểu sự việc và thắp nén hương cho người xấu số.
Ngược dòng thời gian, ông Lụi cho biết, sự việc bắt đầu vào ngày 9-2-2007, khi đó ông đang làm CA viên ấp Tân Hòa. Khi nghe người dân thông báo phát hiện thấy một thi thể người phụ nữ trôi sông, ông Lụi cũng là một trong những người có mặt đầu tiên tại hiện trường. Nhận thấy trên thi thể của người chết có buộc một chiếc làn nhựa, đựng nhiều vật dụng, điều đó cho thấy sự việc có nhiều đặc điểm phức tạp, ẩn khuất phía sau nên CA xã Tân Hạnh đã thông báo sự việc cho lực lượng CA huyện và CA tỉnh xuống khám nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Theo ông Lụi, khi đang chờ cơ quan chức năng đến thì người dân trong ấp kéo đến xem rất đông, trong đó có Huỳnh Văn Quyên, SN 1962, người dân ấp Tân Hòa. Còn ông Lụi lúc đó đang đứng trên bờ làm công tác ngăn cản đám đông, bảo vệ hiện trường đưa thi thể lên. Biểu hiện của Quyên khi đến xem rất bình tĩnh, mắt luôn theo dõi chỗ những người vớt xác. Khi đưa xác nạn nhân lên gần tới bờ, bỗng ông Quyên òa lên rồi nhảy xuống sông tham gia vớt thi thể người phụ nữ lên vì nghi ngờ đó chính là người mẹ ruột mất tích một cách bí ẩn vào 3 ngày trước đó… Quả thật, khi thi thể được vớt lên thì đúng là bà Dương Thị Tám – mẹ ruột của Quyên.
Điều khiến người dân ấp Tân Hòa bất ngờ hơn nữa khi biết nạn nhân không phải tự tử mà do bị sát hại. Hung thủ trong vụ việc lại là người con ruột Huỳnh Văn Quyên. Nguyên nhân được xác định vào tối ngày 6-2-2007, giữa nạn nhân và con trai xảy ra mâu thuẫn, trong đó có việc Quyên làm đám giỗ bố - mà không thông qua ý kiến mẹ. Tiếp đó, sáng sớm ngày 7-2-2007, Quyên gọi mẹ dậy, giục đi thăm người bà con ở Cà Mau như đã hẹn trước đó nhưng giữa hai người tiếp tục cãi vã. Trong lúc không kìm được sự tức giận, Quyên đứng đằng sau dùng hay tay bóp cổ mẹ mình, kéo mạnh ra đằng sau khiến nạn nhân chết lâm sàng.
Khi thấy mẹ không động đậy, Quyên chạy vào bảo với vợ là Lê Thị Tám, SN 1967 nói rằng mình đã lỡ tay sát hại mẹ. Tám thấy thế không khuyên chồng ra đầu thú mà còn cùng chồng bày hiện trường giả, bàn cách vứt thi thể nạn nhân phi tang hòng che giấu tội ác. Vợ chồng Quyên khiêng xác bà Tám lên xuồng, lấy một bao đựng gạch (bao loại đựng thức ăn 5 kg), rồi cùng bơi ra sông Lăng. Trên đường đi, Tám buộc bao gạch vào bụng mẹ chồng, rồi ném xác xuống sông. Đến 4g sáng, vợ chồng Quyên chuẩn bị bún đi bán như không có chuyện gì.
Chia sẻ về vợ chồng Quyên, ông Lụi cho biết, trước khi sự thật được phơi bày, vợ chồng Quyên vẫn được biết đến là người hiền lành. Thường ngày, vợ chồng Quyên cấy lúa, nuôi 6 – 7 con bò, chăm chỉ làm ăn nên cũng thuộc gia đình có điều kiện trong vùng. Hơn nữa, lại là mẹ con, sự thật khiến mọi người thấy khó chấp nhận được. Khi kết quả điều tra đã mười mươi, vợ chồng Quyên vẫn một mực chối tội, cho rằng mẹ mình tự tử nên càng khiến dư luận quan tâm đặc biệt.
