6 ngày nghỉ lễ, 162 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) bất chấp mọi nỗ lực của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm.
Tội ác mang tên tai nạn giao thông tại Đà Nẵng ngày 29/4 khiến 7 người trong gia đình thương vong
Năm qua và dịp Tết, TNGT đã giảm thiểu ở cả 3 tiêu chí, nhưng số vụ, số người thương vong trong 6 ngày nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay vẫn cao hơn so với năm trước khiến nhiều người “giật mình”. Giảm TNGT cần giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và trong năm qua đã có kết quả, nhưng dường như vẫn chưa đủ…
Những ngày qua, chúng ta cũng được chứng kiến sự khủng khiếp của thiên tai từ vụ động đất Nepal khiến gần 8.000 chết. Con số này cũng xấp xỷ số người thiệt mạng vì TNGT ở Việt Nam trong năm 2014. Chiến tranh, xung đột và thiên tai vẫn xảy ra liên miên tại nhiều vùng đất trên thế giới, giúp chúng ta thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, sự mong manh của mạng sống con người, hiểu rõ sự khủng hiếp, tàn ác của chiến tranh mà cha, ông ta đã trải qua.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng nói, dù lần đầu tiên số người chết vì TNGT đã giảm xuống 9.000 người trong năm 2014, nhưng không thể có con số đó ở một đất nước hòa bình có hơn 90 triệu dân. Mỗi ngày của cuộc sống hòa bình hôm nay, sao có thể những con số khủng khiếp về TNGT tiếp tục ám ảnh?
Làm sao để tiếp tục giảm thiểu TNGT, giảm mạnh hơn nữa để một đất nước từng bị xé nát bởi chiến tranh như Việt Nam thực sự được sống trong hòa bình, đảm bảo an toàn mỗi khi ra đường? Nhiều giải pháp đồng bộ đã được tiến hành như quyết liệt cải thiện hệ thống đường giao thông, gia tăng các chế tài trừng phạt, tuyên truyền, vận động, giáo dục…nhưng mỗi ngày vẫn có trên 20 sinh mạng bị cướp đi bởi TNGT kèm theo đó là hàng loạt hệ lụy cho người thân, xã hội và với chính người sống sót sau tai nạn.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, để giảm mạnh được TNGT xuống mức thấp nhất, căn cốt vẫn là ý thức của mỗi người bởi tai nạn không tha bất kỳ ai, hay người thân của ai dù là quan chức cấp cao hay thường dân. Nhiều người tham gia giao thông chỉ quan tâm tới việc gây TNGT ở mức nào thì mới bị khởi tố và sẵn sàng gia nhập vào đội ngũ hàng chục ngàn, trăm ngàn “anh hùng bàn phím” để ném đá không thương tiếc một quy định mới nào đó nhằm giảm TNGT. Hiển nhiên về luật pháp thì ít nhất phải khởi tố, hay thậm chí tòa tuyên án mới được xem là có tội.
Tuy nhiên, trong ranh giới mong manh giữa gây tai nạn do bất cẩn và phạm tội, để nâng cao ý thức người dân, có lẽ không phải chờ các quy định của pháp luật để kết tội. Tội ác của những người gây TNGT nghiêm trọng đã và đang bị pháp luật trừng phạt thì đã rõ. Nhưng cần hơn nữa là trong ý thức của mỗi người khi nhìn nhận về TNGT như một “tội ác”. Tội ác này có thể ở mức nào đó chưa đến mức bị pháp luật trừng phạt, thậm chí chưa bị kết tội, nhưng tòa án lương tâm và sức công phá của cộng đồng, thậm chí của chính những anh hùng bàn phím sẽ khiến mỗi người khi tham gia giao thông đều phải cẩn trọng hơn rất nhiều.
Ở nhiều nước phát triển, việc vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông chưa gây tai nạn đã bị hầu hết người tham gia giao thông cho là hành động xấu xa, bị cả cộng đồng lên án trước khi các chế tài luật pháp can thiệp vào. Chính nhờ nhận thức này, từ đó hình thành văn hóa giao thông mà mỗi người khi tham gia giao thông đều tự ý thức đảm bảo an toàn cho chính mình, người đi cùng mình và những người khác.
Theo Giaothong