Ngày 24-4, Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ châu Á đã tổ chức sơ kết triển khai thí điểm “Mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất”.
TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, đây là một phương pháp mới giúp phân tích thấu đáo và toàn diện mọi khía cạnh của mỗi vụ việc khiếu kiện từ cả phía cơ quan Nhà nước, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Phương pháp này giúp nhận diện những nguyên nhân “gốc rễ” làm phát sinh khiếu kiện để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và người dân cùng hướng tới những phương án giải quyết một cách bền vững và lâu dài.
Hội thảo tổng kết mô hình “Đối thoại đa chủ thể trong giải quyết tình trạng khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất ở Việt Nam
Các luật gia đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các bên, từ đó phân tích nguyên nhân tranh chấp, nắm bắt thái độ, yêu cầu của người dân cũng như quan điểm của chính quyền. Đồng thời nhận diện nguyên nhân bên ngoài (khác biệt giữa các bên) và nguyên nhân bên trong (nguyên nhân tạo nên sự khác biệt). Từ đó, tìm kiếm điểm chung giữa hai bên như có cùng mong muốn giải quyết vụ việc không, có tin tưởng nhau không, mong muốn kết quả như thế nào…
Sau thời gian 1 năm rưỡi thực hiện dự án, 11 vụ việc được lựa chọn để triển khai thí điểm về cơ bản đã hoàn tất và thu được kết quả như mong đợi. Từ kết quả thực hiện thí điểm, Hội Luật gia Việt Nam đã đề xuất sửa đổi pháp luật về khiếu kiện trong Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính và quy trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hiện hành, hoàn thiện pháp luật về đất đai để xây dựng cơ chế giải quyết khiếu kiện hoặc tranh chấp phù hợp.
Theo: H.L - PLXH