Ngôi nhà nơi từng xảy ra sự việc kinh hoàng
Ám ảnh sau ngày trở về
Khi sự thật được phơi bày, tòa tuyên án Huỳnh Văn Quyên tù chung thân về tội giết người. Còn người vợ Lê Thị Tám 4 năm tù giam về tội che giấu tội phạm. Sau thời gian cải tạo, vào cuối năm 2011 bà Tám đã được trở về sinh sống trên địa bàn. Ông Lụi nhận xét, từ ngày ra tù bà Tám có cuộc sống khép kín, ít tiếp xúc với người ngoài. “Ngay cả tôi nhiều lúc muốn gặp được bà Tám cũng khó bởi không mấy khi người phụ nữ này có mặt ở nhà. Có khi bà ấy đi đâu đến cả chục hôm mới về” ông Lụi cho biết.
Ông trưởng ấp còn cho biết, mặc dù sự việc xảy ra đã được hơn 8 năm nhưng dư âm về vụ việc vẫn còn dai dẳng đến tận bây giờ. Khi hiện tại, bà Tám vẫn kêu oan nói rằng hai vợ chồng không gây nên tội. Nhiều người cảm thông cho bà Tám nhưng cũng có nhiều người nghĩ rằng, đôi vợ chồng này vẫn ngoan cố che giấu sự thật đã được cơ quan chức năng phơi bày. Điều đặc biệt hơn là những người con trai của nạn nhân không một lời trách móc em trai, em dâu. Bởi trong tâm trí họ, người mất thì cũng đã mất rồi, muốn dang rộng vòng tay để cho vợ chồng em trai có cơ hội làm lại những sai lầm mình đã gây ra.
Ông Lụi trưởng ấp trò chuyện với PV.
“Thật không ngờ các con của nạn nhân lại có lòng độ lượng mà không trách móc hành động của em mình. Ngày bà Tám ở tù trở về, họ còn lên tận trại giam đón. Nhiều lần tôi cũng có gặng hỏi thì được họ bảo rằng: “Mẹ luôn muốn anh em trong gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc nên dù sao lấy sự tha thứ với tội lỗi sẽ tốt hơn. Những tháng ngày trong tù chắc em tôi đã phải chịu sự trừng phạt rồi”, ông Tám cho biết.
Tìm tới nhà Quyên, căn nhà nơi người con dâu Lê Thị Tám đang ở được đóng kín mít. Nếu như người lạ thì cứ ngỡ rằng gia chủ đã đi vắng, những mãi sau những tiếng gọi lớn bà Tám mới ra mở cửa trong dáng vẻ rụt rè. Đối vợ bà, người lạ bây giờ tìm đến khiến bà luôn có “cảm giác sợ hãi”, nhất là khi ai hỏi về những gì vợ chồng đã làm trong quá khứ. Bà Tám chia sẻ: “Ngày hai vợ chồng đi tù, hai đứa con cũng đã phải bỏ học vì không chịu được trước sức ép của dư luận. Bây giờ, hàng ngày tôi chỉ ngồi trong nhà trông cháu ngoại mà chẳng dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ người ta nhìn thấy tôi lại hỏi chuyện về mẹ về chồng”.
Theo lời người phụ nữ này, 3 người con của vợ chồng bà đều tha thứ cho những tội lỗi mà cha mẹ chúng đã làm trong quá khứ. Chúng không xa lánh, luôn ở bên cạnh động viên bà sống thật tốt để bù đắp lỗi lầm cho quãng đời còn lại trong sự thanh thản. Thi thoảng bà Tám cùng anh em trong gia đình cũng khăn gói đến trại giam thăm chồng. Mỗi lần gặp gỡ như thế, Quyên chỉ “khóc mà không nói được lời nào. Còn bà, trong mỗi giấc mơ, hình ảnh người mẹ chồng lại hiện lên, khi thì trách móc, khi thì tha thứ và động viên bà nên ăn chay niệm phật để bù đắp lại những tội lỗi ngày xưa.
Theo: Châu Anh - PLXH