Theo báo "Liên hợp Buổi sáng", bài viết với tựa đề "Sức mạnh Mỹ như thế nào?” được cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John E. McLaughlin gần đây đăng trên trang mạng xã hội đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Đã đến lúc Mỹ cần phải thực sự nhìn nhận lại mình. Ảnh: AFP/TTXVN
Bài viết cho rằng bản thân người Mỹ đã luôn gắn từ "sức mạnh" với vai trò lãnh đạo thế giới. Ngoài ra, đa phần người Mỹ đều cho rằng việc Mỹ lãnh đạo thế giới là một điều hiển nhiên và Mỹ sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò này. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng của thế giới trong hơn chục năm gần đây, ví dụ sự hỗn loạn ở Trung Đông và Bắc Phi, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, việc Nga thách thức trật tự ở châu Âu và sự trỗi dậy của Trung Quốc, đều có tác động to lớn đối với vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.
Vì thế, McLaughlin đã đưa ra câu hỏi: Trật tự thế giới trong sự chi phối của Mỹ liệu sắp trôi qua? Sức mạnh của Mỹ có phải sắp hết? Thực ra, câu hỏi kiểu như vậy trong những năm gần đây đã xuất hiện không ít trong giới học giả ở Mỹ.
Thật vậy, trong hai cuộc chiến tranh thế giới, đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai, Mỹ đã sử dụng hệ thống chính trị ưu việt của mình để từng bước phát triển sức mạnh kinh tế siêu cường, trở thành cường quốc số một thế giới. Đặc biệt sau sự tan rã của Liên Xô, Mỹ càng cho thấy sức mạnh tuyệt đối của mình trên thế giới.
Tuy nhiên, những yếu tố đã kể trên cùng với những diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã khiến sức mạnh của Mỹ bắt đầu giảm sút. Theo thống kê, sức mạnh kinh tế của Mỹ so với quy mô kinh tế toàn cầu trong 10 năm đầu thế kỷ 21 đã giảm 30%, và nếu so với sự phát triển nhanh chóng của các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, con số này còn lớn hơn.
Tất nhiên, sự suy giảm sức mạnh kinh tế sẽ ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ. Ngoài ra, do chịu gánh nặng rất lớn về kinh tế và quân sự trong hơn 10 năm qua ở hai chiến trường Iraq và Afghanistan, cùng với đó là duy trì “trách nhiệm cảnh sát thế giới”, Mỹ đã phải tiêu tốn mức chi tiêu quốc phòng rất lớn. Trong khi đó, suy giảm kinh tế dẫn đến suy giảm sức mạnh quân sự, điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ.
Mặc dù Mỹ có sự cân bằng quyền lực hai đảng trong một thời gian dài mang lại những ưu điểm đặc trưng, nhưng sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai đảng cũng gây ra những trở ngại cho chính phủ. Việc các nhà lãnh đạo chính trị hai đảng từ chối hợp tác, thỏa hiệp dẫn đến chính quyền bị tê liệt, mà một ví dụ rõ nhất là đầu năm nay việc hai đảng tranh cãi về dự toán đã khiến cho chính phủ Liên bang phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, có lẽ chính do việc Mỹ thực hiện hệ thống chính trị lưỡng đảng hiện đã dẫn việc nhiều “vấn đề” tồn tại lâu dài trong xã hội mà không thể giải quyết, chẳng hạn như chế độ kiểm soát súng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và ảnh hưởng của nó đến phát triển nền kinh tế, khiếm khuyết trong chế độ bảo hiểm y tế cho người dân…
Ông McLaughlin cho rằng Mỹ muốn lãnh đạo thế giới cần phải có những cải tiến. Mỹ cần phải phá vỡ thế bế tắc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai đảng, cải thiện hệ thống giáo dục và áp dụng chế độ nhập cư để cải thiện tình trạng dân số già.
Ông McLaughlin cũng quả quyết rằng Mỹ cần phải lãnh đạo thế giới, nhưng phải thay đổi phương thức. Do Mỹ đã không còn có khả năng một mình lãnh đạo thế giới, nước này cần dựa vào một liên minh để lãnh đạo thế giới. Đó cũng là nội hàm của chiến lược “tái cân bằng châu Á” mà Mỹ đang cố gắng đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Tóm lại, tác giả cho rằng đã đến lúc Mỹ cần phải thực sự nhìn nhận lại mình, một mặt bảo đảm việc thực hiện tính ưu việt trong hệ thống chính trị của mình, đồng thời cũng căn cứ vào tình hình quốc tế để tiến hành sửa đổi nhằm phù hợp với những diễn biến của tình hình quốc tế. Điều này không chỉ bảo đảm vai trò lãnh đạo thế giới mà còn giúp cho sự phát triển của bản thân nước Mỹ.
Lê Hải - Theo Dân Trí