Chính phủ Mỹ lâu nay vẫn khăng khăng không trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc con tin. Vì sao Mỹ kiên định làm vậy và liệu chính sách này có phải là tối ưu?
(Từ trái sang phải) Ba công dân Mỹ bị IS hành quyết gồm James Foley, Peter Kassig và Steven Sotloff.
Vụ chặt đầu nhân viên cứu trợ Peter Kassig hôm 16/11 đã đánh dấu vụ sát hại con tin phương Tây thứ 5 bị ghi hình và tung video dưới tay của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Cho tới nay, IS đã giết 3 người Mỹ và 2 người Anh theo cách này. Hiện còn một con tin phương Tây - một phụ nữ Mỹ - trong tay IS.
Quốc tịch của những người bị giết là điều quan trọng. Trong khi các công dân Mỹ và Anh này bị giết, các con tin mang quốc tịch khác lại được IS phóng thích. Tờ New York Times đưa tin rằng, các công dân từ Ý, Đan Mạch, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Sĩ, Peru và Thụy Điển được cho là đã được thả sau khi IS nhận tiền chuộc. Mặc dù hầu hết các quốc gia đều nhất trí, về mặt lý thuyết, không trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc, nhưng nhiều nước vẫn làm một cách bí mật.
Mỹ và Anh cương quyết không làm điều đó. Và lập luận cho chiến lược đó đang bị lung lay do sự tàn bạo của IS.
Báo chí Mỹ gần đây đưa tin rằng Nhà Trắng có thể đánh giá lại chính sách về tiền chuộc. Đặc biệt, Nhà Trắng sẽ xét lại sự phản đối mà chính phủ Mỹ đã thể hiện đối với các gia đình trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc.
Trong quá khứ, Washington đã từ chối ủng hộ các khoản chi trả đó, và gia đình của cả James Foley và Steven Sotloff - hai nhà báo Mỹ bị IS chặt đầu - khẳng định rằng giới chức chổng bố Nhà Trắng từng đe dọa truy tố nếu họ gây quỹ và bí mật trả tiền chuộc.
Việc xem xét lại dường như là một sự thừa nhận rằng chính sách của Mỹ về trả tiền chuộc có thiếu sót, nhưng nó cũng đưa tới một câu hỏi đáng ngại: phương án nào là tốt hơn?
Lập luận của Mỹ về chính sách không trả tiền chuộc dựa trên 2 lý do chính. Thứ nhất, việc trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc là khuyến khích hành động bắt cóc và có thể khiến chúng nhằm vào các công dân của một quốc gia nhất định. Có bằng chứng cho thấy điều này là có thật. Pháp được tin là một trong những nước sẵn sàng trả tiền chuộc và được cho là đã chi hàng chục nghìn USD trong vài năm qua nhưng số con tin Pháp trên khắp thế giới nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.
Lý do thứ hai là một vấn đề trực tiếp hơn. Những kẻ bắt cóc thường là các nhóm cực đoan với tư tưởng bạo lực, phản đối các mục tiêu ngoại giao của Mỹ. Bằng cách đưa cho chúng một khoản tiền lớn, Mỹ có thể giúp chúng tiến gần hơn tới việc đạt được mục đích của mình. Trong trường hợp của IS, mà Mỹ đang trực tiếp chiến đấu, việc trả tiền chuộc giống như là trợ giúp kẻ thù.
Mỹ đã khẳng định lập luận trên nhiều lần, và thường chỉ trích nước khác về chuyện trả tiền chuộc.
"Các khoản tiền chuộc có thể dẫn tới những các vụ bắt cóc trong tương lai, và các vụ bắt cóc trong tương lai lại dẫn tới việc trả tiền chuộc. Tất cả đều giúp tăng khả năng của các tổ chức khủng bố nhằm tiến hành các vụ tấn công", ông David Cohen, Thứ trưởng tài chính Mỹ về khủng bố và tình báo tài chính, nói.
"Chúng ta phải tìm ra một cách đã phá vỡ vòng luẩn quẩn đó. Từ chối trả tiền chuộc và thực hiện các nhượng bộ khác trước bọn khủng bố rõ ràng là cách tốt nhất để phá vòng luẩn quẩn, vì nếu những kẻ bắt cóc không nhận được cái chúng muốn, chúng sẽ có ngừng bắt cóc các con tin", ông Cohen cho biết thêm.
Nhưng giờ đây, khi 3 con tin Mỹ bị IS hành quyết và một con tin khác đang bị giam giữ, lập luận đó bắt đầu bị lung lay. Có một sự thừa nhận rộng rãi rằng Mỹ không trả tiền chuộc đã không ngăn được Foley, Sotloff hay Kassig bị bắt cóc, và cũng không ngăn được việc họ bị sát hại.
Bản chất các vụ giết người, và một số thông tin về các yêu sách tiền chuộc (những kẻ bắt cóc được cho là đã đòi 132 triệu USD để đối lấy sự tự do của nhà báo Foley) cho thấy đây hoàn không hẳn là vì tiền. Có thể một phần là vì IS không thực sự cần tiền: Bộ tài chính pháp Mỹ ước tính IS thu được khoảng 1 triệu USD mỗi ngày nhờ bán dầu thô. Nhưng đó cũng có thể là một sự ám chỉ rằng thông điệp gửi đi từ các vụ hành quyết đáng giá với IS hơn số tiền mà chúng có thể nhận được.
Có phương án nào khác cho chính phủ Mỹ, hơn là trả những khoản tiền lớn? Một giải pháp nghe có vẻ đơn giản: Giải cứu. Điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó. Chính phủ Mỹ từng cố gắng giải cứu các các con tin Mỹ bị IS bắt giữ trong một cuộc đột kích bí mật, táo bạo hồi đầu năm nay, nhưng thất bại. Các quan chức cũng có thể cố gắng nghĩ tới một thỏa thuận trao đổi tù nhân, giống như họ đã làm với Taliban để đổi lấy việc phóng thích binh sĩ Bowe Bergdahl. Tất nhiên phương án này cũng ẩn chứa những rủi ro và sự chỉ trích riêng, và có thể không phải lúc nào cũng là giải pháp.
Sự đánh giá lại của Nhà Trắng đối với việc trả tiền chuộc phản ánh tình thế đang thay đổi và cơ hội đang hẹp dần do sự tàn bạo của IS. Nếu chính phủ Mỹ bắt đầu trợ giúp các gia đình bí mật trả tiền chuộc, đó là một sự thừa nhận rằng trả tiền chuộc là một chiến lược không phải tối ưu nhưng tất cả các phương án khác trong tình thế này cũng không hoàn hảo.