Khoảng 500.000 người trên cả nước đang sống cùng giới tính không trùng với giấy tờ tùy thân. Họ đều mong muốn được "sống thật" cả về tâm hồn lẫn thể xác.
Tuy nhiên, các nhà làm luật Việt Nam vẫn còn e ngại việc cho phép chuyển đổi giới tính vì nhiều lý do...
Nửa triệu người có giới tính không trùng với giới tính hiện có
Cách đây mấy năm, dư luận trong nước xôn xao với câu chuyện thầy giáo Phạm Văn Hiệp quê Bình Phước đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới để trở thành nữ giáo viên Phạm Lê Quỳnh Trâm xinh đẹp. Tuy nhiên, khi về nước, cô giáo Quỳnh Trâm không ít lần gặp cảnh “người một nơi, giấy tờ ghi một nẻo” nên cô đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng xin chuyển đổi lại giới tính.
Ngày nhận được quyết định cho phép người có tên Phạm Văn Hiệp xác định giới tính từ nam sang nữ với tên Phạm Lê Quỳnh Trâm của chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bình Phước, Trâm mừng rơi nước mắt.
Nhưng rắc rối nào đã hết, quyết định trên bị nhiều luồng quan điểm cho rằng trái pháp luật nên sau 4 năm được công nhận là giới tính nữ và tên mới là Phạm Lê Quỳnh Trâm, tờ quyết định trên đã bị thu hồi, hủy bỏ do còn có những vướng mắc về mặt pháp lý.
Câu chuyện của cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm không phải là cá biệt. Thống kê của Viện Sức khỏe - Môi trường Y tế cho thấy hiện cả nước có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Nghĩa là hình dáng bên ngoài là nam nhưng trong suy nghĩ của họ lại là nữ và ngược lại.
Ca sĩ chuyển giới Hương Giang Idol.
Vì Việt Nam không cho phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính nên đến nay có khoảng 1.000 người đã ra ngước ngoài chuyển đổi giới tính và về sống ở Việt Nam. Việc này không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu mà có thể nhiều người thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui”, tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.
Bên cạnh đó, khi những người thực hiện chuyển đổi giới tính ở nước ngoài về Việt Nam, do pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới nên họ không được pháp luật thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng không khớp với tình trạng cơ thể hiện có gây nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch nhân sự cũng như trong cuộc sống hàng ngày của những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính.
Cho phép chuyển đổi giới tính không có nghĩa quyền đó là vô hạn
Trước thực tế này, từ năm 2005 Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất cho thực hiện chuyển đổi giới tính tại Việt Nam nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Hiện nay, Bộ luật Dân sự đang trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung và riêng về vấn đề cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, Dự thảo Bộ luật đưa ra hai phương án: hoặc vẫn không thừa nhận việc chuyện đổi giới tính tại Việt Nam như từ trước đến nay; hoặc cho phép thực hiện, nhưng chỉ trong một số trường hợp đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Nguyên nhân khiến vấn đề này bị từ chối cách đây 10 năm và đến giờ vẫn có hai phương án để lựa chọn là vì các nhà làm luật Việt Nam lo ngại việc cho phép chuyển đổi giới tính sẽ bị lợi dụng cho các mục đích khác. Đó là chưa kể đến những hệ lụy về cá nhân và xã hội mà trong đó rắc rối nhất có thể là chuyện người chuyển đổi giới tính sẽ không bao giờ có con, nếu họ có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì sẽ dễ phát sinh các vướng mắc trong xác định là cha hay mẹ, con cái gọi như thế nào, xã hội nhìn nhận đứa trẻ ra sao...
Cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm trong công việc hàng ngày.
Được biết, khi góp ý cho Dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ Y tế có đề cập nội dung cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) ủng hộ việc cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính ở Việt Nam vì “Hiến pháp nước ta ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được sống, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền mưu cầu hạnh phúc bao gồm cả quyền được sống thật với giới tính của mình. Có thể nói dù muốn hay không thì vấn đề chuyển giới là một thực tế tồn tại. Nếu chúng ta không cho phép, người ta vẫn làm thì không thể bắt người ta quay trở lại hình thể cũ, không thể né tránh được”.
Nhưng ông Quang cũng không quên nhấn mạnh, pháp luật cho phép chuyển đổi giới tính không có nghĩa quyền đó là vô hạn. Và, pháp luật cũng cần cân nhắc cho phép thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, để tránh tâm lý đua đòi của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay.
Như vậy, nếu như việc chuyển đổi giới tính được cho phép ở Việt Nam thì dù chỉ trong khuôn khổ những trường hợp đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền công nhận, vẫn là niềm hạnh phúc vô hạn với những thân phận đang phải sống kiếp “hồn bướm, thân sâu”. Hay nói cách khác, họ sẽ tìm được hạnh phúc của mình trong giới hạn có thể.
Xác định lại giới tính đã được cho phép từ năm 2008
Năm 2008, Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định về xác định lại giới tính đã được ban hành. Nghị định 88 là bước cụ thể hóa Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền xác định lại giới tính.
Theo Nghị định 88, trường hợp được phẫu thuật xác định lại giới tính bao gồm: khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật; giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Nghị định cũng quy định chỉ xem xét giải quyết các trường hợp “xác định lại giới tính” chứ không cho phép “chuyển đổi giới tính”.
Theo Hồng Minh/Pháp Luật Việt Nam