Trung Quốc là cường quốc quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương và đang phát triển các loại vũ khí theo chiến lược “ngăn chặn tiếp cận”. Nhưng sức mạnh vũ khí của Bắc Kinh đang bị nghi ngờ.
Trong vòng 10 năm qua, quân đội Trung Quốc liên tục đầu tư mua sắm và sản xuất khí tài để phục vụ chiến lược mà giới chuyên gia quân sự phương Tây mô tả là “anti-access/area denial - A2/AD” (ngăn chặn tiếp cận).
Mục tiêu là hạn chế tầm hoạt động của lực lượng Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, qua đó giành vị thế bá chủ quân sự khu vực.
Chiến lược A2/AD của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của lực lượng đối thủ ở cả trên mặt nước và trên không tại những vùng biển nhạy cảm ở châu Á như biển Hoa Đông hay biển Đông.
Do đó, các loại vũ khí A2/AD của quân đội Trung Quốc có thiết kế đặc thù để đối phó với tàu sân bay, tên lửa hành trình và máy bay ném bom của Mỹ.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định năng lực A2/AD của quân đội Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế. Tên lửa đạo đạn chống hạm DF-21D của Trung Quốc vẫn mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, các máy bay tàng hình bị xem là hàng nhái, tàu sân bay Liêu Ninh là hàng cũ kém chất lượng….
Sát thủ tàu sân bay
Tên lửa Đông Phong 21-D, sát thủ tàu sân bay của Trung Quốc - Ảnh: Wired
Theo tạp chí National Interest, loại vũ khí Trung Quốc đáng gờm nhất đối với Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong - 21D (DF-21D), được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.
DF-21D là tên lửa đạn đạo đất đối hạm tầm trung được thiết kế đặc biệt để đánh hạ các tàu sân bay của Mỹ.
DF-21D chiếm ưu thế vượt trội hơn cả so với các vũ khí chống tàu sân bay khác Trung Quốc đang sở hữu.
Tên lửa này có thể tấn công những nhóm tàu sân bay ở khoảng cách lớn hơn nhiều so với mọi thế hệ tên lửa hành trình hiện nay. DF-21D là hệ thống tên lửa đất đối hạm, có tầm bắn 1.500-2.000km.
Khi được phóng đi, tên lửa này sẽ tách thiết bị trợ đẩy và bay với tốc độ cực cao. Tốc độ và động năng sản sinh trong quá trình trên có thể gây thiệt hại nghiêm trọng khi bổ xuống đầu các tàu sân bay.
Nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc đưa DF-21D vào thử nghiệm từ đầu năm 2013 khi hai hố bom lớn xuất hiện tại sa mạc Gobi.
Dù chưa có bằng chứng khẳng định sức công phá của DF-21D, nhưng các chuyên gia dự đoán nhiều quả tên lửa dạng này có thể làm tê liệt hoặc thậm chí nhấn chìm một chiếc tàu sân bay.
Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc cho biết DF-21D là loại tên lửa đầu tiên và duy nhất của thế giới có khả năng tấn công tàu sân bay đang di chuyển.
Tên lửa DF-21D chỉ có tầm bắn từ 1.500-2.000km, không thể vươn tới đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự, nhưng cũng sẽ là đe dọa không nhỏ tới các chiến hạm Mỹ hoạt động ở tây Thái Bình Dương, biển Đông và biển Hoa Đông.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định tên lửa DF-21D của Trung Quốc có khuyết điểm lớn. “Gót chân Asin” của DF-21D là có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của tên lửa này, trong đó bao gồm phần cảm biến, đài tiếp âm và trung tâm chỉ huy.
Chính vì vậy, khi một khâu trong quy trình phóng thất bại, toàn bộ quy trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nắm được điểm yếu trên, hải quân Mỹ đang đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển công nghệ tên lửa chống tên lửa đạn đạo trên các tàu thuyền.
Ngoài ra, Mỹ còn có thể đối phó với tên lửa DF-21D bằng cách tấn công trực tiếp vào bãi phóng tên lửa với các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình khi Trung Quốc còn chưa kịp phóng tên lửa.
Với thế mạnh về chiến tranh điện tử, Mỹ còn có thể dùng các thiết bị công nghệ để gây rối khả năng định vị của DF-21 khiến tên lửa này đi chệch hướng.
Trên lý thuyết, nếu hoạt động theo đúng thiết kế, DF-21D của Trung Quốc có thể là đối thủ đáng gờm của các tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn phải mất nhiều năm để khiến cả một hệ thống đồ sộ các thiết bị bổ trợ cho DF-21D hoạt động trơn tru.
Tên lửa chống vệ tinh
Trong nhiều thập kỷ qua, vệ tinh quân sự đã đem lại cho lực lượng Mỹ một lợi thế đáng kể, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó, không có gì khó hiểu khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các hệ thống đánh chặn vệ tinh.
