Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình lý giải, quy định về việc từ chức đã được thể hiện trong luật cán bộ công chức nhưng các thành viên UB Thường vụ Quốc hội vẫn muốn đưa chế định này vào luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.
Cắt chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của các Bộ tại DNNN
Tờ trình dự luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi nêu nội dung, luật tổ chức Chính phủ năm 2001 quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ có chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước”. Tuy nhiên, trong thực tế chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, chỉ thực hiện đối với một số bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế.
Bất cập thể hiện, đa số thành viên Chính phủ thống nhất đề nghị bỏ quy định về chức năng này của các Bộ, nhưng cũng có ý kiến lo ngại cho rằng trong giai đoạn hiện nay cần giữ quy định về Bộ chủ quản này để bảo đảm sự kiểm soát, định hướng của Chính phủ đối với các hoạt động của DNNN.
Đây là lần đầu dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan soạn thảo kiến nghị bỏ hẳn quy định này với lý giải, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ do Chính phủ thực hiện. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định và phân công việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình cao của Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng.
Đồng tình với đề xuất Chính phủ song Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu chỉ ghi đơn giản như dự thảo luật là Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu thì sẽ có khoảng trống trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, như thực tế đã từng diễn ra.
Quy định cứng 1 Bộ chỉ 2-3 Thứ trưởng
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề: Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội có quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, với những người có tín nhiệm thấp, có cần thêm cơ chế từ chức không?
Luật nêu quyền hạn khá rõ, nhưng trách nhiệm thì từ Thủ tướng đến Bộ trưởng đều không rõ, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét.
Đáp lại câu hỏi của ông Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời, việc miễn nhiệm bãi nhiệm đã được Bộ Chính trị quy định và Luật Cán bộ công chức cũng có nêu, nếu cần thiết thì sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng xem có đề cập trong luật này hay không.
Chế định về Thủ tướng, Bộ trưởng cũng như cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều (ảnh: Việt Hưng).
Cùng quan điểm với ông Sơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã nêu khá rõ quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng nhưng lại không nêu rõ trách nhiệm trong việc triển khai thi hành Hiến pháp.
Cũng về vấn đề cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng băn khoăn với trường hợp, ý kiến Thủ tướng trái ý kiến Chính phủ thì nghe ai?
Về việc phân định vai trò của Thủ tướng – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng – Thứ trưởng, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển dẫn kinh nghiệm các nước. Ông nhắc đến tổ chức mối quan hệ giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng – một bên là chính khách, một bên chỉ là công chức giúp việc, hoạt động chuyên môn.
"Chúng ta có đi theo hướng đó không, hay vẫn Thứ trưởng là cấp phó của ông Bộ trưởng, có thể lên thay Bộ trưởng?"- ông Hiển muốn Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo lưu ý việc làm rõ đột phá trong tổ chức bộ máy ở cấp bộ.
Theo Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, thực tiễn có tình trạng khi điều hành lúng túng vì tính chuyên nghiệp của bộ máy, nhất là công chức, viên chức và kỳ vọng luật sửa đổi phải tạo sự đột phá trong việc tổ chức bộ máy nhà nước chuyên nghiệp.
Ông Hiển cũng kiến nghị phải quy định thẳng vào luật số lượng Thứ trưởng của một bộ mà không đưa vào nghị định quy định nữa. Ông đề xuất chỉ nên quy định mỗi bộ có 2-3 Thứ trưởng.
Chiều 30/9, UB Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo luật được xây dựng theo hướng phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo Luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính, bảo đảm gắn kết thống nhất giữa hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Dự thảo Luật phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể ủy ban nhân dân và cá nhân Chủ tịch ủy ban nhân dân theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu; ăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.