Tỉnh Phú Thọ vừa quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ những sai phạm trong vụ việc UBND TP Việt Trì bán đấu giá đất khi chưa thu hồi, giải phóng mặt bằng; từ đó truy trách nhiệm của từng cá nhân liên quan.
Bếp ăn bán trú - Hàng loạt nỗi lo khi vào năm học mới
- Cập nhật : 03/10/2014
Bước vào năm học mới, “Bữa ăn học đường” lại là vấn đề nóng khi có nhiều “sự cố” vừa xảy ra đang nhận được sự quan tâm của hàng triệu phụ huynh, học sinh. Bớt khẩu phần ăn của trẻ; sự “độc quyền” bếp ăn khiến học sinh phải ăn mì tôm, uống sữa thay bữa cơm chính; kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào và đầu ra còn hình thức; ngộ độc thực phẩm trong trường học… là những vấn đề tồn tại đã xảy ra và đặt cho ngành Giáo dục, ngành Y tế đứng trước việc phải nhanh chóng xây dựng một mô hình bếp ăn bán trú chuẩn nhằm góp phần cải thiện dinh dưỡng và thể lực cho học sinh.
Bài 1: Cuộc chiến “độc quyền” bếp ăn bán trú trong trường học
Sự việc gần 3.000 học sinh tiểu học của 3 trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội ngay ngày đầu tiên của năm học mới 2014 - 2015 phải ăn bánh, uống sữa, ăn mỳ tôm thay bữa cơm chính đã dấy lên dư luận bức xúc trong giới phụ huynh, học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, quận Hoàng Mai chỉ định cho 3 công ty “độc quyền” cung cấp thực phẩm cho 43 trường mầm non, tiểu học công lập đã khiến cho các đơn vị này “vắt chân lên cổ” cũng không chuẩn bị kịp, gây ra tình trạng “quên” bữa trưa cho học sinh. Sự tranh giành độc quyền bếp ăn bán trú đã khiến học sinh là người chịu thiệt.
“Chuẩn hóa bếp ăn bán trú” - vừa thực hiện đã gặp “sự cố”
Hàng loạt những sự kiện “nóng” liên quan đến bếp ăn bán trú xảy ra trên địa bàn Hà Nội gần đây đã khiến dư luận, phụ huynh học sinh không khỏi nghi ngại. Mới đây nhất, vào ngày 8-9 ngày đầu tiên học sinh Hà Nội bước vào năm học mới thì gần 3.000 học sinh của các trường Tiểu học Tân Định, Tiểu học Giáp Bát, Tiểu học Đại Từ quận Hoàng Mai đã suýt bị nhịn đói do đến giờ cơm trưa mà vẫn không thấy công ty cung cấp thực phẩm đâu. Sau một vài chục phút rối loạn vì học sinh kêu đói, 2 công ty cung cấp thực phẩm mới bổ nhào đi mua sữa, bánh ngọt đến cho các cháu ăn thay cơm trưa. 2h chiều, các cháu ngủ dậy lại tiếp tục ăn bổ sung mì tôm + trứng. Vì sao học sinh của 3 trường tiểu học lại không có cơm trưa?
Theo phản ánh của một số giáo viên ở quận Hoàng Mai thì các năm học trước, nhà trường đều tự đứng ra mua và chế biến thực phẩm cho bữa ăn bán trú và chưa khi nào xảy ra chuyện quên bữa của học sinh. Bây giờ, khi quận giao cho 3 đơn vị đủ điều kiện cung cấp thực phẩm cho các trường thì ngay ngày đầu tiên thực hiện, các đơn vị này “quên” luôn 3 trường tiểu học trên.
Chị Phạm Lan Chi, có con học ở Trường Tiểu học Đại Từ bức xúc: “Tối về nghe cháu kể hôm nay không được ăn cơm trưa mà phải ăn bánh ngọt, tôi khá ngỡ ngàng. Sau khi tìm hiểu từ các mẹ khác tôi mới biết là quận mới có quyết định cho các công ty đứng ra cung ứng thực phẩm trong trường học và sự cố đáng tiếc như trên đã xảy ra. Đối với các cháu, dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng bên cạnh nhiệm vụ học văn hóa. Hơn 40 bếp ăn tại các trường trên địa bàn quận Hoàng Mai mà chỉ có 3 đơn vị cung ứng thực phẩm thì họ làm không xuể là đúng rồi”. Không chỉ có thế, mà từ đầu năm học mới tới nay, theo phản ánh của một số phụ huynh ở Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Hoàng Mai thì từ ngày có đơn vị cung ứng thực phẩm mới cho nhà trường, con họ đã vài lần bị chậm bữa.