Cho đến hiện nay, Trung Quốc có ít nhất một hệ thống tên lửa chống vệ tinh mang tên SC-19, mô phỏng thiết kế của tên lửa đạo đạn DF-21.
Tên lửa SC-19 được trang bị KT-2 (thiết bị sát thương động lực). Khi được phóng vào không gian, KT-2 sẽ dẫn đường đến các mục tiêu thông qua hệ thống cảm biến hồng ngoại.
KT-2 không được trang bị đầu nổ nhưng có thể phá hủy các mục tiêu của đối phương khi va chạm với mục tiêu.
Ngày 11-1-2007, Trung Quốc dùng SC-19 phá hủy thành công vệ tinh thời tiết FY-1C không còn hoạt động của nước này.
Tiếp đến tháng 5-2014, giới chức Mỹ đồn đoán Trung Quốc tiếp tục thực hiện một cuộc thử nghiệm tên lửa SC-19/KT-2.
Giới quan sát cho rằng việc thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh SC-19 đang tạo ra mối nguy khôn lường cho hệ thống định vị GPS của Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẽ đặt SC-19 trên các bệ phóng có bánh xe. Điều này khiến việc định vị và phá hủy các tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có gì đảm bảo tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc có thể hoạt động đúng như trên lý thuyết.
Các chiến đấu cơ nhái?
Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc bị chê là hàng nhái - Ảnh: Avioners
Mặc dù không ngừng tung ra các loại máy bay tân tiến, Trung Quốc vẫn không tránh được những điều tiếng xung quanh việc copy thiết kế các nước khác.
Theo báo mạng Tân Lãng, Chengdu J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình hai động cơ thế hệ thứ năm do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô sản xuất.
Nó được chế tạo để ứng phó với chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và T-50 của Nga. Với tầm bay xa, J-20 có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay tiêm kích và ném bom của Mỹ như F/A-18 hay B-1 và B-2. J-20 cũng có thể tuần tra ở các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền một cách vô lý.
Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc có thể triển khai máy bay J-20 để tấn công máy bay hỗ trợ của Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra. Máy bay này cũng đủ sức bắn phá tàu và căn cứ Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định Trung Quốc đã đánh cắp thiết kế của máy bay Nga Mikoyan 1.44 và F-117 Nighthawk của Mỹ để sản xuất J-20.
Vấn đề là J-20 cồng kềnh và nặng hơn chiếc Sukhoi T-50 của Nga hay F-22 của Mỹ. J-20 còn có tốc độ siêu thanh thấp hơn và không linh hoạt bằng hai đối thủ trên.
Theo giới phân tích, Trung Quốc còn thua xa Mỹ và Nga trong công nghệ máy bay tàng hình do động cơ máy bay của Trung Quốc không đáng tin cậy.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng không thể tự sản xuất các thiết bị công nghệ cao như động cơ máy bay, vật liệu composite, bộ phận cảm biến...
Máy bay chiến đấu xuất khẩu thế hệ thứ năm J-31 của Trung Quốc cũng bay bằng động cơ RD-93 của Nga.
Tàu đổ bộ và tàu sân bay
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc nhỏ và cũ so với các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ - Ảnh: Japan Times
Một thứ vũ khí của Trung Quốc mà các nước châu Á, đặc biệt là Nhật và các nước Đông Nam Á, phải đề phòng là tàu đổ bộ Type 071.
Trung Quốc hiện có ba tàu đổ bộ Type 071 là Kunlunshan, Jinggangshan và Changbaishan và đang sản xuất thêm ba chiếc nữa. Mỗi tàu có thể chở tối đa 800 lính và 18 xe quân sự.
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc có thể dùng tàu đổ bộ để tấn công đối thủ hoặc xâm chiếm các vùng lãnh thổ nước này đòi chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong khi đó chiếc tàu sân bay cũ kỹ Liêu Ninh, biểu tượng của sức mạnh hải quân Trung Quốc, đang ì ạch trên biển.
Tháng 10-2014, trang tin Business Insider (Mỹ) dẫn bản tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết đã xảy ra vụ nổ nồi hơi trên tàu Liêu Ninh khiến hệ thống cung cấp điện của tàu Liêu Ninh bị ngưng tạm thời.
Dù người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân lên tiếng bác bỏ thông tin trên, giới quan sát vẫn không hết nghi ngờ về khả năng tác chiến thật sự của chiếc tàu cũ kỹ này.
Thiết kế cất cánh máy bay bằng mũi tàu hếch lên gây nhiều khó khăn cho việc cất cánh và hạ cánh.
Vụ hai phi công Trung Quốc thiệt mạng khi tập bay trên tàu Liêu Ninh là minh chứng cụ thể cho các yếu điểm của tàu sân bay này.