Sợ đội giá nên “siết” bếp ăn bán trú
Sự việc “bỏ đói” học sinh ở quận Hoàng Mai đã gây ồn ào dư luận, đặc biệt là sự lo lắng, bức xúc của giới phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú của các con ở trường. Trao đổi với PV Báo CAND sáng 23-9, ông Lã Văn Hưởng, Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Hoàng Mai cho biết: “Đúng là vào ngày đầu tiên của năm học mới (ngày 8/9) đã xảy ra thiếu sót. Sau sự việc đáng tiếc này, qua kiểm tra và xem xét, quận quyết định giao cho 1 đơn vị là Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á cung cấp thực phẩm cho 3 trường tiểu học trên” - ông Hưởng cho biết.
Theo ông Hưởng thì trước đây, khi chưa có các công ty cung cấp thực phẩm cho bếp ăn bán trú, các trường đều tự thực hiện việc cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, qua khảo sát của Phòng Tài chính quận Hoàng Mai thì giá một số thực phẩm được nhập vào các trường học có sự chênh lệch khá lớn so với giá ngoài thị trường. Ông Hưởng dẫn ra, như thịt bò có giá trên thị trường là 240.000 đồng/kg thì giá nhập tại một số trường lại lên đến 390.000 đồng/kg; thịt nạc vai có giá thị trường là 95.000 đồng/kg thì giá nhập tại một số trường cũng lên đến 137.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong những năm qua, trên địa bàn quận Hoàng Mai đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường Tiểu học Giáp Bát và Tiểu học Trần Phú ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh cũng như tạo dư luận không tốt nên quận đã phải xem xét lại. Cộng với những lý do khách quan khác như vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập nên UBND quận Hoàng Mai đã có chủ trương quản lý bữa ăn bán trú của học sinh một cách chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.
Từ tháng 4/2014 đến nay, UBND quận đã có các công văn giao cho các phòng, ban tiến hành đánh giá, khảo sát cũng như thẩm định các công ty có đủ khả năng cung cấp thực phẩm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho các bếp ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai. Kết quả, tính đến nay đã có 16 đơn vị đăng ký và nộp hồ sơ. Tuy nhiên, qua công tác thẩm định thì hiện mới có 3 công ty đã được UBND quận chấp nhận và ký cam kết về an toàn thực phẩm trong việc cung ứng thực phẩm cho 43 bếp ăn bán trú trên địa bàn phường là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, Công ty cổ phần Liên hiệp đầu tư xây dựng thương mại xuất khẩu thực phẩm Tiến Thịnh và Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á. UBND quận cũng đã tổ chức cuộc họp với các hiệu trưởng của 43 trường trên địa bàn quận và tất cả đều đồng tình với phương án mà quận đã đề ra. Các trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tự lựa chọn công ty cung ứng thực phẩm cho trường mình.
Ông Hưởng cũng nhấn mạnh, đến thời điểm này thì UBND quận chưa ký hợp đồng với bất kỳ công ty nào mà chỉ ký cam kết về an toàn thực phẩm để các công ty thử nghiệm việc cung cấp thực phẩm. Đồng thời, quận vẫn kêu gọi các đơn vị tiếp tục nộp hồ sơ để có thể cung cấp một cách tốt nhất nguồn thực phẩm cho các em học sinh nên không thể cho là có tình trạng “độc quyền” được. Đặc biệt, từ ngày 9/9 đến 15/9, UBND quận đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm đối với những đơn vị cung cấp thực phẩm bởi “sự cố” chưa đảm bảo kịp suất ăn cho các cháu học sinh tại 3 trường Tiểu học Tân Đinh, Tiểu học Giáp Bát và Tiểu học Đại Từ trong ngày đầu tiên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hoàng Mai có 43 trường có tổ chức bữa ăn bán trú (cả cấp mầm non và tiểu học) cho 37.000 học sinh, tuy nhiên hiện vẫn còn 7 trường chưa có bếp ăn. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hưởng thì các công ty tạm thời cung cấp cơm hộp cho các trường trên. “Hết năm 2014 quận Hoàng Mai sẽ đầu tư bếp ăn cho toàn bộ 7 trường. Và để đáp ứng công suất cung cấp thực phẩm đảm bảo cho bữa ăn bán trú, về lâu dài, chắc chắn quận sẽ tiếp tục bổ sung các công ty cung cấp thực phẩm cho các trường vì với 43 bếp ăn bán trú sẽ là “quá sức” với 3 công ty trên” - ông Hưởng thừa nhận
Tr.Hằng - Ng.Hương - Theo: CATP